Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!

1. Cảm thức hậu hiện đại

Điều tôi biết chắc chắn nhất là tôi không biết gì cả. Không biết gì cả, còn đỡ. Cả tôi cũng không là gì cả. Tôi chỉ là đống thô ráp, tạp nham, tùy tiện hợp thành. Thêm món thành tích với danh hiệu. Chẳng có gì làm chắc chắn. Không gì cả, hỗn hợp ấy dễ thay đổi và tan rã. Cái thân tứ đại tôi là tôi, nhưng nó là hệ quả từ sắc của cha mẹ của cha mẹ của cha mẹ tôi với bao tạp nham của họ. Thọ là tôi, nhưng càng ngày nó càng bị nhiễm ô đến không còn còn có gì là thuần khiết ở đó. Niềm vui, nỗi khổ kia tưởng là của tôi nhưng nó bị tác động và thao túng qua mênh mông thọ khác được kể lại, giải thích lại. Nỗi buồn kia chưa hẳn là buồn riêng tôi bởi ít nhiều nó đã nhuốm màu Lamartine, Huy Cận. Màu xanh hết còn là màu xanh của cây lá thực bởi tôi đang nhìn nó qua con mắt Gauguin. Tưởng với Hành càng không thuộc về tôi. Môi trường tự nhiên và xã hội, nền giáo dục tôi thụ hưởng, hệ tư tưởng tôn giáo tôi chịu đựng, mấy ngàn cuốn sách tôi đọc, vân vân. Tất cả quy định tính khí, khuynh hướng, động lực, hành động… tôi.

Tôi chỉ là một văn bản, một text – nói như hậu hiện đại. Một văn bản được viết từ quá khứ sang hiện tại [và cho dù vô danh tiểu tốt tới đâu tôi vẫn tác động] đến tương lai. Tôi [hay tập thể tôi] ngẫu nhiên, tạp nham và bất toàn ấy nhận thức với giải thích thế giới qua thứ ngôn ngữ chắp vá đầy bất toàn của tôi. Rồi tôi [hay tập thể tôi] khác bên cạnh, xung quanh cũng như ở các nền văn hóa khác cũng hành xử hệt như thế. Tôi [hay tập thể tôi] không phải diễn ngôn discourse thế giới thực nữa, mà là giải thích từ giải thích qua bao nhiêu giải thích khác từng hiện hữu trước đó. Và lạ, tôi [hay tập thể tôi] kia một mực cho rằng chỉ có cách diễn ngôn của ta là đúng nhất.

Vấn đề không phải là giải thích thế giới, vấn đề là cải tạo thế giới, – không ít nhà cách mạng đã kêu lên như thế. Chưa “hiểu” thế giới hoặc hiểu thế giới sai lệch và thiếu khuyết thì làm gì nói chuyện cải tạo thế giới? Chiến tranh và bạo động là điều không thể tránh. Chưa phát động chiến tranh, không giết chóc ai cũng là bạo động. Hậu hiện đại chống lại nhận thức, ý định và hành động đầy ảo tưởng đó. Vậy, làm gì?

Có thể nói, chữ DE giải mã hóa được tất cả khía cạnh của vấn đề hậu hiện đại: trong sống, từ lối nghĩ cho đến ứng xử hay hành động; trong văn chương, từ thủ pháp cho đến giọng điệu…

Hậu hiện đại cảm nhận thế giới như là hỗn độn; con người bất tín nhận thức epistemonogical từ đó dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin vào đại tự sự grand narratives. Hành động cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm hay phi tâm hóa decentralization, de-centring; nó quyết đạp đổ mọi bức tường ngăn mang tính phân biệt đối xử ở mọi dạng thức, cấp độ.

Lối viết đặc trưng của hậu hiện đại là giễu nhại parody (khác với mô phỏng pastiche); tinh thần văn phong của nó là tính phi nghiêm cẩn unseriousness; còn về hình thức, hậu hiện đại xóa nhòa ranh giới phân biệt thể loại; vô phân biệt đề tài cao cấp hay thấp cấp, ngôn ngữ thông tục hay sang trọng,… nhưng không vì thế mà nó tự biến mình thành sản phẩm văn nghệ thứ cấp dành cho giới bình dân phổ thông.

Về tư duyý niệm, hậu hiện đại không câu nệ hay bó buộc vào một “định hướng” hay “định tính” nào bất kì. Hậu hiện đại mà chỉ biết có hậu hiện đại thì hết còn là hậu hiện đại, là thế.

2. “Hoàn cảnh” hậu hiện đại the postmodern condition Việt Nam

Thế giới là vậy. “Hoàn cảnh” hậu hiện đại the postmodern condition Việt Nam có khác, khác từ truyền thống đến hiện đại, nên nó sản sinh ra hậu hiện đại Việt Nam khá đặc thù.

Trong truyền thống, tính “hậu hiện đại” postmodernity có sẵn trong đời sông Việt Nam. Thượng đế đã chết của Nietzsche không khác mấy Phùng Phật sát Phật của Thiền sư Vân Môn; hay “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh” của Tuệ Trung Thượng Sỹ. Song hành với tính nghi ngờ ngôn ngữ của các bậc trí huệ (Phật giáo), trong dân gian là tính không tin truyền thông đại chúng (“nhà báo nói láo ăn tiền”), tính không tin trung tâm quyền lực (“phép vua thua lệ làng,” “hơi đâu lo mấy chuyện cung đình”), tính giễu nhại những bài ca phổ biến, khôi hài, xỏ lá những chuyện xem như quan trọng, tính hầm bà lần.

Chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội.

Hiện tại, xã hội Việt Nam hiện tại tồn tại cùng lúc đặc tính các dấu vết của nhiều thời kì lịch sử khác nhau của nhân loại: hậu hái lượm, tiền nông nghiệp, phong kiến, bán công nghiệp xã hội chủ nghĩa, hậu thực dân, hậu sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa, hậu chiến cùng các hệ lụy của nó (Bắc – Nam, vượt biên và Việt kiều, tàn dư chế độ tiền tư bản và hậu cộng sản), hiện đại và hậu hiện đại,… tất cả đang tác động đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.

Việt Nam là đất nước đa sắc tộc (hơn 54 sắc tộc vừa tập trung vừa rải rác khắp miền đất nước) khả năng tạo lập nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, làm giàu sang nền văn hóa đa dân tộc. Hiện tại, sự thể đã không diễn ra như thế. Hiện nay đang tồn tại vài “trung tâm” tiêu biểu: Hà Nội và Sài Gòn là trung tâm văn hóa cả nước, chi phối các phần còn lại. Đất nước đa dân tộc, nhưng người Kinh và tiếng Việt hiện là trung tâm. Hội Nhà văn và văn học dòng chính, các nhà xuất bản Nhà nước, báo chí chính thống là trung tâm sinh hoạt văn chương chữ nghĩa. Vài mĩ học văn học lạc hậu đang chiếm lĩnh diễn đàn, thao túng sáng tác, hưởng thụ và phê bình văn chương đương đại,…

“Đại tự sự” thường gắn với cam kết xây dựng “thì tương lai”, mà tương lai Việt Nam hiện nay là thứ mù mịt. Hai mươi năm Việt Nam làm chiến trường thí điểm của hai hệ tư tưởng lớn chi phối toàn cầu: cộng sản và tư bản. Chiến tranh kết thúc, khi tất cả chỉ còn là tan nát, li tán và trì trệ, mọi người đã mất hết niềm tin vào “đại tự sự” – các đại tự sự kiểu Việt Nam.

Ngay cả những biểu tượng, hình ảnh lâu nay được coi là linh thiêng, là bất khả xâm phạm nhưng qua chứng cứ khoa học, thực tiễn lịch sử và thực tế cuộc sống, đã tự đánh mất tính thiêng liêng. Chúng hiện nguyên hình cái sự thực thô tục, trơ trẽn và dối trá.

Truyền thống văn học Việt Nam là văn chương truyền khẩu. Qua ngàn năm Bắc thuộc, nền văn học ấy bị chi phối toàn diện bởi văn học Trung Quốc. Rồi bảy mươi năm kể từ thập niên 30 của thế kỉ XX, văn chương Quốc ngữ Việt Nam chuyển hướng, từng bước rời bỏ hai dòng kia để tiếp nhận nhiều luồng gió khác nhau thổi tới, từ Pháp, Nga, Mỹ, vân vân… Các nền văn học ấy thay phiên hay cùng lúc có mặt tạo nên nhiều trào lưu văn học [kiểu Việt Nam] khác nhau, nhiều thái độ viết và phương cách tồn tại khác nhau. Cạnh đó không thể không tính đến văn chương của người Việt hải ngoại…

Tất cả làm nên mảnh đất phì nhiêu cho tư tưởng và văn học hậu hiện đại đâm chồi và lớn mạnh. Trong thực tế, không ít nhà văn Việt Nam đã sống với, qua và trong chúng, hiểu biết chúng đến tận gốc rễ, và có thể nói – chịu đựng chúng. Việt Nam đang hình thành một lớp tác giả bất tín hoàn toàn với mấy nỗi ấy và, quyết “giải” chúng. Một số lớn họ gồm những tinh thần yêu chuộng tự do và công bằng, những con người đầy tài năng và say mê sáng tạo.

3. Môi trường văn học của hậu hiện đại Việt Nam

Nhà văn Việt Nam tiếp nhận và phát triển hậu hiện đại vừa bất cập vừa không mấy an bình và nhất là – luôn bị dị nghị, hơn thế – bị đẩy ra ngoài lề.

Vào những năm cuối thế kỉ XX, nhà văn trong nước nhận ảnh hưởng trực tiếp từ các sáng tác, dịch thuật và nghiên cứu, lí luận trên tạp chí ThơHợp lưu ở Mỹ, Việt ở Úc,… Sau đó, họ cũng biết tìm đến tận nguồn hậu hiện đại thế giới.

Dù manh nha từ khá sớm, ngoài sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thật sự chỉ nở rộ cùng với sự ra đời của văn chương mạng vào đầu thế kỉ XXI. Tác giả hậu hiện đại Việt Nam thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau, từ tác giả mới xuất hiện lần đầu cho đến nhà văn, nhà thơ đã thành danh chuyển hệ sáng tạo. Có tác giả đậm chất hậu hiện đại, bên cạnh những cây bút mà các sáng tác mang ít nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp. Đại đa số sống và viết ở các tỉnh phía Nam (Sài Gòn là chính).

Khi dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa, sáng tác tiền hiện đại và lãng mạn hậu thời là mĩ học sáng tác chủ lưu của văn chương Việt Nam đương đại, nhà văn hậu hiện đại Việt Nam viết chủ yếu để chống lại văn học đương thời. Họ không giải trung tâm thuần túy mà nghiêng hẳn về phía ngoại vi các loại; từ ngôn từ cho đến cách thể hiện. Do đó nhìn chung, hậu hiện đại Việt Nam cực đoan không kém các phong trào tiền phong. Khi dòng văn học chính thống thống ngự toàn bộ văn đàn, phản ứng của hậu hiện đại Việt Nam là phản kháng quyết liệt sự thao túng đầy độc đoán đó. Do vậy, hầu hết sáng tác hậu hiện đại mang đậm yếu tố chính trị. Bởi văn chương dòng chính né tránh hiện thực thời sự đương thời, nên đề tài sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thường là hiện thực trần trụi, phơi trần bề tối của xã hội thể hiện chủ yếu qua giọng giễu nhại. Cùng lí do, tuyệt đại bộ phận họ chấp nhận tồn tại ngoại biên, sinh hoạt vỉa hè,…

4. Các tác giả hậu hiện đại Việt Nam

Điều lạ là, trong khi lí luận và dịch thuật phát triển sớm và mạnh ở Hà Nội, thì sáng tác nằm chủ yếu ở Sài Gòn. Cuối thế kỉ trước bước sang thế kỉ XXI, rải rác các tiểu luận và bản dịch về hậu hiện đại của Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Hoàng Hưng, Nguyễn Ước, Ngân Xuyên, Trần Quang Thái, Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Viết Đào,… đã xuất hiện. Cùng thời điểm, hay sau đó ít lâu là hàng loạt sang tác hậu hiện đại: Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Viện, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Đặng Thân, Phương Lan, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Hoàng Long, Vương Văn Quang, Nguyễn Đình Chính, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Phạm Tường Vân, Lê Hải, Bỉm, Jalau Anưk, Liêu Thái, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Khánh Phương, Lưu Mêlan,… ra đời, qua đường chính thống, phi chính thống lần trên mạng internet.

Riêng phê bình thì có vẻ chậm chân hơn. Inrasara, Trần Ngọc Hiếu, Liêu Thái,… chỉ góp phần giới thiệu sáng tác hậu hiện đại, khi phong trào này đã đi được nửa chặng đường.

5. Các thủ pháp chính của hậu hiện đại Việt Nam

“Hoàn cảnh” hậu hiện đại khác, môi trường và điều kiện tiếp xúc khác, cho nên các thủ pháp hậu hiện đại cũng được các tác giả hậu hiện đại Việt Nam tiếp nhận và chế biến hơi khác so với hậu hiện đại thế giới.

Thơ thì phải có chất thơ, quan niệm cũ xưa là vậy, hậu hiện đại nghĩ khác. Lấy chất liệu từ báo chí, không ngại sử dụng chính văn phong báo chí để làm nên bài thơ. Lý Đợi đã làm thế qua bài thơ “Một nhà thơ bị đánh chết”.

Về ngôn ngữ cũng không khác gì: tứ thơ đẹp đi liền ngôn từ đẹp để tạo nên bài thơ thật nên thơ. Hậu hiện đại phi tâm hóa ngôn từ bằng cách cố tình sử dụng ngôn ngữ thông tục đến thô tục đậm đặc trong các sáng tác của mình, vô phân biệt từ sang trọng với thấp hèn, linh thánh với trần tục.

Lâu nay thơ cứ kì khu, kì khu đến giả tạo. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát dùng đúng sáu âm để cười vào thứ văn chương [cũng như tình cảm và lối hành xử] giả tạo đó. Như là một cách dùng độc trị độc, đánh thức ý thức tự phản tỉnh của người viết và người đọc.

Lịch sử không đáng tin cậy, cả lịch sử cá nhân được kể lại qua dạng “hồi kí”, tự thuật. Qua bài “Hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”, Phan Bá Thọ chế biến tiểu sử Hemingway lẫn Phạm Duy với nhiều chi tiết thật giả lẫn lộn, trong đó giả nhiều hơn thật. Đó là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction.

Inrasara qua Hàng mã kí ức kể chuyện đời thật, nhưng vẫn cứ cho đó là tiểu thuyết. Bởi các sự thật luôn thiếu khuyết và bất toàn, bất toàn này lại được chọn lựa, bị xuyên tạc, bóp méo [một cách vô thức hay ý thức] và cuối cùng được diễn tả qua ngôn ngữ đầy hạn chế của nhà văn.

“Tôi là cột điện” là bài thơ [trình diễn] thành công của Lê Anh Hoài. Cột điện tại các thành phố chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người, không là chuyện lạ. Nhưng tự nguyện mang thân xác phàm trần đứng ra làm cột điện chịu trận ấy với mục đích nghệ thuật, thì ở Việt Nam – đây mới là đầu tiên. “Tôi là cột điện” gửi đi một thông điệp rất khác. Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi diễn giải mang tính xã hội và nghệ thuật, rộng và sâu.

Lâu nay, vần trong truyền thống thơ Việt là nguyên âm hay nguyên âm kết hợp phụ âm cuối, Đặng Thân nghĩ: Tại sao không thể sử dụng thi pháp lặp lại là phụ âm đầu? Nghĩ là làm. Thế là nhà thơ này dành nguyên tập Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi] để chế tác thơ kiểu này.

Không ít tác giả viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, là cách phi tâm hóa thể loại. Đặng Thân (“Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]”) còn phi tâm hóa thể loại quyết liệt hơn nữa bằng cách xóa nhòa ranh giới thơ – văn xuôi – tiểu luận.

Thơ hình họa pictographic poems hậu hiện đại như “Quà tặng của Quỷ sứ” của Trần Wũ Khang khác hẳn loại hình này thuở chủ nghĩa hiện đại (Apollinaire, Cunnings chẳng hạn). Nó hết là trò chơi thuần kĩ thuật, mà nội dung cư trú ngay trong hình thức.

Cuối cùng, hiện đại quan niệm nghệ sĩ là phải độc sáng, làm ra cái gì chưa hề có trước đó. Bùi Chát nghĩ khác: mỗi sáng tác là mỗi vi phạm bản quyền. Nhà thơ này đã chế tạo nguyên tập thơ Xin lỗi chịu hổng nổi bằng cách nhại các bài thơ nổi tiếng của những nhà thơ khác.

Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!

Sài Gòn, 5-8-2011

Inrasara

_____________________

Về sáng tác hậu hiện đại Việt Nam, xem thêm:

– “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008.

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, nghiên cứu, phê bình và tuyển thơ, Tienve.orgInrasara.com, 2009.

Nguồn: vanvn.net.

Exit mobile version