Không thể mặc nhiên nói đến thực tiễn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại nếu không chứng minh được những “điều kiện hậu hiện đại” của nó từ văn hóa. Nói khác đi, việc chứng thực sự tồn tại của một thực tiễn văn học hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ có cơ sở khi người nghiên cứu chỉ ra được những điều kiện (tiền đề, hoàn cảnh) hậu hiện đại của nó trong văn hóa. Đây cũng là vấn đề chưa được các nhà nghiên cứu hậu hiện đại ở nước ta quan tâm thỏa đáng. Bài viết của chúng tôi sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.

Theo nhận biết của chúng tôi, điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam biểu hiện cụ thể ở các bình diện sau đây.

Thứ nhất: Các tiền đề lịch sử, xã hội và ý thức.

Xét về mặt cấu trúc xã hội, chúng ta chưa trải qua thời hiện đại. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam từ xa xưa đã tiềm tàng “tâm thức hậu hiện đại”. Trước hết, ở Việt Nam, tinh thần hoài nghi cái chính thống, thái độ hoài nghi đối với chân lí… vẫn được xem là một biểu hiện thường tại trong tâm thức cộng đồng. Thái độ, tâm thức này có thể tìm thấy trong hàng loạt câu nói dân gian, kiểu như: “Miệng quan, trôn trẻ”, “Muốn nói gian làm quan mà nói”, “Tuần hà là cha kẻ cướp”, “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/ Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”, “Con ơi mẹ bảo câu này/ Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”, “Nam mô bồ tát bồ hòn/ Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau”, “Chân lí là cái lí có chân”… Ở thời trung đại, trong thơ Hồ Xuân Hương, người ta bắt gặp cái nhìn giải thiêng, thái độ bỡn cợt cái chính thống và sự xuất hiện khá dày mảng từ vựng thể hiện thân thể phụ nữ, hoạt động tính giao. Gần đây hơn còn phải kể tới hiện tượng thơ Bút Tre (Đặng Văn Đăng) với chất trào lộng đậm đặc, sự giải thiêng, thủ pháp cắt mảnh, giễu nhại… rất gần gũi với cảm thức và tư duy hậu hiện đại như cách hiểu của phương Tây về cụm từ này.

Xã hội Việt Nam từ sau 1945 đến 1985 hoàn toàn không đủ điều kiện thông tin để có thể dẫn tới tình trạng “phì đại” hiện thực, “ngụy tạo” (như cách diễn đạt của J. Baudrilard về xã hội phương Tây) nhưng lại có đầy đủ điều kiện để tạo nên những “phì đại xã hội” và những kiểu “ngụy tạo” hiện thực theo cách riêng của mình. Trong giai đoạn dày đặc sự kiện này, thế ưu thắng thuộc về các tư tưởng cộng đồng. Ở đây, cái xã hội luôn đứng cao hơn cái cá nhân và chủ nghĩa tập thể được xem là nguyên tắc cao nhất cho mọi hình vi của con người. Theo độ lùi thời gian, người ta hiểu ra, cái gọi là sức mạnh tính tập thể, tính cộng đồng và các kế hoạch đầy ảo tưởng, duy ý chí liên quan đến nó, trên thực tế đã phá hủy rất nhiều các mối quan hệ tốt đẹp của con người với con người trong gia đình, ngoài xã hội. Cái cá nhân, cái cụ thể bị đè nén, tạo thành những ẩn ức và sự sợ hãi. Điều này cũng được thể nghiệm sinh động trong nhiều tác phẩm văn học sau đấy, chẳng hạn như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh, Bước qua lời nguyền, Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh…

Cùng với sự phì đại xã hội là sự “phì đại vật chất”. Nguyên lí vật chất là yếu tố mang tính thứ nhất được quán triệt ở mọi lúc, mọi nơi, trở thành một thứ quyết định luận đầy ngụy tạo. Vật chất của tự nhiên bị sửa chữa, nhào nặn lại theo ý định của con người, trở thành mặt đối lập của chính nó. Trong khi đó, đời sống vật chất của con người cực kì khó khăn. Tình trạng kinh tế của xã hội chỉ trở nên huy hoàng trong các chỉ thị, các bản báo cáo thành tích và trong các bản phương hướng. Vật chất, cái được coi là tính thứ nhất luôn bị trừu xuất khỏi thực tế một cách không thương tiếc. Xã hội được “làm ra” bởi tư tưởng, bởi các bản báo cáo và các kế hoạch năm năm, bởi đài phát thanh, báo chí, và các loa truyền thông công cộng. Hợp tác xã trở thành hình ảnh về hợp tác xã, nông trường trở thành hình ảnh của nông trường. Sau chiến tranh, vào giai đoạn 1976 – 1985, cơ chế kinh tế bao cấp trên thực tế đã để hậu quả nặng nề nghiêm trọng cho đất nước.

Ai nấy đều biết, tính trích dẫn là một đặc điểm của nghệ thuật hậu hiện đại. Tuy nhiên điều này cũng không xa lạ trong không gian văn hóa của chúng ta thời kì này. Có điều, khác với trong nghệ thuật hậu hiện đại, trích dẫn ở đây không phải một trò chơi, mà ngấm vào thành máu thịt trong con người. Lời trong văn bản là lời ai đó chứ không phải của người viết. Trích dẫn ý kiến, đặc biệt là ý kiến lãnh đạo đã trở thành một “hệ hình” của tư duy. Văn bản dẫn ra được ý kiến các nhà kinh điển, các nhà tư tưởng, hay lãnh đạo thì coi như đã được bảo chứng về tính hợp thức của vấn đề.

Những năm gần đây, người ta chứng kiến sự “phì đại tinh thần” trong đời sống xã hội. Đó là sự phì đại các phong trào, các cuộc vận động, các cuộc thi, phì đại các lời hứa hẹn… Sự phì đại này biến “siêu” thành “giả”, thành cái “ngụy tạo” của văn hóa đương đại. Không phải ngẫu nhiên, trong đời sống xã hội gần đây, tâm trạng hoài nghi ngày càng trở nên phổ biến. Có thể nhận ra, chưa bao giờ những lời chính thống trở nên rỗng nghĩa như hiện nay. Các thông tư nghị định chằng chịt. Văn bản này vừa ra, văn bản kia đã kịp cãi lại nó. Lời (kể cả lời chính thống) cũng trở thành trò diễn. Ra đường, chỗ nhà chức trách ghi “Cấm vứt rác”, ta sẽ thấy nhiều rác nhất. Còn chỗ ghi: “Cấm đái bậy”, thế nào cũng là chỗ người ta đái bậy nhiều nhất. Thậm chí trong các cuộc họp Quốc hội, người ta còn đặt vấn đề: “Thế nào là lời hứa của Bộ trưởng?” (1), “Phải làm rõ thế nào là lời hứa của Bộ trưởng?” (2).

Như thế, khi hiện thực bị biến thành văn bản, ngụy tạo có ở khắp nơi (khẩu hiệu, pano, áp phích, thơ ca, các bản báo cáo thành tích). Thực tại trở thành một hiện thực “vô tăm tích”. Tính trò diễn của ngôn từ liên tục bị bắt quả tang. Người ta ngày một trở nên quen với những lời hứa suông, trước hiện cảnh nói một đằng, làm một nẻo, và thậm chí, chỉ nói, và không bao giờ làm cả. Từ mất niềm tin đến “không có niềm tin để mất”, một kiểu tâm thức rõ rệt đã hình thành. Tâm thức này sẽ bén lửa rất nhanh với tâm thức hậu hiện đại, trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế và toàn cầu hóa.

Thứ hai: Giao lưu văn hóa quốc tế và toàn cầu hóa.

Sự thay đổi cấu trúc xã hội từ sau 1975 (đặc biệt là từ sau 1986) gắn với tinh thần đổi mới và những cảm trạng mới đã góp phần tạo những tiền đề quan trọng trong việc tiếp thu văn hóa, nghệ thuật nước ngoài, đặc biệt là của phương Tây. Trên thực tế, sự tiếp thu và tiếp biến văn hóa phương Tây là quá trình đã diễn ra từ khá lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, trong giai đoạn đặc thù 1945 – 1975 (chiến tranh, chia cắt…), quá trình này bị gián đoạn, thu hẹp. Từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986 (sau Đại hội Đảng lần thứ VI), chính sách đối ngoại của Việt Nam có một bước tiến quan trọng, mở đường cho cuộc hội nhập này. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng cộng sản Việt Nam (1991) tuyên bố chính sách “đối ngoại rộng mở”: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (3). Từ năm 1991 trở đi, với chính sách ngoại giao đa phương, Việt Nam đã “tham gia nhiều diễn đàn khu vực và liên khu vực quan trọng: là thành viên tổ chức hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) (1998); là thành viên sáng lập của Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF (1994), diễn đàn Á – Âu (ASEM) (1996), Diễn dàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh – FEALAC (1999). Việt Nam đã tích cực hoạt động trong các tổ chức khu vực và quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ tháng Bảy 2000 đến tháng Bảy 2001, Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN và ARF…” (4).

Cùng với đường lối ngoại giao, toàn cầu hóa gắn với sự bùng nổ thông tin cũng là một tiền đề quan trọng cho sự xuất hiện của các yếu tố hậu hiện đại trong đời sống văn hóa Việt Nam. Như một qui luật khách quan của thế giới gần đây, Việt Nam hiện đã thực sự nằm trong dòng chảy này. Theo nhà nghiên cứu Phan Doãn Nam, đến năm 2006, sau 20 năm tiến hành đổi mới, “nước ta đã có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 169 nước, trong đó có tất cả các nước láng giềng và các nước lớn, có quan hệ thương mại với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn” (5).

Một trong những tiền đề quan trọng cho sự xuất hiện của văn hóa hậu hiện đại ở Việt Nam là sự ra đời và phát triển của internet. Theo các số liệu thống kê gần đây, số người sử dụng internet ở Việt Nam tăng tốc chóng mặt. Tổ chức Ngân hàng thế giới, Chỉ báo phát triển thế giới cho biết, vào thời điểm 2008, ở Việt Nam đã có 24,2 % dân số sử dụng internet (ước tính khoảng gần 27 triệu người) (6). Theo khảo sát của Phòng nghiên cứu và phân tích số liệu VNG, vào tháng 7 – 2010, ở Việt Nam đã có khoảng 31 triệu người sử dụng internet (7). Mạng Royal Pingdom xếp Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới về số người sử dụng internet (8).

Có thể nói, internet vừa với tư cách một phương tiện kết nối cá nhân với tinh thần thế giới, vừa là một phương tiện xuất bản mới đã tạo thành một điểm nhấn quan trọng trong đời sống văn hóa và văn học đương đại. Chưa kể tới hàng trăm tờ báo mạng với số lượng truy cập khổng lồ mỗi ngày, chỉ riêng sự ra đời và hoạt động tích cực của các chuyên trang văn học điện tử từ khoảng gần một chục năm trở lại đây đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của hình thức sinh hoạt văn học rất mới mẻ này. Trên thực tế, văn học mạng đã làm thay đổi nhiều mặt các quan niệm truyền thống về sáng tác và tiếp nhận văn học. Hàng trăm các trang mạng văn học trong nước và nước ngoài với sự cập nhật, đăng tải thường xuyên các thông tin văn hóa, văn học thực sự đã trở thành diễn đàn giao lưu, trao đổi hàng ngày, hàng giờ của những người hoạt động văn học và những người yêu thích văn học. Một số lượng khổng lồ các tiểu luận, bài dịch, tranh luận về hậu hiện đại cũng như các sáng tác thể nghiệm tinh thần hậu hậu hiện đại đã được đăng tải ở đây. Chỉ cần một vài động tác bấm chuột máy tính, người ta có thể kết nối với bất cứ không gian văn hóa, văn học nào trên thế giới, những nơi có hoạt động của internet. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến sự phát triển tăng tốc gần đây của các phương tiện nghe nhìn và truyền thông hiện đại khác như điện thoại di động, vô tuyến truyền hình với các tính năng kết nối cực kì thuận tiện. Trong điều kiện đó, các công dân đều có tiềm năng trở thành công dân toàn cầu, và tất cả các trào lưu nghệ thuật trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hay đã khép lại đều có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ, có thể để lại cho chúng ta những kinh nghiệm thẩm mĩ quí báu. Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng không là một ngoại lệ.

Thứ ba: Các tiền đề từ văn học.

Ngày nay, những khái quát về đặc điểm văn học hậu hiện đại không khỏi nhắc nhớ chúng ta về những cơ sở tiềm tàng của nó từ trong truyền thống. Mặc dầu có sự khác nhau khá xa giữa các đặc tính của văn học hậu hiện đại với đặc tính của các hiện tượng văn học trước đó, song nhìn trên bình diện cảm quan, có thể nói, tinh thần hoài nghi cái chính thống, chống duy lí trên thực tế đã xuất hiện từ lâu trong truyền thống, còn xét trên bình diện kĩ thuật, người ta cũng không bất ngờ trước các yếu tố nhại, tính pha trộn thể loại, hình thức huyền thoại… vì chúng vốn đã xuất hiện ngay trong các sáng tác dân gian. Trong tiến trình văn học, chúng ta đã có những kinh nghiệm và trải nghiệm quí báu trong tiếp xúc với các nền văn học nước ngoài. Ở thời trung đại, đó là sự tiếp xúc nhiều mặt với các nền văn học Trung Hoa, Ấn Độ. Từ cuối thế kỉ XIX trở đi là sự tiếp xúc với các trào lưu văn học phương Tây, văn học Nga và châu Mĩ. Ngay trong giai đoạn 1930 – 1945 ở miền Bắc, 1954 – 1975 ở miền Nam, chúng ta đã có những tiếp cận bước đầu với chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, ở miền Bắc, bởi những đặc thù lịch sử nên những tiếp cận ban đầu này nhanh chóng bị gián đoạn. Giai đoạn 1945 – 1975, nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cơ bản loại bỏ tính hiện đại ra khỏi sáng tác văn học, đưa văn học trở về trạng thái sử thi.

Thành tựu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên mảnh đất hiện thực nhiều ngụy tạo, loại hình văn học này cũng xây dựng nên không ít các hình tượng ngụy tạo. Ở đây, có điều không hẹn mà gặp, nếu phương Tây có thuật ngữ sự biến mất của hiện thực, thì ta cũng có sự trống rỗng cái được biểu đạt. Đằng sau cái biểu đạt, hầu như chẳng có thực tại nào. Nhà văn Phạm Thị Hoài gọi đấy là hiện tượng “Hư cấu thật, hiện thực giả”, “hiện thực giả hóa thân vào hư cấu thật” (9).

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng chủ trương dung hợp tất cả các nghệ thuật truyền thống (trừ sự tự mỉa mai), chủ trương tiếp thu các tinh hoa của nghệ thuật nước ngoài, trừ nghệ thuật hiện đại của giai cấp tư sản suy đồi. Về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Trường Chinh nhận xét: “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa thu hút và bao dung những yếu tố tích cực của những phương pháp khác, chẳng hạn như phương pháp lãng mạn, phương pháp tượng trưng. Chủ trương ấy nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ ta sáng tạo, tìm ra cái mới, làm cho phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển và phong phú thêm” (10).

Trong bài “Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay”, Trường Chinh viết: “… nền văn nghệ cách mạng của chúng ta thừa kế tất cả những giá trị văn nghệ do các thời đại trước tạo ra và truyền lại”, “… chúng ta chủ trương: một mặt ra sức học tập văn nghệ xã hội chủ nghĩa của các nước anh em”, “chúng ta cũng cần học hỏi văn nghệ tiến bộ và cách mạng của các nước phương Tây nữa” (11). Về quan hệ với văn nghệ phương Tây, ông cho rằng: “Về việc trao đổi văn hóa với các nước trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, tuyệt đối không nên thả lỏng để cho văn học, nghệ thuật phản động, dâm ô, đồi bại của chủ nghĩa đế quốc đầu độc nhân dân ta” (12).

Có thể nói, tinh thần hỗn dung nghệ thuật, tính chiết trung, tinh thần chống chủ nghĩa hiện đại tự phát, thái độ dị ứng với chủ nghĩa hiện đại phương Tây, vô hình trung đã dọn đường cho nghệ thuật hậu hiện đại.

Một điều đặc biệt cần nói đến là, trong sáng tác, khi nhà văn chưa có ý thức về tính liên văn bản (viết liên văn bản, đọc liên văn bản) một cách tự giác thì trong văn học Việt Nam đã sớm xuất hiện hình thức “cái chết của tác giả”. Điều này càng bộc lộ rõ nét hơn trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Về nguyên dẫn tới điều này, Nguyễn Minh Châu có một ý kiến xác đáng: “Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy và cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngọn bút thứ hai này – buồn thay – các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm thay” (13).

Ngoại trừ tâm thế ấy, thì tư thế “Bay theo đường dân tộc đang bay”, “Nghĩ trong những điều Đảng nghĩ” (Chế Lan Viên) trong sáng tác văn học cũng dẫn đến “cái chết của tác giả” như một tất yếu.

Một nguyên nhân tiếp theo có thể dẫn đến việc thủ tiêu, hay tự thủ tiêu cá tính nhà văn là lối viết theo mô hình “phải đạo”. Chẳng hạn, sáng tác văn xuôi phải thiết lập hai tuyến song hành đối lập: ta/ địch (ta – tốt, địch – xấu) và phải có ít nhất một nhân vật là cán bộ cách mạng để chỉ lối, dẫn đường. Trong thơ, mô hình phổ biến của thế giới nghệ thuật là sự “mĩ hóa” thực tại, “chiến tranh hóa” các quan hệ con người. Văn học muốn “sống” được, nó phải thể hiện đúng các qui tắc diễn ngôn thời đại. Trong bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: “Nhìn chung trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại (…) Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” (14).

Cũng trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Nguyễn Minh Châu cay đắng thừa nhận: “… mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn, cho chữ nghĩa những văn bản vốn đã có sẵn mà chúng ta qui cho đấy là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn” (15).

Nói đến điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam cũng cần phải nhắc tới tình trạng khủng hoảng, bế tắc của các lối viết cũ, những đổi thay trong thị hiếu đọc dẫn đến sự mất dần độc giả của dòng văn học sử thi, việc văn học bị đẩy ra vùng “ngoại biên” của sân chơi văn hóa đương đại… Trong hoàn cảnh ấy, những tìm tòi cách tân theo hướng hậu hiện đại trên thực tế đã tạo ra những sự thu hút đáng kể.

Chủ nghĩa hậu hiện đại trước hết là câu chuyện của phương Tây, song dần dần đã trở thành câu chuyện của chính chúng ta. Như một qui luật chung, chủ nghĩa hậu hiện đại đi vào đời sống văn hóa nước ta trước hết qua các công trình dịch thuật và tiếp sau đấy, là các công trình nghiên cứu lí luận, phê bình. Sau các bài dịch lẻ tẻ (từ 1991), những năm gần đây, công tác dịch thuật, giới thiệu lí thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại thế giới vào Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Năm 2003, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành công trình quan trọng Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kì thế kỉ XX do I. P. Ilin và E. A. Tzurganova chủ biên (do Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch). Trong công trình này, lần đầu tiên các khái niệm, thuật ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại như “cảm quan hậu hiện đại”, “mặt nạ tác giả”, “siêu truyện”, “mã kép”, “giải nhân cách hóa”, “phi lựa chọn”, “pastiche”, “bất tín nhận thức”, “liên văn bản”, “ngoại biên”… đã được giới thiệu một cách có hệ thống. Cũng vào năm 2003, Nxb. Hội nhà văn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản cuốn Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết (Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh sưu tầm, biên soạn). Trong đây, nhiều tiểu luận quan trọng về chủ nghĩa hậu hiện đại của các nhà nghiên cứu nước ngoài đã được chọn dịch. Tiếp theo, năm 2006, Nxb. Trẻ ấn hành công trình Nhập môn Chủ nghĩa hậu hiện đại của R. Appignanesi và Ch. Gattat (do Trần Tiễn Cao Đăng dịch). Năm 2007, công trình quan trọng Hoàn cảnh hậu hiện đại của J. F. Lyotard được Nxb. Tri thức tổ chức tọa đàm giới thiệu trước khi phát hành. Công trình do Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và viết lời giới thiệu. Gần đây, sự xuất hiện ngày một nhiều các bài dịch về chủ nghĩa hậu hiện đại cũng cho thấy ý nghĩa quan trọng của vấn đề.

Song hành với dịch thuật các công trình nghiên cứu, lí luận, việc dịch và giới thiệu các sáng tác của các tác giả được xếp vào trào lưu hậu hiện đại nước ngoài cũng được chú trọng và có những bước tiến đáng kể. Hàng loạt sáng tác của Donald Barthelme, Raymond Caver, John Updike (Hoa Kì), V.S. Nailpaul (Anh), Umberto Eco, Italo Calvino (Italia), John Morrison (Úc), Fazil Abdulovich Iskander, Victo Olegovich (Nga), Abe Kobo, Ibuse Masuji (Nhật Bản), Julio Cortázar (Argentina),… đã được chọn dịch và xuất bản thành sách, báo (báo in, báo mạng). Năm 2003, Nxb. Hội nhà văn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành tuyển tập “Truyện ngắn Hậu hiện đại” dày 819 trang do Lê Huy Bắc tuyển chọn và giới thiệu. Báo Văn nghệ số 18 + 19/ 2011, ra ngày 30/4/2011 cũng có phụ san giới thiệu tác phẩm của 10 tác giả truyện ngắn hậu hiện đại thế giới.

Những năm gần đây, khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại và các vấn đề hữu quan đã trở thành một điểm nhấn được bàn luận thường xuyên trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. Cùng với các công trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa hậu hiện đại còn phải kể tới sự xuất hiện của hàng loạt công trình, bài viết nghiên cứu ứng dụng lí thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại. Một số khái niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành công cụ để tiếp cận văn học Việt Nam đương đại.

Các thông số nêu trên cung cấp đủ cơ sở để khẳng định rằng, chủ nghĩa hậu hiện đại với tư cách một hiện tượng văn hóa phát sinh ở phương Tây từ những năm 1950 trở đi trên thực tế đã có ảnh hưởng lan rộng khắp thế giới. Trong giới học thuật Việt Nam, hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại không còn/ phải là vấn đề mang tính “thời thượng”, “à la mode”, mà đã trở thành đối tượng được giới thiệu, luận bàn nghiêm túc, nhiều mặt.

Một điều kiện căn cốt của thực tiễn văn học hậu hiện đại ở Việt Nam chính là khát vọng hội nhập và tinh thần cầu thị đối với cái mới của các nhà văn, trong đó có thái độ ứng xử nghiêm túc với các kinh nghiệm nghệ thuật của văn chương hậu hiện đại thế giới. Ở đây phải nói đến sự chuyển hướng mạnh mẽ các quan niệm văn học của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh…, sự ủng hộ công nhiên những thử nghiệm hậu hiện đại và việc vận dụng thực hành sáng tác hậu hiện đại của Inrasara, Lê Anh Hoài, Đặng Thân… Trong bài “Đối thoại về con đường đi vào văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam”, nhà thơ Inrasara viết: “Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ (…) Nhưng dù gì thì gì, văn thơ hậu hiện đại đã tồn tại như nó vẫn tồn tại từ hơn mươi năm nay. Vẫn ở ngoại biên như chính định mệnh của nó… Chúng vẫn có cuộc sống của mình (…) Theo tôi, mươi năm qua, chính sự vận động của chủ nghĩa hậu hiện đại đã tạo nên sự sinh động và phong phú của văn chương tiếng Việt đương đại. “Sinh động và phong phú” kia không dừng lại ở một, hai trung tâm mà đang mở rộng ra các vùng miền, các thành phần, các thế hệ. Tôi tin rằng trong một tương lai không xa, văn học Việt sẽ là một nền văn học đa trung tâm” (16).

Nhà văn Lê Anh Hoài, trong bài “Văn chương hậu hiện đại, nhìn từ góc độ người sáng tác”, viết: “… khi viết tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ (NXB Đà Nẵng 2007, sắp tái bản phục hồi lại tên ban đầu là Tìh êu) thì tôi đã định hình về chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi thấy tinh thần của nó hợp với tôi. Nhận xét là quyền của nhà phê bình, nhưng cũng có thể xuất phát từ tâm thế người viết nên cuốn tiểu thuyết này được một số nhà phê bình, nổi bật và tập trung là Inrasara nhận định rằng tác phẩm mang tâm thức và sử dụng thủ pháp hậu hiện đại. Tôi thấy nhận định đó khả chấp. Những cái tôi viết sau đây, có thể cũng sẽ có “hàm lượng” hậu hiện đại cao. Nhưng tôi xin nhắc lại, nó đi ra từ tâm thức chính tôi, chứ không phải tôi đang tuyên truyền cho một chủ nghĩa” (17). Trong bài “Hậu hiện đại đã và đang được Việt hóa”, Lê Anh Hoài cho rằng tinh thần hậu hiện đại là cái cần thiết cho văn học, “bởi tính hoài nghi đầy nhân văn của nó, bởi sự giải thiêng, bởi sự quan tâm đến cái riêng, cái dị biệt” (18).

Nhà văn Đặng Thân trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, nhận xét: “Hậu hiện đại phát triển tự nhiên khắp thế giới. Chúng ta có nhu cầu đến nó thì nó đến, tôi không thấy sự học đòi, lai căng ở đây; có chăng chỉ là sự “quá khích” ở một số người (…) Tôi nghĩ các nhà văn của ta sẽ thu nạp được tinh hoa của hậu hiện đại để viết nên một nền văn học mới” (19). Theo Đặng Thân, hậu hiện đại “giúp người sáng tác có thể viết về bất cứ cái gì vào bất cứ lúc nào theo bất cứ một thể loại nào. Nó nâng cao đời sống dân chủ. Nó tạo điều kiện cho nhiều người tham gia vào công việc sáng tác. Nó làm cho đời sống và văn chương sinh động, linh hoạt, đa dạng hơn rất nhiều. Nó giải bỏ các trung tâm, giải khu biệt hóa, giải hoặc, giải cấu trúc. Nó thay thế cái “nhất thống” cho sự đề cao những mảnh vụn và các yếu tố ngoại biên. Nó là bừng phát của những dị biệt và thăng hoa của tính phồn tạp. Nó “hội nhập toàn cầu”. Cái chưa thích là một sự lo lắng về tương lai. (…) Không cẩn thận nó sẽ tạo ra một thứ “mốt” làm nhiều người a dua, mặc nhiên là họ dễ đánh mất sở trường của mình. Không cẩn thận nó dễ xóa nhòa những gì kinh điển. Tuy nhiên, tôi thấy những tác phẩm kinh điển có giá trị đều có ít nhiều yếu tố hậu hiện đại” (20).

*

Tóm lại, qua phân tích ở trên, chúng tôi khẳng định, những dấu hiệu hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại không phải hiện tượng thuần ngoại nhập, mà phần lớn bắt nguồn từ thực tế đời sống xã hội – tinh thần của nước ta. Nếu những ảnh hưởng từ bên ngoài vào hậu hiện đại ở nước ta chủ yếu biểu hiện ở các vấn đề thủ pháp kĩ thuật, thì tâm thức hậu hiện đại cơ bản lại được sinh thành từ các nhân tố bên trong (tất nhiên cũng không loại trừ tính chất lây lan của tâm thức bắt nguồn từ bên ngoài). Thừa nhận có những yếu tố ngoại nhập, song chúng ta cũng không nên mọi lúc mọi nơi qui những khái niệm mới lạ này hay khác đều do ngoại nhập. Trên thực tế, những khái niệm, tư tưởng ấy, ít hay nhiều thậm chí đã có ở nước ta. Nếu hiểu hậu hiện đại với tư cách một trào lưu văn hóa (ở phương Tây) thì những dấu hiệu của nó cũng đã thể hiện khá rõ rệt và nhiều mặt trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại. Nếu hiểu hậu hiện đại như một “trạng thái tâm thức” (J. F. Lyotard, I. Calvino), thì trạng thái tâm thức đó hẳn không chỉ xuất hiện ở phương Tây từ nửa sau thế kỉ XX, mà có trong bất cứ không gian văn hóa nào. Nhìn từ cả hai ý nghĩa rộng và hẹp đó, càng có cơ sở để đặt vấn đề nghiên cứu thực tiễn văn học hậu hiện đại Việt Nam. Bài viết của chúng tôi không có chủ ý chứng minh, hậu hiện đại là cái sẵn có trong truyền thống văn hóa Việt Nam, mà chỉ xem đó là những tiền đề cụ thể, để trên cơ sở đó, sẽ bắt rễ với chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn hóa phương Tây, tạo ra những dấu hiệu hậu hiện đại rõ rệt trong văn học Việt Nam đương đại.

Phùng Gia Thế

Nguồn: Tapchinhavan

——————————————-

(1) “Thế nào là lời hứa của Bộ trưởng?”

(2) “Phải làm rõ thế nào là lời hứa của Bộ trưởng?”

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, tr. 147.

(4) Nguyễn Đình Bin (chủ biên), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 367.

(5) Phan Doãn Nam (2006), “Ngoại giao Việt Nam sau 20 năm đổi mới”

(6) Ngân hàng thế giới, Chỉ báo phát triển thế giới (2008), “Số người sử dụng internet ở Việt Nam”

(7) Phòng nghiên cứu và phân tích số liệu VNG (2010), “Tháng 7/2010: 31 triệu người dùng Internet tại Việt Nam”

(8) Royal Pingdom, “Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới về số người sử dụng internet”

(9) Phạm Thị Hoài (2002), “Hư cấu thật, hiện thực giả”

(10) Trường Chinh (1972), “Tăng cường tính đảng, đi sâu vào cuộc sống để phục vụ nhân dân”, Về văn hóa văn nghệ, Nxb. Văn hóa, tr. 260 – 261.

(11) Trường Chinh (1972), “Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay”, Về văn hóa văn nghệ, Nxb. Văn hóa, tr. 166, 171, 172 – 173.

(12) Trường Chinh, “Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay”, Tài liệu trên, tr. 172.

(13) Nguyễn Minh Châu (1987), “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Báo Văn nghệ (49, 50)

(14) Hoàng Ngọc Hiến (1979), “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, Báo Văn nghệ (23)

(15) Nguyễn Minh Châu (1987), “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Báo Văn nghệ (49, 50).

(16) Inrasara (2009), “Đối thoại về con đường đi vào văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam”, Báo điện tử Tổ quốc

(17) Lê Anh Hoài (2009), “Văn chương hậu hiện đại, nhìn từ góc độ người sáng tác”, Báo điện tử Tổ quốc

(18) Lê Anh Hoài (2008), “Hậu hiện đại đã và đang được Việt hóa”

(19) (20) Đặng Thân (2008), “Hậu hiện đại: cần thì nó đến”

Exit mobile version