Nhà Thơ BẰNG VIỆT
“Xin chữ” (NXB Hà Nội, 2017), tác phẩm tập hợp gần 100 bài viết không chỉ là những phát ngôn, mà bao gồm các phát biểu, tham luận, luận văn, đề từ công trình khoa học, đề dẫn các hội thảo, ý kiến chỉ đạo trong các cuộc hội nghị, trả lời nhà báo, mà còn là những trang văn nặng ân tình với cuộc đời qua từng khoảnh khắc riêng tư, qua nhiều dòng suy ngẫm của người viết. Tác giả Phạm Quang Nghị đã có hơn 30 năm liên tục làm công tác chỉ đạo và quản lý trong các lĩnh vực tư tưởng và văn hóa. |
Thật tâm phục, khẩu phục khi ta đọc những dòng khẳng định mạnh mẽ về văn hóa, có ý nghĩa cập nhật sâu sắc dưới đây của tác giả: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa thể hiện tầm cao, chiều sâu của trí tuệ và trình độ phát triển; đồng thời, văn hóa cũng thể hiện bản sắc và truyền thống của dân tộc. Do vậy, những giá trị của văn hóa có sức sống vô cùng bền vững và sức lan tỏa, làm nên sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc”. Chính từ suy tư đó, tác giả mới đặt ra kỳ vọng thực tiễn, vươn tới đích xa trong tầm ngắm của Đảng: “Văn hóa là mục tiêu và động lực của sự phát triển”. Tác giả kỳ công luận giải, để phản bác quan niệm ở một số người, coi văn hóa là nhân tố hoàn toàn thụ động, ăn theo kinh tế, hoặc văn hóa là lĩnh vực không sinh lợi, nên luôn luôn chỉ giữ vị trí không quan trọng! Đối với một số nhà kinh tế khác nữa, thì: “Nhiệm vụ chúng tôi là chỉ làm sao để kinh doanh có lãi, còn nhiệm vụ phát triển văn hóa không phải của các nhà kinh tế!”. Từ đó dẫn tới hệ quả: “Khi làm quy hoạch hay các dự án phát triển kinh tế, không coi văn hóa là yếu tố cấu thành không thể thiếu được đối với các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Như vậy, trong thực tế, văn hóa chưa gắn kết với các dự án và kế hoạch kinh tế, chưa phát huy được vai trò động lực cho phát triển. Nếu không có sự gắn kết hài hòa này giữa các yếu tố kinh tế và văn hóa, thì một “dự án chay” tách ra đơn lẻ cho kinh tế làm sao phát huy được thế mạnh toàn diện và tổng lực của cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cũng như các điều kiện cân đối giữa vật chất và tinh thần, giữa tính thực dụng và tính nhân văn, để đạt tới thành quả trọn vẹn kinh tế và văn hóa trên tổng thể? Nói đơn giản hơn, quên không kết hợp với văn hóa, tức là quên luôn yếu tố chủ đạo gắn với con người – chủ thể trung tâm cho mọi hành động. Khi bỏ qua tâm tư và khát vọng của con người, không còn động lực khởi phát gì từ con người, thì còn lại giá trị nào cho văn hóa, nếu như mục đích tối thượng của kinh tế rốt cuộc cũng là quay lại phục vụ con người? Quan điểm của tác giả về xã hội hóa hoạt động văn hóa cũng là những ý kiến thật sự đáng suy nghĩ cho các nhà làm văn hóa và văn nghệ sĩ. Tác giả nhận định: “Sau năm 1975…, mô hình quản lý văn hóa thời bao cấp đã bộc lộ những khuyết nhược điểm do quá trình can thiệp quá sâu vào đời sống văn hóa xã hội, chủ yếu sử dụng một phương châm hành động “Nhà nước làm văn hóa cho nhân dân”, làm nhân dân trở thành đối tượng thụ động trong hưởng thụ văn hóa của Nhà nước, hạn chế khả năng chủ động sáng tạo vốn là bản chất của văn hóa, nguồn tiềm năng của phát triển”. Nhận định này thật sự rạch ròi và minh triết, có tác động khơi dậy mọi tiềm năng phát triển văn hóa, đặc biệt đối với văn học – nghệ thuật. Về tiến trình hội nhập quốc tế của văn hóa, tác giả có những kiến giải thật biện chứng. Ông phản đối mạnh mẽ sự áp đặt và tính đơn điệu trong quan niệm về văn hóa, dẫn đến triệt tiêu sự phong phú, tính đa sắc màu vốn có của văn hóa nhân loại. Mặt khác, tác giả cho rằng tôn trọng sự đa dạng văn hóa và giữ gìn sự khác biệt văn hóa dân tộc, hoàn toàn không hàm ý bài ngoại, hoặc tôn thờ chủ nghĩa biệt lập… Càng hội nhập, càng giao lưu, ta càng phát hiện ra nhiều điều đặc sắc, phong phú muôn màu muôn vẻ của các giá trị văn hóa dân tộc, quốc gia trên toàn thế giới. Đó là hai mặt của một vấn đề. Trong bối cảnh hơn chục năm trước đây, có thể coi đây là một nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu một thực tiễn mới. Sau thời kỳ dài phụ trách các công tác khác nhau trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, tác giả Phạm Quang Nghị đã có quãng thời gian 10 năm được sống và làm việc gắn với giai đoạn lịch sử chuyển mình lớn lao của Thủ đô. Đó là thời điểm thiêng liêng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; là thời điểm Hà Nội mở rộng và hợp nhất có quy mô lớn nhất trong lịch sử vào năm 2008; cũng là thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng của Hà Nội. Về tình cảm gắn bó với Thủ đô, ngòi bút tác giả có nhiều nét khắc họa sâu đậm trong rất nhiều đoạn hồi ức ngắn gọn, tràn đầy cảm xúc trữ tình và quan sát tinh tế. Đơn cử một bài viết ngắn giàu chất thơ của tác giả, đột nhiên làm ta bất ngờ khi ông miêu tả rất hay và chi tiết cảnh vật và nghĩa tình ở nơi từng gắn bó với ông, là Thành ủy Hà Nội: “Tôi tiếp nhận căn phòng sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ trọng trách lớn hơn. Căn phòng được bài trí khá đơn giản. Một phần có lẽ vì phong cách sống, sinh hoạt của các Bí thư tiền nhiệm đều là những người giản dị… Khi sửa sang sân vườn, hàng rào, anh em đưa về trồng một hàng cây lộc vừng bao quanh. Cứ vào mùa hè là trổ hoa, từng chùm, từng chùm buông lơi, thật đẹp. Vào mùa thu, lá cây lại chuyển sang màu đỏ rực… Ngoài vẻ đẹp của những cây lộc vừng, ngay trước cổng Thành ủy, cứ vào đầu xuân, mọi người còn được ngắm nhìn màu hoa trắng rực rỡ tinh khôi của hai cây sưa, giống như hai bình hoa khổng lồ…”. Đây thật sự là văn của một nhà văn chứ không còn là của một nhà chính trị, nhất là khi tác giả lại mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên làm đề dẫn: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Tôi hơi lạm dụng trích dẫn khá dài đoạn này, chỉ vì tôi muốn để bạn đọc cũng như tôi, được nhẹ nhàng cảm nhận những khía cạnh nhạy bén và dịu dàng trong tâm hồn rộng mở, phóng khoáng và dễ bắt nhịp với chung quanh, có nhiều tố chất “kẻ sĩ”, của nhà chính trị Phạm Quang Nghị. Trước khi gấp phần Phụ lục cuốn sách lại, tôi đọc thấy dòng chữ: “Mở một cuốn sách, thấy một con người”. Cuốn sách tuy không phải tác phẩm văn chương nhưng tràn đầy chất văn học. Nó cũng không phải một cuốn trình bày lý luận, nhưng tràn đầy những bài học xử thế mang tính triết luận. Điều làm tôi cảm phục và tâm đắc nhất, là tác giả vốn là một tiến sĩ triết học, nhưng không ở đâu và chỗ nào ông muốn tỏ ra mình là một nhà tư biện. Trái lại, ông thích làm một người hành động, thiết thực và hiệu quả – mẫu người mà nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác đã từng mong đợi và đề cao, khi nói về mục đích của triết học: Các nhà triết học trước đây chỉ biết chú tâm vào việc giải thích thế giới, còn việc mà chúng ta cần, lại chính là phải cải tạo thế giới! |
Nhà thơ BẰNG VIỆT
Báo Nhân Dân Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |