Theo dòng của Thạch Lam là một tập tiểu luận phê bình tập hợp những bài báo đăng rải rác trên hai tờ báo Ngày NayChủ Nhật vào thời điểm 1939 đến 1940. Tập sách mỏng này là một đặc sắc bởi đây là tập lý thuyết văn nghệ độc nhất của Thạch Lam, của nhóm Tự lực văn đoàn và của cả văn học mới trước 1940.

Mặc dù Vũ Ngọc Phan cho rằng Theo dòng “ý tưởng rất rời rạc, tan tác như bèo trôi” (5/tr.565), còn Thế Phong đánh giá “Theo dòng là một cuốn sách nghị luận về viết văn… cũng chỉ là một thứ khảo luận, chưa có ứng dụng của tác giả; cho nên thiếu sâu sắc như những thiên hồi ký của nhà văn nổi tiếng thế giới viết về kinh nghiệm văn chương đời mình” (4/tr.574) nhưng với độ lùi thời gian đủ để nhìn lại và suy ngẫm, đặt Theo dòng trong dòng chảy của tiến trình hiện đại hóa lý luận văn học ở Việt Nam trong thế kỷ XX, đặc biệt là công cuộc đổi mới lý luận văn học từ 1986 đến nay, có thể thấy tác phẩm này của Thạch Lam chứa đựng nhiều quan điểm lý luận văn học dù mới ở mức độ sơ khởi nhưng rất hiện đại, tiến bộ cần được xem xét, đánh giá lại cho thỏa đáng.


Tập tiểu luận mang tên Theo dòng (đồng thời cũng là tên mục Theo dòng trên tờ Ngày nay do Thạch Lam phụ trách) có nghĩa là theo dòng tư tưởng, theo dòng thời gian không có sự sắp đặt thứ tự trước. Có lẽ vì ý hướng như vậy nên dòng tư tưởng của tác giả được thể hiện một cách đứt đoạn, không có chương mục và không liên kết thông suốt như một công trình khoa học. Dường như ý kiến của Thạch Lam xung quanh các vấn đề lý thuyết văn học được phát biểu như một sự đúc kết từ kinh nghiệm bản thân ông với vai trò vừa là người sáng tác vừa là người đọc tác phẩm văn học. Xung quanh các ý kiến của Thạch Lam có thể nhận thấy ông quan tâm đến khá toàn diện các vấn đề lý luận văn học như: tư duy nghệ thuật của nhà văn, tác phẩm văn học, chức năng của văn học, nhân vật trong tác phẩm, tiếp nhận văn học, phê bình văn học. Đã có một số nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Thị Kiều Anh, Đinh Hùng, Nguyễn Văn Tùng… ít nhiều đề cập đến Theo dòng ở các góc độ khác nhau như lý luận về thể loại tiểu thuyết, sự thành thực và thái độ trí thức… Trong bài viết này chúng tôi cố gắng tập trung làm rõ hơn quan niệm của Thạch Lam về hai phương diện lý luận cơ bản: Vấn đề nhà văn – chủ thể sáng tác và vấn đề người đọc với tiếp nhận văn học. Đặt trong cái nhìn đối sánh, liên hệ với tư duy lý luận văn học hiện đại ở Việt Nam sau nhiều năm tiếp thu lý luận hiện đại thế giới để đổi mới và phát triển, hy vọng góp thêm tiếng nói khẳng định thành tựu văn nghiệp của Thạch Lam nói riêng và Tự lực văn đoàn nói chung.

Lý luận hiện đại ngày nay thừa nhận chỉ có những người nghệ sĩ có tiềm lực tinh thần, có tài năng và phẩm chất đặc biệt mới có thể sáng tạo nên tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong Theo dòng, bàn đến lao động của nhà văn, Thạch Lam cho rằng viết văn là một nghề “khó nhọc, biết bao công tìm”. Ông phê phán lối viết dễ dãi “không muốn có một tị cố công nào” (5/tr. 488), chỉ cốt viết cho xong, “thế nào cũng được” (5/tr.488). Ông đồng tình và dẫn câu nói của A. Gide: “Có hai mươi cách diễn đạt ý tưởng, nhưng chỉ có một cách là đúng”. Để đi đến được cách đúng ấy nhà văn phải mất rất nhiều thời gian, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên cánh đồng chữ nghĩa. Như vậy trong quan niệm của Thạch Lam tài năng chính là kiên nhẫn, việc kiên nhẫn tìm tòi để phát hiện và diễn đạt một cách chính xác hồn cốt, đặc trưng của đối tượng miêu tả là vấn đề quan trọng hàng đầu trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Lý luận hiện đại gọi đây là năng lực quan sát. Sáng tác thành công hay không không hẳn là do đề tài mới lạ mà điều quyết định là ở chỗ người cầm bút có phát hiện được những điều mới lạ, sâu sắc trong những hiện tượng rất quen thuộc thông thường hay không. Đúng như Rodin (nhà điêu khắc người Pháp) nói: “Người đáng gọi bậc thầy là người biết dùng đôi mắt của mình để nhìn những cái mà người khác cũng thấy, nhưng ở nơi mà người khác nhìn đã quá quen, không thấy gì nữa, lại phát hiện ra được cái đẹp”. Nhưng vấn đề không phải chỉ dừng lại ở sự quan sát bề ngoài, Thạch Lam cho rằng đối với nghệ sĩ, quan sát bên trong, hiểu và tái dựng được sự phong phú, sinh động bên trong của sự vật hiện tượng mới là điều quan trọng, ông viết: “Một nhà văn biết quan sát, tất nhiên. Người ta thường hiểu sự quan sát bề ngoài là cái tài chụp hình và ghi nhớ sự vật. Sự quan sát ấy không đủ và chỉ khiến cho tác phẩm trở nên khô khan hay có vị khôi hài. Cần hơn là sự quan sát bề trong, khiến nghệ sĩ có thể hiểu được cái ý nghĩa giấu kín của sự vật, cái trạng thái tâm lý của một cử chỉ hay một lời nói” (5/ tr.507). Và chỉ khi nào nghệ sĩ có năng lực quan sát bên trong thì mới có thể làm tròn sứ mệnh cầm bút, mới có thể miêu tả được thế giới đa dạng, phức tạp như nó vốn có, đi sâu khám phá thế giới bí ẩn của “con người bên trong con người”.

Đối với Thạch Lam người nghệ sĩ: “phải làm sống lại trong tiểu thuyết cái không khí bao bọc lấy vai chính. Phải bày tỏ bằng những hành động cái tâm lý của các nhân vật. Sự quan sát, bởi thế, rất cần: quan sát đúng, tìm những hành vi chính, đó là cái tài nghệ sĩ. Những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lý một người hơn những công việc và quyết định hệ trọng, trong lúc ấy người ta xét lại mình. Những cái mà ta coi là nhỏ nhặt, vụn vặt hay tỉ mỉ chính lại là những cốt yếu của tiểu thuyết hay” (5/tr.496). Với tài năng và tâm huyết của một nhà văn, Thạch Lam đã sớm đưa ra sự đúc kết lý thuyết văn học như một bài học kinh nghiệm rất đáng trân quý cho những người theo nghiệp sáng tạo văn học – một công việc luôn đòi hỏi rất cao sự tinh tế và nhạy cảm. Người nghệ sĩ như người thợ đãi cát tìm vàng, phải biết phân biệt “vàng” và “thau”, biết chọn lọc, tinh chắt lấy những gì cần thiết nhất (cho dù là rất nhỏ) nhưng có giá trị phục vụ cho chất lượng, hiệu quả nghệ thuật của từng câu văn, trang viết. Lao động của nhà văn là một lao động khó nhọc là vậy.

Ngay từ lúc Tự lực văn đoàn đang dò tìm những bước đi đầu tiên để cách tân, xây dựng nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, Thạch Lam đã tỏ rõ ý thức đoạn tuyệt với lối viết hời hợt, dễ dãi, đối với ông người cầm bút phải “bỏ hết những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối đẹp đẽ, tìm cái giản dị, sâu sắc và cái chân thật, bằng cách quan sát và rung động đúng, đó là công việc các nghệ sĩ phải làm. Chúng ta cứ là chúng ta, với cái tâm hồn và bản ngã thật của chúng ta” (5/ tr.497). Ông dẫn lời Robert Honner nói với các thi sĩ: “ Trước hết mình phải thành thực với mình, không bao giờ nên chịu lép vế về một đề bởi thấy người khác được hoan nghênh vì nó… chính những đồ trang sức mượn làm hại nhất cho các thi sĩ” (5/tr.489). Lối viết theo phong trào, màu mè, “bắt chước” người khác, chạy theo thị hiếu tầm thường, sẽ làm băng hoại nghệ thuật chân chính. Người nghệ sĩ cần có bản lĩnh kiên định, dám dấn thân để khẳng định cái thật, cái bình dị mà sâu sắc – đó mới là cái đẹp đích thực của nghệ thuật. Sự cẩu thả, lười biếng, thiếu sáng tạo trong sáng tác là một trong những vấn đề Thạch Lam luôn tỏ thái độ phê phán không khoan nhượng, ông không chấp nhận kiểu nhà văn “không dám nhìn thẳng vào sự thực bao giờ. Trong tác phẩm của họ, những cảnh tả đều là bịa, không có thật, các nhân vật đều có khuôn sáo tâm lý sẵn có trong các sách trước”(5/tr.490). Thái độ này cho thấy tư duy nghệ thuật sắc bén cũng như nhân cách nghệ sĩ của Thạch Lam, ông thấu hiểu một điều giản dị: muốn là nghệ sĩ đích thực trước hết phải là người thành thật, nghiêm khắc với chính mình rồi sau đó là thành thật, nhân hậu với cuộc đời qua những trang văn. Ông viết: “Cái cần đối với nhà văn, phải biết suy xét tâm hồn mình. Qua tâm hồn ta chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lý của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lý người ngoài”(5/tr.494). Muốn là nhà văn đích thực thì trước hết cần phải biết chính mình là ai, đã buồn vui cùng cuộc đời như thế nào? Và chỉ có trải nghiệm, trả lời được những câu hỏi như vậy mới mong chia sẻ được buồn vui với cuộc đời, với số phận con người. Đó là chân lý hiển nhiên nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Tất nhiên, theo nhà văn sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật, nhưng một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn có giá trị . Và với Thạch Lam “không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi (…) không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là tự dối mình” (5/ tr.489).

Ngẫm về hai chữ “thành thực” mà Thạch Lam nhiều lần nhắc đến trong Theo dòng, thiết nghĩ điều này liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đặc biệt là cách ứng xử của nhà văn trước vấn đề này.

Thạch Lam cho rằng: “Cái gì nhà văn không cảm thấy mà bịa ra, nó vẫn có vẻ một vật thừa, một vật vô ích. Không bao giờ tự cảm thấy đôi lông mày cô thiếu nữ giống như nét xuân sơn mà cứ viết tưởng là hay, nhà văn đó suốt đời chỉ là một người đi vay mượn, một tâm hồn nghèo nàn đem của người khác đi cầm đồ để mua chút danh hão cho mình…” (5/ tr. 488).

Khái niệm “tự cảm thấy” mà Thạch Lam nhấn mạnh phải chăng chính là kết quả của một quá trình trải nghiệm cuộc sống, nhà văn phải thấu hiểu, thấm thía, phải nhìn hiện thực bằng nhãn quan đặc biệt – nhãn quan tâm hồn, tình cảm. Chỉ có “thấu thị” hiện thực như vậy những điều nhà văn viết ra mới có giá trị nghệ thuật, không “thừa”, không “vô ích”. Xét từ phương diện nhận thức trên có thể thấy tư duy lý luận của Thạch Lam gần với tư duy lý luận văn học hiện đại ở Việt Nam hiện nay. Sau bao trăn trở, biện giải, và tiếp thu lý luận văn học hiện đại thế giới các nhà nghiên cứu lý luận ở ta thống nhất quan điểm cho rằng thế giới nghệ thuật trong tác phẩm là kết quả của quá trình người nghệ sĩ tìm tòi, khám phá và cảm nhận đời sống để sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Hiện thực ấy có thể là cái ước lệ chứ không nhất thiết phải trùng khít với hiện thực cuộc sống hiện đang diễn ra trước mắt. Hiện thực trong nghệ thuật là hiện thực do nhà văn tự cảm thấy bằng sự nhạy bén của mình, hiện thực không chỉ tồn tại ở tầng hữu thức mà còn chìm ẩn tiềm tàng trong cõi vô thức, tiềm thức. Như vậy hiện thực trong văn học là trạng thái nhân sinh do người nghệ sĩ cảm nhận và thể nghiệmđó là hiện thực được tái hiện theo nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật. Ở một góc độ nhất định có thể thấy tư duy lý luận của Thạch Lam đã bắt kịp dòng chảy của tư duy lý luận hiện đại, thậm chí đi trước thời đại của ông. Với sự nhạy cảm nghề nghiệp, với khát vọng của một nhà văn chân chính ông hướng đến khẳng định chân giá trị của người cầm bút: bằng vốn kinh nghiệm sống và năng lực tư duy của mình, người nghệ sĩ có thể tự sáng tạo một hiện thực nghệ thuật mang đầy cá tính. Nhà văn phải tâm huyết, đau đáu với nghề và chỉ khi nào thoát khỏi những cảm xúc sáo mòn, giải phóng tư duy một cách thực sự thì mới mong có những trang viết để đời, những trang viết không bị cằn cỗi, thiếu sức sống. Đối với Thạch Lam “cái thực tài của nhà văn nguồn gốc ở chính tâm hồn nhà văn; một nghệ sĩ phải có tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo mà thôi”(5/tr.494). Trong ý thức của Thạch Lam vai trò của chủ thể sáng tạo được đặt ở một vị trí trang trọng, đặc biệt là “cái địa vị quan trọng của tâm hồn tác giả” . Dường như ông kỳ vọng cao về thiên chức nhà văn, với tâm hồn, tình cảm của mình cùng “sự rung động thật” với cuộc đời, nghệ sĩ phải là người “chịu theo tâm hồn mình lại còn bao hàm cả cái can đảm mình dám làm mình” (5/tr.495), luôn chủ động và có bản lĩnh đi đến cùng để tìm kiếm và kiến tạo nên một thế giới hiện thực luôn luôn mới mẻ và hấp dẫn.

Lý luận hiện đại ngày nay coi tiếp nhận văn học là hoạt động “tiêu dùng”, thưởng thức văn học của độc giả thuộc nhiều trình độ khác nhau. Trong Theo dòng, bàn về Những người đọc tiểu thuyết Thạch Lam xếp người đọc thành hai hạng: “Hạng độc giả chỉ cốt xem truyện và hạng độc giả chỉ thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lý giống tâm hồn mình” (5/ tr.497).

Loại độc giả thứ nhất: “Họ đọc tiểu thuyết gì cũng được (…) ngốn tiểu thuyết như người ta ăn cơm lấy no, và khi đọc xong họ không có cảm tưởng gì cả” (5/ tr.497). Đây là những độc giả mà lý luận hiện đại ngày nay gọi là loại “người đọc có “khẩu vị” bình dân, chỉ ưa và quen những tác phẩm thuộc dòng văn hóa đại chúng” (3/ tr.167). Họ không “cần gì đến câu văn hay, hay tư tưởng của tác giả: nhiều khi câu văn hay, tư tưởng sâu sắc của tác giả lại là điều trở ngại trong việc đọc của họ”(5/tr.497). Theo Thạch Lam đây là nhóm độc giả làm nảy nở loại văn chương “chỉ chiều theo ý công chúng để kiếm lời”. Trong bối cảnh xã hội thời đại của nhà văn, khi thứ tiểu thuyết kiếm tiền và võ hiệp trở thành một “nạn dịch” (chữ dùng của Thạch Lam), nhằm “mãn nguyện những ưa thích hèn yếu trong người ta”(5/tr.498) thì sự phân tích thấu đáo “tầm đón nhận” còn nhiều giới hạn của người đọc cho thấy ông ý thức rất rõ tác động của người đọc đối với sáng tác văn học. Thực tế cho thấy một bộ phận đông đảo người đọc nào đó có thể lái phong trào sáng tác văn học sang những xu hướng khác nhau. Quan điểm này của Thạch Lam đặt ra vấn đề mà ở thời điểm hiện nay vẫn chưa bao giờ cũ đối với người cầm bút: số đo trình độ cảm thụ của đa số người đọc trong cộng đồng buộc nhà văn phải suy nghĩ, cân nhắc về việc đáp ứng nhu cầu của người đọc khi sáng tác.

Loại độc giả thứ hai: “Hạng này là những người không lười trí, họ ưa suy nghĩ, tư tưởng và tìm tòi. Họ thờ phụng và theo đuổi cái đẹp, cái hoàn toàn. Họ biết thưởng thức một câu văn hay, một ý tưởng sâu sắc và cảm thấy một cái thú vị vô song khi sắp bước vào tâm hồn của một nhân vật nào” (5/tr.499). Đây là nhóm độc giả mà lý luận hiện đại coi là loại người đọc có sự đào luyện nhất định trong môi trường văn hóa trí thức, họ có những kiến giải đúng về văn chương. “Họ cũng đọc tiểu thuyết để giải trí, nhưng cách giải trí thanh nhã và cao quý đem đến cho họ những điều lợi ích và tâm hồn họ trở nên dồi dào (…). Đọc sách đối với họ là một cách luyện mình để cho tâm hồn phong phú hơn lên”.

Đối với Thạch Lam, hạng độc giả thứ hai này là “mực thước đo trình độ văn chương. Họ có nhiều tức là văn chương phong phú và giá trị. Họ là tri kỷ thân yêu của các nhà văn chân chính và khiến những tác phẩm xuất sắc không phải mai một trong quên lãng” (5/tr.499).

Lý luận hiện đại cho rằng nhà văn sáng tạo văn bản như là một hệ thống tạo nghĩa và chỉ khi có người đọc đọc đến thì văn bản mới chuyển hóa thành đối tượng thẩm mỹ, trở thành ý thức của người đọc. Người đọc trở thành trung tâm tạo nên giá trị của tác phẩm. Sự tồn tại đích thực của tác phẩm chỉ có được nhờ hai hoạt động có ý thức từ tác giả và người đọc, điều này có nghĩa là từ văn bản đến tác phẩm văn học luôn là quá trình tác động hai chiều trong mối quan hệ giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc, quá trình này luôn tiếp diễn không ngừng bởi năng lượng phong phú phát ra từ văn bản và ý thức tiếp nhận mạnh mẽ, đa dạng, đa chiều của độc giả.

Từ quan niệm của lý luận văn học hiện đại về vấn đề người đọc, nhìn lại quan niệm của Thạch Lam có thể nhận thấy ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX nhà văn đã đặt vấn đề quan tâm đến mối quan hệ tác phẩm và độc giả, đề cao tính chủ động sáng tạo của người đọc – một phương diện mà ngay cả giai đoạn sau (1945-1975) lý luận ở Việt Nam chưa chú ý quan tâm thỏa đáng bởi chỉ chú trọng tập trung vào mối quan hệ tác giả – tác phẩm. Đến tận thời kỳ đổi mới (1986 đến nay) vấn đề người đọc từ điểm nhìn của mỹ học tiếp nhận mới được nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn để hướng đến khắc phục những giới hạn của tư duy lý luận trước đây (chỉ xem xét đánh giá giá trị của tác phẩm văn học chủ yếu từ mối quan hệ giữa tác phẩm văn học với tác giả, quan hệ tác phẩm với hiện thực, đơn giản hóa ý nghĩa tác phẩm vốn là một cấu trúc mở mang tính đa nghĩa, coi nhẹ vai trò người đọc với tư cách là một chủ thể thẩm mỹ, một khâu quan trọng trong quá trình sáng tạo văn học) . Như vậy, xét trong tiến trình hiện đại hóa lý luận văn học ở Việt Nam có thể coi Thạch Lam là người cầm bút sớm có ý thức nhận thức đúng vai trò của người đọc – họ chính là người đồng sáng tạo cùng với nhà văn, góp phần quan trọng nối dài cuộc đời tác phẩm đến vô cùng.

Nhà phê bình là một loại người đọc đặc biệt, đó là loại độc giả có trình độ chuyên môn cao, họ thực sự có ý thức can dự vào sự phát triển của đời sống văn học. Tuy chưa có nhiều ý kiến đi sâu bàn về vấn đề lý luận của phê bình nhưng một số luận điểm của Thạch Lam nêu lên trong Theo dòng chứng tỏ ông đã rất trăn trở về một công việc mà cho đến hôm nay vẫn còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục tìm tòi nghiên cứu để vượt qua những giới hạn và thách thức mà thời đại cùng sự phát triển của đời sống văn học đặt ra. Thạch Lam khẳng định: “Phê bình cũng khó như sáng tác. Một nhà phê bình giỏi cũng hiếm như một nhà viết tiểu thuyết giỏi. Nhà phê bình còn cần đến những đức tính không phải là có nhiều trong lòng người, nhà phê bình trước hết phải công bình và hiểu được người khác” (5/tr.487)

Đây là một quan điểm rất đáng lưu ý, bởi lẽ ở thời đại Thạch Lam cũng có những quan điểm cho rằng “sáng tác khó, phê bình dễ”(5/tr.487). Và nhìn chung ở ta trước nay thường quan niệm phê bình chỉ đơn thuần là công việc “ăn theo” sáng tác. Nhà phê bình đồng thời cũng là người thuật lại ý kiến của nhà văn về sáng tác. Từ đó phê bình chỉ là “bình tán” các vấn đề xung quanh tác phẩm như hoàn cảnh sáng tác, hiện tượng phản ánh, nguyên mẫu nhân vật, lên án tư tưởng gì, ca ngợi người như thế nào, chi tiết nào nhà văn tâm đắc… Mô hình phê bình lấy nhà văn làm trung tâm bộc lộ rất nhiều hạn chế, nó biến “nhà phê bình thành tiểu đồng của nhà văn và tự đánh mất vai trò chủ thể của mình trước tác phẩm” (6/tr.188).

Hiện nay các nhà lý luận ở Việt Nam thừa nhận phê bình văn học tồn tại như một cơ chế giám sát đầy hiệu năng của xã hội bên cạnh nhà văn nhằm động viên, khuyến khích hay cảnh tỉnh, cảnh báo (nếu có sự suy thoái trong bút pháp, trong quan niệm thẩm mỹ). Phê bình văn học lấy bản thể tác phẩm làm trung tâm, đây thực chất là hành trình đi tìm ý nghĩa tiềm tại của văn bản văn học. Phê bình đóng vai trò quan trọng trong việc lý giải, cắt nghĩa tác phẩm văn học. Với ưu thế của một hoạt động mang tính chuyên nghiệp, sự cắt nghĩa tác phẩm của phê bình thường hàm chứa những phát hiện mới mẻ, tác động mạnh mẽ đến người đọc, phê bình bồi dưỡng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, xây dựng tinh thần lành mạnh cho xã hội. Phê bình văn học tác động vào tất cả các khâu của quá trình sáng tác – giao tế văn học. Phê bình là một loại hình hoạt động tinh thần nằm giữa khoa học và nghệ thuật. Là khoa học, phê bình có hệ thống tiêu chuẩn đánh giá riêng (tiêu chuẩn về thẩm mỹ, tính tư tưởng, tính chân thực lịch sử, tính cách tân, tính hoàn thiện), có phương pháp đánh giá riêng đối với các hiện tượng văn học. Là nghệ thuật, mỗi tác phẩm phê bình mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà văn. Từ văn bản văn học, mỗi nhà phê bình sáng tạo nên một văn bản có giá trị độc lập, nhân lên những sáng tạo nghệ thuật, giúp người thưởng thức phê bình đọc thấy những ý nghĩa dôi thêm của tác phẩm, và tiếp tục đồng sáng tạo, làm phong phú thêm những giá trị văn học, làm giàu thêm cho đời sống tinh thần của con người. Phê bình văn học là một bộ phận hợp thành không thể thiếu được của quá trình văn học. Như vậy quan điểm cho rằng “phê bình cũng khó như sáng tác” của Thạch Lam lại thêm một lần nữa chứng tỏ nhà văn xuất sắc của Tự Lực văn đoàn có một tư duy lý luận không những sắc bén mà còn tinh tế, nhạy cảm. Bên cạnh đó ông còn bàn về chữ “tâm” của các nhà phê bình: “Nhiệm vụ của nhà phê bình có lẽ không phải là tìm tòi những tài năng mới. Nhưng trong công việc, nhà phê bình phải lưu ý hơn đến những tác phẩm đầu tiên của một nhà văn. Phải cúi mình xuống những tác phẩm có biểu lộ một tâm hồn rung động, một ý chí sốt sắng. Tác phẩm có thể vụng về, có thể non nớt như tiếng chim mới biết kêu. Nhưng cốt nhất là thấy ở đấy một vẻ sắc riêng, một âm điệu đặc biệt; cái già dặn của nét bút, cách xếp đặt của cuốn truyện rồi về sau sẽ có. Không thể nhầm được, và nhà phê bình cũng không có quyền nhầm, trong đó thể nào cũng có cái gì cho ta đoán biết được tài năng về sau này” (5/tr.488). Thiết nghĩ bài học kinh nghiệm mà Thạch Lam nêu vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nó vẫn phát huy một cách hữu ích cho công cuộc hiện đại hóa nền phê bình văn học của dân tộc trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Bởi cho dù có đổi mới thế nào thì cái gốc của văn chương và phê bình văn chương vẫn phải xuất phát từ những nền tảng nhân văn và nhân đạo.

*

Theo dòng của Thạch Lam xuất hiện trên văn đàn tính đến nay đã hơn 70 năm. Và quãng thời gian hơn 70 năm qua nền văn học Việt Nam (trong đó có lý luận văn học) cũng đã có nhiều đổi mới, phát triển qua nhiều giai đoạn. Từ điểm nhìn của lý luận hiện đại hôm nay, suy ngẫm lại những quan điểm lý luận của Thạch Lam về nhà văn – chủ thể sáng tácngười đọcchủ thể tiếp nhận văn học, có thể khẳng định đây là những nhận thức sâu sắc,đi trước thời đại, hàm chứa nhiều phát hiện bất ngờ về những vấn đề cốt yếu nhất của lý luận văn học, điều này đã góp phần không nhỏ vào việc làm phong phú tư duy lí luận và hiện đại hoá nền văn học nước ta chặng đường đầu thế kỷ XX. Trong cái nhìn đối sánh với lý luận văn học dân tộc hiện nay, những quan điểm lý luận của Thạch Lam còn nguyên giá trị bởi “có sức thuyết phục mạnh mẽ, bởi sự minh triết trong tư duy lý luận – phê bình được nghiền ngẫm tâm huyết từ những trải nghiệm của một tấm lòng hết mình cho nghề văn, của một đời văn đã đạt những thành tựu sáng giá” (8/ tr.418). Theo dòng tiếp tục phát huy giá trị học thuật trong dòng chảy của tiến trình hiện đại hóa lý luận văn học dân tộc đang đứng trước rất nhiều thách thức của thời đại đặt ra.

Cao Hồng

Nguồn: Toquoc

———————————-

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Kiều Anh (chủ biên), 2012, Lý luận về thể loại tiểu thuyết trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

2. Trương Đăng Dung, 2004, Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Trịnh Bá Đĩnh, 2011, Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, Nxb. Văn học, Hà Nội.

4. Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn), 2000, Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb. Văn hóa TT, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả, 2000, Văn chương Tự lực văn đoàn, T.3, (Phan Trọng Thưởng – Nguyễn Cừ giới thiệu), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

6. Trần Đình Sử, 2000, Lý luận và phê bình văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

7. Trần Đình Sử, 2007, Lý luận và phê bình văn học, T1, Bản chất và đặc trưng văn học, Nxb. Đại học SP Hà Nội.

8. Nguyễn Ngọc Thiện, 2005, Phong cách và đời văn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Exit mobile version