Trong khuôn khổ Hội nghị Lý luận, Phê bình văn học lần thứ IV chủ đề “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016” (1986-2016), do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) từ ngày 24 đến ngày 26-6-2016, chiều 24-6 đã diễn ra 4 hội nghị chuyên ngành: Lý luận, Phê bình; Thơ, Văn xuôi và Văn học dịch, nhằm thảo luận về chủ đề trên đây.

Tại Hội nghị của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học (LL-PBVH), các nhà văn-nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh, Đông La và Nguyên An đã đọc các tham luận đánh giá về những thành tựu của LL-PBVH trong thời kỳ Đổi Mới; Khảo sát về nhân vật trung tâm của văn học-văn chương thời kỳ Đổi Mới… và những vấn đề về việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây ở nước ta hiện nay. Các nhà văn-Nhà nghiên cứu: Trần Thị Việt Trung, Trịnh Bá Đĩnh, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Văn Dân… phát biểu bàn thêm về Lý luận với Phê bình văn học hôm nay; tác động của sự thay đổi hệ giá trị văn học và đạo đức thẩm mỹ, của báo chí truyền thông thời đại internet, của sự phát triển khoa học và công nghệ… vào hoạt động nghiên cứu, LL-PBVH hiện nay…

Tại hội nghị của Hội đồng Văn xuôi, các nhà văn-nhà nghiên cứu: Bùi Việt Thắng, Bùi Việt Sĩ, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Nguyễn Hiếu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Chu Lai… đã sôi nổi thảo luận, nhận định, đánh giá về tình hình văn xuôi Việt Nam sau năm 1975, đặc biệt giai đoạn Đổi Mới (từ 1986 đến nay). Đa số các ý kiến đều cho rằng: Được mùa nhất trong văn xuôi 30 năm qua có lẽ phải kể đến truyện ngắn của các thế hệ tác giả 4x, 5x, 6x. Nhiều tác giả nổi tiếng, sáng tác của họ nếu lựa chọn trong những tác phẩm đã ra đời sẽ có những chuyện không kém gì các truyện ngắn hay của thế giới. Về tiểu thuyết, đáng chú ý là lớp tác giả đang nổi lên trong các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn và các cuộc thi khác mà Hội Nhà văn phối hợp với các Bộ ngành tổ chức trong những năm qua. Đồng thời, các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của văn xuôi hiện nay, như: có “nền” nhưng thiếu “đỉnh”, có “tác phẩm” nhưng thiếu “tác giả”, có “con người” nhưng thiếu “nhân vật”, có “lời nói” nhưng thiếu “ngôn từ” v.v…

Tại Hội nghị của Hội đồng Văn học dịch, hầu hết các thành viên đều tham gia phát biểu ý kiến. Trong đó, các nhà văn-dịch giả: Bùi Xuân, Lê Đức Mẫn, Tạ Minh Châu, Hồng Diệu, Đăng Bẩy, Lã Thanh Tùng, Lê Bá Thự, Hà Phạm Phú, Thúy Toàn…đã nêu lên những kiến nghị, giải pháp ở tầm “quốc gia” để phát triển hơn nữa nền văn học dịch và công việc dịch văn học, để giới thiệu, tiếp thu những tinh hoa văn học thế giới; đồng thời làm tốt hơn nữa việc quản bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Tại Hội nghị của Hội đồng Thơ, khá nhiều những phát biểu sôi nổi, trực tiếp của các nhà thơ-nhà nghiên cứu: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Lê Minh Quốc, Trần Nhuận Minh, Bằng Việt, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Hữu Quý, Đỗ Thị Tấc… Đa số các ý kiến đều tập trung vào những vấn đề cách tân và đổi mới thơ, đi cùng với việc cần “đổi mới” tâm lý tiếp nhận thơ của công chúng hiện nay. Một điều rất đáng ghi nhận ở trong giai đoạn văn học đổi mới này là sự đóng góp quan trọng của lớp nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến, vẫn giàu nội lực sáng tạo cùng những tìm tòi đổi mới cho thơ thời hậu chiến và đổi mới. Đồng thời, các thế hệ nhà thơ xuất hiện trong 30 năm đổi mới chính là lực lượng chủ đạo của nền thơ đương đại Việt Nam. Đội ngũ tham gia sáng tác thơ đông đảo, sung sức với nhiều thành phần, sắc tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, vùng miền… với nhiều tên tuổi đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường thơ 30 năm qua, hạn chế lớn nhất là rào cản ngôn ngữ khiến thơ vẫn loanh quanh trong phạm vi hẹp, chưa đủ sức “hội nhâp” như ở nhiều lĩnh vực khác. Cá biệt, thơ có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí.

Tiếp sau 4 Hội nghị chuyên ngành trên đây, trong 2 ngày 25 và 26-6 sẽ diễn ra Hội nghị toàn thể bào gồm cả 4 chuyên ngành trên đây, với sự tham gia của gần 300 đại biểu và khách mời.

Tin: TUYÊN HÓA
Ảnh: HỮU ĐỐ
Theo Vanvn.net
Exit mobile version