Mặc dù nhiều người khẳng định thời hiện đại là thời của tiểu thuyết nhưng điều đó không có nghĩa truyện ngắn mất đi vị thế của nó. Trên các báo chuyên hay không chuyên về văn học, truyện ngắn vẫn xuất hiện đều đặn và nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của độc giả. Nhưng phải chăng người đọc ngày nay có những đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn với truyện ngắn? Người ta mong đợi từ trong hình hài cỡ nhỏ, truyện ngắn phải mang chứa được sức nén lớn và tính đa nghĩa, hướng tới tư duy tiểu thuyết bằng khả năng tiếp xúc tối đa với “cái hiện tại chưa hoàn thành” đầy tinh thần đối thoại.

Nếu đặt truyện ngắn hiện nay trong quá trình vận động của thể loại từ sau 1986, có thể thấy gần đây ít có đột phá và tạo được sức hút mạnh mẽ như hồi đầu đổi mới với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài,… Sự tĩnh lặng của truyện ngắn hôm nay gắn liền với xu hướng thiên về lối tự sự truyền thống, ít phá cách và giọng điệu trầm tư, chiêm nghiệm khi đi sâu khám phá những góc khuất trong đời sống tinh thần. Điều đó có thể nhận thấy qua cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ tổ chức ở giọng điệu khá thuần nhất, ít gây hấn trong bút pháp và tổ chức trần thuật. Các câu chuyện thường xuất phát từ điểm nhìn khách quan hoặc kể bằng ngôi thứ nhất kể chuyện, tuân thủ thời gian tuyến tính của cốt truyện, tiết tấu, nhịp điệu đều với độ căng vừa phải. Điều dễ được độc giả đồng cảm là nhiều truyện mang cái đằm sâu, giàu chất nghĩ ngợi và hồi tưởng trong những câu chuyện kể mộc mạc, giản dị như chính những câu chuyện do nhân vật tự kể hoặc được tái dựng một cách khách quan. Truyện ngắn vốn là thể loại văn xuôi có khả năng “chớp” được những khoảnh khắc mong manh của cảm xúc và thế giới tâm hồn. Đã có không ít tác phẩm dự thi nắm bắt được cái “dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây” với ngôn ngữ giàu chất thơ và tinh tế (Đêm của mùa sắp qua – Đắc Nguyễn, Người quản mộng – Tuệ Anh, Mối tình trượt trên rêu – Hoàng Việt Hằng, Quê mẹ màu tháng tư – Phạm Thanh Thúy, Mặt trời xanh của tôi – Lữ Thị Mai…). Ấn tượng để lại trong nhiều truyện là giọng điệu cảm thương gắn quyện với chất trữ tình tạo nên những truyện ngắn đậm đà, ý vị sâu lắng và nhiều dư âm. Trong nhịp sống hiện đại, con người rất cần những khoảng lặng để được sống chậm, hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn trên tinh thần nhân bản. Nhưng cái tinh tế, nhạy cảm đó phải được gắn với cảm thức về tồn tại và hài hòa với văn phong trau chuốt, sự linh hoạt trong bút pháp nghệ thuật, điều mà không ít cây bút truyện ngắn đương đại đã thể hiện khá thành công như Bảo Ninh, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa… Dẫu chưa có những cây bút thực sự nổi bật trong cuộc thi, nhưng dòng mạch trữ tình vẫn ngầm chảy trong truyện ngắn hôm nay chính là cách để “chống lại sự lãng quên con người”, như cách nói của Kundera.

Có thể nhận thấy sức hút mạnh mẽ của cuộc thi qua sự tham gia của đông đảo các cây bút trên khắp mọi miền đất nước, mỗi tác phẩm đều in đậm hương sắc, dấu ấn riêng của từng vùng miền. Mảng truyện viết về cuộc sống nông thôn, miền núi chiếm tỉ lệ khá nhiều: Gió rừng hoang vẫn thổi – Triệu Văn Đồi, Cái bóng của rừng – Nguyễn Thị Việt Hà, Bông dẻ đẫm sương – Chu Thị Minh Huệ, Diêu linh trắng giữa rừng – Cao Nguyệt Nguyên, Nỗi đau dòng họ – Nguyễn Đức Lợi,… Mỗi truyện ngắn là một lát cắt của những mảnh đời, những số phận và muôn mặt đời thường của con người. Các cây bút truyện ngắn đã hướng đến những vấn đề đang được xã hội quan tâm, đào xới từng mảng hiện thực nóng bỏng từ chiều sâu, gốc rễ của nó: đó không chỉ là nạn tàn phá rừng, buôn bán phụ nữ qua biên giới, hiện trạng cuộc sống đói nghèo, sự trì trệ lạc hậu, thiếu hiểu biết mà còn là hồi chuông kêu cứu cho những giá trị tinh thần và văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Những mảnh nhỏ của đời sống được thể hiện trong truyện ngắn cho thấy sự phong phú, phức tạp của thế giới tâm hồn con người Việt Nam đương đại. Nhiều truyện thấm thía nỗi đau phận người và nối tiếp được dòng mạch nhân văn của truyền thống truyện ngắn Việt Nam, đặc biệt là những truyện ngắn xoáy sâu vào những bất hạnh của người phụ nữ với niềm cảm thương, chia sẻ (Giọt phù sinh – Lê Mạnh Thường, Nhị đi lấy chồng – Trần Tùng Chinh, Nước mắt Thúy Vân – Nguyễn Phú, Bến đời – Nông Quang Khiêm, Tim anh ở đất nước mặt trời – Nguyễn Hữu Tài…). Đọc những truyện ngắn này người đọc như được lắng nghe tiếng vọng về của ký ức sâu thẳm nơi làng quê, nỗi khắc khoải nhân tình thế thái và niềm khát khao yêu sống. Tuy hầu như rất ít truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh nhưng dấu ấn của nó vẫn còn in lại dai dẳng trong các thế hệ được ẩn giấu trong các truyện ngắn đậm chất suy tư về lịch sử, thời cuộc. Các truyện Mộ gió – Lê Mạnh Thường, Hai giọt máu – Đoàn Ngọc Hà, Mộc táng – Trần Minh Hợp, Bên chiếc bàn duy ra trắng – Thụy Anh, Trăng thu – Lê Thanh Kỳ,… đem lại rất nhiều xúc cảm bởi những chiêm nghiệm, suy ngẫm nghiêm túc về lẽ sinh – tử, hợp – ly, hạnh phúc – mất mát, yêu thương – thù hận, … Một số truyện ngắn viết về đời sống đô thị như Cõi điên – Mai Thanh Nhàn, Kẻ rao bán hậu thế – Văn Thành Lê, Ác mộng – Nguyễn Gia Nùng,… đã nắm bắt được những nghịch lý của tồn tại, cảnh báo sự tha hóa nhân phẩm mà ở đó, mối quan hệ trong gia đình giữa các thế hệ bị nghiền nát trong cơn lốc quay cuồng của xã hội kim tiền. Tuy vậy, tôi vẫn mong có những tác phẩm trực diện, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa khi đối diện với hiện trạng đời sống đương đại. Đây là điều không dễ vì xét về độ nhanh nhạy, khả năng phản ánh hiện thực và can dự trực tiếp vào đời sống xã hội, truyện ngắn không thể sánh bằng phóng sự, ký và các loại hình văn học tư liệu khác. Văn học không nên né tránh cái xấu, cái ác, nhà văn có quyền viết về nó theo cách riêng của mình, bằng việc tái dựng, thậm chí “đóng vai” phản diện để nhận dạng, loại trừ, chống lại nó. Trong văn chương, lời của các nhân vật phản diện (như Cám, hay Hoạn Thư,… ) đều có thể được cất lên bình đẳng với lời của các nhân vật chính diện, điểm nhìn trần thuật có thể xuất phát từ một góc nhỏ hẹp nào đó nhưng điều quan trọng là cái nhìn nghệ thuật của nhà văn phải mang tính phát hiện một trạng thái tồn tại, một ấn tượng về cuộc sống.

Không nên đòi hỏi tại sao có nhiều “người tốt, việc tốt” mà nhà văn không nêu gương, và không nên khắt khe với cách tiếp cận đời sống táo bạo, cởi mở của người viết. Truyện ngắn dẫu viết về nông thôn, thành thị, miền núi hay một thế giới tưởng tượng nào đó, không chỉ là việc tạo dựng không gian địa lý của vùng miền mà sâu xa hơn, còn chứa đựng trong đó không gian văn hóa, được chưng cất từ những trải nghiệm, vốn sống, vốn hiểu biết của nhà văn.

Theo dõi truyện ngắn tham dự cuộc thi, không có nhiều tác phẩm chú ý đến cách kể, hay việc tạo dựng cấu trúc và giọng điệu đa sắc trong khi đây mới thực sự là lực đẩy để truyện ngắn thoát khỏi trạng thái tĩnh tại, trầm lắng hiện nay. Tôi mong chờ ở cuộc thi những đột phá về cấu trúc tự sự và ngôn ngữ, biết tận dụng tối đa ưu thế của thể loại – sự hàm súc, cô đọng, khả năng phát hiện, rọi sáng chất liệu hiện thực từ những điểm nhìn trùng phức. Một truyện ngắn có thể mang chứa nhiều câu chuyện trong một câu chuyện. Nếu một số truyện ngắn được tỉnh lược hơn nữa để tránh hiện tượng dài dòng, từ đó, gia tăng tính đối thoại và những hình ảnh giàu tính biểu tượng đa nghĩa, giấu kín ý tưởng và cảm xúc thì sẽ mở ra những biên độ nghĩa mới cho văn bản nghệ thuật. Đó cũng là những “khoảng trống” cần thiết như những “con tôm” mà Tề Bạch Thạch đã làm trong hội họa của ông. Hay nói khác đi, nguyên lý “tảng băng trôi” đến nay vẫn là một đòi hỏi và thách thức đối với mỗi nhà văn viết truyện ngắn. Mặt khác, sự trang nghiêm, thiếu vắng tiếng cười giễu nhại, châm biếm cũng làm cho truyện ngắn trở nên đơn điệu, và đó sẽ là một thiệt thòi cho người đọc hiện đại vốn thông minh và nhạy cảm.

Thực ra, đòi hỏi sự bứt phá từ một mùa truyên ngắn là điều không dễ, vì trong những năm gần đây, truyện ngắn vẫn đang kiếm tìm lối đi riêng của mình, song song với hành trình cũng không kém phần gian nan của tiểu thuyết. Nhìn rộng hơn về văn xuôi và truyện ngắn đương đại, tôi nghĩ đã xuất hiện một thế hệ mới giàu khát vọng sáng tạo, có tinh thần dấn thân và dám bứt phá bằng những lối viết lạ như Nhật Chiêu, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Trần Nhã Thụy, Đặng Thân, Nhã Thuyên,… Lẽ dĩ nhiên cách tân không phải là mục đích duy nhất của văn chương, nhưng đó là một nhu cầu tự thân quan trọng của nghệ thuật, để khi xuyên qua trò chơi ngôn ngữ, người đọc cảm nhận sâu sắc hơn tâm thế của con người hiện đại và tìm thấy chính mình trong những trò chơi bất tận ấy.

Lợi thế của truyện ngắn chính là “ngắn” – một hình thức phù hợp với quỹ thời gian ít ỏi và nhịp điệu gấp gáp của người đọc hiện đại. Vậy thì điều gì quan trọng nhất níu người đọc tìm đến thể loại này? Đó là tính phát hiện, là những trải nghiệm sâu sắc, những đối thoại giàu tính triết lý/ triết luận trên một động hình ngôn ngữ góc cạnh và ám ảnh. Nhưng để đạt tới những phẩm chất ấy, nhà văn phải là một nhà tư tưởng trong thế giới tinh thần của họ. Có lẽ, đó cũng là điều mong mỏi của chúng ta về sức mạnh của truyện ngắn trong tương lai, mà mùa truyện ngắn này, trong sự hình dung của tôi, là một khởi đầu hứa hẹn…

 

Nguồn: văn nghệ trẻ

Exit mobile version