Truyện ngắn, một thể loại văn chương ra đời từ rất lâu, tưởng chừng có sự ổn định, thống nhất, nhưng chưa hẳn vậy…

Những thay đổi của truyện ngắn

Trong lĩnh vực văn xuôi, bên cạnh bút ký, tản văn… thì với văn chương nghệ thuật phải kể đến hai thể loại chính là Truyện ngắn và Tiểu thuyết. Nhưng từ thực tế lại có những truyện mà độ dài vượt xa truyện ngắn nhưng chưa đạt đến độ để gọi là tiểu thuyết. Vậy là khái niệm Truyện dài, Truyện vừa ra đời, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ.

Về dung lượng chữ trong truyện ngắn lâu nay thường được xác định khoảng 5000 từ. Đây cũng là số từ thường được quy chuẩn trong các cuộc thi văn chương lớn.

Cuộc thi truyện ngắn năm 2007 của báo Văn nghệ vinh danh hai truyện ngắn Buổi sáng biến mấtCơm chiều của Ngô Phan Lưu ở giải thưởng cao nhất – giải nhất. Điều đáng chú ý là hai truyện ngắn này khá “kiệm lời” như lời nhận định của ban tổ chức cuộc thi năm đó, chỉ trên 2000 từ một ít. So với các truyện ngắn dự thi cùng năm và các truyện ngắn đoạt giải cao trước đó thì hai tác phẩm giải nhất của Ngô Phan Lưu gần như chỉ ngắn bằng… một nửa. Đây là sự khác biệt khá rõ.

Sau khi cuộc thi kết thúc, đã có nhiều người đặt câu hỏi, liệu xu hướng truyện ngắn kiệm lời sẽ chiếm lĩnh văn đàn? Độc giả sẽ ưu ái hơn? Nhất là trong bối cảnh văn học kinh điển với số trang quá nhiều không còn được là những tác phẩm gối đầu giường của số đông. Rồi cuộc sống quá nhiều thứ quan tâm, giải trí, nên văn học cũng vì thế mà co lại, bị chia nhỏ, độc giả hướng đến những tác phẩm ngắn, dễ đọc.

Từng duy trì nhiều năm nay, mục truyện 1200 chữ trên báo Tuổi trẻ đã trở thành “thương hiệu” riêng và được đông đảo tác giả trên cả nước hưởng ứng. Có người xếp truyện 1200 chữ là truyện ngắn, cũng có người cho rằng nó là truyện ngắn ngắn hoặc truyện rất ngắn.

Cũng ở phía Nam, cuộc thi truyện ngắn Con người và cuộc sống của báo Sài Gòn giải phóng và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ hạn định số từ không quá 1800. Tức là chỉ hơn 600 từ so với truyện 1200 của báo Tuổi trẻ nhưng ban tổ chức gọi đích xác thể loại tác phẩm là: Truyện ngắn. Cuộc thi kết thúc với 1255 tác phẩm tham dự, cho thấy đó là một con số không nhỏ.

Từ những ví dụ trên, phải chăng truyện ngắn đang có xu hướng “co lại” khi càng tiến về phương Nam – nơi báo chí phát triển?

Hình thành từ rất lâu cả ở trong nước và ngoài nước là truyện siêu ngắn, rất ngắn, từ độ dài vài chục chữ, đến một trăm chữ, rồi vài trăm chữ, một nghìn chữ. Những truyện ngắn nhỏ xinh này thường lược đi nhiều yếu tố, nghe như kể tóm tắt một câu chuyện và thường mang một thông điệp, có dáng dấp ngụ ngôn ở cái kết mở, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ.

Sự “co duỗi”- có thể ngắn hơn hoặc dài thêm ở thể loại truyện ngắn là có nhiều lý do. Do tác giả khi đặt bút viết cho đến khi hạ dấu chấm cuối cùng kết thúc, không thể thêm bớt, sữa chữa được, với câu chuyện này, cách viết này phải như thế này nên nó được ấn định số chữ cụ thể. Nghĩa là, hoàn toàn vô thức – tác phẩm ra đời trước khi phân chia thể loại nào. Còn lý do nữa là có sự can thiệp của ý thức ngay từ ban đầu khi viết. Mà điểm xuất phát có lẽ một phần từ nhu cầu của độc giả, từ yêu cầu khuôn khổ hạn định của báo chí hay đơn vị đăng tải. Nhưng dù từ chủ quan hay khách quan thì đó là một sự ra đời mang tính thực tiễn.

Bông hoa ít cánh có toả được hết hương sắc?

Đã có nhiều tác giả – cả tác giả trẻ và cả những nhà văn đã thành danh bày tỏ với tôi rằng, không thật thoải mái khi viết truyện phải luôn tự nhắc mình rằng, chỉ được viết 1200 hay 1800 chữ thôi. Hoặc là họ viết theo kiểu giản lược – coi như một dạng tóm tắt từ một tác phẩm mà trong đầu nghĩ là dài hơi để đáp ứng số chữ, để… đi dự thi, hoặc để đăng báo. Cuộc thi kết thúc, tác phẩm đăng báo đã xong thì tha hồ ngồi triển khai lại theo hướng dài hơi đã ấp ủ như trường hợp nhà thơ Vương Tâm từng công bố. Và chắc chắn, còn không ít trường hợp tương tự như nhà thơ Vương Tâm, chỉ có điều họ không muốn và không tiện công bố ra.

Ngược lại với cách làm trên, là tác giả cứ viết thoải mái thành một tác phẩm hoàn chỉnh dài rộng theo ý tưởng của bản thân. Sau đó copy ra một bản khác để thực hiện công việc giản lược cho đến khi “chân đã vừa giày” thì gửi đi. Cái truyện cắt ngắn ấy cứ đăng báo. Còn cái bản đầu tiên nguyên vẹn lại đàng hoàng đăng chỗ khác, đáp ứng được số chữ dài, hoặc là giữ lấy để sau này in vào sách riêng.

Cũng có tác giả không làm “nước đôi” như vậy là xác định rõ ràng, cái nào ngắn hẳn hơn nghìn chữ thì là ngắn hẳn, cái nào năm nghìn chữ là năm nghìn chữ. Hoặc sòng phẳng hơn, có người cũng chỉ viết được dạng truyện hơn nghìn chữ mà không thể viết được dạng truyện ngắn năm nghìn chữ. Có người dứt khoát không viết thể loại truyện hơn nghìn chữ vì thấy… phí, chỉ chuyên tâm viết truyện ngắn năm nghìn chữ.

Những cuộc thi của dòng truyện hơn một nghìn từ nói chung cho đến nay vẫn chỉ mang tính “nội bộ”, mà chưa bứt ra xa hơn. Bởi chưa ai trở thành “tác giả” từ những dòng truyện kiệm lời này. Và hàng năm, trong hệ thống giải thưởng văn chương từ trung ương tới địa phương chưa thấy truyện ngắn kiệm lời được đứng ở vị trí cao nhất.

Các nhà văn từng được giải Nobel văn chương như Kawabata, Hemingway… được cho là đã từng viết truyện rất ngắn, nhưng khi liệt kê những tác phẩm tiêu biểu trong đời văn của tác giả thì không thấy xuất hiện.

Ở ta, từ sau cuộc thi năm 2007 với sự hiện diện truyện ngắn hai nghìn chữ (2136 chữ) của Ngô Phan Lưu, cuộc thi truyện ngắn mới đây nhất, vừa kết thúc cho thấy “hiện tượng” này không lặp lại. Phần lớn các truyện được giải có độ dài kéo sát năm nghìn từ.

Định nghĩa ngắn gọn giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, nhà văn và nhà phê bình Pháp thế kỷ 20 – Paul Bourget, cho rằng: “Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”. Quan điểm cho rằng, truyện ngắn có không gian và thời gian hẹp hơn tiểu thuyết. Điều này luôn đúng. Nhưng không vì thế mà cứ nhất nhất nghĩ rằng, khi viết truyện ngắn người viết không được mở cho mình rộng hơn không gian và thời gian. Hiện nay, có khá nhiều truyện ngắn dày dặn, hiện tại, quá khứ cùng tái hiện, nhân vật, nơi chốn cùng đan xen đồng hiện để chuyển tải. Ý tưởng của truyện ngắn nhiều tầng, nhiều nghĩa. Nếu gói gọn tất cả những điều đó trong khoảng hơn một nghìn từ thì rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Vì vậy, truyện ngắn với độ dài năm nghìn từ vẫn đã và đang là lựa chọn của nhiều nhà văn. Những truyện ngắn dày dặn này từ lâu đã tạo nên tên tuổi của người cầm bút.

Độ ngắn dài của một tác phẩm không phải thước đo giá trị văn chương. Càng không thể nói rằng, truyện càng ít chữ càng nông cạn và càng nhiều chữ là chứa đựng được nhiều giá trị. Giá trị, hay chất lượng tác phẩm đôi khi không phụ thuộc vào số lượng từ. Nhưng một chiếc áo quá chật khó mà che hết được cơ thể, chưa kể nhìn dúm dó.

Nói về sự co duỗi của truyện ngắn, không phải để phân định thứ hạng. Cái nào cũng có ưu điểm và cả nhược điểm. Mỗi tác phẩm – mỗi đứa con tinh thần được chào đời phù hợp với chiếc áo có kích cỡ bao nhiêu thì người sinh hạ ra chúng được quyền quyết định. Tôn trọng những điều đó, văn chương sẽ thêm phần đa dạng.

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version