Thể loại văn học, hiểu một cách chung nhất là “dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, thể hiện ở sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm”(1). Thể loại vừa mang tính ổn định, lại vừa biến đổi, là một phương diện quan trọng để tìm hiểu lôgic và quy luật vận động của đời sống văn học. Bakhtin xem thể loại là nhân vật chính của lịch sử văn học, và lịch sử văn học, theo ông là lịch sử đấu tranh giữa các thể loại.

Một đặc điểm của tiến trình lịch sử văn học là cùng với quá trình vận động và phát triển, các thể loại còn có sự tương tác với nhau. Trong công trình Văn học thế giới mở, Nguyễn Thành Thi quan niệm tương tác thể loại là “hiện tượng hai hay nhiều thể loại của một giai đoạn, một thời kì, một nền văn học, thuộc về một hay nhiều hệ thống thể loại, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, xâm nhập vào nhau, mô phỏng nhau… để cùng biến đổi hoặc hình thành thể loại mới”(2). Tương tác thể loại là sự thể hiện quá trình biến đổi thể loại vừa mang tính quy luật, đồng thời chịu sự chi phối của tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, ý thức thể nghiệm và sáng tạo của người viết trước đòi hỏi của thực tiễn đời sống văn học.

Sự tương tác, pha trộn thể loại trong truyện ngắn ít nhiều đã có trong văn học trước đây. Tuy nhiên, phải đến những thập kỉ cuối thế kỉ XX, dấu hiệu của sự pha trộn, dung nạp thể loại mới được thể hiện rõ rệt và với tần suất cao. Truyện ngắn hiện đại đã “chạm đến ranh giới vốn mờ nhạt giữa truyện ngắn với các thể loại văn học khác như bút kí, tản văn, tùy bút, tiểu luận”, thậm chí có cả yếu tố thơ và kịch. Thực tế này làm đứt gãy những giới hạn thể loại truyền thống. Trong quan niệm của người viết, truyện ngắn giờ không còn là thể loại tự sự đơn giản, mà có khả năng biến hóa với việc xóa mờ lằn ranh thể loại, với sự đan xen kết hợp nhiều kiểu văn bản trong một văn bản.

Người viết truyện ngắn hiện nay khá tự do trong việc làm thay đổi khuôn diện của truyện ngắn truyền thống, bằng cách để cho những yếu tố thuộc về phẩm tính của thơ ca, hay chất thơ xâm nhập vào tác phẩm tự sự, không chỉ ở giai điệu, hình ảnh, xúc cảm – những phẩm tính của tác phẩm thơ – mà còn ở sự hiển ngôn của ngôn ngữ thơ trên bề mặt văn bản… Sự xâm nhập của chất thơ vào truyện ngắn có thể thấy ở hình ảnh trữ tình, sự cô đọng, hàm súc và ngôn ngữ thơ. Nguyễn Huy Thiệp có ý thức rõ về sự xâm nhập của thơ vào truyện ngắn, về sự mở rộng ranh giới của truyện bằng thơ. Trong hai tập truyện ngắn Như những ngọn gió (Nxb Văn học, 1995) và Thương cả cho đời bạc (Nxb Văn hóa – Thông tin, 2001) ngôn ngữ thơ ca chiếm một tỉ lệ lớn. Đó có thể là những câu thơ do chính tác giả sáng tác, cũng có thể tác giả mượn của người khác (Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…), cũng có khi là lời hát cổ, những câu hát đồng dao, câu ca dân gian được nhà văn sử dụng nguyên văn hoặc có chỉnh sửa. Nhiều tiêu đề truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng mang tính thơ, thi vị, chất trữ tình (Chảy đi sông ơi, Thương nhớ đồng quê, Tâm hồn mẹ, Truyện tình kể trong đêm mưa…). Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Cái nhìn khắc khoải, Dòng nhớ, Chiều vắng, Hiu hiu gió bấc…) có sự dung nạp yếu tố trữ tình vào truyện ngắn bằng việc không hướng vào khai triển hệ thống sự kiện với cốt truyện mạch lạc, mà chú ý khắc họa nhân vật trong nhiều trạng huống tâm trạng (gần với chủ thể – nhân vật trữ tình trong thơ).

 

Bước qua lời nguyền – một truyện ngắn được tiểu thuyết hóa.

 

Sự xâm nhập của thơ vào truyện ngắn còn được biểu hiện trong việc nhà văn đã đưa thơ làm đề từ, chẳng hạn đề từ truyện ngắn Tri âm của  Phạm Hải Anh là hai câu: Đoạn trường sổ rút tên ra/ Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau, trong truyện ngắn Năm mười mười lăm hai mươicủa Nguyễn Vĩnh Nguyên là những câu: Năm mười mười lăm hai mươi/ Con trai mới lớn đừng chơi năm mười. Với nhiều truyện ngắn, thơ không chỉ đóng vai trò là lời đề từ với chức năng dẫn dụ mà có khi thơ còn là một tâm sự nhà văn muốn gửi gắm, là những đoạn trữ tình ngoại đề thể hiện tâm trạng nhân vật. Đây cũng là ý thức tránh sự câu thúc bởi những ràng buộc mang tính quy phạm: truyện ngắn không chỉ là câu chuyện được kể mà còn là những trạng huống, những cảm xúc, khơi gợi năng lực tưởng tượng.

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là tính kịch. Ở các truyện ngắn Không có vua, Tướng về hưu, tính kịch được thể hiện qua xung đột, qua nhân vật, qua ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại. Tướng về hưu là truyện ngắn giàu xung đột kịch, hành động kịch. Không chỉ là xung đột trong nội tâm nhân vật mà còn là xung đột giữa nhân vật với nhân vật, ở đây là giữa ông Thuấn và con dâu, giữa ông Thuấn và con trai, xung đột của những thói quen, nếp nghĩ của một người vốn là một vị tướng nghỉ công tác, trở về với cuộc sống đời thường. Đọc Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh, người đọc như được dõi theo một vở kịch trong đó có không gian kịch (không gian gia đình với hai nhân vật chính là đứa con và ông bố), thời gian kịch (kể từ khi đứa con phát hiện ra việc bố mình ngoại tình bằng một mẩu giấy tình cờ nhặt được) và hành động kịch (hành động, ý nghĩ, sự thay đổi trạng thái đời sống cùng những việc làm trong sự đối kháng ngầm của người con với người bố cũng như những tình huống nảy sinh giữa người con với những thành viên trong gia đình). Trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Y Ban đã mượn hình thức viết thư để qua đó nhân vật được giãi bày tâm sự, được thỏa lòng nói ra những khát vọng thầm kín của chính mình mà trong hoàn cảnh khác nhân vật khó có cơ hội bộc lộ. Phù phiếm truyện – tập truyện ngắn đoạt giải trong Cuộc thi Văn học tuổi 20 do Nxb Trẻ, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức – của Phan Việt dung chứa nhiều yếu tố của tùy bút, bút kí.

Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, ở đây là hình thức tiểu thuyết hóa truyện ngắn có thể thấy trong nhiều trường hợp. Nhiều truyện ngắn được viết như những tiểu thuyết cô đọng: Giọt máu, Con gái thủy thần (Nguyễn Huy Thiệp), Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời (Đỗ Bích Thúy), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Nhân sứ (Hòa Vang), Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê)… Một trong những biểu hiện của hiện tượng tiểu thuyết hóa truyện ngắn là sự khai thác đời sống theo chiều sâu, điều này làm cho truyện ngắn có một sức chứa lớn hơn khuôn khổ của nó, cho ta “cảm giác về những tiểu thuyết thu nhỏ”. Không chỉ là câu chuyện của vài ba nhân vật, Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp là câu chuyện về một dòng họ, câu chuyện của nhiều con người, nhiều cuộc đời trải qua nhiều biến cố trong suốt chiều dài lịch sử gia tộc. Khảo sát Cánh đồng bất tận trên các phương diện vốn dĩ có thế mạnh trong tiểu thuyết như kĩ thuật di chuyển điểm nhìn trần thuật, kĩ thuật lắp ghép lồng truyện và kĩ thuật phân tích tâm lí, độc thoại nội tâm sẽ thấy được tính chất tiểu thuyết hóa truyện ngắn trong tác phẩm của cây bút nữ này. Không phải là tác phẩm có kiểu kết cấu nhân vật đa tuyến (vì số lượng nhân vật trong tác phẩm không nhiều với sự hiện diện của bốn nhân vật chính là Sương, Điền, người cha, cô gái điếm) nhưng tác phẩm có sự tồn tại của ba cấu trúc tự sự song song: cấu trúc theo trật tự nhân quả, cấu trúc theo trật tự thời gian tuyến tính và cấu trúc theo dòng chảy tâm lí nhân vật. Kĩ thuật phối hợp độ căng chùng trong tiết tấu nhịp điệu – một đặc điểm của tiểu thuyết – được Nguyễn Ngọc Tư vận dụng đến tối đa khiến cho người đọc khi thưởng thức tác phẩm còn có cảm giác như đang được xem một cuốn phim quay chậm, ở đó có sự chồng xếp giữa những scen ngoại cảnh và scen tâm trạng. Có thể thấy, sự xuất hiện của hiện tượng  tiểu thuyết hóa truyện ngắn đã chứng tỏ sự biến động “trên bề mặt và trong cấu trúc tự sự” của thể loại truyện ngắn. Điều này gắn với quan niệm của nhà văn về thể loại, về văn học với mục đích nhằm chuyển tải hiện thực đời sống trong bối cảnh mới.

Tính chất  tiểu thuyết hóa truyện ngắn còn được thể hiện ở kĩ thuật liên kết các truyện ngắn tạo nên kiểu “truyện ngắn trong truyện ngắn” hay “truyện ngắn liên hoàn” như trong các truyệnNhững ngọn gió Hua tát (gồm 10 truyện ngắn liên hoàn), Chút thoáng Xuân Hương (gồm ba truyện: Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba) của Nguyễn Huy Thiệp. Một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu có sự gắn kết với nhau ở đường dây liên hệ của nhân vật, chẳng hạn nhân vật Khúng xuất hiện ở Khách ở quê raPhiên chợ Giát đều với tư cách là nhân vật chính.

Khi tìm hiểu một số thể loại khác, chúng ta cũng có thể nhận thấy những dấu hiệu của sự tương tác thể loại. Với tiểu thuyết, sự tương tác thể loại được biểu hiện ở nhiều dạng thức. Trong đời sống văn học đương đại, bên cạnh khuynh hướng tiểu thuyết hóa truyện ngắn như đã đề cập ở trên là sự xuất hiện của hình thức tiểu thuyết ngắn như một khuynh hướng nổi bật. Rất nhiều những tiểu thuyết có dung lượng ngắn của Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Dạ Ngân, Vũ Huy Anh, Nguyễn Bình Phương… như Thiên sứ, Thiên thần sám hối, China town, Và khi tro bụi, Gia đình bé mọn, Trăm năm thoáng chốc, Thoạt kì thủy… là một biểu hiện cho sự kiếm tìm những khả năng của tiểu thuyết trong bối cảnh đời sống đương đại, trước đòi hỏi của sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông, của tâm lí độc giả. Tiểu thuyết ngắn hiện diện trong đời sống văn học còn như là một cách thức của người viết tiểu thuyết hướng tới việc đi chệch quỹ đạo và quan niệm tiểu thuyết truyền thống, rằng “tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn”. Với sự xuất hiện của nhiều sáng tác tiểu thuyết ngắn những năm gần đây, người đọc cũng có thể đặt câu hỏi: Liệu tiểu thuyết cũng có lúc bị, được truyện ngắn hóa? Thực tế là “tiểu thuyết có xu thế nghiêng về truyện ngắn bởi nó ngắn về dung lượng, ít nhân vật, thời gian và không gian không có quy mô lớn (…) còn truyện ngắn thì cố mở rộng phạm vi về phía tiểu thuyết”.

Khi đọc một tác phẩm, những quy ước của thể loại sẽ phần nào chi phối cách người đọc tiếp cận với tác phẩm đó, chẳng hạn người đọc sẽ có những tâm thế khác nhau khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết. Thực tế đời sống văn học cho thấy, nòng cốt của thể loại là những “mô chuẩn nghệ thuật”, ít nhiều mang tính quy uớc.  Người đọc từng quen với khái niệm tiểu thuyết trong tính ổn định, rằng tiểu thuyết phải có dung lượng lớn, phải nhiều trang, có nhiều nhân vật, nhiều tuyến nhân vật, các xung đột phải được giải quyết triệt để,… Với nhiều tiểu thuyết đương đại, có thể thấy nhà văn đã làm đứt gãy những quy ước thể loại trước đây và khi đọc tác phẩm những thói quen và kinh nghiệm của người đọc cũng bị phá vỡ. Tác giả tiểu thuyết đã có ý thức “chơi thể loại” bằng việc tạo nên một tác phẩm lệch chuẩn với lối viết thoát khỏi khung khổ, quy chuẩn nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết truyền thống.

Sự tương tác thể loại giữa truyện ngắn và tiểu thuyết còn được biểu hiện ở cách thức người viết sử dụng những chất liệu sẵn có trong một truyện ngắn đã viết trước đó. Ví như truyện ngắn và tiểu thuyết Bóng giai nhân của Đặng Thiều Quang; truyện ngắn Lộc trời và tiểu thuyết Họ vẫn chưa về của Nguyễn Thế Hùng. Nguyễn Thế Hùng viết Họ vẫn chưa về dựa trên cấu tứ của truyện ngắn Lộc trời và có thể coi truyện ngắn là một phác thảo của tiểu thuyết. Ở những tác phẩm này sự tương tác thể loại được thể hiện ở những gia cố chất liệu hiện thực và kĩ thuật trần thuật. Trong quá trình hình thành, phát triển và tương tác thể loại, cả truyện ngắn và tiểu thuyết đã có những biến thể. Ở đó “nòng cốt của tiểu thuyết như là kết quả của quá trình tổng hợp kinh nghiệm của truyện ngắn vào tiểu thuyết”. Sự xâm lấn của các yếu tố truyện ngắn vào tiểu thuyết và ngược lại, một phần là kết quả của quy luật nội tại trong quá trình vận động thể loại, mặt khác là bởi ý thức của người viết nhằm tạo nên những không gian nghệ thuật mới.

Với thơ, một trong những biểu hiện của sự tương tác thể loại trong thơ đương đại là hình thức thơ văn xuôi. Tính chất tương tác này thể hiện ở chỗ trong thơ có dạng thức làm mờ những đặc trưng thể loại và dung nạp những yếu tố thuộc các thể loại văn xuôi. Hình thể câu văn xuôi là dấu hiệu ngoại hiện và người đọc dễ dàng nhận thấy. Không tuân theo tính niêm luật của các thể thơ truyền thống, các nhà thơ sử dụng ngôn từ và cấu trúc câu thơ một cách tự do phóng túng, thoát khỏi những ràng buộc của thơ cách luật để mở rộng về dung lượng từ ngữ. Theo cách thức này, câu thơ được đẩy đi theo trục ngang và kéo dài với  cấu trúc gần với câu văn xuôi: Uống nước lạnh. Hương hồng nhung, áo quần hanh nắng, mùi tóc em còn quyện quanh li. Em bảo anh mãi chói chang mùa hạ. Nắng gắt dội xuống làm những ngón tay, ánh mắt anh bỏng rát. Chén trà thơm, lọ mực thêm cô đặc. Bức tranh thêu, cây đèn bàn càng héo rũ. Chiếc cúc áo trên ngực anh khô nỏ, cong vênh. Mặt trời lặn vào li rượu mạnh. Anh khép mắt hình dung em mây trắng lại bay về… (Những bông hoa mùa thu – Mai Văn Phấn). Dấu hiệu của chất văn xuôi còn thể hiện ở việc nhà thơ đưa những yếu tố cốt truyện vào cấu trúc trữ tình trong thơ. Sự tương tác, pha trộn giữa yếu tố văn xuôi và thơ không phải là sự tác động một chiều mà đa chiều theo kiểu “có đi có lại”. Nhà nghiên cứu Văn Giá nhận thấy trong bài thơ Gương mặt em và Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ của Mai Văn Phấn “có đầy đủ tính cách của một truyện ngắn mini mang hình thức thơ”, là “một kiểu thơ – truyện rất ngắn (không phải truyện ngắn thông thường hoặc truyện dài)”(3). Sự pha trộn giữa mạch trữ tình và mạch tự sự tạo nên cấu trúc trữ tình – tự sự trong thơ Mai Văn Phấn.

Những biểu hiện của chất văn xuôi trong thơ không còn là trường hợp riêng lẻ như trước đây mà là “hiện tượng phổ biến trên diện rộng”, là đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ của nhiều tác giả thơ đương đại như Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Trần Nhuận Minh, Thanh Thảo, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… Nới lỏng cấu trúc thể thơ truyền thống, nối dài câu thơ tạo ra những câu thơ theo chiều dọc, không viết hoa chữ đầu dòng cũng là cách thức thực hành thơ của nhiều nhà thơ đương đại. Song hành chất văn xuôi trong thơ mà vẫn giữ được giá trị thẩm mĩ trong thơ là một dấu hiệu của sự đổi mới, là cách thức để nhà thơ tự do trong việc triển khai những “phức hợp cảm xúc cá nhân”, tổ chức nhịp điệu, đồng thời cho thấy tính hiện đại trong thơ đương đại.

Nhìn vào thực tiễn văn học có thể thấy sự tương tác thể loại là hiện tượng đã có trong lịch sử, tuy nhiên tính chất, đặc điểm ở mỗi thời, mỗi người (chủ thể sáng tạo) lại có những điểm khác biệt. Trong thời kì trung đại khi “văn sử triết bất phân” vẫn là quan niệm có tính chi phối thì sự tương tác thể loại chưa phải là vấn đề đặt ra theo cách thức hướng tới giải mã ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật, tư duy thể loại của nhà văn trong quá trình sáng tác. Trong thời kì hiện đại, ở một số sáng tác, tính chất tương tác thể loại cũng đã được biểu hiện, tuy nhiên đa phần là đặc điểm tự nhiên mang tính quy luật nội tại của quá trình vận động thể loại. Càng về sau, đặc biệt là trong những thập niên cuối thế kỉ XX, sự tương tác thể loại là hiện tượng diễn ra khá phổ biến. Nhiều người viết coi đó như một mục đích hướng tới để cách tân nghệ thuật, thể hiện nỗ lực kiếm tìm lối viết.

Từ sự đổi mới quan niệm thể loại, người viết đã có những cách tân táo bạo. Sự lựa chọn ban đầu về thể loại là một thực tế tất yếu nhưng trong nhiều trường hợp người viết không có ý định bảo tồn sự “thuần khiết thể loại” mà hướng tới xóa nhòa những lằn ranh thể loại để làm mới tác phẩm nghệ thuật. Điều này trước hết xuất phát từ ý thức của chủ thể sáng tạo, từ nhu cầu làm mới văn chương và tác phẩm. Trên cơ sở ảnh hưởng của phương thức sáng tác hiện đại, trên phương diện thể loại, đời sống văn học cũng đã có những chuyển dịch. Ở khía cạnh này, sự tương tác thể loại cũng là biểu hiện của tính phi lựa chọn, phi trung tâm, tinh thần giải cấu trúc vẫn thường được đề cập trong văn học đương đại hiện nay.

L.H.T
———
1. Nhiều tác giả. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, 2004, tr.299.
2. Nguyễn Thành Thi. Văn học thế giới mở. Nxb Trẻ, tr.49
3. Văn Giá. Thơ sinh ra để nói niềm hi vọng của con người. Tạp chí Nghiên cứu văn học. Số 7/2011.

Lê Hương Thuỷ

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version