Hiệu Constant

 

Từ lúc nhận được tin khẳng định được về Việt Nam tham gia chuyến công tác số 10 đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tôi đã rất háo hức và tôi thiết nghĩ mình không phải là kiều bào duy nhất có tâm trạng này. Thường xuyên hồi hương do công việc, nhưng tôi xác định đây sẽ là chuyến hồi hương đặc biệt trong đời mình. Ba mẹ con rời Paris để bay về Thành phố Hồ Chí Minh trước chuyến đi vài ngày, bởi tôi muốn tận dụng dịp này để đưa các con đi thăm thú một số vùng miền Đông Nam bộ. Và quả là đặc biệt thật, khi mà trời Paris đầu xuân vẫn còn lành lạnh, không khí buổi sáng chỉ 6, 7 độ C thì chúng tôi cập bến sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi sớm tinh mơ, tiếng cô tiếp viên lảnh lót thông báo nhiệt độ bên ngoài là… 37 độ C. Nghỉ ngơi đôi chút trong ngày và mẹ con tôi đi thăm thành phố Vũng Tàu và Tây Ninh, thăm Toà thánh và khu biên giới Mộc Bài…

Ngày 18 tháng tư, ba mẹ con tôi lại cùng nhau ra sân bay Tân Sơn Nhất. Các con tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu quê ngoại nên lấy máy bay ra Hà Nội, còn tôi đến Cam Ranh.

Nắng ngập trời thành phố Cam Ranh, nhưng không khí dịu mát hơn nhiều so với Sài Gòn. Những cơn gió ngoài khơi thổi vào mang theo mùi hương nồng nồng của biển. Khách sạn Trường Sa hiện đại tráng lệ đón đoàn chúng tôi, nhưng có lẽ vẫn đang kỳ hoàn thiện bởi xung quanh khuôn viên khách sạn vẫn còn ngổn ngang, hàng cây to bứng từ đâu đó về trồng trước cửa khách sạn vẫn còn chưa tươi lại, các nhân viên ai nấy đều chân tình chu đáo và cởi mở…

Đây quả là sự kiện hội ngộ thú vị! Các đại biểu kiều bào đều hồ hởi vui vẻ, gặp lại bạn cũ và kết thêm bạn mới. Tôi gặp lại chị Lê Thị Bích Hường, một kiều bào trở về từ Italia. Chúng tôi học cùng khoa với nhau, ở cùng châu Âu nhưng gần chục năm rồi chưa có dịp hội ngộ, chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tôi được gặp lại bác Nguyễn Đình Bin, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp cách đây chừng chục năm… Những câu chuyện bên bàn ăn khiến tôi khám phá các đồng bào mình ở những xứ sở mới lạ, những nơi mà tôi chỉ nghe tên nhưng chưa có dịp đến thăm và những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đó. Tất cả mọi người đều hân hoan và tự hào được tham gia chuyến công tác đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Chiều ngày 19, đoàn khởi hành từ khách sạn ra cảng. Tuyệt vời! Những con đường phẳng lì một bên là đồi núi còn bên kia là biển. Hôm ấy nắng đẹp, biển thăm thẳm, chỉ thi thoảng gờn gợn những con sóng xanh vỗ nhè nhẹ vào bờ cát. Xa xa, con tàu lớn màu trắng KN – 491 của Hải quân Việt Nam hiện ra và ngày càng trở nên sừng sững và trắng hơn giữa màu xanh của trời và của biển khi đoàn xe chúng tôi tiến gần lại. Đã xem duyệt binh nhiều lần, nhưng lần duyệt binh chia tay đoàn của các cán bộ và chiến sỹ hải quân khiến tôi ấn tượng. Vẫn là một màu trắng của quân phục, vẫn là những bước đi mạnh mẽ của lực lượng vũ trang, nhưng đây quả là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khối trắng – xanh lam di động với những bước chân oai hùng giữa mênh mang xanh thẳm của biển trời mây nước núi non.

Tiếng tàu hú báo hiệu rời cảng như một lời chào tạm biệt. Điện thoại di động đồng loạt hoạt động. Tôi nhận thấy những khoé mắt rưng rưng, những cánh tay đưa lên vẫy chào những người lính còn đứng trên kè cảng.

Chỉ chục ngày thôi mà tôi như sống hàng chục cuộc đời với vô vàn những cảm xúc pha trộn. Từ háo hức phấn khích đến lặng lẽ trầm buồn, những nụ cười tươi và cả những giọt nước mắt ! Đêm đầu tiên ban lãnh đạo đoàn công tác và đội văn công của Nhà hát ca múa kịch Quân đội giao lưu các đại biểu. Dưới ánh trăng non đầu tháng, chuyện làm quen diễn ra nhẹ nhàng hòa điệu. Đến phần giao lưu văn nghệ, những khuôn mặt rạng ngời, những ánh mắt thân thiện. Những giọng ca, điệu múa dễ đi vào lòng người và khiến ta nhanh chóng xích lại gần nhau hơn khi xung quanh ta chỉ là những con sóng và tiếng biển rì rào. Mảnh trăng đầu tháng treo lơ lửng trên bầu trời thăm thẳm, thi thoảng điểm những đám mây trắng bồng bềnh, những vì tinh tú nhìn xuống trần gian với cặp mắt nhỏ sáng lấp lánh. Những ca khúc về biển trời và lãnh hải Việt Nam vang lên hào hùng, kiêu hãnh. Những tiếng hát lanh lảnh được vẳng vào trời, vào biển, vang đi rất xa rồi lại quay về quần tụ trên môi, trên mắt mỗi người. Lúc đó mọi ranh giới về cấp bậc, chức vụ, nghề nghiệp hình như đã biến mất, mọi khoảng cách về địa lý, danh phận quốc gia của các kiều bào không còn tồn tại nữa, mà chỉ còn là những đứa con của dân tộc Việt Nam, có cùng một tiếng nói, một tình cảm đối với Tổ quốc thiêng liêng. Là những đứa con lên đường đi thăm miền đất đất thứ tư của Tổ quốc, thăm những đứa con khác của Đất Mẹ. Toàn đoàn đã làm thành một khối duy nhất.

Những ngày sau đó luôn đầy ắp những cảm xúc! Vui có, buồn có và cả niềm kiêu hãnh tự hào và hi vọng! Đảo Song Tử Tây là điểm thăm đầu tiên của đoàn. Khách thăm hân hoan vì thấy cuộc sống của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng được cải thiện dần lên. Buổi chào cờ buổi sáng gây xúc động, khi được nghe giọng nói rắn rỏi trang nghiêm của một chiến sỹ đọc 10 lời thề. Tôi nhận thấy ánh mắt rưng rưng của cán bộ lãnh đạo đoàn công tác và những dòng lệ đọng trên mi rồi lăn trên má của một số đại biểu kiều bào. Những bước đi vững mạnh kiêu hùng của các đoàn duyệt binh. Bức tượng sừng sững hiên ngang của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nhìn ra biển như muốn nhắc nhở con cháu luôn nêu cao tinh thần và vững lòng tin bảo vệ lãnh hải của Tổ Quốc. Chùa Song Tử Tây mang đậm phong cách của chùa Bắc bộ Việt Nam và một điều đặc biệt trên tất cả những ngôi chùa thuộc quần đảo Trường Sa là mọi hoành phi, câu đối đều được viết bằng tiếng Việt. Đây quả là một sự tinh tế của ai đã nghĩ ra điều ấy.

Cũng trong chuyến đi Trường Sa này, tôi được mục sở thị những loài cây mà tôi mới chỉ được nghe tên và xem qua những bức ảnh như cây phong ba, cây bàng vuông và loài hoa muống biển… Như để chống chọi với bão tố và nắng ngàn, lá các loài cây ở đây cũng dầy hơn. Phong ba mùa này bắt đầu ra nụ chúm chím, những lùm cây lum khum hệt như những cây nhãn quê tôi. Tôi hình dung khi tất cả những chùm hoa kia nở bung, cả một không gian đảo sẽ trắng xóa và những cơn gió sẽ khiến chúng đung đưa, lao xao hệt như những con sóng phía xa xa đang ru dỗ ghềnh đá… Những vạt muống biển cũng khiến tôi mê mải. Những bông hoa tím mịn màng, cánh mong manh hệt như loài rau muống ta vẫn ăn, nhưng tôi nghe nói là muống biển khá độc hại, còn tôi lúc này thì thấy thích, chúng cứ vươn dài, bò loang là là trên mặt đất như thách thức bão giông. Ai có thể ngờ trên một hòn đảo giữa trùng khơi mênh mông đầy nắng và gió, cát và những hòn sỏi lại cho ra đời một bông hoa mỏng manh thanh khiết đến nhường ấy…

Rời Song Tử Tây, đoàn đến thăm đảo chìm Đá Nam. Quang cảnh nơi đây vượt khỏi trí hình dung của tôi. Một hòn đảo nhỏ không cây nằm chênh vênh trên mặt biển. Các chiến sỹ giữ đảo còn rất trẻ, những khuôn mặt rám nắng và gió biển khiến ta nghĩ họ trưởng thành trước tuổi. Xúc động nhất khi một nữ ca sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội Việt Nam đến hát cạnh một chiến sỹ đang đứng gác Cột mốc chủ quyền. Tiếng hát của chị khiến người chiến sỹ rưng rưng, anh bối rối nhìn ra nơi khác, tay anh run run giữ chặt nòng súng, rồi hình như không kìm được, đôi dòng lệ chảy nhanh trên má. Nữ ca sỹ vừa hát vừa lấy khăn chấm nước mắt cho anh… Tất cả những cử chỉ đó chỉ kéo dài chừng ba mươi giây, nhưng đủ khiến những người có mặt như lặng đi, ta chỉ còn nghe thấy những tiếng rì rầm của biển hòa cùng tiếng hát của nữ ca sỹ. Người chiến sỹ lại nhanh chóng lấy lại phong độ nghiêm trang, mắt nhìn thẳng, tay cầm chắc súng. Tôi đọc thấy trong ánh mắt một số đại biểu sự ngưỡng mộ, cảm thông và chia sẻ…

Đảo Cô Lin cũng để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng! Nhất là khi về tàu, đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hi sinh trên đảo Gạc Ma và những người lính đã hi sinh để bảo vệ biển đảo. Cả khu sân bay của tàu im phăng phắc, người ta chỉ còn nghe thấy giọng đọc nghẹn ngào của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng hải quân, cán bộ cao nhất trong lực lượng hải quân có mặt trên tàu. Các đại biểu được nghe lại những chiến công thầm lặng và sự hi sinh cao cả của các anh. Xúc động thật! Xung quanh tôi, cặp mắt nào cũng rưng rưng nhỏ lệ, đây đó vang lên tiếng sụt sịt. Tôi thấy cặp mắt các phóng viên tác nghiệp cũng đỏ hoe. Không khí hết sức trang nghiêm khi ban lãnh đạo đoàn và các đại biểu thắp hương cho các anh. Cả khu tĩnh lặng, ta chỉ còn nghe văng vẳng tiếng nhạc lễ và mùi hương trầm lan toả trong không gian… Đêm đó trăng đã đầy hơn, tưới xuống trần gian một luồng sáng bạc. Trời không mây, xanh thăm thẳm, chi chít những vì sao còn tâm trạng tôi thì nặng nề ! Bài phát biểu của Chuẩn đô đốc Thái cứ văng vẳng trong đầu tôi. Một mình trên boong tàu, tôi lặng lẽ ngắm biển và những con tàu cá neo xa xa, ánh sáng từ đó hắt ra chòng chành theo nhưng con sóng tựa như những cặp mắt đang nghiêng ngó nhìn tôi. Những tên người, những sự kiện diễn ra trên biển này, trên những hòn đảo kia cứ đeo đẳng tôi. Gió nhẹ thổi lọn tóc tôi chờn vờn trên má, dưới kia những con sóng dập dờn, gặp ánh trăng giống hệt như một tấm thảm dát bạc, gờn gợn nhấp nhô, những hình ảnh loang loáng của đàn cá bơi theo ánh sáng con tàu, có con ngẫu hứng lao thia lia trên mặt nước. Tôi nhìn đăm đăm xuống biển, tôi những muốn có cặp thiên nhãn thông để tìm soi các anh đang nằm chỗ nào, hốc đá nào sâu dưới biển khơi che chở cho các anh khỏi những đợt sóng ngầm cuồn cuộn. Tôi cũng muốn biết các anh đang nghĩ gì khi thấy các đoàn kiều bào lặn lội cả ngàn hải lý để đến thăm các hòn thảo thiêng, một miền đất thứ tư của Tổ Quốc, đến thắp cho các anh một nén nhang như một sự tri ân giữa trùng khơi xa xôi này…

Đảo Tốc Tan khiến tôi vui vui trở lại khi thăm « vườn rau » của các anh ! Tốc Tan là một hòn đảo chìm, không hề có một bóng cây. Nép mình bên sườn nhà là một khu  vườn  nhỏ tự tạo, rau được các anh trồng trong những chiếc bồn khá lớn. Chỉ chừng chưa đến chục mét vuông nhưng tôi đếm được trên dưới hai chục loài rau và thảo dược. Khi thăm vườn rau và tôi gọi những cây thân mềm đó là thảo dược bởi tôi đã nghĩ đến bố tôi, một ông thầy lang suốt đời cặm cụi với những « cây cỏ ». Tôi nhớ nằm lòng câu nói của bố khi dẫn con gái ra những bãi tha ma, những cánh đồng ở quê để tìm những «cây cỏ» phục vụ cho công việc trị bệnh của ông : « Ở đất Nam này, không có loài thảo mộc nào là cỏ dại, chỉ là ta chưa phát hiện ra công dụng của chúng mà thôi ! ». Trong khu vườn nhỏ trên đảo hôm ấy, những chiếc lá xanh non mơn mởn như vẫy chào người khách lạ trong buổi sớm mai. Có lẽ đây là khoảng không gian xanh duy nhất của đảo. Rời khu vườn nhỏ xinh, tôi lên tầng thượng. Đây lại là một khung cảnh khác hẳn. Những tấm kính bao phủ trên mái nhà để thu năng lượng mặt trời rồi sẽ tạo thành điện. Điều này khiến tôi nhớ đến miền nam nước Pháp, quê chồng tôi. Ở đó có những thửa ruộng bỏ hoang rộng hàng ki lô mét vuông, tại đó cả hàng dài những tấm kính khổng lồ được sắp xếp ngăn nắp, thẳng tắp. Có nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn thứ 2 châu Âu. Ở những vùng quê tại Pháp, những mái ngói đỏ yêu kiều hầu hết đã được phủ những tấm kính để tận dụng năng lượng thiên nhiên như thế… Còn ở đây lúc này trên đảo, mặt trời lên cao dần, những giọt mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên mặt khách, trên mặt người chiến sỹ tiêu binh đứng gác. Tôi đứng đó, mặt lia nhìn bốn hướng, khắp nơi đều là một màu xanh thăm thẳm. Xa xa biển và trời nhập làm một. Cảnh tượng thông báo sẽ có một ngày rất nóng…

 

Đến các đảo nổi, tôi theo chân Trưởng đoàn đi thăm một số trường học và gia đình các hộ dân sinh sống trên đảo. Các trường học và ngôi nhà cũng khang trang, có tủ lạnh, có quạt mát, nhà được lát nền đá hoa tươm tất. Chủ nhà cho biết về mặt vật chất thì không thiếu thốn, chị ở nhà chăm con, anh đi biển đánh bắt cá phục vụ nhu cầu gia đình hàng ngày. Mỗi hộ sẽ ở tại đảo thời gian là năm năm, sau đó nếu thấy thích nghi thì xin gia hạn tiếp. Cán bộ và chiến sỹ hải đảo cũng rất quan tâm về mặt y tế và tinh thần cho người dân. Cũng tốt. Về mặt trường học khiến tôi băn khoăn, bởi trên các đảo mới chỉ có hệ tiểu học, lên cấp II, các cháu sẽ được chuyển vào đất liền học tiếp ! Là một người mẹ luôn được gần gũi con mình trong suốt thời thơ bé của chúng đến tuổi trưởng thành, tôi đã rất khó dời xa các con mình, nên tôi thấu hiểu tâm tư của những người mẹ, những cháu bé. Tôi hình dung những nhọc nhằn của lứa tuổi vị thành niên khi phải sống xa cha mẹ. Tôi thấy ngưỡng mộ những hộ gia đình dân trên đảo, bởi họ cũng đang góp phần vào công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo của chúng ta. Thôi thì…

Ngày 25 tháng Tư, nhằm ngày 10 tháng Ba, ngày Giỗ Tổ, ban tổ chức và đoàn đại biểu đã cùng cung kính dâng hương ngay trên con tàu KN 491. Xúc động ngập tràn khi nghe cán bộ sở Ngoại Vụ tỉnh Phú Thọ, cũng thuộc thành viên của đoàn công tác, kể lại những giai thoại trong truyền thuyết về các vua Hùng lập nước, anh cũng nhắc lại câu nói của vua Hùng thứ 6 được khắc ghi trong lăng : «Khi ta chết, hãy chôn ta trên núi Cả. Ở trên cao, ta sẽ trông nom bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau ». Các bạn hình dung không, ở một không gian như thế, ở trong tâm thế của đoàn chúng tôi ra thăm miền đất thứ tư của Tổ quốc, vùng lãnh hải thiêng liêng, mẫu số chung của mỗi người con  đất Việt cho dù đang sống ở đâu và có chính kiến ra sao, câu nói ấy vang lên mới thiêng liêng làm sao! Và tôi không phải là người duy nhất thấy mắt mình rưng rưng…

 

Đảo Trường Sa để lại trong lòng các đại biểu nhiều ấn tượng! Đây có lẽ là hòn đảo nổi khang trang nhất, có đường bay dành cho phi cơ, có nhà khách, có hội trường lớn và trường học sạch mát. Có Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trang nghiêm. Ngôi chùa Trường Sa khá bề thế với khuôn viên rộng thoáng và nhiều tượng Phật, những hàng cây vẫn tiếp tục lớn tỏa bóng râm mát. Tôi ngồi lặng trước mấy ngôi mộ liệt sỹ. Xem bia thì họ đã hi sinh còn khá trẻ. Tôi đã không dám hỏi lí do sự hi sinh của các anh trên đảo này. Bởi cho dù trong hoàn cảnh nào thì đó chắc chắn là vì sự nghiệp chung của chúng ta, của toàn dân tộc Việt Nam.

Cũng tại đây, tôi có thêm niềm vui nho nhỏ của riêng mình ! Tôi đã gặp được hai người đồng hương Thường Tín. Hai sỹ quan Hải quân. Trung tá Trường và Thiếu tá Đoàn. Anh Trường sinh năm 1966, quê ở xã Lê Lợi, giáp đê sông Hồng, muốn vào xã anh thì phải đi qua xã tôi. Và một điều thú vị là anh học trường cấp III Đồng Quan cùng với anh trai tôi ! Anh kể vanh vách tên các anh chị làng tôi cùng độ tuổi anh đã học ở trường cấp III ngày ấy. Còn em Đoàn thì nhỏ tuổi hơn, sinh năm 1975, quê ở xã Chương Dương. Chỉ một lát thôi là những « chuyện quê mình » bung nở, còn vui hơn cả tết. Tiếng loa của đêm văn nghệ giao lưu giữa cán bộ và chiến sỹ đảo cùng đoàn đại biểu từ bên vọng vào, tôi nói giọng hơi luyến tiếc rằng hai anh em phải ra xem văn nghệ chứ ? Nhưng cả hai người đều đồng thanh đáp rằng cuộc hội ngộ này còn vui hơn cả xem văn nghệ ! Tôi thầm xin lỗi các nghệ sỹ của đoàn ca múa nhạc Quân đội và các đại biểu ! Ngoài mặt tỏ ra ái ngại, nhưng trong lòng tôi vui lắm. Các bạn hình dung chứ, ba đứa con của Thường Tín đã bủa đi rất xa, anh Trường đóng quân tại Nha Trang, em Đoàn tại Cần Thơ, còn tôi tại Paris… để rồi cùng gặp nhau tại ngoài khơi xa xôi này, tại đảo Trường Sa, thì còn gì vui hơn! Chuyện của chúng tôi cứ dài mãi không dứt. Anh Trường nói con trai anh hiện cũng đang là chiến sỹ hải quân, đóng tại đảo Song Tử Tây…

Bất chợt, tôi phát hiện ra rằng ngoài kia không còn tiếng ồn ào nữa, không còn loa. Ánh sáng cũng đã tắt… và tai tôi thì bắt đầu nghe tiếng tàu rú. Tôi tiếc nuối lật đật đứng lên, mở túi lấy chút quà tôi đem theo để tặng hai người mà tôi đã rất cảm mến và thấy thân thiết biết bao nhiêu, dẫu đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ! Điện trên đường đã tắt, Đoàn liền bật đèn trên điện thoại của em để soi lối cho tôi. Ngoài kia tàu vẫn rú từng tràng dài. Trên kè các chiến sỹ đảo đã xếp thành hàng dài và hát những bản hùng ca về biển để chào đoàn đại biểu. Tôi bịn rịn chia tay hai người đồng hương ngay trước cầu tạm nối kè với con tàu KN 491! Nhóm chiến sỹ phục vụ chỉ còn đợi tôi lên để rút cầu. Và hôm đó tôi đã là người cuối cùng của đoàn công tác số 10 rời khỏi đảo…

Các đoàn đại biểu kiều bào trở về từ 24 quốc gia đều gây ấn tượng cho tôi. Đoàn đông và trẻ trung như Hàn Quốc, các bạn thật năng động. Lại có đoàn chỉ có một người trở về như giáo sư Toán học Bùi Minh Phong từ Budapest Hung-ga-ri, chị Trương Thị Hồng từ Israel… Nhưng trong số đó, tôi ghi nhận đoàn kiều bào Thái Lan hơn cả. Các anh đều đã cao tuổi, trẻ nhất cũng trên 60 tuổi, người lớn tuổi nhất thì gần 80. Qua những lần trò chuyện, tôi thấy họ yêu nước Việt Nam một cách tha thiết nồng nàn. Những con chữ cũng không khiến tôi lột tả hết những cảm xúc, những tình cảm mà họ dành cho dân tộc mình, cho đất nước mình, cho Bác Hồ… Tôi được biết tất cả những kiều bào Thái Lan hơn 60 tuổi đều đã được sinh ra tại đất Thái, nhưng họ nói tiếng Việt thành thạo, thông hiểu sâu thứ tiếng mẹ đẻ này đến mức kinh ngạc! Là người mẹ của hai đứa con lai Pháp, và bản thân là dịch giả đang sống tại Pháp, tôi hiểu những cố gắng để lưu giữ tiếng Việt của họ. Cũng trong chuyến đi này, tôi được biết những kiều bào Thái Lan, dẫu sinh ra, lớn lên và lập nghiệp tại đó thì vẫn còn rất khó để nhập quốc tịch Thái, và không được tham gia vào bất kỳ cơ quan công quyền nào của nước Thái Lan.

Và một người mà tôi cũng muốn nhắc đến, đó là anh Lý Thừa Vĩnh, hậu duệ đời thứ 28 của vua Lý Thái Tổ. Anh trở về từ Hàn Quốc để tham gia chuyến đi. Anh rất vui tính và thân thiện, và tôi đã có cuộc trò chuyện dài với anh. Ngày 30/04, về đến Hà Nội, anh rủ tôi đi Đền Đô để giỗ Tổ họ Lý, nhưng do thời gian, tôi đã không thể đi được. Tôi cũng thấy tiếc.

Chuyến đi đã để lại trong lòng các thành viên nhiều ấn tượng. Về thông tin của đoàn, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cho biết một số cảm nghĩ của mình về chuyến đi: «Đoàn công tác số 10 bao gồm gần 70 kiều bào đến từ 24 quốc gia và các vùng lãnh thổ cùng đại biểu của các ngành của Trung ương và địa phương. Tôi đã thấy họ rất xúc động được đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Họ đã được chứng kiến những đổi thay trên các đảo, cảm nhận được ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Mỗi đại biểu sẽ có những cảm nhận riêng của mình nhưng chắc chắn là luôn quan tâm và dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Và tôi mong rằng sau chuyến đi công tác này, các đại biểu sẽ có những hành động thiết thực và cụ thể để đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước».

Còn đại biểu Lò Văn Sanh, trở về từ nước Nga thì chia sẻ : «Tôi vui và tự hào khi thấy các cán bộ và chiến sỹ Hải quân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã chứng kiến những khó khăn gian nan vất vả. Cũng giống như cách đây 46 năm, tôi đã từng là bộ đội, đã sống ở Trường Sơn, có mặt ở các chiến trường phía Nam và chúng tôi khi ấy vẫn thấy vui và tự hào, vì được «Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai… », hoặc «Dừng ở lưng đèo nghe suối hát/ Ngắt một đoá hoa hồng cài lên áo tôi đi »… Chúng tôi dẫu có khó khăn nhưng vẫn còn trên đất liền, có rừng che chở và nuôi dưỡng, còn các cháu ở đảo, lại đảo bé như Cô Lin hoặc Đá Thị… thì chẳng biết đi đâu, còn hiểm nguy có thể ập đến bất kỳ lúc nào, nếu không phải là kẻ địch bằng xương bằng thịt thì là những cơn bão biển. Trong tôi hiện giờ đang bị pha trộn giữa những luồng cảm xúc, vừa cảm thông chia sẻ, vừa thấy bùi ngùi. Cũng là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng các anh hình như gian nan hơn chúng tôi… ».

Chị Trần Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin- Xã hội, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh nói: «Các anh tuyệt vời và đáng trân trọng. Tôi tự hào và cảm phục các anh! Các anh đã hi sinh bản thân, hi sinh những hạnh phúc đời thường để đến với đảo, nơi «đầu sóng ngọn gió» để giữ gìn biển đảo. Tôi hi vọng sau lần công tác này, tôi sẽ có những bài viết đặc tả những tình cảm và niềm xúc động của riêng mình để chuyển tải và phát huy được tình yêu quê hương đất nước và nhất là biển đảo tới các bạn đọc trong và ngoài nước… ».

Có được chuyến đi thành công đầy nghĩa tình thì không thể không kể đến các anh chị em văn công và tổ phục vụ trên tàu KN – 491. Các ca sỹ và vũ công dáng người mảnh mai nhưng thật dẻo dai kiên trung, bởi trong khi một số đại biểu mệt lả vì say sóng thì họ vẫn ngày ngày hát giao lưu với các thành viên đoàn, nhiệt tình biểu diễn phục vụ các cán bộ và chiến sỹ trên các đảo…

Còn tôi, ngoài việc cám ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tham gia một chuyến đi mà tôi nghĩ đó là một ước mơ đã trở thành hiện thực, tôi còn cám ơn «nửa kia» của mình. Anh đã ủng hộ nhưng cũng rất lo lắng cho chuyến hồi hương này của ba mẹ con tôi. Một sẽ lênh đênh ngoài biển, còn hai con sẽ tự xoay sở với các bác và các anh em họ tại Thường Tín. Chúng cũng được các anh đưa đi chơi, thăm thú một số vùng quê như Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Tú Lệ (Yên Bái) và Hải Phòng… Các con nói rằng chuyến đi này thật khó vì không có mẹ ở cạnh, bù lại chúng đã học hỏi được nhiều điều về tình quê hương, họ hàng, tình làng nghĩa xóm, những điều mà bên Pháp đã không còn, hoặc rất hiếm. Chúng đã hiểu được một phần cơ cực của cuộc sống của những người dân quê Việt Nam… Tôi thấy vui vui, các con hiểu được như vậy là tốt rồi, bởi đó chính là mục đích của tôi đã kiên nhẫn dạy các con tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam…!

Rồi cũng đến lúc phải chia tay các hòn đảo thân thương để trở về đất liền! Ngày mai các đại biểu sẽ trở về với công việc của mình, nhưng tôi chắc chắn Trường Sa sẽ mãi mãi in đậm trong tim mỗi người, nhất là các đại biểu kiều bào. Đi thăm Trường Sa rồi, con người ta thấy mình thật nhỏ bé, mọi lo toan bận bịu đời thường của chúng ta về vật chất chỉ còn là vặt vãnh. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được chứng kiến tình người chan chứa đến thế! Tôi hi vọng và nghĩ rằng trong số các đại biểu tham dự, chuyến đi sẽ khiến họ thay đổi một số cách nghĩ và lối sống. Sẽ chia sẻ nhiều hơn và nghĩ về quê hương biển đảo Việt Nam nhiều hơn. Tôi cũng hi vọng mỗi đại biểu khi chứng kiến những gì diễn ra trên đảo sẽ như là một cánh nhạn đưa tin, chuyển những bức thông điệp về vẻ đẹp kiêu hùng của biển đảo Trường Sa lan tỏa đi khắp bốn phương. Giới thiệu đến các bạn bè năm châu hình ảnh một Trường Sa anh dũng kiên cường với các cán bộ chiến sỹ Hải quân luôn sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư và thậm chí cả sinh mạng vì sự bình an và chủ quyền của dân tộc.

Xin được mượn lời của nhà báo Lê Ngọc Năm (báo Văn hóa), một người đã có kinh nghiệm nhiều năm đi Trường Sa, để kết thúc bài viết:

«Trường Sa – khi đi mang theo nỗi nhớ/ Khi về mang lại niềm tin».

 

Tàu KN – 491 tháng 4/2018

Paris tháng 5/2018

Hiệu Constant, kiều bào Pháp

 

Exit mobile version