PV
“Nửa bước 700 năm” của Thành Châu không chỉ là một cuộc hành trình qua những mốc thời gian bí ẩn mà còn là lời truy vấn về sự sống, về đau khổ và định mệnh của con người.
“Nửa bước 700 năm”: Sự xuyên không kỳ ảo
Tác phẩm “Nửa bước 700 năm” chia làm ba phần, tương ứng với ba giai đoạn những nhân vật chính phải trải qua. Tuy nhiên, khác với những tiểu thuyết xuyên không truyền thống, nội dung không diễn biến theo một trật tự tuyến tính từ quá khứ đến tương lai, mà liên tục đan xen, gợi mở một dòng chảy ký ức rối rắm, đắm màu siêu thực.
Từ hiện tại, nhóm bốn thiếu niên ngày càng bị làm mờ ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và những kiếp sống đã qua

Một trong những điểm đặc sắc nhất của “Nửa bước 700 năm” là cách tác phẩm đào sâu vào những triết lý nhân sinh. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Bằng cách sử dụng kỹ thuật xuyên không ngẫu nhiên, tác giả kéo người đọc vào một vòng luẩn hồi không hồi kết, buộc ta phải đặt ra vô số giả thuyết về điều gì là thật, điều gì là mộng, điều gì là ký ức đã qua hay một kiếp sống khác trong vô vàn vây kiếp.
Thành Châu dùng lối văn đậm chất tượng trưng và hình ảnh đối ngẫu nhằm khắc họa một không khí vừa nặng nề này bí ẩn. Những đoạn mô tả quá trình xuyên không luôn được miêu tả chân thực đến lạnh người, như lúc các nhân vật chạm vào trụ đá và chứng kiến những linh vật cổ đại gào thét. Hay hình ảnh đầu lâu còn dính máu và tóc mà An Nguyệt tặng nhân vật “tôi” như một lời tuyên bố thách thức.
Hành trình tìm lại bản ngã giữa những vòng xoáy
Cốt truyện của “Nửa bước 700 năm” không đi theo trình tự tuyến tính mà vận hành như một mê cung với thời gian ngẫu nhiên và đa hướng. Nhân vật có thể xuyên từ hiện tại về quá khứ, rồi từ quá khứ lại bước vào tương lai, theo một quy luật huyền bí bị chi phối bởi nhân quả. Chính điều này đã tạo nên một không khí mơ hồ, siêu thực và đầy chất thơ trong từng phân cảnh của tác phẩm.
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, người đọc sẽ theo chân nhóm bốn thiếu niên của Hội Bảy Trăm gồm: Phong, Đông, An Nguyệt và Vũ trong một cuộc hành trình từ hiện thực đến quá khứ, từ những giấc mơ đầy ám ảnh đến một thế giới đan xen giữa hư và thực.
Từ một thiếu niên bình thường, Phong phải đối diện với những nghịch lý cay đắng: Bảo vệ hay hủy diệt, trung thành hay phản bội, giữ vững bản ngã hay để nó chìm vào quên lãng. Cuối cùng, sự lựa chọn của Phong khi đứng trước cánh cửa định mệnh không chỉ quyết định số phận của riêng anh, mà còn ảnh hưởng đến tất cả linh hồn đã đồng hành cùng anh trong suốt 700 năm.
Điểm đặc biệt của tác phẩm là cách tác giả sử dụng hình ảnh tượng trưng để thể hiện số phận nhân vật. Mỗi nhân vật trong Hội Bảy Trăm đều gắn liền với một biểu tượng riêng biệt:
Đông – Hươu sao đã chết: Biểu tượng của ánh sáng, của vẻ đẹp mong manh nhưng lại chịu số phận nghiệt ngã. Cái chết của Đông không chỉ là mất mát của nhân vật chính mà còn là sự lụi tàn của một quá khứ trong trẻo.
An Nguyệt – Vẻ đẹp nguyên bản: Hình ảnh của mặt trăng, của sự huyền bí và những bí mật ẩn giấu.
Vũ – Rùa oằn mình dưới sức nặng thế gian: Một kẻ trí thức bị mắc kẹt trong vòng xoáy lịch sử và số phận.
Phong- Sói mắt cuồn cuộn sát khí và cô đơn vô tận: Nhân vật chính lang thang giữa các kiếp sống với nỗi ám ảnh về sự tồn tại.
Tất cả họ chạm vào trụ đá khắc bốn sinh vật cổ đại và nhìn thấy những linh hồn bị đày dưới địa ngục – một biểu tượng cho sự giằng xé giữa tự do và định mệnh.
Tác phẩm đặt ra một giả thuyết đầy ám ảnh: Liệu tất cả những gì ta đang sống có thực sự là hiện thực, hay chỉ là những mảnh ký ức từ vô số kiếp sống trước? (Ảnh: Tác giả cung cấp)
“Nửa bước 700 năm” mang đậm tính huyền thoại và biểu tượng. Thành Châu sử dụng nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ và những câu văn giàu chất thơ, tạo ra một thế giới vừa thực vừa ảo, vừa lãng mạn lại vừa tàn khốc.
Như ở trong cảnh nhân vật chạm vào trụ đá, câu văn mô tả: “Một con rồng đang gầm thét cuồng nộ, một con phượng hoàng giãy giụa trong chính ngọn lửa do mình tạo ra, một con rùa oằn mình dưới sức nặng khủng khiếp của thế gian, một con sói mắt cuồn cuộn sát khí lẫn với nỗi cô đơn vô tận”.
Câu chữ không chỉ vẽ nên hình ảnh kỳ vĩ mà còn thể hiện tâm trạng nhân vật: sự nổi loạn, sự giằng xé, sự oằn mình trước những áp lực vô hình.
Ngoài ra, nhịp điệu văn chương có sự đan xen giữa những đoạn văn dài miên man, đầy suy tư, với những câu ngắn dồn dập, đầy sức nặng. Điều này tạo ra hiệu ứng như những nhịp tim bất ổn, khiến người đọc cảm nhận rõ rệt sự căng thẳng của nhân vật trong cuộc hành trình tìm kiếm bản thân.
“Nửa bước 700 năm” không chỉ là một cuốn tiểu thuyết xuyên không mà còn là một cuộc đối thoại với lịch sử và số phận. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều là một hiện thân của vòng lặp nhân quả, nơi không có gì thực sự mất đi, chỉ có sự chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
“Nửa bước 700 năm” là một tác phẩm đầy thử thách với người đọc bởi cấu trúc phi tuyến tính và sự hòa trộn giữa các tầng không gian – thời gian. Tuy nhiên, chính sự phức tạp ấy lại làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm, biến nó trở thành một trong những tiểu thuyết xuyên không độc đáo.
Bằng nghệ thuật kể chuyện đậm chất huyền thoại, hệ thống biểu tượng phong phú và ngôn ngữ giàu chất thơ, Thành Châu đã thành công trong việc khắc họa một câu chuyện không chỉ là hành trình xuyên thời gian mà còn là hành trình khám phá chính bản thể con người.
Tác phẩm là một lời nhắc nhở đầy ám ảnh: Dù ta có đi qua bao nhiêu kiếp sống, dù ta có mang bao nhiêu danh phận, rốt cuộc, ta vẫn luôn đối mặt với chính mình.
Hồng Nhung đăng bài
Nguồn: Danviet.vn