Cách đây mấy năm tôi có về công tác Thái Nguyên. Chúng tôi ở nhà khách tỉnh ủy. Một khu khuôn viên đẹp và yên tĩnh giữa lòng thành phố công nghiệp ồn ào náo nhiệt và bụi bặm.
Theo lịch công tác, chiều này đồng chí Bí thư tỉnh ủy sẽ làm việc với đoàn, nhưng sáng nay sau khi làm việc với sở Xây dựng về tôi bị cảm, thế là không dự buổi làm việc được, một thành viên trong đoàn phải thay tôi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tôi nằm lại một mình trong khu nhà khách. Căn phòng tôi ở trên tầng 2, ngoài cửa sổ hàng cây ngọc lan trẻ nở hoa ngào ngạt. Một cơn mưa rào cuối thu ập đến không khí càng trở nên mát mẻ, đẫm hương cây gợi cảm. Tôi đắm chìm trong một không gian Thái Nguyên thanh sạch bất chợt nhớ về những ngày xa xưa.
Năm ấy, tôi 17 tuổi, vừa thi xong đại học. Tôi lần đầu rời nhà đi xa. Nơi tôi đến đầu tiên đó là Phố Cò, Chợ Mỏ Chè, Thái Nguyên. Ngày ấy, tôi không hiểu ba địa danh này là một chỗ hay là ba chỗ khác nhau. Đó là địa chỉ, ở đó có trường Đại học Mỏ – Địa chất, anh trai tôi đang học. Chuyến đi ấy, cách nay đã 37 năm. Thời gian đã là quá nhiều với một đời người. Đến bây giờ tôi không sao nhớ được mục đích của chuyến đi là gì và lịch trình của chuyến đi ra sao. Tại sao một chú bé nhà quê lần đầu xa nhà lại có chuyến đi một mình xa xôi như vậy.
Tôi chỉ nhớ mình đến Thái Nguyên bằng tàu hỏa. Khi ra khỏi nhà ga vắng vẻ, heo hút núi đồi trời đã chập choạng tối. Hỏi đường về Phố Cò tôi đã may mắn gặp một người bạn đồng hành. Đó là một chàng trai bụ bẫm hiền lành người Hà Nam Ninh, ăn mặc rất mốt và đang là sinh viên năm thứ hai của một trường cao đẳng xây dựng cũng ở Phố Cò. Tôi theo anh đi bộ về Phố Cò. Con đường ngược dốc sỏi đá lổn nhổn, vắng vẻ và xa hun hút. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện. Chủ yếu là người thanh niên hỏi chuyện tôi và tôi trả lời. Trời đã sắp tối, đến một đoạn đường, anh thanh niên rẽ trái để về trường và anh tận tình chỉ cho tôi con đường tiếp theo đi tới cổng trường Đại học Mỏ – Địa chất. Tôi nhìn ngược dốc, khá xa, không một bóng người. Một chút chần chừ nhưng rồi không khó khăn gì, tôi đã tìm được khu ký túc xá trường Mỏ – Địa chất và tìm được phòng ở của anh trai.
Sống ở ký túc xá trường Mỏ – Địa chất mấy ngày tôi cũng chẳng nhớ nữa nhưng lần đầu tiên sống trong một căn phòng đông người, giường tầng tôi hết sức ngỡ ngàng. Anh tôi có rất nhiều bạn học cùng trường, cùng lớp và trong đó có một nhà thơ. Người này rất hay trò chuyện với tôi về thơ vì hồi đó, chắc là do anh tôi khoe nên mọi người đều biết tôi có võ vẽ làm thơ. Và chắc là, ngày ấy chả ai nghĩ cái thằng bé nhỏ thó, đen đúa, thô kệch quê mùa này rồi sẽ trở thành một nhà thơ.
Ấn tượng của tôi về ngôi trường Mỏ không nhiều. Đó là một khu trường tre lứa, mái cọ nằm trên một khu đồi đá sỏi mấp mô rất rộng. Cơm sinh viên chủ yếu là sắn. Sắn cũng được bày bán trên đĩa ở các quán nước tạm bợ lúp xúp quanh trường. Tôi chỉ còn láng máng nhớ sau khi ăn cơm chiều xong mọi người kéo nhau ra quán nước. Họ cùng nhau uống trà và hút thuốc lá. Thuốc lá Con gà sợi vàng ươm cuốn thủ công hầu như sinh viên nào cũng hút và nước trà Thái Nguyên vàng sánh thơm ngào ngạt.
Khi đó tôi chưa biết uống trà và dĩ nhiên cũng chưa biết hút thuốc. Có thể nói, khi đó tôi là một thiên thần tinh khiết chưa nhuốm một chút nào thói hư tật xấu của người đời. Có lẽ ở tuổi mười sáu, mười bảy những đứa trẻ sinh ra ở những vùng quê hẻo lánh như tôi đều thánh thiện như nhau. Đó đích thực là những thiên thần. Thiên thần nào may mắn có được người bạn gái của mối tình đầu thì đó đích thị là một tiên nữ. Nhưng hình như trời không cho ai làm mãi thiên thần. Khi ta bước ra khỏi ngôi làng của mình nghĩa là thiên đường đã bỏ ta. Từ đó ta không còn là thiên thần nữa. Thiên thần không bao giờ thành công, không bao giờ thất bại. Hành trình của mỗi đời người là cuộc hành trình rời xa thiên đường. Ta càng trưởng thành, ta càng thành công ta càng không có cơ hội trở lại thiên đường. Ta càng thất bại, ta càng suy sụp ta lại càng không còn sức lực để trở lại thiên đường.
Khi ta bước ra khỏi ngôi nhà tuổi thơ của mình thì thiên đường của ta đã mất. Hình như cuộc đời mỗi con người cuối cùng vẫn là câu chuyện đi tìm lại thiên đường mà chính mình đã rời bỏ. Thiên đường đến với mỗi đời người chỉ một khoảnh khắc thời gian hết sức ngắn ngủi. Khi ta chưa hiểu ra chuyện gì thì ta đã bỏ thiên đường ra đi và khi ta hiểu ra mọi chuyện thì thiên đường đã biến mất. Trên đời này ai cũng rơi bỏ thiên đường và rồi lại đi tìm thiên đường nhưng cho đến nay chưa có người nào trong cuộc đời ngắn ngủi của mình được hai lần sống ở thiên đường. Chuyến đi chơi lên Thái Nguyên của tôi 37 năm trước chính là cuộc ra đi rời bỏ thiên đường của cuộc đời tôi. Hình như đó chính là một sự dấn thân định mệnh.
Ở ký túc xá mấy ngày, hai anh em lên tàu đến trường Trung cấp xây dựng nơi bạn gái của anh tôi đang học ở đó. Đó là một người bạn cùng quê và sau này trở thành vợ anh. Thực ra, chị là chị gái một người bạn học cùng lớp 10 với tôi, tôi biết chị ngày đang học phổ thông. Chị cao, gầy và đen, mặt dài thượt. Chị là người làng trên – đúng ra trước đây làng này thuộc xã khác sau này hai xã nhập lại thành một xã, chị và chúng tôi mới là người cùng xã. Trong đêm khuya hai anh em xuống ga Lưu Xá và đi bộ tắt qua những quả đồi đêm đến ký túc xá của trường trung cấp xây dựng. Ấn tượng còn lại chỉ là ánh trăng suông nhập nhòa sương khói núi đồi và những cây trinh nữ hoa lập lòe dưới bóng trăng hoang lạnh.
Tôi không hiểu vì sao tôi không nhớ được lịch trình của chuyến đi này, tôi chỉ mang máng nhớ rằng anh tôi đã dẫn tôi đến thăm gia đình bác Sung. Đó là một người bác họ. Bác Sung có một người em trai, năm Ất Dậu 1945, Thái Bình đói khủng khiếp, bố bác đưa hai anh em đi lang thang kiếm ăn, nhưng rồi đói quá, sợ hai con chết đói, bố đành cho người em trai một người dân tộc nghe nói là ở Thái Nguyên. Vì lẽ đó, sau này, khi đi du học tại Đức về nước, bác Sung xin lên công tác tại Thái Nguyên với hy vọng ở đây sẽ có điều kiện thuận lợi tìm lại được người em trai thất lạc. Nhưng rồi đã tìm khắp thị thành rừng núi, rao tìm em cả trên đài phát thanh, báo chí mà người em vẫn bặt vô âm tín. Nay đã ở tuổi già và vô vọng, nhưng người anh vẫn loay hoay với mảnh đất nơi có người em thất lạc năm xưa. Tình máu mủ huyết thống của người quê tôi ghê gớm thế. Nhưng sao cuộc đời vẫn phụ người mãi.
Người thứ hai anh đưa tôi đến là cậu em trai mẹ tôi. Cậu làm thợ điện ở Khu Gang thép. Cậu tôi mắt hấp háy, con nhà địa chủ lại chỉ học hết lớp 7. Không được đi bộ đội, không được học hành gì chỉ được tuyển làm công nhân. Gặp cậu, tôi thấy cậu rất tuềnh toàng, suốt ngày mặc bộ quần áo bảo hộ lao động, rõ ra dáng một người thuộc giai cấp công nhân thứ thiệt. Khi đó, ở đâu người ta cũng nói công nhân là thành phần lãnh đạo đất nước, ghê gớm lắm. Quan sát cậu xuề xòa, thô thiển, suy nghĩ giản đơn, ăn nói bộc tuệch bộc toạc… tôi không hiểu giai cấp công nhân với những người như cậu mà lại sẽ lãnh đạo đất nước tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thì lãnh đạo như thế nào. Những người công nhân như cậu có thể cướp được chính quyền, đập phá được chế độ cũ, chém giết được bọn thực dân phong kiến nhưng xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa thì không biết sẽ xây kiểu gì. Cái suy nghĩ ấy ám ảnh tôi mãi. Khi đó cậu đã cao tuổi mà chưa lấy vợ. Căn phòng tập thể của cậu rất sơ sài, hiu hắt.
Sau khi ở Thái Nguyên thăm thú mấy ngày, anh trai đưa tôi về quê cũng bằng xe lửa. Trên đường về, chúng tôi xuống ga Yên Viên vào thăm một người dì em gái mẹ tôi. Gia đình dì ở trong khu tập thể cơ quan, nhà cửa xập xệ, ẩm thấp tường trát bùn trộn rơm, mái cọ, đường đi lối lại lầy lội, xung quanh cây cối, cỏ hoang um tùm. Dì là người xởi lởi, mau mắn, chú là người kỹ tính, khó khăn. Tôi không nhớ khi đó chú dì có bao nhiêu con nhưng xem chừng trứng gà trứng vịt lau nhau nhiều lắm. Ở nhà dì muỗi nhiều như trấu, đến đó thì tôi bị ốm, không còn nhớ là ốm do lây bệnh trên đường đi hay bị lây bệnh bởi chính bầy muỗi đông đặc ở nhà dì. Nhưng sau này thì tôi biết tôi bị sốt xuất huyết mà bệnh lây truyền qua đường muỗi. Tôi không nhớ là ở nhà dì mấy hôm, nhưng trong khi đang ốm chú dì có làm món măng vịt, mùi măng vịt nồng nặc ghê sợ đến gần 40 năm sau tôi vẫn còn nhớ như in. Và, sự lạnh nhạt của người chú rể cũng lần đầu gieo vào lòng tôi những thương tổn tinh thần.
Khi đang ốm anh đưa tôi về quê, trên đường không hiểu sao không ở lại chỗ bố tôi ở thị xã Thái Bình lại về nhà một người dì nữa em gái mẹ tôi, ở thị trấn Châu Giang, huyện Đông Hưng. Có thể dì tôi là y tá chăng. Tôi không nhớ được. Nhưng tôi biết tôi ở đó đến khi khỏi bệnh mới về quê. Chú Dì là người cùng quê cả hai đều rất chân tình và chu đáo. Tôi được dì chăm sóc rất cẩn thận. Ngày đó, dịch sốt xuất huyết mới xuất hiện chưa có thuộc đặc trị, mọi người được các bác sĩ hướng dẫn chủ yếu uống nước chanh để giảm sốt. Do dịch lây lan theo đường muỗi truyền mà xã hội ngày đó vô cùng thiếu thốn màn che, hơn thế cả xã hội ở đâu cũng hôi thối ẩm thấp, ao tù nước đọng, muỗi sinh sôi nảy nở đêm đến muỗi kêu đinh tai ức óc, muỗi bay như vãi trấu vào mặt người. Vì thế nên nạn dịch này hoành hành khắp mọi nơi.
Sau khi khỏi ốm tôi về quê thì chỉ một thời gian ngắn sau cô em gái bé nhỏ của tôi mắc bệnh này và chết ở bệnh viện huyện. Đó là nỗi bất hạnh đầu tiên của gia đình tôi và là cú sốc đầu đời của anh em tôi. Đến bây giờ tôi vẫn không sao nhớ nổi. Căn bệnh này đã lan truyền ở quê tôi từ trước hay chính tôi là người mang căn bệnh quái ác này từ thiên hạ về quê mình. Có phải với chuyến đi ấy tôi là người mang bất hạnh về gia đình mình hay không? Tôi luôn day dứt với ý nghĩ này mà đến tận hôm nay vẫn trĩu năng nỗi lòng không sao giải tỏa được.
Thái Nguyên chiều thu mưa. Những hàng cây ngọc lan xanh mướt mát ào ào nước đổ. Tôi và thành phố công nghiệp miền rừng này không có gì liên quan với nhau. Không có gì gắn bó tôi với Thái Nguyên về mặt tình cảm. Duy chỉ có cái chuyến đi đầu đời nhạt nhòa vô định kia. Sau này tôi có biết bao chuyến đi đến những vùng đất lạ, thế mà tôi không nhớ nhưng cái chuyến đi của chú bé nhà quê 17 tuổi kia chẳng hiểu sao nó cứ lẵng nhẵng theo đuổi tâm chí tôi. Nhưng tất cả lại rất nhạt nhòa, mờ tỏ, hư thực, lãng đãng chứa chan những mặc cảm, ân hận và tổn thương.