Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là huyện có 8 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Đỗ Vĩnh Bảo, Minh Chuyên, Vũ Đảm, Nguyễn Khoa Đăng, Dũng Hà, Bút Ngữ, Chi Phan, Thợ Rèn. Các nhà văn gắn bó với nơi sinh ra mình như thế nào, bằng cách nào? Những ngày cuối tháng Ba này, phóng viên VanVN.Net theo hai nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và Minh Chuyên cùng “về quê” để tìm hiểu.

Ai trở lại với quê hương bản quán như trở lại với vùng đề tài của mình người ấy được đón tiếp theo cách đón tiếp của các độc giả, khán giả quen biết, của các fan hâm mộ. Người hâm mộ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng ở đất lúa Thái Bình hôm ấy là học sinh trường tiểu học Hòa Bình nơi ông từng học, là cô giáo dạy nhạc trường THCS Minh Khai xã bên, là một huyện ủy viên Vũ Thư, là một Tỉnh ủy viên Thái Bình… những người đã hát cho ông nghe “Nghe mênh mang trên đồng lúa hát / hương lúa chín thoang thoảng bay / làm lung lay hàng cột điện /làm xao động cả rặng cây…” khi biết ông là tác giả ca khúc “Em đi giữa biển vàng”, một ca khúc có tên trong danh sách 50 ca khúc hay nhất thế kỷ 20 dành cho thiếu nhi. Cùng những hạt thóc, hạt gạo, những hạt văn, hạt nhạc đã nuôi thiếu nhi lớn lên, thành thầy cô, thành các nhà chính trị…


Trong cơ quan tỉnh ủy Thái Bình, một thiếu nhi ngày ấy, nay đã là Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hồng Diên trân trọng nhận từ tay nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tác phẩm mới, ông viết về Vũ Thư của mình, tiểu thuyết Nước mắt một thời (NXB Hội Nhà văn 2009) sau cuộc trao đổi với hai nhà văn về đời sống văn nghệ Thái Bình, về Đại hội văn nghệ tỉnh sẽ tiến hành vào tháng 4/2013.


Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cùng các độc giả nhí

Tác phẩm mới nhà văn Nguyễn Khoa Đăng dành cho người làng Thông của ông (làng Hòa Bình ngày nay) nằm trong chương trình 15.000 Chim mặt người, sách Nguyễn Khoa Đăng in tặng mà VanVN.Net đã từng đề cập. Mỗi học sinh trường tiểu học Hòa Bình đều có một “Chim mặt người” đó gửi trước về trường theo đường bưu điện, các em đã đọc, để khi nhà văn tới thăm trường, gần 400 học sinh đưa tấm bảng con có vẽ “chim mặt người” mời chính nhà văn chọn “chim mặt người” đẹp nhất.


Từ trái sang: nhà văn Minh Chuyên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và các cô giáo trường Minh Khai

Khác với trường làng Hòa Bình của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, đó khang trang bề thế sau khi chỉnh trang bằng số tiền tài trợ gần 4 tỷ đồng của tập đoàn dầu khí Việt Nam, trường làng Minh Khai của nhà văn Minh Chuyên xã bên còn thiếu phòng học. Khi chúng tôi đến, lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán còn phải học ở một góc hành lang. Chính vì thế, không chỉ mang tặng trường, sách và phim mình đã thực hiện, như là cách báo công với thầy cô giáo cũ, nhà văn – đạo diễn Minh Chuyên còn tặng trường món quà làm giàu cơ sở vật chất của trường – chiếc trống đại, đường kính hơn 1m. Với qùa tặng này nhà văn Minh Chuyên mong muốn, mỗi sáng, mỗi chiều được góp tiếng khuyến học với con em xã nhà.

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version