Năm 1973, chiến tranh vẫn đang ác liệt thì một lãnh tụ nước ngoài duy nhất đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam để thực hiện chuyến đi vào vùng tuyến lửa Quảng Trị. Đó là Chủ tịch Fidel Castro – người Anh hùng của đất nước Cuba. Chuyến đi của Fidel đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng mỗi người dân nước Việt về một người bạn lớn từ bên kia bán cầu xa xôi đã cùng nhịp đập trái tim, đánh Mỹ cứu nước.
|
Chủ tịch Fidel Castro khi ông vào thăm tuyến lửa Quảng Trị năm 1973. |
“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình” – Cho đến hôm nay, câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel vẫn còn vọng mãi trong tâm trí bao thế hệ người dân đất Việt. Và, trong chuyến đi của Fidel về vĩ tuyến 17 ngày ấy, có những câu chuyện nghĩa tình nay mới kể…
“Lãnh tụ Fidel đã giành lại mạng sống cho tôi…”
Tình cờ, một sáng ngồi uống cà phê ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chúng tôi được anh bạn làm công tác hướng dẫn viên du lịch cho hay, một lần đưa du khách về thăm địa đạo Vĩnh Mốc, anh có nghe vài người dân kể chuyện, lãnh tụ Fidel Castro có con nuôi ở Vĩnh Linh. Chuyện Fidel từ hòn đảo tự do thuộc khu vực châu Mỹ Latinh tới Việt Nam năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết và đã bất chấp chiến tranh bom đạn ngút ngàn vào thăm đất lửa Quảng Trị dường như ai cũng biết. Song, chuyện ông có con nuôi ở đất thép Vĩnh Linh thì hư, thực như thế nào?…
Lặn lội xuống vùng địa đạo Vĩnh Mốc, dò hỏi khắp mới được một vài cụ già kể rằng, họ có nghe, năm 1973, khi đoàn xe chở Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên đường từ Đồng Hới (Quảng Bình) vào Quảng Trị, gần tới bờ bắc sông Bến Hải thì xảy ra vụ nổ bom. Có điều họ nghe nói, cánh đồng xảy ra vụ nổ bom gần Quốc lộ 1A, thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Vĩnh Thành đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của, từ chuyện trực tiếp tham gia đánh giặc, đến việc tổ chức đưa bộ đội vào Nam, tiếp tải đạn dược…
Ngày nay, ở đất này vẫn còn di tích cột cờ Hiền Lương – Kỳ đài đầu tiên được dựng giữa sân Đồn công an vũ trang giới tuyến Hiền Lương vào ngày 10/8/1954, thể hiện ý chí, tấm lòng khát khao, quyết tâm đấu tranh để non sông Việt Nam thu về một mối. Suốt một thời bom đạn giặc đánh phá, để bảo vệ vững chắc kỳ đài này, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Nhiều người con của Vĩnh Linh quyết tâm bám trụ để vá cờ mỗi khi bị bom đạn xuyên rách. Những người con trung kiên bám đất, vá cờ như mẹ Nguyễn Thị Diệm vẫn còn mãi với non sông, đất nước như một huyền thoại bất tử…
Các cán bộ xã Vĩnh Thành cho hay, năm 1973, sau giải phóng Quảng Trị, nhân dân Vĩnh Thành cùng nhau san lấp hố bom, khai hoang phục hóa, xây dựng lại quê hương. Hồi đó cũng có không ít người bị chết, bị thương tật do bom mìn còn sót lại. Giờ đây, chiến tranh lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, xã Vĩnh Thành được ví như một thành phố bên bờ sông Bến Hải, là xã có mức thu nhập đầu người cao nhất huyện Vĩnh Linh; địa phương điển hình trong phong trào cùng Nhà nước xây dựng cuộc sống mới, tự nguyện đóng góp tiền xây dựng các công trình phúc lợi.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chuyện thực, hư về người con nuôi của Chủ tịch Fidel, các cán bộ xã đều chau mày suy nghĩ, rồi lắc đầu. Ai cũng khẳng định, không có anh nông dân nào của xã Vĩnh Thành ngày đó đi cuốc ruộng bị bom bi của giặc còn sót lại nổ làm bị thương và được Chủ tịch Fidel cho dừng đoàn xe để đưa đi cứu chữa. Chỉ có một nữ thanh niên tên là Hương lúc đó là đoàn viên thanh niên đi san lấp hố bom để đón đoàn công tác đưa Fidel vào thăm tuyến lửa Quảng Trị, chẳng may bị bom nổ nên đoàn của Fidel có chuyển nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu… Có phải người con gái tên Hương là con nuôi của lãnh tụ Fidel không thì chẳng rõ, vì hiện tại chị này đã lấy chồng và sinh sống ở Đông Hà mấy chục năm nay rồi…
Chúng tôi lập tức quay về Đông Hà. Mất hai ngày tìm hiểu mới biết được thông tin, chị Hương đang ở khu phố nằm sau lưng sân vận động. Vừa đặt chân tới con đường sau sân vận động Đông Hà, từ đầu đường hỏi thăm thì không ít người lên tiếng: “Hỏi nhà chị Hương, con nuôi của ông Fidel hả?”. Câu hỏi đã làm chúng tôi thêm phần phấn khích sau hành trình tìm kiếm tưởng chừng đã vô vọng…
Loanh quanh trong con hẻm nhỏ của khối phố 4, phường 1, thành phố Đông Hà, chúng tôi tìm tới nhà chị Hương. Trời đang mưa nên chị có mặt ở nhà với 2 người mẹ, một mẹ ruột và một mẹ chồng tuổi cũng đã ngoài 80. Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, tiếp những vị khách không mời trong sự ngỡ ngàng. Khi chúng tôi đề cập đến mục đích của cuộc viếng thăm đường đột, chị cả cười: “Người ta đồn đại vậy thôi! Tui đâu có phải là con nuôi của lãnh tụ Fidel…”. Câu trả lời của chị Hương làm chúng tôi chưng hửng.
Nhưng rồi chị lại bảo: “Ngày đó, bom nổ làm tui bị thương rất nặng. May nhờ lãnh tụ Fidel cho ngừng đoàn xe để kịp thời đưa tới bệnh viện cấp cứu, giành lại mạng sống từ bàn tay thần chết nên tui luôn tâm niệm rằng, ông là người cha đã sinh ra tôi lần thứ hai. Có lẽ nhiều người nghe tui kể chuyện về “cha nuôi” với một tấm lòng biết ơn nên đã hiểu ra là như thế…”.
“Tôi mãi mãi xem ông như người cha thứ hai của mình”
Chị Nguyễn Thị Hương, quê ở thôn Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Năm nay chị 54 tuổi, đã có cháu ngoại, song trong ký ức của chị vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra khi chị tròn 17 tuổi. Ngày đó, nhận được thông tin lãnh tụ của đất nước Cuba – Fidel Castro sẽ đáp máy bay vào Quảng Bình, rồi đi ôtô theo Quốc lộ (QL) 1A vào thăm tuyến lửa Quảng Trị. Tuyến QL1A đi qua Vĩnh Linh lúc này đang còn lồi lõm hố bom. Cấp trên giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Vĩnh Thành phối hợp cùng với Lực lượng Công an vũ trang Hiền Lương tổ chức san lấp để làm lại đường bằng phẳng kịp đón đoàn xe đưa Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm.
Trưa ngày 15/9/1973, chiếc chuyên cơ AN-24 mang số hiệu VN-1094 chở Chủ tịch Fidel đáp xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Ngay sau đó, 2 chiếc U-Oát được bố trí chở ông cùng đoàn tháp tùng Việt Nam lăn bánh lên đường vào Vĩnh Linh… Chất giọng phụ nữ bờ bắc sông Bến Hải thật nhẹ nhàng, lôi cuốn: “Tui cùng các đoàn viên thanh niên xã Vĩnh Thành và Lực lượng Công an vũ trang Hiền Lương sửa đường đến chừng 14 giờ thì sự cố xảy ra. Một quả bom bi phát nổ, tui bị thương nặng ngã gục xuống bất tỉnh…
Khi tỉnh lại, tui mới biết mình đang nằm trong Bệnh viện A Vĩnh Linh đóng tại xã Vĩnh Tú. Các y, bác sĩ cho hay, tui bị thương đứt 8 đoạn ruột, đứt động mạch mất máu rất nhiều, nếu không được kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu thì tui đã chết rồi…”.
Thì ra, khi chị Hương san lấp mặt đường đã cuốc đụng quả bom bi phát nổ, cũng là lúc đoàn xe chở Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa tới. Chủ tịch Fidel đã cho dừng xe để nhanh chóng đưa chị Hương đến Bệnh viện A Vĩnh Linh cấp cứu. Các y, bác sĩ cũng nói rằng, khi biết chị Hương bị thương mất máu quá nhiều, một chiếc xe trong đoàn được lệnh quay ra Quảng Bình để đưa từ Bệnh viện Đồng Hới vào 10 chai máu khô truyền cho chị Hương qua cơn nguy kịch…
Chị Hương sung sướng ôm hai bà mẹ già, niềm hạnh phúc ngời trên đôi mắt: “Mới đây, Đoàn làm phim Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đến Quảng Trị để quay bộ phim tài liệu “Tình yêu của Fidel với Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã đến gặp tui quay phim và hỏi lại chuyện cũ. Tui cũng nói với những người trong đoàn làm phim rằng, Chủ tịch Fidel đã cứu sống tui, với ơn nghĩa sâu nặng đó, dù chưa trực tiếp được thấy ông bằng xương, bằng thịt, song tui mãi mãi xem ông như người cha thứ hai của mình. Cha mẹ tui sinh ra tui lần thứ nhất, còn Chủ tịch Fidel thì sinh ra tui lần thứ hai…”.
Chị Hương còn kể thêm cho chúng tôi biết, nằm điều trị ở Bệnh viện A Vĩnh Linh hơn một tháng sau, chị về nhà và bất ngờ nhận được quà của Chủ tịch Fidel. Lãnh đạo Bệnh viện A cùng đại diện huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Thành mang quà của Chủ tịch Fidel đến tận nhà. Quà tặng chủ yếu là thuốc Tây để điều trị vết thương và thuốc bổ được gửi đi từ đất nước Cuba xa xôi đã làm cho chị Hương và những người có mặt đều xúc động vô bờ. Một nhà lãnh đạo như Fidel bận trăm công ngàn việc vẫn không quên sự cố bom nổ trên con đường cái quan của đất Việt xa cách Cuba nửa vòng trái đất, khi ông vào vĩ tuyến 17 ngày ấy, không quên cô gái đã bị thương trong lúc san lấp đường…
Cũng kể từ ngày đó, mỗi lần có đoàn công tác Cuba sang Việt Nam, vào Vĩnh Linh là nhận lời ủy thác của Chủ tịch Fidel đến thăm chị Hương như thăm người nhà. Chị Hương tiếc rẻ: “Trong món quà thuốc men mà Chủ tịch Fidel gửi tặng có tấm danh thiếp của ông, nhưng một anh cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị mượn rồi! Với tui, tấm danh thiếp ấy là kỷ niệm để tui và những người trong gia đình nhớ mãi không quên ân tình của Chủ tịch Fidel…”.
Bất chợt, chúng tôi nhớ tới cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Đàm ở xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, trong cuộc hành trình tìm lại dấu chân của Chủ tịch Fidel trong chuyến ông vào thăm tuyến lửa Quảng Trị.
Ngày ấy, ông Đàm giữ chức Chủ nhiệm Giao tế chuyên gia Quảng Bình, đóng ở Đức Ninh, có nhiệm vụ cùng cán bộ Công an tỉnh Quảng Bình phục vụ Chủ tịch Fidel, như: Sắp xếp nơi ăn cơm, bố trí phòng nghỉ… đặc biệt là huy động thợ mộc đóng nhanh chiếc giường ngoại cỡ, để Chủ tịch Fidel ngủ lại trong đêm 16/9/1973, lúc đoàn từ vĩ tuyến 17 quay ra.
Khi Chủ tịch Fidel cùng đoàn đến Giao tế Quảng Bình, công tác bảo vệ được triển khai rất nghiêm ngặt. Bên cạnh Chủ tịch Fidel luôn có 3 cận vệ theo sát ông như hình với bóng. Chiếc giường dài 2,3m, rộng 1,6m, được huy động tới 5 thợ mộc giỏi đóng xong trong một ngày, đặt ngay ngắn vào phòng ngủ của khu nhà Giao tế Quảng Bình và được đội kiểm tra an ninh sử dụng máy dò rà rất kỹ càng. Tối đó, tiếp cơm tối Chủ tịch Fidel có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình lúc bấy giờ…
Đến sáng hôm sau, ông Đàm được phép nói chuyện với Chủ tịch Fidel và được tặng tấm danh thiếp. Ông Đàm biết được rằng tấm danh thiếp này, Chủ tịch Fidel đã chuẩn bị từ trước, vì nó được để trong chiếc phong bì, bên ngoài có đánh máy dòng chữ tặng ông Đàm.
Giờ đây ông Đàm đã vào tuổi 86, ở cái tuổi gần đất xa trời song ông vẫn không quên cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Fidel cách đây đã hơn 37 năm về trước. Cũng như chị Hương, bao năm qua, ông Đàm gìn giữ tấm danh thiếp của Chủ tịch Fidel tặng như một báu vật, một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời…
Long Vân – Thanh Bình – Văn nghệ công an