Vũ Lâm

Bức tranh được đặt tên “Điện Biên Phủ”.

Chiều ngày 7/5, chào mừng kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2022) tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) sẽ khai mạc triển lãm sơn dầu cổ điển – hiện thực cỡ lớn của họa sĩ Mai Duy Minh… với tên gọi “Điện Biên Phủ”.

11 năm để hoàn thành tác phẩm

88 bức, trong đó tới tận 86 bức là phác thảo, chỉ có hai bức tranh khổ lớn chính thức, họa sĩ cũng đủ mệt quá vì treo lên gần kín tầng một bảo tàng của nhà trường… Đúng là có dịp xem kỹ các tác phẩm chì than và sơn dầu của Mai Duy Minh, thì ai cũng sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu biết anh khởi đầu thực hiện tác phẩm Điện Biên Phủ này từ năm 2011 trong một chuyến du ngoạn bằng xe máy một mình lên Điện Biên.

Kể từ đó đến nay, dường như năm nào anh cũng chưa yên tâm để xây dựng được một phác thảo hoàn thiện. Các bức phác thảo chì giấy khổ nhỏ cỡ A4, khổ to và chi tiết cỡ to nhất 150 cm x 400 cm (chỉ là một phần trong nhiều trăm phác thảo kỹ lưỡng sau hơn 10 năm qua). Trong triển lãm này, ngoài hai bức tranh khổ lớn” “Điện Biên Phủ” (khổ 185 cm x 490 cm) dựng lên những cảm nhận toàn cảnh về giây phút cuối cùng đón nhận chiến thắng của cha ông và bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đã cao tuổi, thì 86 bức tranh còn lại là phác thảo sơn dầu và chì than chỉ cho vào khung và không đặt tên ngoài chữ chú thích như nhật ký (14 sơn dầu, 72 chì than).

Nếu đọc sát từng dòng chữ trong các phác thảo, sẽ cảm nhận thấu được về việc tác giả cống hiến cho sáng tác ra làm sao. Trong đó, có những gạch đầu dòng như thế này: “Phác thảo Điện Biên Phủ 1954 – Có thể một số trong chúng tôi hôm nay không trở về. Song trong lòng vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc” (trích: “Không phải là huyền thoại”, Hữu Mai); “Ghi dấu lại thời kỳ hào hùng của cả một dân tộc, 8.2.2017”; “Không bao giờ nghĩ rằng – cho đến tận thời điểm này – Mình vẫn còn cắm đầu làm phác thảo – 14-8-2017”…

“Người cầm cờ”.

Bước vào lịch sử bằng nghệ thuật

Sinh năm 1976 tại Hải Phòng, cùng với một số người anh em đồng thế hệ 7X, ngay từ khi còn trong trường và mới tốt nghiệp, họa sĩ Mai Duy Minh đã mau chóng thành danh trong các họa sĩ Việt với thể loại tranh hiện thực – cổ điển. Đây là một trường phái hội họa có nhiều dấu ấn suốt thời kỳ phong kiến ở châu Âu. Vẽ như hiện thực mắt nhìn, với đầy đủ các “chất lượng chất – cổ điển hóa” luôn là một nhiệm vụ và quá trình khó, với mọi thế hệ mỹ thuật từ trẻ tới già… Việc còn khó ở đời sống mỹ thuật đương đại bất cứ thời điểm nào, là việc vẫn bằng con mắt giống như hiện thực nhìn, bằng tay nghề kỹ càng, cổ điển, vẫn cho người xem thấy qua cảm giác của riêng của một bản lĩnh cá nhân. Còn nữa là muôn vàn những cảm giác “bắc cầu vồng” khác trên nền thành quả và mất mát hy sinh của các thế hệ quá khứ, qua nghệ thuật được nối dài năng lượng cho các thế hệ hiện tại, hướng đến tương lai…

Có thể thí dụ trực tiếp nhưng không phải để so sánh, như tác phẩm Panorama “Chiến thắng Điện Biên Phủ” tại tầng hai của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Tác phẩm này là một dự án phối hợp giữa 20 họa sĩ, dài 132 m, cao 20,5 m, đường kính 42 m; diện tích 3.225 m² và cũng được vẽ bằng sơn dầu lên tường. Đây là một dự án được bắt đầu thực hiện từ 2014. Công ty Bảo tồn di sản văn hóa – đơn vị thiết kế trang trí bảo tàng đã đề xuất vẽ phác thảo 4 trường đoạn phân tách theo chủ đề lịch sử gồm: 1. “Toàn dân ra trận”; 2. “Khúc dạo đầu hùng tráng”; 3. “Cuộc đối đầu lịch sử” 4. “Chiến thắng Điện Biên”. Hơn một năm sau, tác phẩm này mới được hoàn thiện phác thảo. Và sau hơn bốn năm được hơn 20 họa sĩ chung tay tham gia, hiện nay tác phẩm cũng đã hoàn thành để đón nhận du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh trong sự hòa điệu của âm thanh, tiếng nhạc, ánh sáng…

Bức tranh trên, cũng như sáng tác và triển lãm tới đây của họa sĩ Mai Duy Minh, là cách dùng nghệ thuật để du khách, công chúng trong và ngoài nước có thể cảm nhận về chiến thắng oai hùng 68 năm trước. Ngoài những bút pháp về hội họa, còn có sự phối hợp tổng quan giữa hội họa, kiến trúc, sắp đặt ánh sáng, âm thanh… Những tác phẩm nghệ thuật như thế trở thành “phim trường thu nhỏ” trong một không gian rộng rãi và thú vị!

Theo báo Thời Nay