Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn viên, thanh niên, ngày 07/11/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ”. Tọa đàm có sự tham dự của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, lãnh đạo và viên chức Trung tâm Thông tin kinh tế – xã hội, BCH chi đoàn thanh niên và các viên chức, đoàn viên thanh niên trẻ của Viện.
Diễn giả của Tọa đàm là nhà văn, nhà biên kịch Võ Thị Xuân Hà, nguyên Trưởng ban Nhà văn Trẻ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực, Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo Quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU tại Việt Nam, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện, nhiệm kỳ 2023-2025, người sáng lập và phụ trách Trung tâm Tôn vinh Văn hóa đọc …
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội. Nhằm đề cao vai trò của văn hóa đọc, xem việc phát triển văn hóa đọc là công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014, lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Viện trưởng CIEM chia sẻ, việc đọc sách là cơ hội cho tất cả mọi người để làm giàu thêm tri thức. Đọc sách cũng là cách ngắn nhất, dễ nhất và rẻ nhất để có được thông tin, từ thông tin biến thành tri thức và từ tri thức sẽ đạt được những kết quả trong đời sống cá nhân, trong công việc và trong các lĩnh vực xã hội. Do đó, lan tỏa văn hóa đọc là vô cùng cần thiết. Với tinh thần đó, CIEM luôn khuyến khích viên chức, người lao động, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên trẻ ham đọc sách và xây dựng văn hóa đọc.
Nhà văn, nhà biên kịch Võ Thị Xuân Hà
Tại buổi Tọa đàm, nhà văn, nhà biên kịch Võ Thị Xuân Hà đã có bài nói chuyện với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và giới trí thức”. Bà cho biết rất vui mừng và hạnh phúc khi nhận lời mời của CIEM. Là một người tâm huyết trong việc thúc đẩy văn hóa đọc tại Việt Nam, bà là người sáng lập Trung tâm Tôn vinh văn hóa đọc. Theo bà, văn hóa đọc không chỉ thể hiện ở việc mỗi ngày bạn đọc bao nhiêu trang sách mà còn thể hiện ở việc bạn đối xử với sách và với việc đọc như thế nào. Trong lịch sử phát triển của loài người, sách văn học luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, không thể phủ nhận vai trò của thơ ca. Bà cũng điểm qua sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, thực trạng của văn hóa đọc hiện nay và một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tác động của chuyển đổi số, công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI)… và việc vận dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm lan tỏa văn hóa đọc.
Phát biểu bế mạc, Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương gửi lời cảm ơn đến nhà văn, nhà biên kịch Võ Thị Xuân Hà, Trung tâm Thông tin kinh tế – xã hội và toàn thể đoàn viên thanh niên, các cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện đã tích cực đóng góp ý kiến, chia sẻ thông tin tại buổi Tọa đàm ý nghĩa này. Mong rằng các giá trị của văn hóa đọc, của việc đọc sách sẽ được thúc đẩy trong các đoàn viên, thanh niên trẻ nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ của Viện.
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế – xã hội
Theo https://ciem.org.vn/tin-tuc/9293/vien-nghien-cuu-quan-ly-kinh-te-trung-uong-to-chuc-toa-dam-lan-ta-van-hoa-doc-trong-the-he-tr?
Hồng Nhung đăng bài