Phải mất nhiều năm về sau nữa, thằng bé mới hiểu: Ông ngoại lưu giữ mãi cái đầu con sư tử đan bằng nan tre bên bàn thờ tổ tiên để làm gì…

Thằng bé ấy là tôi của mười năm trước. Tôi chưa một lần được xem ông múa sư tử, nhưng ngoại bảo: Ông múa còn kỳ khôi hơn bố tôi, mà bố tôi vẫn luôn được mệnh danh là người múa lân đẹp nhất vùng này, mỗi kỳ hội làng!

Cái Tết thứ hai không được ở bên gia đình, vệ đường biên giới hôm nay tôi tuần tra qua trải một vạt dài màu hoa đồng nội. Xuyến chi rung rung gỡ nhụy cài lên quần áo, như níu lòng tôi ngược trở lại, về với những ngày xưa…

Đó là thời khắc mùi hương trầm vẫn được những ngọn gió bấc thoảng đưa. Sau Tết Nguyên đán, thứ mùi tâm linh, mùi gợi nhắc ấy đậm đặc hơn bao giờ, trên các đình chùa, miếu Tổ, nhắc nhở những người con sinh ra từ làng rằng: Đã đến kỳ vào hội.


Không phải lễ cưới, đám tang, hay Trung thu, chỉ có hội làng mới tập trung đủ đầy nhất tất cả các tầng lớp người từ già trẻ, lớn bé, bần hàn, sang giàu. Đó là thứ gắn kết mang màu sắc tín ngưỡng, là kim chỉ nam xâu chuỗi lòng người tự ngàn xưa truyền lại. Thời hiện đại, con cái báo hiếu mẹ cha bằng những bộ quần áo phẳng phiu, bao gu thời trang theo họ là sành điệu. Nhưng mỗi kỳ đi hội làng, phải là tự tay lớp người già sẽ chọn thức mặc cho mình. Áo vải, quần đen, cụ bà đầu chít khăn mỏ quạ, cổ đeo vòng tràng. Người lớn chưng diện đủ thứ thời trang. Trẻ con lại đua nhau dù vẫn quần áo mới được cha mẹ sắm cho từ hồi Tết. Hội làng, dòng người ken đặc chầm chậm tiến bước rước kiệu. Gió bấc vẫn rít từng cơn trên khoảng trống cánh đồng, nhưng tôi yên vị trên lưng ngoại, vây quanh là thứ hơi ấm của gắn kết đoàn người, của từng hơi thở đang một lòng tưởng nhớ cha ông-người khai hoang, mở đất. Khi đã đủ độ lùi, độ trễ của thời gian để trông lại, tôi mới thảng thốt nhận ra rằng, rước kiệu khi ấy, có một thứ mùi đã lâu trong tôi trở thành hoài niệm: Mùi trầu không! Bây giờ, tìm đâu ra những miệng cười thắm trầu, bỏm bẻm răng đen. Có đôi lần lướt nhanh qua lán chợ ở vùng quê nghèo nào đó, thấy người ta vẫn bán những chiếc dao bé xíu, sắc bén, lòng tôi lại mơn man nhớ tới chiếc cơi đựng trầu được gói ghém cùng con dao nhỏ xinh như vậy của ngoại. Ngoại đã hóa người xưa mất rồi…

Hội làng, người lớn dâng hương, cúng bái tế lễ, trẻ nhỏ lại bị thu hút bởi những thức hàng quà, những trò chơi dân gian đông vui tấp nập. Ông Bằng gù ở làng trên cứ mỗi kỳ hội lại trải tấm chiếu hoa dưới gốc gạo già, ngồi thu lu một góc. Ông không chỉ nặn tò he bằng bột nếp mà còn khéo léo nhào nên những con hươu, ngựa, gà, ngộ không… bằng đất đem nung, quét sơn lấp lánh. Chị Hương móm ngượng nghịu mỉm cười bên chiếc xe cà tàng chăng một chùm bóng bay nhiều màu sắc. Bác Bình thương binh lại tranh thủ mưu sinh nhờ lộc Thánh bằng những chiếc kèn, nón, mặt nạ đủ các hình thù… Chừng ấy khuôn mặt, chừng ấy phận đời, cứ mỗi năm dù tha hương cũng vẫn nhớ về gốc gạo sần sùi sắp tới kỳ trổ hoa…

Hết phần lễ chính, những bài dâng hương, hát chầu văn, hát xẩm, bao giờ cũng đến phần hội-là phần mà thằng nhỏ tôi trông mong thấp thỏm nhất. Già trẻ lớn bé tập trung lại, cổ vũ cho ba thôn đấu cờ người. Cờ người khác cờ bàn ở chỗ: Bàn cờ rộng bằng sân bóng chuyền, và mỗi quân cờ tướng đều có một người đứng giữ. Mỗi nước di chuyển của hai bên, người đứng giữ quân cờ được cử đi, luôn múa một vài điệu quyền hoa mỹ. Người xem ngoài thưởng thức trí tuệ, lối chơi, chiến thuật, còn thưởng thức quyền nghệ của người giữ quân cờ, và đông đảo dân làng hò reo mỗi lúc hai bên xuất quân, quả thực càng khiến cuộc đấu trí giữa những tập thể người càng thêm cam go, gay cấn. Không kém phần hồi hộp, các chị kéo co, các anh đánh vật, đôi ba tốp vui cười thách đấu leo cột bôi mỡ, vắt vẻo cố gắng giữ thăng bằng sải bước cầu treo, hay trổ tài thiện xạ với súng hơi bắn bóng…

Sân đá gà lại khác. Quyền cước của những chú gà chọi luôn khơi gợi cho người xem nhiều bất ngờ. Quá trình huấn luyện, chủ gà luôn tập cho chú các ngón hiểm, độc, đánh vào đầu, vào mắt đối phương hòng nốc-ao đối thủ. Nhưng khi lâm trận, ngoài những đòn thế cưa đè hai mang, đá hầu, ôm đấm, mang lên mang xuống, kiệu, lùi tát, đá vĩa, cắn gối, ngang đánh mu lưng…, có những chú tỏ ra rất thông minh khi biết dùng chiến thuật chạy bền, lựa cho đối phương phải chạy quãng đường gấp đôi mình khi biết chọn vị trí đứng tâm chuyển động, khi đối phương có dấu hiệu thấm mệt mới bất ngờ tung đòn hạ gục. Xem đá gà nhiều khi là chứng kiến cuộc đấu trí căng thẳng, kịp nhận ra trên vòng tròn sân, những chú gà đã hóa nghệ sĩ mất rồi!…

Biên giới xa xôi. Tâm hồn của thằng con trai ngồi trên lưng ngoại ngày nào giờ đã kịp giao thoa với lễ hội nhiều vùng miền khác. Nơi này xuân sang, bà con nhảy sạp, tung còn, hát then, hát lượn, bỗng thấy nhớ da diết làn điệu chèo quê lúa xa xôi. Cả đoàn người thắm tình quân dân quây quanh mẹt thịt, nắm xôi cùng tiếng cười đùa xua tan sương sớm. Còn tôi, lặng hồi tưởng hội làng quê mình năm nào cũng kết thúc bằng việc chia lộc đình, lộc chùa như thế.

Tuổi thơ trôi sau lũy tre làng lặng lẽ, mà thầm giấu biết bao ồn ào muốn kể. Những mùa xuân-những mùa hội làng đến độ lại tìm về, nhắc nhớ trong sâu thẳm mỗi con dân đất Việt tưởng nhớ ấu thơ, nguồn cội.

Tôi ngước nhìn lên bầu trời lấm chấm những cánh chim sải đến xa xôi. Thôi thì, những thương nhớ lòng này, xin gieo vào từng ngọn gió bấc! Những vui buồn này sẽ được gió miệt mài thổi mãi về xuôi…

 

Theo QĐND

Exit mobile version