Nhà thơ Kim Chuông sinh năm 1947, tại làng Thắng, Giang Biên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tốt nghiệp khoá 2, Trường Viết văn Nguyễn Du. Từng đi bộ đội. Là phóng viên báo. Phó Chủ tịch Hội VHNT- Thái Bình. Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Phó TBT Tạp chí “Nghề Báo Thái Bình.”

Đã in 15 tập thơ: Tình yêu mùa gặt (In chung), Hoa nở ngày em đến, Mặt trăng em, Trăng cửa rừng (viết cho thiếu nhi), Mặt trời của ba cửa sông, Câu hát người đang yêu, Một phương trời gió, Nhện đi đò (Viết cho thiếu nhi), Thơ lục bát, Một khoảng xanh (In chung), Phương trời ngôi sao thức, Thơ những ngày xa (In chung). Ở một góc cuộc đời, Những dòng sông cùng chảy (In chung), Giọt nắng đi tìm (Viết cho thiếu nhi)

Văn xuôi: Nửa khuất mặt người (tiểu thuyết), Dưới đám mây xa (Tập truyện ngắn) Nhìn từ áng văn chương (Tập tiểu luận). Đã viết, in chung 6 tập Bút ký tư liệu

Giải thưởng: Năm 1978: Giải thưởng thơ hay Tuần Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn- VN, bài “Giấc ngủ người đi rừng.” Năm 1981: Giải A- Trường ca “Độc thoại về chùm số thống kê trên một vùng quê lúa”- Tổng cục thống kê và Hội Nhà văn V-N. Năm 1996: Tặng thưởng truyện ngắn hay của Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, truyện “Cậu Quýnh lấy vợ.” Năm 1985 – 1990: Giải A thơ, giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn tỉnh Thái Bình, tập thơ “Câu hát người đang yêu.” Năm 2002: Giải nhì Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT- VN, tập thơ “Phương trời ngôi sao thức”.

Trong bài “Kim Chuông – Một hồn thơ khát khao, mê đắm,” Bùi Việt Vương, bạn đồng môn, đồng ngũ của Kim Chuông, viết: “Từ những năm 12, 13 tuổi, Kim Chuông đã có thơ in trên Tập san Văn nghệ của tỉnh Kiến An cũ. Kim Chuông được sự giáo huấn của cụ Đồ Nguyễn Vọng, thân sinh anh, một nhà Nho từng 40 năm mở trường, dạy học trò tại nhà, được nhân dân kính trọng.

Cụ Đồ Vọng chăm đọc Kinh Thi, truyện Kiều, thơ Trạng Trình và làm nhiều thơ luật Đường khiến Kim Chuông ham học, đọc, và ngẫu hứng viết những vần thơ từ ngày còn nhỏ.

Tháng Giêng, năm 1965, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Kim Chuông sớm trở thành bộ đội, được Lê Lựu, người anh kết nghĩa, dìu dắt thành phóng viên của Báo Quân khu Tả Ngạn.

Vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Kim Chuông thường xuất hiện trên chuyên mục “Thơ bộ đội” của Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân… Bài thơ “Đêm chiến trường, chính trị viên viết bài thơ Chiến sĩ,” đăng ½ trang Báo Nhân dân khổ lớn, được nhà thơ Hoàng Trung Thông viết lời cổ vũ. Rồi, các bài “Ta mang đi những điều ta gửi lại,” “Rất nhiều cuộc đời đã sống cho tôi,” “Khi mà tôi đã khác”…Đã gây được ấn tượng ở chặng đầu, “thơ ôm chứa một không gian rộng. Thơ bề bộn, ngổn ngang cuộc sống bên ngoài. Thơ tìm được một cách nhìn, cách nói riêng, cách cắt nghĩa sự vật mang chiều sâu trí tuệ.

Trong bài “Về những cuộc hành trình,” Kim Chuông viết: “Chẳng có gì trong tôi lại chẳng là cái khác/ Lại chẳng là cái khác có trong tôi…” Anh liên tưởng: “Tôi như nét cắt ngang của thớ gỗ này/ Rừng triệu năm cũng hiện về nét ấy/ Tôi là cái mới hoàn toàn/ Lại là điểm của hai đầu tiếp nối/ Chẳng có gì đứng ngoài dáng tôi đây…”

Theo mạch tìm này, từ “Hoa nở ngày em đến/ Mặt trời ba cửa sông… đến “Thơ Lục bát/ Phương trời ngôi sao thức”… Sau 12 tập thơ xuất bản, Kim Chuông đã trở thành nhà thơ đầu đàn của miền đất văn hiến – miền đất Thái Bình.” (B.V.V)

Thơ Kim Chuông được đông đảo công chúng đón đọc và cổ vũ. Khi tập thơ đầu tiên mang tên “Tình yêu mùa gặt” ra đời, Trần Đình Chung viết: “Thơ Kim Chuông bộc lộ tiếng nói giàu nghĩ suy và cảm xúc. Thơ với niềm đam mê trăn trở của một con người, một tấm lòng trước cuộc đời rộng lớn… Nhưng, khi cảm xúc có xu hướng vươn tới những suy tưởng, thơ thiếu đi vẻ đẹp tự nhiên, đôi khi rơi vào triết lý, luận đề…”

Năm 1994, tập thơ “Phương trời ngôi sao thức” tiếp tục ghi nhận chặng đường vận động, chuyển tiếp của thơ Kim Chuông, Thiếu Văn Sơn bình luận: “Trong cái Gặp, cái Thấy, thơ Kim Chuông thường dừng lại ở cái Biết. Để, từ cái Biết, anh quay về độc thoại, tìm lấy cái dội vang, lay động của suy tưởng. Kim Chuông có nhiều câu thơ hay, ghim sâu nơi con tim bạn đọc. Bởi, từ cái “trừu tượng” người viết đã “cá thể hóa,” gây được ấn tượng mạnh ở ngôn ngữ, ảnh hình. Ví như: “Lúc ta đi, bên này đường là PHẢI/ Quay lại ư, phía ấy hóa TRÁI rồi.” Hoặc: “Cái hang rỗng thương kêu lên trước gió/ Quả núi uy nghi lại đứng lặng thầm.” Hoặc: Em như một mảnh trăng chìm/ Cầm lên thì mất/ Đứng nhìn thì đau…”.

Năm 1996, Kim Chuông tập hợp và in riêng tập “Thơ Lục Bát.” Luận về mảng thơ này, nhà thơ Lê Đình Cánh viết: “Thơ Lục bát của Kim Chuông với lối vào hẹp, đôi lúc là độc đạo, đi chênh vênh đến bất ngờ để rồi kết thúc mở, dẫn đến bình nguyên mênh mông nào đó… Kim Chuông chỉ đưa ra một chấm nắng mà trong đó chứa đủ bảy sắc cầu vồng… Tùy theo cảnh và tình, cặp liên tưởng của anh theo mô hình: Cụ thể – cụ thể. Cụ thể – trừu tượng. Và, trừu tượng – trừu tượng… (L.Đ.C)

Rồi, “Lục bát của Kim Chuông thường xoay quanh quỹ đạo “Anh và Em” mà mở ra những vòng đồng tâm vô tận. Kim Chuông có rất nhiều ý thơ văng xa. Các vòng đồng tâm đều có chung một trục. Sóng truyền đi càng rộng, càng làm nổi bật “cái Tâm, cái Tứ” qua ngôn thi, hình thi. Thơ Lục bát Kim Chuông luôn bộc lộ một mạch nguồn dồi dào, không cạn… (Lương Hữu – Đọc “Lục bát Kim Chuông”). Và, trong bài: “Kim Chuông, chàng thi sĩ đa tình,” nhà thơ Đinh Nam Khương viết: “Lục bát của Kim Chuông có nhiều câu hay đến kỳ lạ. Thơ luôn tinh tế, đầy tâm trạng và rất giàu hình tượng nghệ thuật. Ví như “Hôm em cúi xuống gội đầu/ Làm tôi chết đuối bên cầu ao quê.”Hoặc:“Cái đêm vườn chuối Chí Phèo/ Xóm thôn đất đá cột kèo cưới nhau…”

Ở Thái Bình, với “Lịch sử thơ đương đại,” năm 1986, tập thơ “Hoa nở ngày em đến” của Kim Chuông được nhà xuất bản Thanh niên ấn hành trên một vạn cuốn (10.150 cuốn) có ý nghĩa ghi nhận sự mở đầu bước trưởng thành, phát triển của đội ngũ tác giả – tác phẩm thơ trên một vùng đất (sau 26 năm, tập thơ của Bút Ngữ – Ngọc Minh, được in chung ở một nhà xuất bản Quốc gia).

Có tới 36 năm, từ một người lính làm báo về gắn bó với Thái Bình, Kim Chuông là người đi nhiều, viết nhiều. Anh đã có 23 đầu sách, trong đó có 15 tập thơ lần lượt trình làng và đoạt nhiều giải thưởng văn học.

Là cán bộ biên tập, sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Kim Chuông tích cực tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng những khả năng văn học. Anh thực sự tâm huyết và góp nhiều công sức trong việc phát hiện, chăm sóc những người viết trưởng thành. Từ các lớp thiếu niên có năng khiếu sáng tác, đến các cây bút mới vào nghề. Từ việc trực tiếp tham gia giảng dạy ở các trại lớp đến việc biên tập, chọn bài giới thiệu các tác giả trên các trang báo. Một thời, Kim Chuông được Báo Đảng, Đài phát thanh của tỉnh Thái Bình “thuê chọn,” biên tập các trang văn nghệ. Cơ sở ấy, tạo điều kiện cho Kim Chuông giúp được nhiều bạn viết. Có không ít cây bút đã trở thành tác giả chững chạc. Có người trở thành Hội viên Hội Nhà văn của đất nước… Kim Chuông luôn được anh em tin cẩn, quý yêu ở lối sống chân thành. Ở sự tận tụy, hết mình với anh em bầu bạn.

Với vai trò Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập của một tờ Tạp chí, Kim Chuông là người đầu tiên cùng nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo đã cải tiến nội dung và phát hành tờ Tạp chí Văn nghệ của tỉnh, tạo nên bước ngoặt, đưa lượng phát hành từ 500 số, thường xuyên, ổn định tới bảy nghìn số, có thời kỳ xấp xỉ vạn số, ở mỗi kỳ xuất bản. Tạp chí còn trở thành người bạn thân thiết, gắn bó với những người đồng hương đang sống xa quê (sâu rộng là những người đồng hương ở Thái Bình tại thành phố Hồ Chí Minh.)

Kim Chuông có nhiều bạn văn chương, bạn tri âm tri kỷ. Những cặp bạn mà “đời và văn” đều đượm sâu như Tường Lan, Thiếu Văn Sơn, Trọng Khánh…

Còn nhớ, những năm nhà thơ Hoàng Tố Nguyên làm việc ở Hội Văn nghệ Thái Bình, cùng nhóm anh em trong Hội, Kim Chuông đã tận tâm giúp đỡ anh Nguyên. Võ Bá Cường tìm cơ sở thâm nhập. Kim Chuông, Tường Lan, Lê Bính thường thay nhau lai anh Nguyên bằng chiếc xe đạp “cà tàng” đến với các vùng đất trong tỉnh. Nhờ vậy, anh Nguyên có nhiều sáng tác ra đời. Tiêu biểu, bài thơ “Nhật ký chiều biển động” được báo Văn nghệ giới thiệu, nhiều bạn đọc khen, và sau này được chọn in trong tập “Tên quê hương,” Hội VHNT Thái Bình xuất bản riêng cho anh.

Khi anh Nguyên ốm nặng, Kim Chuông và Lê Bính cáng anh vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi anh Nguyên mất, Kim Chuông cùng một người đã lục chọn trong các vở nháp, tìm được 70 bài “di cảo” của anh, rồi nhờ nhà thơ Chế Lan Viên viết lời bình, giới thiệu và in ở NXB Văn học. Tập thơ “Từ nhớ đến thương” là tác phẩm cuối cùng của nhà thơ Hoàng Tố Nguyên.

Với nhà thơ Trọng Khánh, ở hai phía, đời và thơ, Kim Chuông đều gắn bó nặng sâu với bạn. Có tới năm sáu năm trời, Kim Chuông đã nấu cơm, cùng đợi Khánh ăn chung bữa tối. Những ngày Trọng Khánh lâm bệnh, qua đời, anh đã hết lòng vì bạn. Từ chăm sóc, động viên, cùng gia đình lo tang lễ, viết bài giới thiệu Khánh cho các báo… Kim Chuông đã thể hiện đầy đặn, một tấm tình, đạo nghĩa của bạn bầu, huynh đệ.

Ở Thái Bình, trước công chúng rộng lớn, Kim Chuông là người đến với nhiều cuộc trò chuyện về thơ. Nhà thơ Võ Bá Cường viết: “Kim Chuông được công chúng yêu thơ hồ hởi đón chào. Bởi, Kim Chuông có tài trời cho, đọc nhiều và nhớ. Kim Chuông lại có giọng dịu dàng, trầm ấm. Cách nói say sưa, nhiệt huyết và cuốn hút…”

Nhà thơ Võ Bá Cường, Nguyễn Bùi Vợi, trong bài giới thiệu thơ đã gọi “Kim Chuông là nhà thơ lãng tử.” Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết “Kim Chuông là nhà thơ hào hoa và đào hoa.” Còn, Nguyễn Đức Mậu bình luận: “Thơ Kim Chuông luôn tạo được chất men say trong cảm xúc. Kim Chuông luôn trở trăn ở sự chiêm nghiệm, giãi bày. Anh tự bạch: “Tháng năm làm cuộc hành trình/ Tôi khao khát đến được MÌNH/ và THƠ…”

Cùng với thơ, Kim Chuông còn có tập tiểu luận: “Nhìn từ áng văn chương”- NXB Hội Nhà văn in 2005. Tập sách với phần “Cảm luận,” đấy là những “tự thức,” những chiêm nghiệm. Những bài viết về thơ Đường, Kinh Thi, Lục bát, Ngũ ngôn… Những bài lược khảo về tiền bối: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bảo, Bằng Phi, Á Nam Trần Tuấn Khải… khẳng định phía đóng góp riêng trong công cuộc lao động sáng tạo nghệ thuật của Kim Chuông.

Đầu năm 2005, NXB Hội Nhà văn cho in cuốn tiểu thuyết “Nửa khuất mặt người” của Kim Chuông. Tiểu thuyết phê phán một quan chức đứng đầu hàng tỉnh, lợi dụng quyền chức ham hố, vô liêm sỉ, bất nhân. Hai cha con đều giống nhau tham tiền, hám gái, bị người đời khinh bỉ. Tiểu thuyết có sức lên án sâu sắc, đọc khá sinh động và hấp dẫn.

Nhà thơ Kim Chuông được người cha, người thầy – Cụ Đồ Nguyễn Vọng nuôi dạy chu đáo từ thuở nhỏ về những điều nhân nghĩa, để sau này anh sống hiền lương, trung thực, được mọi người yêu thương, mến nể. Đã ở tuổi không còn “nhập đình trung” nhưng Kim Chuông vẫn còn đủ sức và giàu kinh nghiệm để viết nhiều, sống tốt.

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version