Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Minh.

– Bàn tay và ngọn bút

– Đứa con của nấm mồ

– Kinh văn

– Ngôi đình

– Thiên thần

Đào Quốc Minh

Sinh 1986

Quê: Gia Lâm, Hà Nội

Làm thơ, viết văn và dịch sách bên bờ Thiên Đức Giang

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Tác phẩm:

Hoa xuân và nắng hồng 1

Hoa Xuân và Nắng hồng 2

Mưa Tháng ba

Dấu vân tay màu xanh lục

Những người Vũ công Memfis

Nguyệt nương

Tuyển tập thơ Đào Quốc Minh (sách Nhà Nước đặt hàng) – NXBHNV

Người tù không số (tập truyện ngắn)

Đứa con của nấm mồ (tập truyện ngắn)

Và hơn một chục tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt các chuyên ngành Triết học, Mỹ học.

Giải thưởng

Giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ của Hội Nhà Văn Hà Nội năm 2015 cho tác phẩm thơ Những người vũ công Memfis

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định:

THỜI GIAN trong tác phẩm của Đào Quốc Minh là một đại lượng đồng nhất, bao trùm và bao chứa. THỜI GIAN đang kể lại với bạn những gì thuộc về nó. Với mỗi truyện, phụ thuộc vào điều nó kể lại và muốn nói, nó sẽ điều động những nhân vật phù hợp. Dưới con mắt của THỜI GIAN, có biết bao thứ không giống như con người nhìn thấy, chứng kiến, trải nghiệm, suy đoán và đoan chắc. Và con người, thay vì đưa ra phán xét, phán quyết, chỉ có thể (và chỉ nên) khiêm tốn suy ngẫm, cật vấn không ngừng về bản thân mình.

Bởi xét cho cùng, mọi tai họa mà chúng ta đang vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu suy ngẫm, thiếu cật vấn thường xuyên của mỗi chúng ta.

Kết quả là, mỗi khi đọc xong một truyện, bạn đọc cứ phải tự hỏi: Chuyện của thời nào? Nhân vật đang sống hay đã chết? Mọi thứ đang xảy ra là thật hay ảo? Tác giả kể hay ma quỷ kể? Bởi vì có truyện, phải khi đọc câu kết, mới biết người kể là một vong hồn, một con ma, một kẻ từng oanh liệt nhưng đã chết từ tám hoánh nào rồi. (Tiện thể nói luôn, hầu hết nhân vật của Đào Quốc Minh đều không thể xác định được tuổi. Chính xác hơn là họ không có tuổi). Có truyện, người kể và nhân vật cứ nhập vào nhau từng lúc, khiến không còn phân biệt được đâu là “tôi” nhân vật, đâu là “tôi” nhà văn với tư cách người trong cuộc kể lại, đâu là “tôi” quan sát… lạnh lùng đứng từ xa hay tít trên cao?

Và câu hỏi bao trùm sẽ là: Đào Quốc Minh muốn nói gì với bạn đọc? Các “dị truyện” của anh, luôn khiến bạn đọc hãi hùng, muốn truyền tải thông điệp gì?

Thiên thần

          Nắp quan tài đá đã bị nậy lên từ lâu, bên trong chỉ còn cát xám trắng lạnh lẽo. Từng đám đông xúm đen xúm đỏ, phần đa là du khách Việt Nam, phần đa du khách Việt Nam là thanh thiếu niên và nhi đồng, vài người trong số là thầy chùa, Phật tử và văn nhân nghệ sĩ các kiểu, họ thấy không còn gì đáng để tâm, đều buông ra đôi ba tiếng xì xào to nhỏ, tỏ vẻ chán chường và ngán ngẩm, rồi dần dần đều tản mát khuất dạng, tạt vào các quán xá dưới những cái ô bạt to, ngồi thả chân ngậm ống hút nước ngọt thùn thụt. Chiều Côn Lôn mênh mang thăm thẳm, tôi thẫn thờ dạo bước trên bờ cát gió, lòng khôn nguôi tưởng nhớ về thiếu nữ độ trăng tròn, về nỗi khổ đau của những kẻ bị lời nguyền truyền kiếp… anh hoa phát tiết/ bạc mệnh nghìn thu… như trong truyện thơ cổ mà tôi vừa đọc vài bữa trước. Tôi vô tình tách xa đám đông, dù cùng trong một đoàn khách, nên họ đã đến đây trước tôi, và tôi cũng tự nhiên rời đi sau họ. Đang triền miên trong suy tưởng, bỗng dưng có một tiếng hát vọng lên, trong trẻo mà trầm buồn lưu luyến, từ dưới lòng huyệt mộ trống huếch hoác… em phụng dâng chàng/ than ôi hai mươi mùa hoa/ hai mươi mùa hoa xanh thắm/ ngược dòng thời gian… biệt ly… giông tố… chưa biết đến tháng năm lụi tàn… Tôi chỉ mới nghe loáng thoáng được một đôi câu, nhưng con tim cứ như đã rung động từ lúc nào chẳng rõ, mồ hôi túa ra ròng ròng một cảm giác hân hoan kỳ lạ, là bởi giọng hát thiết tha phảng phất nét thanh tân, hay là bởi lòng tôi bấy lâu nay đang trống vắng như lòng huyệt mộ. Tính hiếu kỳ bất chợt trỗi dậy vượt qua nỗi sợ hãi chưa kịp xảy đến, khiến tôi lần từng bước tới gần ngôi mộ, ngó đầu nhòm xuống xem có cái gì lạ không, vả chăng giờ cũng đang là buổi hoàng hôn, ma quỷ gì cũng chưa đến lúc dám ra mặt hù dọa. Từ đâu, một đợt sóng thủy triều cuồn cuộn ập xuống, cuốn trôi đi lớp lớp cát dày phủ dưới huyệt, bày ra một tấm gương bầu dục tráng bạc, khung gỗ chạm trổ hoa văn đông dương thanh nhã mộc mạc, sáng trưng bừng hắt lên mảnh mảnh trời chiều đang tan tác chim muông, tôi chỉ kịp bắt gặp được nét mặt của một ai đó hoàn toàn xa lạ, phủ kín rong rêu xám xanh buồn bã, và một cánh yến đen nhạt nhòa cô độc, thì tấm gương từ từ rạn vô vàn đường chân chim, rồi hóa thành một đám bụi cát thạch anh, chìm hẳn vào lớp đất huyệt bazan đỏ máu, một loại đất vốn không thuộc về đảo này. Từ hoàng hôn buổi hôm ấy, mỗi lần đứng trước gương, tôi hay có một cảm giác, có ai đó đang nhìn mình, cái nhìn lạnh và rầu rầu.

***

          Sáng sớm tinh mơ bụng còn đang đói, tôi vừa vứt áo khoác vào ghế ngồi, Châu từ đâu lừ lừ đến sau lưng tôi, cậu ta chẳng nói cũng chẳng rằng, chỉ À lên một tiếng lúng búng trong miệng, rồi giơ tay khoát lên xuống một cái. A. Chào Châu. Em đến chơi sớm thế. Ngồi đi. Để anh pha ấm trà nóng. Đợi tí. Tôi thủng thẳng đáp lại tiếng À của Châu theo thói quen. Chúng tôi nhâm nhi thứ trà cổ thụ, mà Châu và Kiên vẫn gọi là bạch chiêu vân, lòng tôi vẫn không khỏi thao thức, đã nhiều năm rồi tôi không ngủ nổi, cơn cồn ruột và chứng đau dạ dày, lại uống thứ trà đặc từ sáng sớm, làm tôi nhăn mặt mày như khỉ phải ớt. Anh sao. Câu hỏi cụt lủn của Châu. Tôi được dịp thổ lộ tâm tình, với người bạn đường thơ văn. Nghển cái cổ mỏi mệt, mắt dại không nhìn cậu ta, tôi trầm ngâm. Châu à! Bấy lâu nay. Anh vẫn cứ đau đáu trong lòng. Một ngôi chùa đổ nát. Một ngôi chùa bỏ hoang. Đối với anh và đời anh, viết về một ngôi chùa như vậy, là lý tưởng của sự viết, tìm ra một ngôi chùa như vậy, là lý tưởng của một đời. Em thấy sao… Chẳng thấy sao cả. Cũng như bên giáo. Trong em có kẻ phản Kitô. Có kẻ giết Đức Chúa. Và Đức Chúa đã chết… Châu nói cũng đúng. Chỉ có điều như kẻ dám phản Kitô, ngàn năm mới có một gã điên, thì ngôi chùa đổ mà anh tìm, bét cũng phải một đời người, có lẽ đến cuối đời này, anh sẽ tìm ra dễ dàng, như một tiếng thét vậy. Cũng mươi năm rồi, từ dạo trở về từ Côn Lôn, anh đã mài mòn lốp xe khắp nẻo, da thịt cũng vì thế chai cả nắng gió, vậy mà vẫn chưa gặp được ngôi chùa như thế. Trong tôi dấy lên một nỗi buồn, đáp lời Châu mà như đang nói với tảng đá, bởi đâu lẽ nào lại có người thấu tim tôi…

          Anh vẫn muốn đi tìm, thì em sẽ đi với anh. Có thể tìm không ra đâu, nhưng đi nhiều thì ắt biết nhiều, viết sẽ khác hẳn đi đấy. Những cung đường phía bắc em rất thạo. Châu đột nhiên hào hứng. Máu giang hồ của gã lãng tử này lại bốc lên rồi. Chỉ riêng hành trình, cũng đủ làm một du ký… Đúng vậy, viết về hành trình đi tìm ngôi chùa, cũng chính là viết về con đường đến ngôi chùa. Có mấy người được như Lục Tổ đâu… Chỉ e cả dải đất này đã nhan nhản chùa chiền mới xây cất thôi… Chúng tôi trò chuyện đến gần trưa. Tôi viết đơn xin nghỉ phép dài ngày, gác lại công việc cạo giấy ở cơ quan, mang theo một chuỗi mai khôi và bộ áo nâu, cùng một số lương khô ăn chay trường, tôi trông giống như một tiểu sư phụ bỏ chùa, xuống núi lâu ngày hóa duyên nay trở về. Mấy ngày sau đó Châu và tôi, cùng vài ba chàng lãng khách, nhập vào cuộc hành trình, vân du rừng xa núi thẳm, kéo dài gần sáu tháng, trên từng cung hoang lộ, dọc theo dải văn hóa đồng bằng trung du bắc bộ.

***

          Ngã tư thị trấn phía tây, vang lên âm thanh nhức óc, giữa phiên chợ chiều thu, lá phong đỏ bay ngàn ngạt, theo đới gió cuốn tung mù đất bụi, về phía tận cùng tỉnh lộ heo hút, lõng bõng nhiều vũng nước mưa, đêm qua còn đọng lại, hắt lên cái nắng quái lưng lửng hào quang, từ vầng mặt trời da cam loang lổ. Đám đông xúm quanh một nàng thiếu nữ, chỉ đoán có thể là như vậy thôi, bởi tôi và đám đông đều chưa rõ mặt, mái tóc đen tuyền của nàng, xõa xuống ngang gò ngực, che đi cả vầng trán, cặp mắt, sống mũi, khóe miệng, và cái cổ khá cao, chỉ lộ ra thấp thoáng, cặp vú non hồng hào, núm vú đỏ như son. Nàng đứng đó hân hoan múa hát, chẳng ngước lên chẳng buồn cúi xuống, chẳng để ý đến bất kỳ một ai, tay nàng rung rẩy một nhành hoa, loài hoa màu nước biển và sắc trời, đang nở rộ một đóa hoa cuối cùng, uốn lượn theo vũ điệu man tộc phía nam, thân mình chỉ độc một chiếc váy, vốn đã rách tả tơi như xơ mướp, đầu tóc dấp dính đầy lá vàng, những gọng cỏ nát và cả lông vũ.

          Trên khắp mình mẩy nàng, những vết thương rỉ máu, máu dần túa ra thật nhiều, trước những viên gạch vỡ, cả mảnh đá và cả đòn gánh, rác rưởi và cả trứng thối, cà chua và cả phân người, đang loạn đả từ nhiều hướng, lên tấm thân mảnh dẻ của nàng. Người ta lại càng điên tiết, đòn đánh xen lẫn tiếng rủa. Một bà già bảy mươi gào lên. Đánh cho nó chết đi… Tiên nhân con điên, còn thích múa này, còn thích hát này, còn cầm hoa này… Chúng mày ơi lại đây xem con điên này, lột truồng nó luôn đi chúng mày ơi, xem phim con heo miễn phí đơi miễn phí đơi. Nói đoạn lũ trẻ đôi năm đôi sáu kẻ chợ, xúm xít vào chỉ tay rồi trỏ chân, nhân cao trào thò tay xé toang, dứt đứt hết những sợi chỉ xơ xác, trên bộ váy rách bươm của nàng. Cho tôi hỏi cô ấy tội tình gì vậy. Châu và Kiên cất lời. Đéo biết. Mày hỏi tao thì tao hỏi ai. Một thanh niên hầm hố vặc lại, rồi liên tùng tục thượng tay hạ chân. Cho hỏi sao lại đánh cô ấy vậy… Thì thấy có đánh nhau thì cùng đánh thôi, mày hỏi chúng tao cái thứ lạ quá. Vài gã thổ mường gì đó, chất giọng khỏe khoắn. Trời ơi! Các người độc ác quá! Hãy dừng tay ngay đi! Cô ấy có tội tình gì đâu! Dừng tay lại ngay các ông các bà! Tôi hoa chân múa tay ở bên rìa đám người, liền bị hai bên giằng co cái thân xác tôi, đám người xa lạ thì vô tình xô đẩy tôi vào tận vòng trong, đám bạn thì cố gắng lôi tôi ra bên ngoài tránh sứt đầu mẻ trán, có người đã khá đứng tuổi, tiếng nói ồm ồm uy mãnh, như già bản hoặc thầy mo, lớn tiếng gằn lên nạt nộ tôi, nhưng tôi chỉ nghe lời thi ca thanh nhã, không lẫn vào đâu được trong đời.

          Từ trong đám đông lên cơn dữ tợn, tôi nhác thấy có màu áo chàm, thoắt vừa hiện ra rồi thoắt đã biến mất, còn lưu lại đâu đây trước mũi, thoảng mùi nhang mốc ẩm lâu ngày. Từ khi bước vào thị trấn, theo kinh nghiệm phượt, mấy đứa chúng tôi đã hỏi thăm biết đây là địa bàn phật tử. Ở đây nhà nhà đều đốt mã, phong trào từ thiện cũng mạnh. Nghe đồn ở thị trấn này chín phần mười là trẻ con, một phần mười là già sắp chết, do đó khách du lịch đổ về, phần lớn nguồn thu thị trấn là do đội già trẻ đó kiếm ra. Người ta còn xây một cái cổng trấn, tám chữ thếp vàng trên nền sơn son đỏ, đại ý thị trấn dưới chân Phật tổ, nơi con người có thể nhàn cư. Từ cái cổng trấn đậm màu sắc Phật giáo đó, chúng tôi mới hỏi thăm về chùa chiền, thấy bảo có một ngôi tự viện rất lớn vừa xây, làm bằng gỗ nam mộc giáng hương, mất tới ngót ngàn nhân công trong năm năm, hiện giờ vẫn chưa xong, do một nhà tu hành vốn là doanh nhân, từ bỏ miền xuôi cá thịt, lên vùng sơn cước này để dựng chùa, chỉ cầu viên tâm tịnh độ, như lời ngài thường giảng. Trẻ con vùng này cũng được nuôi trong chùa, hầu hết đều lấy họ tục, cũng là họ của nhà tu hành, còn tên thì là pháp danh. Người già ở đây đều quy y tam bảo. Ngày đêm không dừng tiếng mõ…

          Nàng gần như trần truồng ướt lạnh, đới gió đầu đông thông thốc, thổi qua thị trấn phía tây mờ giá, cặp môi nàng khô rạn cả lại, nhịp thở dường như yếu lắm, nhưng lời ca vẫn ngân nga, vang khắp một vùng chân đồi, nơi ngã tư ngày một ít người qua. Người ta sau khi đã trút cạn bực tức, thì chẳng còn một ai đứng lại, dù chỉ để nhìn xem con người đó, còn sống sót hay đã ngắc ngoải, cho đến lúc đó tôi và đám bạn văn thơ, mới chen chân vào nổi vòng trong, vốn chỉ còn mấy đứa nhà văn chúng tôi, nàng thiếu nữ và một con chó mực. Con chó mực không ngừng sủa váng. Hai đứa bạn tôi xấu hổ quay lưng, bước ra thật xa không dám nhìn. Chỉ còn tôi mạnh mẽ đến gần nàng, nàng vẫn lấy mái tóc dài che mặt, chỉ đôi mắt là ngắm nhìn tôi mê mải, ngón tay mân mê sợi tóc tết sam, nửa như e lệ nửa như thẹn thùng, bất ngờ nàng ngưng lời ca tiếng hát, cầm nhành hoa cúi đầu e ấp, thân mật trao tay tôi, tiếng nói như tiếng cười khúc khích, như lời truyền âm thầm nghe thủ thỉ.

          Chàng cài hoa lên mái tóc em đi… Tôi ngập ngừng, ngắm nhìn nàng không rời đôi mắt, tôi có cảm giác thật là kỳ quặc, rằng đôi mắt ấy và cái nhìn ấy… Tôi đã gặp ở đâu và khi nào rồi nhỉ, tôi đã gặp ở thành phố chăng, hay trong một chiều tối nào đó, và cái nhìn thuộc về một gương mặt, phải chăng là gương mặt đó, gương mặt nào suốt mười năm, ám ảnh tâm can từng giấc ngủ… Chàng cài hoa lên mái tóc em đi. Chàng… Bất chợt lời thiết tha của nàng, khẽ vang lên mà như cầu khẩn, đã làm tan biến cái lờ mờ đó, tôi giật mình thoát khỏi ảo mộng, vân vê trong tay nhành hoa tươi đang nở rộ, chẳng biết làm gì ngoài đứng đó, như một ngọn cỏ trước thánh thần. Tiếng cười rúc rích lại reo lên, lấy lại nhành hoa trên tay tôi, nàng tự cài lên mái tóc nhung, không hiểu vì sao và tự khi nào, đã óng mượt trở lại sau trận đòn, hay thực ra chưa từng bị rối bời, chưa từng vẩn đục vì thời gian, rồi cứ thế nàng tung tăng bước đi, thoắt một cái đã biến khỏi tầm mắt. Tối hôm đó tôi đi khắp thị trấn, đến khi gục xuống bùn đất, mà không thể nào tìm lại được nàng, tôi có quay lại ngã tư hồi chiều hỏi, nhưng chẳng có ai trả lời được rằng, liệu họ có hay không tham dự, vào một cuộc đánh đập nào đó, chẳng có ai trả lời được rằng, ở đây liệu từng có hay không, xảy ra một vụ việc như thế. Gương mặt của nàng vì thế cứ ẩn khuất trong tôi theo suốt chặng đường dài. Ngôi chùa chúng tôi đặt chân, không phải một ngôi chùa bỏ, vì thế tôi đã rời khỏi thị trấn, tiếp tục hành hương về phía bắc. Đôi khi trong một đêm mơ man nào đó, sau khi túy lúy rượu nếp nương, tôi lại mơ thấy giấc mơ thời tuổi trẻ, giống nhau đến chín phần mười, chỉ có một thứ khác đi, chính là nhành hoa, nhành hoa được thêm vào, làm giấc mơ trong tôi không còn là ám ảnh, mà là một giấc mơ êm đềm, và lời nàng thiếu nữ thủa nào, bập bùng trên môi tôi, như chính tôi thường nhẩm lại, để được nghe lại lời thi vị ấy. Chàng cài hoa lên mái tóc em đi… Đúng, nàng đã gọi ta như thế. Ôi, lời thầm thì làm tan chảy trái tim ta.

***

          Cuộc hành hương chững lại, do một biến cố văn nghệ lớn. Cuốn tiểu thuyết ám ảnh Truy Nhân, bị công văn và cấm lưu hành, bị tịch thu rồi thành bột giấy. Lệnh xóa sổ cuộc hành hương của Nghiên Mặc, và cũng là của mấy đứa chúng tôi, được ban ra bằng một công văn dấu mật. Nhấp hoàng triều vân mẻ mới, Nguyễn Thư ngồi bên Châu, tôi và tất nhiên cả Nghiên Mặc, không giấu nổi tê tái và u uất. Thế là dấu chấm hết cho một nền văn nghệ mới… Các cậu nghĩ sao, khi chúng ta không còn, “truy nhân” nữa… Không. Dù thế nào cũng phải truy nhân… Vấn đề là chúng ta không được phép… Không. Vấn đề không nằm ở đó. Phép tắc không giam được… Quan trọng là thứ chúng ta đi tìm. Hãy nói cho tôi phải đi tìm thứ gì. Thứ đó sẽ quyết định văn cách của bạn… Đúng vậy là thứ chúng ta đi tìm. Cả cuộc đời tôi đến thế là xong việc. Sách tôi đã viết, nhà máy đã in, người đọc đã đọc, kẻ cấm đã cấm, kẻ thu đã thu, kẻ đốt đã đốt, người nhớ đã nhớ, người đau đã đau, đấng chọn đã chọn. Việc của các cậu bây giờ, là tiếp tục con đường đó, con đường truy nhân, hãy nhớ cho những kẻ vô hình… Nhà văn ngừng lại, hốc mắt sâu hoắm, lóe lên ánh lửa đỏ, rồi nhắm chặt lại, ngửa lưng ra sau, cái ghế tựa rung lên, trút mạnh hơi thở dài, trên cặp môi dày đen, lẩm bẩm từng tiếng, từng tiếng lạnh lùng, chỉ đủ cho tôi nghe. Hãy chống lại chúng… những… kẻ… vô… hình… Bằng ngọn bút máu! 

          Cả thư phòng nghi ngút hương, đột nhiên lặng ngắt như tờ, thời gian dường như ngừng trôi, tuy chỉ trong vài ba giây khắc. Tôi đang cúi gằm mặt xuống đất, bất giác ngẩng lên thì chỉ thấy, mái tóc nhà văn Nghiên Mặc đã rụng trắng, tóc bay đầy mặt sàn gạch đen xám, cặp lông mày từng trải của lão đã bạc, da đã nhăn nhúm như tám mươi tuổi, tấm lưng gục xuống như kẻ gù, Nghiên Mặc lụ khụ đẩy cánh cửa gỗ lim, lập cập bước ra ngoài rồi đi thẳng, tuyệt nhiên không ngoái đầu nhìn lại. Mấy nhà văn trẻ chúng tôi, mắt trân trân toan gọi khẽ, toan vẫy cánh tay với theo, mà người đã đi khuất hẳn. Trong suy nghĩ thảng của tôi, không còn hình bóng nhà văn già, chỉ còn đây những kẻ vô hình, váng vất trong tim tóc của tôi, trên suốt chặng đường rất dài, từ thư phòng hương về tới nhà trọ. Bốn tiếng bằng ngọn bút máu như cồn lên cõi lòng tôi, những gì trải qua mấy năm gần đây, làm thâm tâm tôi dấy lên câu hỏi sắc lạnh và tàn nhẫn, liệu có phải bên ngoài ngôi chùa đổ nát bỏ hoang, chính là những kẻ vô hình, đáng phải găm vào tiểu thuyết, bằng mảnh ngòi bút sắt gãy vụn. Đêm xuống trời mờ sương, trong dãy nhà trọ thật tồi tàn, tôi đi đi lại lại trong lặng lẽ. Ngày mai tôi sẽ bắt đầu, cuộc hành hương mới, truy nhân đến tận cùng, bước tiếp trên con đường cô độc vô tận, mà lão nhà văn tin tưởng đã truyền trao.

***

          Cuộc hành hương chưa bắt đầu, sáng sớm hôm đó tôi ra đường, không ngờ lại gặp lại thiếu nữ điên. Nàng đang đứng đó tần ngần, trước biển cấm của nghệ thuật công xã. Nàng tìm ai, tìm tôi chăng. Hình dong nàng vẫn thế. Gương mặt gầy xanh xao. Váy áo vẫn rách nát te tua. Số vết bầm tím nhiều hơn. Máu đôi chỗ đã khô nứt. Nhiều chỗ lở loét rộng ra. Có vẻ như nàng đang đói, đang khát và đang kiệt sức. Nàng không cất tiếng hát nữa. Lời thơ cũng chẳng còn. Nhưng nhành hoa vẫn đó. Còn bàn tay nàng thì tái dập. Cố sức không để đánh rơi. Máu rỏ ròng từ các ngón tay. Thỉnh thoảng nàng lại áp nhành hoa vào ngực trần, mắt chằm chằm nhìn mãi không dừng như gìn giữ. Nàng cứ đứng mãi thế, ngóng vào bên trong. Như mắt đang rơm rớm nước, dòng nước đục màu bùn đất. Nàng chạy qua chỗ bảo vệ, ú ớ câu gì không thành tiếng, bàn tay cứ thế trỏ vào miệng, áp vào bầu ngực và huơ huơ, khoát lên khoát xuống, như vẽ tranh, như man điệu, một gương mặt nào chăng, hay một cái tên người xa lạ. Nhành hoa trên tay nàng sũng nước, như những giọt sương lung linh, kỳ lạ thay đã bao năm tháng, vẫn chưa lụi tàn hay mục nát.

Bỗng một tiếng quát tháo giật mình. Con điên câm điếc kia. Cút khỏi đây mau lên, khuất mắt tao nhanh, cơ quan còn làm việc, đây không phải tế bần. Từ đâu chiếc xe con biển công, bấm còi inh ỏi tiến vào sân trước. Một toán người đầu bù tóc rối, mình mẩy sặc mùi rượu ngoại, có gã tay cầm smartphone xịn, bấm bấm một ca từ rất dài, ra chiều định đăng lên facebook, có gã đội một cái mũ lông chồn, bước ra từ trong khoang xe, lịch lãm nhấc cái mũ cúi ngang mình, khoát tay ra chiều kính nhường, sau đó là một phụ nữ rất trẻ đẹp, vịn nhẹ bàn tay mình lên bàn tay gã, váy áo sang trọng bay phấp phới, cả toán người bước thẳng vào đại sảnh. Một cơn mưa xối xả báo hiệu mùa giông bão, quật xuống những mái tôn và kính chớp, từ xa chứng kiến tất cả, tôi rồ dại lao vội đến, nàng đã gục trên nền đất, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Sau lưng tôi oang oang, tiếng hát um qua micro ca từ của nhạc vàng, ánh đèn điện sân khấu lấp lóa trong mưa tuôn, một nghệ sĩ nào đó đang ngự trên bục cao, nếu không ai rồi cũng quên khuấy đi, đêm nay là đêm văn nghệ câu lạc bộ.

Tôi bế thốc nàng lên tay, chạy như điên trong gió bão, tiếng còi xe và giọng chửi bới, inh ỏi cả một tuyến phố, bởi những lái taxi và xe ôm, cả những gã lái và phụ xe buýt, họ chỉ chịu chở riêng tôi, mà không kèm theo nàng, vừa lao đi tôi vừa gào khóc. Xin hãy tránh đường cho tôi. Làm ơn hãy cứu lấy cô ấy. Cô ấy sắp không xong rồi. Tôi van lơn mọi người, xin hãy tránh đường, làm ơn hãy cứu lấy cô ấy… Họng tôi khàn đặc lại vì la hét và gào khóc, rồi cứ thế tắt dần đến khi câm bặt hẳn. Nhà trọ của tôi ở quá xa, xe cộ thì không có để chở, tôi tạt tạm vào bên vệ đường, chỉ mong có lòng cứu giúp của người dưng, nhưng trông bộ dạng trần truồng đây, người ta đều ngỡ nàng là một con điên, đang lên cơn sùi bọt mép như phim ảnh, và người ta đã ghê tởm, hắt hủi hai chúng tôi, mặc mưa rét mùa đông, tôi bế nàng lao xuyên qua lòng người, lao xuyên qua từng ngôi chùa đỏ đèn, nhưng rồi tôi cũng gục hẳn vì đói rét và kiệt lực. Tôi ôm nàng trong tay, cả hai nằm sũng lạnh, dưới một trời giông bão, trên những con phố dài, mà tôi từng làm thơ ngợi ca về vẻ đẹp vô song, của kinh thành Thăng Long nghìn năm thi họa. Nước mắt tôi trào ra vô sắc, chỉ có vị mằn mặn thấm môi, rơi xuống gò má nàng tái nhợt. Tôi toan vực mình dậy, quyết không thể bỏ cuộc, bỗng nhiên nàng nắm chặt lấy tay tôi, như không muốn tôi đi tiếp nữa. Giọng nàng đã quá yếu rồi, cất lên thầm thĩ bên tai tôi.

Chàng ơi! Cuối cùng! Cuối cùng thì em… cũng đã gặp… được chàng rồi… Em đừng nói nữa, xin đừng nói nữa mà, để tôi đưa em đi bệnh xá, em đang yếu lắm rồi. Vừa nói, tôi vừa đặt ngón trỏ lên đôi môi nàng, đôi môi nhợt nhạt và đang rớm máu. Không… không… không còn… thời gian nữa… chàng… Nàng rướn cổ lên, như đã cố hết sức, để ngẩng đầu dậy, ngắm mặt tôi âu yếm. Hai bàn tay e ấp khi nào, áp vào gò má tôi đang nóng hổi, những ngón tay bầm dập đỏ lừ. Hơi thở của nàng hắt ra những hạt máu lấm tấm, chỉ còn là bụi nước li ti loãng nhoẹt trong mưa, dấp dính trên ngực áo tôi trong khoảnh khắc rầu rĩ. Mười vết máu từ mười đầu ngón tay, vuột lạnh ngăn ngắt trên da thịt của tôi. Nàng khẽ hé môi nói thầm. Trong tiếng còi tàu còi xe. Váng vất câu nói từ thuở mới gặp nàng, trong cái buổi hoàng hôn đầu tiên ấy. Chàng. Chàng… cài hoa… lên mái tóc… em… đi… Tôi bần thần cả người trong chốc lát, lắc đầu miết chỉ mong nàng đừng nói, bởi tôi biết mỗi câu nói cử chỉ của nàng, lúc này đây sẽ khiến sức khỏe của nàng, tính mạng nàng vô phương cứu chữa. Nàng vẫn  đăm đắm ngắm gương mặt tôi, tay run rẩy cầm nhành hoa xanh thắm, lẩy bẩy trao trước mắt tôi vẻ van lơn và cầu khẩn. Tôi cúi xuống nhìn nàng, rồi quay mặt đi chối từ. Chàng… cài… hoa… cho… em… đi… Từng âm sắc nàng nói ra, đều là một tiếng ho thổ huyết. Tôi chỉ còn biết quỳ xuống, đỡ nàng ngồi thẳng dậy, tay cầm đón bàn tay mềm nhũn của nàng, đón lấy nhành hoa vẹn nguyên xuân sắc. Nàng liền ngước lên, nhìn sâu mắt tôi, môi khẽ nhoẻn cười, gật đầu chầm chậm…

          Thật kỳ lạ xiết bao. Tôi vừa cài hoa lên mái tóc nàng, bầu trời cao bỗng nhiên quang đãng, trên đầu chúng tôi bừng lên cầu vồng bảy sắc, đường tứ phương không một bóng con người, chỉ có những tiếng chim ven bờ biển khơi râm ran, đám mây trắng nhẹ xa kia trông như cánh buồm căng gió. Càng kinh ngạc hơn. Màu mắt nàng hóa thành sắc xanh lam, tỏa ra hào quang của ban mai biển cả, thân xác nàng nhẹ như gió bấc giêng hai, thơm mùi thảo mộc và nhụy hoa ẩm ướt. Tất cả những vết thương đã lành lại, như chưa từng một lần chảy máu. Trút bỏ hơi thở cuối cùng, nàng nằm lặng trên đất đá, thân xác vẫn trần truồng, như sự chối từ chung cuộc, như một bản tuyên hình án. Trên môi vẫn vẹn nguyên nụ cười trước khi rời trần thế. Tôi bồng nàng trên tay, bước đi giữa thành phố, không có bóng con người. Chính lúc này đây. Tôi mới có thời gian để ngắm nàng, là lần đầu tiên và cũng là lần cuối. Phải. Chính là gương mặt này. Chính đôi mắt cái nhìn này. Tôi đã gặp ven bờ Côn Lôn, buổi chiều xuân năm ấy, trong tấm gương dưới huyệt. Gió nổi lên và tôi đang đi ngược gió, ngọn gió đông từ vùng trời biển cả, đâu đây vọng vang câu hát cũ… em phụng dâng chàng/ than ôi hai mươi mùa hoa/ hai mươi mùa hoa xanh thắm/ ngược dòng thời gian… biệt ly… giông tố… chưa biết đến tháng năm lụi tàn…

          Trang tiểu thuyết cuối cùng. Tôi dừng lại không viết tiếp. Hoàng hôn Côn Lôn trong sáng tuyệt trần, sóng tịch dương vang lên khúc triều ca, nhuộm vàng au từng trang giấy, đang loang loáng một sắc tươi đỏ. Tôi đã thả trôi xuôi từng ấy trang bản thảo, về biển cả khôn cùng, theo dòng hải lưu kia và cánh hải âu sắc bạc, về với đất đai ngọt lành, hoặc tan thành cát lạc. Trang tiểu thuyết cuối cùng, tôi để lại cho riêng mình, nơi tấm lòng son, không thành chữ, chỉ có hằng đêm, dưới quầng trăng xanh xao sắc lạnh, trước tấm gương soi tròn đầy bên tấm bia mộ chí, sáng một ánh ngân quang trông mờ nhòa ảm đạm, tôi lại nghe vang vọng thanh âm, như lời người độc ẩm và độc thuyết, như lời người từ trong giấc mộng…

Nhân từ bỏ thị trấn và thành phố mới, đi về hướng ngọn tuyết sơn cô lạnh. Đêm nay Nhân dừng chân lại, mưa tuyết bay đầy trời, áo quần đã rách tả tơi, chân không cả đôi giày, bụng không một hột gạo, bệnh cũ chỉ còn hơi tàn lực kiệt. Bốn phía chỉ có rừng thâm u, hu hung tiếng sói tru kinh hãi, bỗng dưng ngay phía trước, hiện ra một ngôi chùa đổ nát, một ngôi chùa bỏ hoang đã lâu, chỉ có treo một quả chuông nặng ngàn cân, và một ngọn đuốc lụi ẩm mùi dầu hỏa hăng hắc, ngôi chùa chẳng có nóc, cũng chẳng còn tường bao, tượng phật cũng không còn, gió rét thốc vào thông thống. Nhân bước vào bên trong, tuyết vẫn ngấm trắng cả đầu, phía sau lưng là toán người truy đuổi, gươm súng và tiếng tri hô đằng đằng cả góc trời, phía trước mặt là cả vực sâu vạn trượng, hai bên sườn dốc dựng đứng, ngôi chùa nằm án ngữ ở đó, trong đêm tối lối mòn mờ mịt. Nhân trút hết chút sức lực còn lại, thắp lên ngọn đuốc rừng rực đỏ, thỉnh một hồi chuông đồng rạn, rồi tắt thở trên môi cười buồn thảm, thân xác vẫn cứng đờ như bức tượng, không đổ gục, như hóa băng, mãi mãi về sau. Xa xa ngọn tuyết sơn bừng lên, sáng vàng trong khoảnh khắc, rạng rỡ khắp cõi trần gian, quả chuông cũ sương phong, vang động muôn ngực buốt, rồi tất thảy lại chìm vào bóng tối…