Mở đầu Văn nghệ Quân đội số 778 – tháng 8 năm 2013 là cuộc trò chuyện giữa các nhà văn quân đội với đồng chí Mai Thanh Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Định trong nhiều năm vừa qua và những năm tiếp theo.
Văn xuôi số này có các truyện ngắn: Mây không bay về trời của Tống Ngọc Hân; Đội nhạc hiếu làng Hoa của Phùng Phương Quý; Chiều kí ức phủ gai của Đinh Phương; Đồng đất quê cha của Đỗ Tiến Thụy…
Mây không bay về trời của Tống Ngọc Hân là truyện ngắn kể về tình huống gặp gỡ đầy ngang trái của hai chàng lính trẻ thời bình: Viễn và Soái. Khi Viễn đang được tượng hình trong bụng mẹ cũng là lúc cha anh theo người con gái Mường về chung sống. Soái chính là kết cục của tình yêu chớp nhoáng như ẩn số ấy. Viễn lớn lên trong nỗi hận lớn dần của mẹ – người đàn bà bị bỏ rơi âm thầm đốt hết những lá thư giãi bày về nỗi day dứt của chồng; Tuổi thơ của Soái cũng bị ám ảnh bởi mối ràng buộc bí ẩn, bởi sự giằng co giữa bố mẹ mình. Tình cờ, Viễn và Soái gặp nhau khi tham gia vào công tác chữa cháy rừng, cả hai cùng bị thương nhưng Soái đã giúp Viễn thoát khỏi cơn cuồng nộ của hỏa hoạn. Kết thúc truyện, tác giả làm người đọc bất ngờ khi để cho Viễn gặp cha mình. Người cha tưởng sẽ quay về lại phải trở lại bằng sự trói buộc vô hình từ thứ “bùa ngải” của người đàn bà bí ẩn.
Đội nhạc hiếu làng Hoa của Phùng Phương Quý là bức tranh làng quê đang tịnh tiến sang thời hiện đại được cụ thể qua mỗi “đám hiếu”. Ở đó không đơn thuần là sự mất mát, đau thương nữa mà là nơi để gia chủ phô trương thanh thế… Vì những lẽ đó mà những thế hệ người thổi kèn đám hiếu cũ xưa trở nên lạc lõng, không còn được xem trọng nữa; trái lại, những thanh niên “thức thời”, bắt nhịp nhanh được với thị hiếu và tâm lý đám đông thì được dịp hòa nhập vào để mưu sinh một cách nhàn nhã, cơ hội. Phùng Phương Quý dẫn dắt người đọc qua những chi tiết, tình huống, đối thoại hài bi xen lẫn khá lôi cuốn.
Truyện ngắn Chiều kí ức phủ gai là câu chuyện soán ngôi giữa nhà Lý và nhà Trần. Xunh quanh câu chuyện này cây viết trẻ Đinh Phương đã xây dựng nên những tình tiết hết sức sinh động về thủ đoạn cũng như âm mưu của những người trong cuộc nhằm đạt được mục đích mà mình hướng tới.
Truyện ngắn Đồng đất quê cha của Đỗ Tiến Thụy đã chạm vào vỉa mạch ngầm của nguồn cội, quê hương trong thẳm sâu mỗi con người, dù đó là người đã trưởng thành, đã nếm trải những đắng cay ngọt bùi của đời sống hay đó chỉ là đứa trẻ còn ngây thơ như trang giấy trắng… đứng trước “Đồng đất quê cha” đều có nỗi rung cảm thẳm sâu của thứ bản năng cội rễ. Mỗi câu chuyện của hai nhân vật cha và con trong truyện ngắn là những chi tiết đầy thấm thía.
Chiếm ưu thế của trang thơ số này chính là đề tài quê hương đất nước và người lính. Sự đa dạng về phong cách trong cùng một đề tài đã tạo nên những ấn tượng riêng đối với mỗi người đọc.
Phần bình luận văn nghệ số này đáng chú ý với những bài viết của các tác giả Dương Thị Hương, Hoàng Thụy Lâm, Văn Giá, Nguyễn Hữu Quý, Lê Thành Nghị…