Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 781, cuối tháng 9 năm 2013 được mở đầu bằng cuộc trò chuyện giữa các nhà văn quân đội với đại tá Lê Văn Hiên – Chỉ huy trưởng và đại tá Đinh Văn Hùng – Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công việc của những người lính đang hàng ngày góp phần xây dựng khu vực phòng thủ và tạo dựng sự ổn định, vững chắc nơi cửa ngõ phía tây Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn xuôi số này có các truyện ngắn dự thi Internet về làng của Đỗ Xuân Thu; Tiếng Rao của Văn Xương; Giấc mơ của chú Năm Đời của Kao Sơn…
Truyện ngắn Internet về làng của Đỗ Xuân Thu miêu tả sự thay đổi của làng quê Việt Nam khi internet được “phủ sóng”. Nơi ấy, những người già như lão Quýnh bỏ đánh cờ, đâm ra “nghiện net”. Internet có gì mê hoặc vậy? Ấy chính là những cuộc “tình ảo” thoáng qua cuốn cả người già như ông Quýnh vào vòng vây hò hẹn. Oái oăm thay khi người bạn gái ông vẫn trò chuyện lại là đứa cháu gái của mình. Cốt truyện giản dị nhưng có nhiều chi tiết bi hài phản ánh được sự đổi thay và diện mạo của đời sống trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Truyện ngắn Tiếng rao của tác giả Văn Xương là một kỉ niệm cảm động bắt đầu từ tiếng rao mưu sinh giữa phố phường. Một cán bộ Việt Minh (nhân vật xưng “tôi”) thoát chết nhờ vào“trung đội trưởng” lính ngụy – người gọi bà mẹ che chở cán bộ là o ruột, cũng chính người ấy đã đưa anh thoát khỏi vùng truy sát. Hòa bình lặp lại, người lính ngụy năm xưa rơi vào đời sống khốn khó, phải đi bán bánh dạo, tình cờ bị chính kẻ mang ơn mình xua đuổi vì không biết. Khi người cán bộ nhận ra thì đã muộn, ân nhân của anh đã bị tử nạn chỉ còn lại những tiếng rao thao thiết xa dần.
Giấc mơ của chú Năm Đời của tác giả Kao Sơn mang đến cho người đọc những suy ngẫm thú vị. Bằng giọng văn linh hoạt, tác giả kể về cuộc đời chú Năm – người đàn ông Nam bộ sống bằng nghề hát dạo và đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời. Khi tuổi đã xế bóng ông đã “đánh cược” số tiền đủ để hai cha con ăn “hai tô cơm với vài con sặt rang muối” vào tờ vé số mong manh với hi vọng có được số tiền nhỏ để mua tặng cho con gái một món đồ ý nghĩa trong tháng ngày ca dạo…
Sự đa dạng về đề tài cũng như giọng điệu đã tạo nên sự hấp dẫn cho phần thơ số này.
Phần bình luận văn nghệ là những nhận định đánh giá sâu sát về văn chương, nghệ thật nước nhà trong đó có những bài viết đáng chú ý của các tác giả Lê Thành Nghị, Lê Dục Tú, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý…
Văn nghệ Quân đội số 781 tháng 9 năm 2013 sẽ ra mắt bạn đọc từ ngày 20/9/2013