1. Nhìn lại đội ngũ phê bình văn học trước 1975
Một phương diện thể hiện sự phát triển của phê bình văn học trong mỗi thời kỳ chính là đội ngũ tác giả phê bình và sự phát triển của các khuynh hướng phê bình văn học. Trên con đường đi tới hiện đại hóa, phê bình văn học phải hướng tới tính chuyên nghiệp. Nó không thể chỉ là một hoạt động tùy hứng, tạt ngang của những người sáng tác, cũng không thể chỉ tồn tại dưới những dạng lời tựa, lời bạt ở trước và sau những thi tập, văn tập, hay những cuộc bình văn nơi trường ốc hoặc các thi xã, hội tao đàn…trong đời sống văn học trước thế kỷ XX ở nước ta.
Sự hình thành đội ngũ phê bình, nghiên cứu theo hướng chuyên nghiệp hóa đã được bắt đầu trong giai đoạn giao thời khoảng vào ba mươi năm đầu thế kỷ XX, nhưng thực sự hình thành những nhà phê bình có tính chuyên nghiệp là ở giai đoạn 1932 – 1945 tuy chưa đông đảo nhưng đã có những tài năng lớn, đóng góp phần đáng kể vào diện mạo phong phú sôi động của đời sống văn học giai đoạn này. Cũng trong giai đoạn ấy đã xuất hiện một số khuynh hướng phê bình để lại dấu ấn khá rõ trong đời sống văn học, từ phê bình ấn tượng chủ quan của Hoài Thanh, đến phê bình xã hội học Mác xít của Hải Triều, phê bình phân tâm học của Trương Tửu, phê bình tiểu sử của Trần Thanh Mại…
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), do hoàn cảnh lịch sử và trạng thái đặc biệt của đời sống văn học thời kỳ đó, hoạt động phê bình văn học chủ yếu là công việc xác định đường lối phương hướng cho nền văn nghệ để đưa hoạt động văn nghệ vào đúng quĩ đạo đường lối phương hướng đó nhằm phục vụ kịp thời và đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến cứu nước. Vì thế, phê bình văn học gắn liền và là một phương diện của công tác lãnh đạo, chỉ đạo văn nghệ. Những người làm phê bình văn học trước hết là những vị lãnh đạo Đảng (Trường Chinh), cán bộ được Đảng cộng sản giao phó trách nhiệm lãnh đạo mặt trận văn nghệ (Tố Hữu), Hà Xuân Trường và những người ở trong bộ máy lãnh đạo các cơ quan tổ chức văn nghệ (Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng…). Thời kỳ đó chưa hình thành và cũng chưa có nhu cầu hình thành đội ngũ phê bình văn học chuyên nghiệp.
Sau sự kiện Nhân văn – Giai phẩm (1956 – 1958) và tiếp đó trong sự phát triển của nền văn học xã hội chủ nghĩa theo đường lối văn nghệ của Đảng, vào khoảng trước sau thời điểm 1960 đã dần hình thành một đội ngũ phê bình văn học ít nhiều mang tính chuyên nghiệp. Đóng vai trò quan trọng có tính định hướng cho phê bình cũng như cho cả nền văn học vẫn là những văn kiện của Đảng về văn hóa văn nghệ (trong Nghị quyết của Đại Hội Đảng, của các Hội nghị Trung ương, các bức thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi các Đại hội văn nghệ) và ý kiến phát biểu về văn nghệ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu…).
Trong đội ngũ phê bình văn học, bên cạnh những người có trách nhiệm lãnh đạo ở các cơ quan, tổ chức văn nghệ, thì các nhà thơ, nhà văn tham gia hoạt động phê bình cũng khá đông đảo và có vai trò đáng kể trong đời sống phê bình, tạo được những phong cách phê bình rõ nét và đặc sắc (Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông…). Đội ngũ phê bình được bổ sung đáng kể với những cây bút là giảng viên các trường đại học và nghiên cứu viên của các Viện nghiên cứu, số lượng các cây bút này tăng lên đáng kể trong những năm 60, 70 và thuộc nhiều thế hệ. Có những người đã viết từ trước 1945, nay vẫn khá sung sức (như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trương Chính), có những nhà giáo đồng thời đã cầm bút từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp tiếp đó có nhiều đóng góp trong công tác biên soạn sách giáo khoa và tài liệu dạy học môn văn tại Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, hoặc là thành viên nhóm Lê Quí Đôn biên soạn công trình đầu tiên về lịch sử văn học Việt Nam theo quan điểm mác-xít (Bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam gồm 3 tập) nay trở thành nòng cốt trong đội ngũ các khoa văn Đại học (Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Trác, Lê Đình Kỵ…). Cùng với những cây bút phê bình thuộc các thế hệ trước, là những cây bút xuất hiện trong khoảng trước sau 1960 ở các trường Đại học và Viện nghiên cứu, đội ngũ này ngày càng được bổ sung và hiện diện khá thường xuyên trong đời sống phê bình, nghiên cứu văn học từ thập kỷ 60, 70 và tiếp tục ở giai đoạn sau 1975. Phần nhiều trong số đó được đào tạo một cách cơ bản về tri thức văn hóa, một số được đào tạo ở nước ngoài, có sự nhạy bén với cái mới và coi trọng phương pháp khoa học. Nhưng do sự hạn chế của điều kiện giao lưu tiếp xúc với các trào lưu, phương pháp phê bình hiện đại của thế giới, nhất là của Phương Tây, do sự thống trị của khuynh hướng phê bình xã hội học Mác xít ở nước ta đương thời, nên đội ngũ phê bình này không có điều kiện phát triển thực sự theo hướng phê bình khoa học, do đó những người có năng khiếu và tài năng trong số họ thường đi theo hướng bình văn hoặc tìm tòi về phong cách nghệ thuật nhà văn. Tuy vậy, cũng có thể nhận ra một vài xu hướng trong đội ngũ các cây bút của thế hệ này, như thiên về vận dụng các phạm trù mỹ học triết học (Hoàng Ngọc Hiến), về tư tưởng nghệ thuật và phong cách nhà văn (Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh), hoặc thiên về hướng nghiên cứu thể loại gắn với tác giả (Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phong Lê). Phê bình văn học hiện đại luôn gắn với sự phát triển của báo chí và các phương tiện truyền thông. Giai đoạn từ 1955 – 1975 tuy báo chí xuất bản ở Miền Bắc chưa phải đã thật phong phú và đa dạng, nhưng đã có sự phát triển hơn hẳn so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước đó. Ngoài một số tuần báo và tạp chí chuyên về văn nghệ ở Trung ương như tuần báo văn học (sau là văn nghệ), các tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Tác phẩm mới, Nghiên cứu văn học (sau là tạp chí văn học), còn có nhiều tập chí, tập san văn nghệ của các hội văn nghệ địa phương. Ngoài ra nhiều tờ báo và tạp chí khác cũng có những chuyên mục về văn nghệ: Chiếm số lượng khá lớn trong đội ngũ phê bình là các cây bút ở vị trí biên tập viên văn học của các báo, tạp chí chuyên hoặc không chuyên về văn nghệ, và các nhà xuất bản, ở đài phát thanh. Đội ngũ phê bình này đóng vai trò “trực chiến”, thường xuyên có mặt trên các trang báo và tạp chí. Nhanh nhạy bám sát đời sống văn học, không thiên về học thuật mà thường có lối viết linh hoạt, văn phong báo chí họ giúp cho công chúng kịp thời nắm bắt tình hình văn học, nhưng cũng không hiếm khi gợi ra được những vấn đề có ý nghĩa thực sự của sáng tác và phê bình. Nhìn lại đội ngũ phê bình giai đoạn trước 1975, có thể thấy đó là một đội ngũ khá đông đảo, thuộc nhiều thế hệ, trong đó có không ít cây bút già giặn, một số đã tạo dựng được phong cách riêng rõ nét. Tuy nhiên, đội ngũ ấy chưa thể nói là mạnh và thực sự có tính chuyên nghiệp. Những cây bút có tầm văn hóa triết học sâu rộng và bản lĩnh tư tưởng vững vàng thì còn rất hiếm, những người có được phong cách riêng ổn định và rõ nét cũng không nhiều. Tính khoa học, đặc biệt là việc vận dụng các phương pháp phê bình khoa học còn rất hạn chế, số đông vẫn làm phê bình theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa, tự giới hạn và bằng lòng với việc sử dụng một số công cụ quen thuộc của phê bình xã hội học với những nguyên lý sơ đẳng của lý luận văn học mác-xít được du nhập từ các giáo trình lý luận văn học ở Liên Xô và Trung Quốc đương thời. Cái yếu của phê bình văn học giai đoạn này không chỉ ở lối phê bình xã hội học giản đơn, nhiều khi rơi vào cực đoan tả khuynh, dung tục, qui chụp về lập trường tư tưởng, ít chú ý các giá trị thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật, mà còn ở sự nghèo nàn về các khuynh hướng phong cách, bút pháp phê bình tình trạng nói trên của phê bình văn học trước 1975 về cơ bản vẫn được tiếp tục trong thời kỳ sau 1975 đến trước khi diễn ra cao trào đổi mới.
2. Đội ngũ tác giả phê bình từ sau 1975
2.1. Chặng đường 1975 – 1985
Trong chặng đường mười năm đầu kể từ khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, về cơ bản nền văn học vẫn tiếp tục vận động theo quán tính của văn học sử thi thời chiến tranh, tuy đã có một số tác phẩm của những cây bút mẫn cảm với sự thay đổi trong trạng thái tinh thần và nhu cầu mới của công chúng, hướng đến đời sống thế sự hằng ngày và những vấn đề đạo đức nhân sinh. Phê bình văn học trong chặng đường chuyển tiếp này, về cơ bản vẫn vận hành trong quĩ đạo chung của những quan niệm và nguyên tắc của nền văn học xã hội chủ nghĩa và đường lối văn nghệ của Đảng. Nhưng với tư cách là ý thức nghệ thuật của xã hội, phê bình văn học đã sớm cảm nhận và nêu lên những đòi hỏi đổi mới văn học – Dù còn ở dạng phôi thai và chưa được gọi chính xác bằng từ “đổi mới”, mà tiêu biểu có thể kể đến ý kiến của Nguyễn Minh Châu về vấn đề viết về chiến tranh, luận điểm của Hoàng Ngọc Hiến về “văn học phải đạo”, bản báo cáo đề dẫn của Đảng đoàn Hội nhà văn do Nguyên Ngọc trình bày trong hội nghị các nhà văn Đảng viên (6/1979).
Đội ngũ tác giả phê bình văn học trong chặng đường này cũng chưa có nhiều biến động, nhưng đã có sự bổ sung ở cả khu vực các nhà văn viết phê bình và những cây bút phê bình thuộc thế hệ xuất hiện từ cuối kháng chiến chống Mỹ và những năm sau 1975. Các nhà phê bình nghiên cứu thuộc thế hệ trước cách mạng, như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trương Chính tuy vẫn còn cầm bút, nhưng không còn ở thời kỳ sung sức và vì thế, vị trí và ảnh hưởng của họ trong đời sống văn học và phê bình văn học cũng không còn như trước.
2.2. Từ năm 1986 trở đi
Bước vào thời kỳ đổi mới, phê bình văn học đã có sự thay đổi rất đáng kể, cả ở diện mạo và vai trò của nó trong đời sống văn học và đời sống xã hội. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và khát vọng đổi mới thực sự, phê bình văn học đã tiến hành nhận thức lại nhiều vấn đề cơ bản của lý luận và thực tiễn văn học, tự nhìn lại và chỉ ra những yếu kém, khiếm khuyết của chính phê bình văn học giai đoạn vừa qua. Phê bình văn học trong thời kỳ đầu đổi mới thật sự đã có vai trò tích cực trong sự đổi mới ý thức nghệ thuật của nền văn học và cũng tác động đáng kể đến sự chuyển biến trong ý thức xã hội.
Đội ngũ tác giả phê bình giai đoạn từ 1986 đến nay rất đông đảo, bao gồm nhiều thế hệ và ở nhiều khu vực, và đáng chú ý là đã bước đầu hình thành một số khuynh hướng phê bình, một số phong cách rõ nét. Đội ngũ tác giả ấy vừa có sự đồng hành vừa có sự kế tiếp, thay thế giữa các thế hệ. Tuy nhiên, sự phân tán và chưa mang tính chuyên nghiệp cao vẫn là những mặt hạn chế của đội ngũ tác giả phê bình, nên tuy không ít về số lượng, nhưng chưa thể nói là đã mạnh. Ở giai đoạn này các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước không trực tiếp tham gia hoạt động phê bình văn học bằng những bài nói chuyện, những ý kiến phát biểu về những vấn đề cụ thể của văn học như trong những thời kỳ trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là Đảng cộng sản từ bỏ vai trò lãnh đạo đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà phương thức và biện pháp lãnh đạo đã có những điều chỉnh, chủ yếu là thông qua các tổ chức hội văn nghệ và bộ máy quản lý của nhà nước, và tập trung vào phương diện định hướng tư tưởng, chứ không can thiệp quá sâu vào những vấn đề chuyên môn học thuật, nghệ thuật. Sự điều chỉnh đó xuất phát từ những đổi mới quan điểm của Đảng về văn học và về sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật đã được nêu ra trong Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (tháng 11/1987) “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”, “coi văn nghệ là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người”, “là tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri, của tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, phản ánh được nguyện vọng sâu xa của nhân dân”. Tuy không tham gia trực tiếp vào hoạt động phê bình văn nghệ nhưng có những trường hợp hoạt động thực tiễn của một nhà lãnh đạo đảng có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến sự đổi mới văn học và đổi mới lý luận phê bình, như cuộc gặp của tổng thống bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ ngày 6 và 7 tháng 10/1987 cùng với bài nói chuyện tại cuộc gặp đó. Từ những năm 90, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương được thành lập, trực thuộc Ban tư Tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo để giúp Trung ương Đảng trong công việc định hướng chỉ đạo công tác văn hóa văn nghệ). Nhưng như trên đã nói, phê bình văn nghệ đã không còn chủ yếu được coi là công cụ quan trọng để thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với văn nghệ, mà chuyển dần sang một hoạt động chuyên môn, một bộ phận của khoa học văn học, đồng thời là nhu cầu tự ý thức của đời sống văn học. Do đó, các tác giả viết phê bình cũng chủ yếu thuộc giới văn học bao gồm cả những người sáng tác và những người nghiên cứu, giảng dạy văn học, những biên tập viên văn học của các cơ quan báo chí, xuất bản.
Có thể nhận diện các tác giả phê bình ở giai đoạn từ 1986 đến nay theo các thế hệ hoặc theo những khu vực, căn cứ vào vị trí hoạt động của họ.
Về các thế hệ, có thể thấy đặc điểm chung là từ 1986, các cây bút thuộc thế hệ trước 1945 đã vắng bóng, hoặc do đã qua đời, hoặc nếu còn sống thì cũng hầu như ít viết phê bình, (ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như Tô Hoài với lối phê bình bằng dựng chân dung, bằng hồi ký tự truyện). Thế hệ những cây bút trưởng thành sau cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp cũng không còn nhiều và cũng không giữ vai trò trọng yếu như ở các giai đoạn trước làm nên những đường nét chính trong diện mạo của đời sống phê bình giai đoạn này là các cây bút thuộc những thế hệ xuất hiện từ sau 1954 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau 1975 và thế hệ phê bình xuất hiện từ thời kỳ đổi mới, và gần đây là những cây bút phê bình trẻ, mới tham gia vào hoạt động phê bình từ cuối những năm 90.
Nếu sắp xếp theo khu vực, có thể nhận thấy ba khu vực chính: các nhà phê bình ở các trường đại học và viện nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ viết phê bình, các nhà báo, biên tập viên văn học của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền hình.
Đội ngũ phê bình văn học ở các trường đại học, viện nghiên cứu khá đông đảo, thuộc nhiều thế hệ và ở họ cũng đã hình thành một số khuynh hướng phê bình, có ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi các trường đại học và viện nghiên cứu, mà rộng hơn, cả trong giới văn học. Bên cạnh những cây bút đã trưởng thành từ giai đoạn trước, nay vẫn tiếp tục viết khá sung sức và có sự đổi mới, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Hoàng Trinh, Phong Lê, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, Phương Lựu là những cây bút thật sự tham gia vào hoạt động phê bình từ sau 1975, như Trần Đình Sử, Đặng Anh Đào, Lê Ngọc Trà, Trần Hữu Tá, Nguyễn Văn Long, Lã Nguyên, Huỳnh Như Phương, Mã Giang Lân, Trần Đăng Suyền, Chu Văn Sơn, Bùi Việt Thắng ở các trường đại học; và ở các viện nghiên cứu là Đỗ Lai Thúy, Phạm Vĩnh Cư, Vũ Tuấn Anh, Phan Trọng Thưởng, Bích Thu, Mai Hương, Lưu Khánh Thơ… Từ đầu những năm 90 đến gần đây đội ngũ phê bình ở các trường đại học và viện nghiên cứu còn được bổ sung thêm nhiều cây bút mới, có thể kể một số người tiêu biểu như Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Quang Trung, Văn Giá, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thị Bình, Phạm Xuân Thạch.
Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ là những cây bút nghiên cứu phê bình kỳ cựu, giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1957(nay là Đại học khoa học xã hội và nhân văn) và bắt đầu viết phê bình từ trước năm 1960. Điểm chung ở hai tác giả là đều bao quát rộng nhiều vấn đề và hiện tượng của văn học hiện đại Việt Nam, cả trước và sau 1945, coi trọng công tác tư liệu, bám sát đường lối văn nghệ của đảng và những nguyên lý văn học Mác xít, vận dụng thành thục phương pháp phê bình xã hội học vào việc nghiên cứu các hiện tượng, trào lưu, tác giả, đồng thời chú ý nghiên cứu tiến trình và những đặc điểm của các thể loại trong văn học hiện đại Việt Nam. Hà Minh Đức viết rất nhiều và đều đặn, từ thời kỳ đổi mới ông càng sung sức hơn và đã nhìn lại nhiều vấn đề, hiện tượng văn học trước năm 1945 và giai đoạn 1945 – 1975, để đi tới sự đánh giá toàn diện và thỏa đáng hơn. Phan Cự Đệ là cây bút xông xáo, bám sát đời sống văn học và có mặt ở nhiều cuộc tranh luận, có quan điểm và chính kiến rõ ràng, coi trọng các phương diện thế giới quan, lập trường tư tưởng, lý tưởng, vốn sống, nhiệt thành khẳng định thành tựu văn học cách mạng, đồng thời ông là nhà nghiên cứu có thiên hướng tổng kết, với những công trình chuyên luận về phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, truyện ngắn Việt Nam, về lý luận phê bình văn học 1945 – 1975… Từ thời kỳ đổi mới, ông quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa đối ngoại và phát huy vai trò tổ chức, chủ biên công trình về văn học Việt Nam thế kỷ XX, về nhà báo – nhà văn Ngô Tất Tố.
Nguyễn Đăng Mạnh ngoài những công trình về văn học sử giai đoạn 1930 – 1945, ông đặc biệt quan tâm hướng nghiên cứu phê bình tác giả văn học với quan niệm nghiên cứu nhà văn thực chất là nghiên cứu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, tư tưởng ấy thể hiện trong thế giới nghệ thuật và chi phối phong cách nghệ thuật của ông ta. Nguyễn Đăng Mạnh đã xây dựng một phương pháp luận nghiên cứu tác giả văn học, viết nhiều tiểu luận, chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại với những phát hiện trúng và sắc sảo về đặc điểm phong cách tư tưởng của họ, trong đó đặc sắc là những tiểu luận, chân dung về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Hồng, về thơ Hồ Chí Minh.
Trần Đình Sử đến với phê bình, nghiên cứu khá muộn, nhưng đã nhanh chóng xác lập được vị trí và có dấu ấn riêng của mình trong đời sống phê bình từ những năm 80 lại đây. Được tiếp nhận tri thức từ những nền học thuật của Trung Quốc, Liên Xô trước đây, ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực, từ lý luận văn học, đến văn học trung đại và hiện đại Việt nam. Trần Đình Sử đã đưa thi pháp học thành một hướng nghiên cứu được biết đến rộng rãi và có ảnh hưởng đáng kể đến phê bình văn học ở ta, nhất là trong nhà trường và với các thế hệ phê bình lớp sau ông. Chịu ảnh hưởng trường phái thi pháp học lịch sử ở Nga, Trần Đình Sử đã vận dụng thành công trong các công trình của mình về thi pháp thơ Tố Hữu, thi pháp Truyện Kiều, thi pháp văn học Trung Đại, đồng thời có nhiều bài phê bình với những phát hiện đáng chú ý về những tác phẩm đương đại.
Đỗ Đức Hiểu và Đặng Anh Đào là những người giảng dạy nghiên cứu văn học phương tây ở trường Đại học có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu những trào lưu và phương pháp phê bình hiện đại của thế giới, nhất là phương Tây, vận dụng thành công vào phê bình văn học Việt Nam. Đỗ Đức Hiểu vận dụng thi pháp hiện đại và lý thuyết cấu trúc văn bản nghệ thuật, có những phát hiện mới về một số hiện tượng đặc sắc của văn học Việt Nam, như tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Đặng Anh Đào có những khám phá phát hiện sắc sảo về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, về nguyên tắc đa âm, về quan hệ sáng tác và tiếp nhận xung quanh những truyện ngắn mà bà gọi là “giả cổ tích, giả lịch sử” của Nguyễn Huy Thiệp. Bà cũng đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng của văn học phương Tây hiện đại, đối với văn học Việt Nam thế kỷ XX và gần đây.
Lê Ngọc Trà là nhà lý luận văn học, mỹ học, tham gia vào phê bình văn học từ những năm đầu thời kỳ đổi mới với những bài báo gây được sự chú ý của giới văn học và xã hội, về mối quan hệ văn nghệ và chính trị, về vấn đề văn học phản ánh hiện thực, về vị trí và bản chất của phê bình văn học. Những tiểu luận này được chú ý trước hết ở chỗ đã đặt trúng những vấn đề căn bản và thiết yếu của nền văn học, không chỉ được nêu ra và xem xét từ bình diện lý luận mà còn từ sự khái quát thực tiễn văn học Việt Nam, nên đã trở thành đề tài thảo luận khá sôi nổi trong phê bình văn học ở chặng đầu đổi mới.
Trong văn học hiện đại, ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở nước ta, những nhà văn, nhà thơ viết phê bình là hiện tượng không hiếm, trong văn học Việt Nam giai đoạn từ 1945 – 1985, phê bình văn học của các nhà thơ, nhà văn có vị trí khá quan trọng, với những tên tuổi tiêu biểu như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông, Như Phong. Từ thời kỳ đổi mới, số lượng những người sáng tác tham gia viết phê bình càng đông đảo và không chỉ tập trung ở những người có cương vị trọng yếu trong các cơ quan tổ chức văn học. Ngoài những đóng góp nổi bật của Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, còn phải kể đến Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, với những tiểu luận sắc sảo, Vũ Quân Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo, Inrasara… và nhiều cây bút thuộc thế hệ trẻ trong những năm gần đây. Phê bình của khu vực này rất đa dạng về đối tượng, nội dung và về bút pháp, phong cách nhưng đặc điểm chung là không thiên về học thuật, không xuất phát từ các lý thuyết, mà từ thực tiễn và dựa chủ yếu trên những kinh nghiệm, trải nghiệm của người sáng tác. Phạm vi đề cập của loại phê bình này cũng rất rộng, từ những vấn đề bao quát của đời sống văn học, của các thể loại, đến chân dung tác giả và những kinh nghiệm nghề nghiệp cùng với quan niệm văn chương riêng của mỗi người.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có nhiều suy ngẫm trăn trở về văn chương và trách nhiệm của người cầm bút trước dân tộc, thời đại và con người. Ông cũng là nhà văn mẫn cảm với sự chuyển biến của đời sống xã hội và con người sau năm 1975, sớm tìm đến và mở ra hướng đi mới cho sáng tác của mình và xứng đáng được coi là “một trong những người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của công cuộc đổi mới văn học, như đánh giá của nhà văn Nguyên ngọc. Cùng với những truyện ngắn viết sau 1975, nhiều bài báo tiểu luận của Nguyễn Minh Châu đã góp phần thúc đẩy sự đổi mới trong ý thức nghệ thuật của nền văn học. Bài báo Viết về chiến tranh của ông trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 11-1978 đã chỉ ra đúng một đặc điểm, cũng là hạn chế của văn học viết về chiến tranh và của cả thời kỳ văn học vừa qua: “hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hi vọng, đang mơ ước”. Ý kiến này sau đó đã được Hoàng Ngọc Hiến phát triển trong bài báo từng chịu sự phê phán gay gắt của giới lãnh đạo văn nghệ hồi ấy. Đặc biệt bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu đăng trên báo văn nghệ cuối năm 1987, chỉ ít lâu sau cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sĩ (tháng 10-1987), đã có tiếng vang rộng rãi và tác động mạnh mẽ đến giới văn nghệ ở chặng đường đầu của công cuộc đổi mới sôi nổi. Mặc dù còn có những ý kiến cường điệu, nhưng bài báo của Nguyễn Minh Châu thể hiện tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, ý thức phản tỉnh chân thành và khát vọng đổi mới triệt để. Bài báo đã đề cập đến nhiều vấn đề căn bản của đổi mới văn học, từ quan niệm về hiện thực, quan hệ chính trị với văn nghệ, sự lãnh đạo văn nghệ, đến khát vọng tự do sáng tạo và bản lĩnh của người cầm bút, khát vọng đưa văn học Việt Nam hội nhập với văn học thế giới. Nguyễn Minh Châu còn có nhiều ý kiến về nghề nghiệp, về công việc sáng tác của mình, cả những chân dung khá đặc sắc về một số nhà văn. Tác phẩm phê bình của ông được tập hợp trong tập Trang giấy trước đèn xuất bản sau khi nhà văn qua đời.
Nguyên Ngọc, sau năm 1975, từ chiến trường ra được bổ sung vào ban lãnh đạo hội nhà văn (phó Tổng thư ký kiêm Bí thư đảng đoàn), cùng với Nguyễn Khải và một số nhà văn khác đã sớm đề xuất định hướng đổi mới văn học từ những năm cuối thập niên 70, được thể hiện trong Bản Báo cáo đề dẫn của Đảng đoàn Hội nhà văn trong Hội nghị nhà văn đảng viên. Nhưng điều kiện khách quan và cả chủ quan lúc ấy chưa thể tạo ra được cuộc đổi mới văn học. Đến những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Nguyên Ngọc với vị trí tổng biên tập báo văn nghệ của Hội nhà văn, đã có vai trò tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học theo tinh thần dân chủ hóa của toàn xã hội. Ngay trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, Nguyên Ngọc có những bài viết khái quát tình hình văn học và khẳng định xu thế đổi mới, đi tìm qui luật vận động của thể loại, của tư duy văn học mới (văn xuôi sau 1975 – thử thăm dò đôi nét về qui luật phát triển, Đôi nét về tư duy văn học mới đang hình thành).
Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài không chỉ là những cây bút văn xuôi xuất sắc, độc đáo của thời kỳ đầu đổi mới, hai nhà văn này còn có những tiểu luận văn học sắc sảo, những ý kiến mới mẻ, táo bạo và có khi quyết liệt, “gây hấn” với những quan niệm văn chương và thói quen thẩm mỹ cũ. Văn phê bình của họ có ngôn ngữ sắc sảo kết hợp chất trí tuệ và sức mạnh trực giác của nhà văn, nên thường rất hấp dẫn lôi cuốn, dù không phải mọi quan niệm kiến giải của họ đều tìm được sự đồng tình của số đông người đọc.
Về những người sáng tác viết phê bình, còn phải kể đến các nhà thơ Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và gần đây là Inrasara với những tiểu luận phê bình về thơ rất đáng chú ý.
Đến đây không thể không nhắc đến một hiện tượng đặc biệt trong đời sống phê bình văn học cuối thế kỷ XX: trường hợp phê bình của Trần Mạnh Hảo. Trong khoảng hơn 10 năm, từ cuối những năm 80 đến những năm đầu thế kỷ XXI, nhà thơ Trần Mạnh Hảo xuất hiện khá thường xuyên và liên tục trên trang phê bình của nhiều tờ báo, cả trong Nam ngoài Bắc của Trung ương và địa phương, đặc biệt là những tờ báo có vị trí quan trọng với đời sống văn học và đời sống tư tưởng của xã hội. Đối tượng phê bình của ông cũng không chỉ giới hạn trong các sáng tác thơ và những vấn đề của thơ mà còn cả nhiều công trình khoa học về văn hóa văn học, đặc biệt là các sách giáo khoa văn học. Trong các bài phê bình của Trần Mạnh Hảo, không phải là không có một số ý kiến phê bình đúng về những sai sót, chủ yếu ở cấp độ chi tiết của những công trình hay tác phẩm được phê bình. Nhưng điều đáng nói hơn cả trong phê bình của ông là sự xuất hiện trở lại của lối phê bình đao to búa lớn, hướng đến sự qui chụp (nhất là về tư tưởng, chính trị), với những thao tác thiếu tính khoa học như cắt xén tùy tiện, suy diễn và khái quát thiếu căn cứ. Dù tỏ ra hăng hái bảo vệ và khẳng định thành tự văn học cách mạng, Trần Mạnh Hảo lại bộc lộ một thái độ hoài nghi phủ định những tìm tòi thử nghiệm mới trong sáng tác, nhất là các xu hướng hiện đại trong thơ. Mặc dù vậy, phê bình của nhà thơ này cũng đã có những tác động đến công chúng và dư luận xã hội, điều đó cho thấy những quan niệm và tư duy cũ vẫn còn không ít, thậm chí còn có sức sống đáng kể trong một bộ phận công chúng văn học và trong xã hội. (Xin xem cuốn sách “Về một hiện tượng phê bình” do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm chọn lọc).
Phê bình văn học Việt Nam hiện đại không tách rời sự phát triển của báo chí. Từ thời kỳ đổi mới, lĩnh vực báo chí và xuất bản ở nước ta đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Ngoài những tờ báo và nhà xuất bản chuyên về văn nghệ ở Trung ương, thì hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có tạp chí Văn nghệ của địa phương. Các báo hàng ngày, hàng tuần của các ngành, các giới cũng hầu như đều có trang văn học, trang sáng tác và cả phê bình, giới thiệu văn học. Số người làm biên tập về văn học, nghệ thuật ở các báo tạp chí, nhà xuất bản, phát thanh truyền hình kể có đến hàng ngàn, trong số đó có không ít người tham gia hoạt động phê bình và một số trong đó trở thành những cây bút phê bình khá chuyên nghiệp. Có thể kể một số tên tuổi tiêu biểu từ 1975 và nhất là từ 1986 đến nay: Nhị Ca, Khái Vinh, Thiếu Mai, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Nguyễn Văn Lưu và gần đây là Phong Điệp, Nguyễn Chí Hoan, Hoài Nam… các cây bút phê bình trong khu vực này có ưu thế ở chỗ họ bám khá sát đời sống văn học, có điều kiện gần với người sáng tác (một số biên tập viên cũng là nhà văn, nhà thơ), nên phê bình của họ thường nhanh nhạy, giàu tính thời sự, không thiên về những vấn đề có tính học thuật sâu mà thường linh hoạt nhẹ nhàng, lại được các phương tiện báo chí truyền thông chuyển tải nhanh đến với công chúng. Nhưng thường thì vì chú trọng đến tính thời sự, nên không nhiều bài phê bình đặt ra những vấn đề ở tầm khái quát lý luận và được phân tích luận giải một cách cặn kẽ. Nhưng trong số đó, có những người chuyên tâm với hoạt động phê bình và thực sự là những cây bút phê bình thành thục có nghề khẳng định được vị trí và có đóng góp thực sự trong lĩnh vực này, như Nhị Ca, Thiếu Mai thời kỳ trước, và tiếp sau là Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo.
Lại Nguyên Ân vừa theo sát đời sống văn học, vừa quan tâm đến những vấn đề lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ông là người đầu tiên đưa ra ý kiến về tính chất sử thi của nền văn học Việt Nam từ sau 1945, trong một bài viết vào đầu những năm 80 (sau này ở thời kỳ đổi mới ông còn định danh đó là nền văn học “quan phương”, “văn học cán bộ”). Rất coi trọng công tác tư liệu, Lại Nguyên Ân đã sưu tầm và cho in lại bộ sưu tập tạp chí Tiên phong, tạp chí Văn nghệ thời kháng chiến, những tư liệu về văn bản tác phẩm Vũ Trọng Phụng và về một số tác giả khác. Vương Trí Nhàn từ công việc của một người biên tập, có điều kiện và cả hứng thú tiếp xúc, quan sát nhà văn và sự hành nghề của họ. Sau một số bài viết không gây được ấn tượng hồi mới vào nghề, Vương Trí Nhàn chuyển sang phê bình tác giả theo cách vẽ chân dung bằng tản văn, với cách nhìn riêng của mình về đời sống văn học và nhà văn. Ông nhìn nhà văn và công việc sáng tác của họ trong cự ly gần, để thấy cả cái hay, cái dở, nhất là những thói tật khiến họ hiện ra như những người thường, và công việc viết văn cũng không còn là cái gì quá thiêng liêng bí ẩn như nhiều người xưa nay vẫn nghĩ. Gần đây, ông chuyển sang quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, lối sống.
Cùng với sự vận động, biến đổi của nền văn học từ sau năm 1975, nhất là từ 1986, phê bình văn học cũng có sự chuyển biến rõ rệt, tự nhận thức lại để vượt lên những hạn chế của thời kỳ trước, góp phần hình thành ý thức nghệ thuật mới và phần nào có thể làm được vai trò đại diện cho ý thức nghệ thuật của thời đại, mặc dù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng phân tán, chưa mạnh. Đội ngũ tác giả phê bình từ sau 1975, chủ yếu là từ 1986 khá đông đảo, bao gồm nhiều thế hệ được phân bố trong ba khu vực chính như đã trình bày ở trên, đồng thời cũng có nhiều biến động. Sau những hoạt động khá sôi nổi ở chặng đầu đổi mới (cuối thập niên 80 và đầu những năm 90), nhiều cây bút phê bình chuyển dần sự quan tâm sang các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, lịch sử văn học, văn hóa hơn là hứng thú bám sát diễn biến của đời sống văn học (một phần cũng vì tình trạng bằng phẳng, ít có những hiện tượng đặc sắc gây chú ý của sáng tác ở hầu hết các thể loại) công việc phê bình thường xuyên hầu như thuộc về những cây bút thuộc khu vực báo chí, xuất bản, với lối phê bình truyền thông mà có người gọi là hiện tượng “báo chí hóa phê bình”. Việc đào tạo bồi dưỡng những người làm công việc phê bình, tuy đã có một số quan tâm từ các cơ quan, tổ chức, nhưng vẫn còn ít ỏi, rời rạc. Tuy đã xuất hiện một số cây bút phê bình trẻ, trong đó có những người bộc lộ được năng khiếu và có triển vọng, nhưng vẫn còn khá thưa thớt và chưa thể nói đã hình thành thật sự một thế hệ phê bình mới đủ sức gánh vác công việc nặng nề này.
Nguyễn Văn Long
Nguồn: vanvn.net.