Từ năm 1986 trở lại đây, cùng với sự mở cửa nền kinh tế, đổi mới chính trị, mở rộng giao lưu hội nhập, một bối cảnh mới cho sáng tác, phê bình đã được hình thành.
Hoạt động phê bình văn học từ 1986 đến nay có sự tham gia của nhiều thế hệ, mỗi thế hệ có một thế mạnh riêng; trong đó, thế hệ thứ ba và thứ tư có đóng góp nổi bật hơn cả, thế hệ thứ năm mới bắt đầu hình thành, chưa có nhiều thành tựu. Phê bình có sự tham gia của nhiều khu vực: các trường đại học, viện nghiên cứu; giới văn nghệ sĩ, giới truyền thông, các nhà quản lí văn nghệ. Sự tham gia của nhiều thế hệ, nhiều tác giả và ý thức hệ, một mặt cho thấy tinh thần dân chủ, tự do trong phê bình đang được phát huy, mở rộng, mặt khác và cũng chính vì thế, mà nảy sinh sự phân hoá, phân tán về tư tưởng, quan niệm, thị hiếu thẩm mỹ, phương pháp và mục đích làm lí luận, phê bình văn học.
Trong đời sống văn học hiện thời có ba cơ chế phê bình, ba kiểu phê bình văn học: phê bình chuẩn hóa, phê bình phản tư và phê bình truyền thông. Ứng với nó là ba kiểu tác giả, phương pháp phê bình. Khảo sát ba cơ chế, ba kiểu phê bình hay ba kiểu tác giả phê bình này cũng chính là tìm hiểu những vấn đề cốt lõi của phê bình, các cách thức tổ chức, hoạt động, vận hành của phê bình và sản phẩm do phê bình văn học tạo ra. Chỉ trên cơ sở những quan sát đó, chúng ta mới có thể bàn đến việc “nâng cao chất lượng và hiệu quả phê bình văn học trong tình hình hiện nay”. Thiết nghĩ nên bàn về việc nâng cao hiệu quả của phê bình từ những đòi hỏi nội tại, cơ chế nội tại, căn cứ vào những yếu tố căn cốt nhất, chứ không nên chỉ xuất phát từ những yếu tố kinh tế thị trường, bề mặt, riêng lẻ và có tính tác động từ bên ngoài như: chế độ nhuận bút, diễn đàn công bố các văn bản, sự tác động của mạng internet, công nghệ kỹ thuật, bối cảnh toàn cầu hóa và văn hóa tiêu dùng, thực trạng sáng tác kém hấp dẫn, văn hóa phê bình thiếu lành mạnh… Ngoài những nhiệm vụ trên, bài viết này góp phần trả lời cho câu hỏi: thế nào là phê bình có hiệu quả? Thế nào là phê bình có chất lượng?, có thể và cần làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình, theo những góc độ, cơ chế, khu vực, đòi hỏi… khác nhau.
Phê bình chuẩn hóa (quy phạm hóa)
Đây là kiểu phê bình của đội ngũ bị/được chuẩn hóa theo quan điểm chính trị và chính thống, là những tác giả có chức năng thiết lập nên những bộ công cụ có tính chính trị nhằm chuẩn hóa họat động phê bình, họ là tác nhân thúc đẩy tiến trình thể chế hóa các quan điểm, định hướng, đường lối của Đảng về văn học nghệ thuật. Phê bình chuẩn hóa duy trì những giá trị truyền thống, thực thi các chuẩn mực chính trị trong sáng tác và phê bình văn học, phổ biến, vận dụng các quan điểm, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào hoạt động văn học, khiến cho học thuật trở thành học thuật – chính trị.
Tác giả phê bình chuẩn hóa có thể: 1- là những nhà quản lí làm phê bình định hướng, phê bình mặt trận, những nhà phê bình được “cơ chế lựa chọn” rồi dần dần được trao vai quản lý; 2- là những nhà phê bình đang hoạt động ở các cơ quan có nhiệm vụ tham mưu, tuyên truyền chính sách, quan điểm, chủ trương, tư tưởng, lập trường, có chức năng đào tạo lực lượng làm chuyên môn kết hợp với công tác tuyên giáo: diễn ngôn phê bình của họ đầy ắp tư tưởng hệ; 3- là những nhà phê bình duy trì, thực thi các chuẩn định chính trị trong đời sống văn học. Công việc kiểm duyệt, thẩm định của đội ngũ tác giả này, một mặt nhằm vào sự loại trừ, bác bỏ “những tiêu cực, xấu xa, không lành mạnh”, mặt khác hướng đến chuẩn hóa, hợp thức hóa các văn bản, các hoạt động văn học theo các định chế hiện hành.
Mặc dù, trên thực tế, quan niệm về phê bình văn học rất đa dạng phong phú, và đến nay, đã thay đổi rất nhiều, nhưng đối với các tác giả chuẩn hóa, phê bình chỉ có một chức năng và nó bất di bất dịch – là hướng dẫn, điều chỉnh, định hướng, dẫn đường, giáo dục. Phê bình văn học, đối với các tác giả chuẩn hóa, theo đó, như một phương thức giáo dục chính trị tư tưởng trên mặt trận văn hóa văn nghệ, một hoạt động góp phần khẳng định hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với sáng tác văn học. Hệ quả của quan niệm này là chủ trương đề cao một thứ lý luận chuyên dành cho sáng tác, hướng dẫn sáng tác, theo kịp sáng tác, đòi hỏi nhà văn phải thông suốt, thống nhất về nhận thức, mọi sáng tác phải đảm bảo định hướng chính trị, phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị – xã hội phù hợp với yêu cầu của thời đại và thể chế. Hệ quả của nó còn là yêu cầu phê bình văn học phải “tìm ra khuyết điểm”, phát hiện sớm những khuynh hướng suy thoái, quan điểm lệch lạc, những biểu hiện sai trái; đòi hỏi phê bình luôn luôn vận hành theo một chuẩn định tư tưởng, phải đóng vai “đứng trên tất cả” để giáo dục, hướng dẫn, điều chỉnh, định hướng sự phát triển văn học nghệ thuật – không chỉ đối với người sáng tạo, mà còn với đông đảo công chúng nghệ thuật. Và cuối cùng, chính quan niệm trên, sinh ra việc khống chế, kiểm soát các luồng tư tưởng, triết học, văn hóa được du nhập, giới thiệu, tiếp nhận trong nước. Do đó, có thể khái quát cơ chế phê bình chuẩn hóa như sau: ở đâu có quyền lực ở đó có phê bình, ở đâu có phê bình ở đó có sự kiến tạo, duy trì, thực thi các chuẩn mực chính trị. Phê bình, định hướng, chỉ đạo, lãnh đạo là sức mạnh, quyền lực của các tác giả chuẩn hóa. Những phát ngôn như “phê bình không có chuẩn, lệch chuẩn, loạn chuẩn, mất phương hướng, thiếu hệ giá trị tin cậy, hệ tiêu chí làm thước đo”… xuất hiện chủ yếu ở các phê bình chuẩn hóa, và chúng đều có tính ám chỉ, cảnh báo, xét ở bình diện vô thức chính trị. Các diễn ngôn về chủ trương, phương hướng, giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo, lãnh đạo, quản lí, yêu cầu, đề phòng, quán triệt, dự báo, bồi dưỡng, đào tạo, khuyến khích, phê phán kịp thời, biểu dương kịp thời, tâm huyết, trách nhiệm… có ý nghĩa then chốt trong phê bình chuẩn hóa, có thể xem đó là những từ khóa, những khuôn mẫu diễn đạt của kiểu phê bình này.
Đối với kiểu phê bình chuẩn hóa, hoạt động phê bình bao giờ cũng phải đi theo chuẩn, và chỉ có một chuẩn định, “một quan điểm và một lập trường văn hóa”. Ở nhiều khu vực, nhiều trường hợp, phê bình chuẩn hóa đã thể hiện tham vọng độc tôn, độc quyền chân lí, nó đọc xuyên tạc văn bản, gán cho văn bản những điều mà nhà nước không cho phép phát ngôn, thậm chí còn can thiệp thô bạo vào sáng tác, diễn giải áp đặt và khiên cưỡng về văn học – đấy là một trong những lý do chính làm nảy sinh sự chống đối, kháng cự công khai, làm suy giảm thanh thế của cơ chế chuẩn hóa trong phê bình văn học. Phê bình chuẩn hóa thường phủ lên các văn bản ngôn ngữ ý thức hệ, đặt các văn bản văn học vào diện trường của thiết chế văn nghệ, thiết chế xã hội hiện hành, nặng tính xã hội học dung tục, nhấn mạnh vào đấu tranh giai cấp, coi phát ngôn của mình như một sự hiển nhiên, không bàn cãi. Chân lý, theo các tác giả chuẩn hóa, có trước văn bản, ở bên ngoài văn bản, nhưng quyết định chúng. Chân lý vô hình nhưng lại có thể kiểm soát tất cả. Chân lý tạo ra chúng ta. Nhà phê bình chuẩn hóa đích thực là những người có sức mạnh chính trị, những người giành được chân lý sau khi loại trừ những gì không phải chân lý. Không phải ngẫu nhiên, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nhấn mạnh một trong những chủ trương lớn trong thời kỳ mới là cần “khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học nghệ thuật.”
Đội ngũ phê bình chuẩn hóa thường xuất hiện trong tư cách người phát ngôn cho hệ tư tưởng chính thống đầy uy quyền, họ ít xuất hiện như một chủ thể tự chủ, độc lập; họ là những tác giả chức năng, những người đại diện cho luật lệ, cơ chế, “đạo đức và truyền thống”; những vai phê bình muốn đứng trên các văn bản, “tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật”. Khi phê bình bao giờ họ cũng phác họa ngữ cảnh chính trị – xã hội cụ thể với những nhiệm vụ, đòi hỏi, yêu cầu nhất định; sau đó tổng kết đánh giá, khẳng định những thành tựu, những tiến bộ đã đạt được; tiếp đến chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, tiêu cực, sai lầm, lệch lạc cần được rút kinh nghiệm sâu sắc, cần đấu tranh, khắc phục nghiêm túc, mạnh mẽ, và đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi mới, nhiệm vụ mới, mục tiêu mới; sau cùng là định hướng phát triển, bổ sung, đề xuất những phương hướng, giải pháp “để thúc đẩy, làm tốt” trong thời gian tới. Trước khi tiến hành kiểm duyệt và hợp thức hóa các văn bản, nhà phê bình chuẩn hóa phải tự kiểm duyệt chính mình. Họ là những tác giả phê bình trực chiến, phê bình “gác cửa”, luôn soi xét để uốn nắn điều chỉnh lại các văn bản; hầu hết các phát ngôn của họ đều chứa đựng tham vọng kiểm soát, điều khiển hoạt động văn học, tư tưởng, chân lí; họ đấu tranh chống những quan điểm được cho là sai trái, độc hại, những thứ đe dọa đến “văn học trung tâm”, “văn học chính thống”. Thế giới quan của họ là “thế giới quan khoa học, tiến bộ nhất”; đường đi của họ là từ văn bản này đến văn bản khác; bao trùm họ, nuốt chửng họ là một “thế giới văn bản”, thế giới của vật quy chiếu, là các thiết chế văn nghệ mang tính nhà nước; điểm tựa phê bình của họ là mỹ học mác xít. Đối với họ, văn bản mang ý thức hệ chính thống là vật quy chiếu duy nhất, là căn cứ – tiêu chuẩn tối hậu để điều chỉnh những văn bản đang lưu hành hoặc chuẩn bị lưu hành. Văn học nói chung, đối với tác giả chuẩn hóa, phải tòng thuộc chính trị, phục vụ nền chính trị hiện hành, tức là phải đảm bảo đúng định hướng chính trị (yêu nước, truyền thống, bản sắc dân tộc…); phê bình văn học đối với tác giả chuẩn hóa có xu hướng được công thức hóa, định đề hóa, quy phạm hóa, giản lược hóa để có thể áp dụng, phổ biến đại trà, nhằm gây ảnh hưởng và tạo uy tín cho những văn bản là sản phẩm đích thực nhất của ý thức hệ hiện hành.
Sự xuất hiện đội ngũ tác giả chuẩn hóa, phê bình chuẩn hóa có tính tất yếu trong một nền văn học gắn với nhà nước, chính trị; không thể không có đội ngũ này, kiểu phê bình này nếu muốn duy trì, bảo vệ, biện luận cho nguyên tắc hướng tâm, diễn ngôn trung tâm, cho sự phát triển đúng định hướng của nền văn học đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các tác giả chuẩn hóa do quan niệm, nhìn nhận phê bình như một công cụ, phương tiện tuyên giáo, như một mặt trận bảo vệ sức mạnh, quyền lực của điển phạm chính thống, nên dễ tổ chức vận hành phê bình văn học theo hướng quy chụp, áp đặt, suy diễn cứng nhắc, hoặc chủ yếu khống chế, loại trừ các văn bản. Phê bình chuẩn hóa luôn canh chừng, cảnh giác với những thứ văn học ở sân sau, văn học ở bên lề, văn học giương cao ngọn cờ đổi mới, những hiện tượng văn học có biểu hiện lạc nhịp so với “giai điệu chính”, phi điển phạm, phi truyền thống.
Cho rằng phê bình văn học hiện nay đang khủng hoảng, đang yếu kém, lạc hậu, không theo kịp sáng tác, không có khả năng bắt mạch sáng tác, đặc biệt là định hướng điều khiển sáng tác, có biểu hiện nghiệp dư hóa – điều đó đúng, và chỉ đúng nếu xét từ đòi hỏi của chính quyền, hay nhìn từ phương diện chính trị/ý thức hệ. Nhận định về những khuyết điểm, yếu kém của lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện nay, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (2008) đã khẳng định đúng rằng “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp.”
Trong các giai đoạn trước, hầu hết các nhà phê bình văn học đều gắn chặt với công tác quản lý văn nghệ, tuyên giáo và các cuộc đấu tranh tư tưởng quan trọng. Ở thời điểm hiện nay, nhiều người trong đội ngũ này không còn nữa hoặc không có những điều chỉnh, thay đổi thực sự căn bản cho phù hợp với bối cảnh mới. Cơ chế phê bình kiểu cũ dần mai một, kém hiệu lực thực tiễn; trong khi cơ chế phê bình mới, cơ chế phê bình ở khu vực khác hoặc những phương pháp phê bình trước kia bị gạt ra bên lề nay có điều kiện phát triển tốt hơn và ngày càng tỏ ra có sức mạnh của mình nên thu hút được nhiều thế hệ phê bình văn học hưởng ứng. Sự hụt hẫng, thiếu, yếu về phương diện đội ngũ phê bình là có thực, nhưng là hụt hẫng những tác giả làm hiệu quả phê bình mặt trận, phê bình tư tưởng, phê bình tuyên truyền, những ngòi bút có một phẩm chất nhạy cảm đặc biệt trong việc biểu dương khích lệ “các văn bản, các tác giả” hoặc phê phán kịp thời những biểu hiện lệch lạc, phản truyền thống, nhằm hướng dẫn dư luận, định hướng hoạt động tiếp nhận, chứ thực ra không thiếu người làm phê bình học thuật kế cận.
Để “nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học trong tình hình hiện nay”, theo chúng tôi, đối với khu vực phê bình chuẩn hóa cần tiếp tục điều chỉnh, đổi mới cơ chế phê bình, phương pháp phê bình văn học; không thể phê bình, tuyên truyền theo mệnh lệnh, cứng nhắc, độc đoán hoặc tổ chức thực hiện phê bình có tính rầm rộ hình thức, sơ lược, đơn giản hóa, đại trà.
“Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học” đối với các tác giả chuẩn hóa chính là nâng cao năng lực định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả định hướng tư tưởng, thẩm mỹ đối với các chủ thể tham gia hoạt động sáng tác, thưởng thức, lưu truyền và diễn giải văn học.
Phê bình chuẩn hóa thu vào mình những chức năng, vai trò, sứ mệnh cao quý như nêu trên, cho nên đặt vấn đề nâng cao chất lượng của nó xét cho cùng chính là đặt vấn đề cần tăng cường làm tốt chức năng, nhiệm vụ của chính hình thức chuẩn hóa trong một bối cảnh chính trị xã hội mới; là phải đề ra được các phương hướng, giải pháp về thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tiếp tục duy trì sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của nhà nước đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật, đưa các hoạt động văn học vào một quy đạo chuẩn mực, thống nhất, mà công việc trước hết là thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật và sau đó nhà phê bình phải có phương pháp đưa chúng vào thực hiện, phát huy trong đời sống xã hội.
Nói chung, phê bình chuẩn hóa có chức năng quy chế hóa, quy phạm hóa, quy chuẩn hóa, điển phạm hóa các phát ngôn văn học và về văn học. Phê bình chuẩn hóa có một cách riêng để hợp thức các quan điểm, nó kiến tạo ra một thứ đại tự sự, siêu tự sự, một thứ văn bản văn học, lịch sử văn học riêng, đáp ứng những yêu cầu, mục đích, quyền lợi, địa vị của nó, và dĩ nhiên kiểu văn học do phê bình chuẩn hóa tạo ra sẽ khác với sản phẩm văn học do những cơ chế phê bình văn học khác tạo thành. Từ việc nhận thức được rằng, có sự phức tạp, đa dạng về cơ chế phê bình văn học, ta có thể hình dung thế này: không có một “con đường” đi duy nhất, có tính chất chung bắt buộc cho mọi sáng tạo văn học, không thể có một lịch sử văn học mà luôn có nhiều lịch sử văn học; trọng tâm của lịch sử văn học luôn di chuyển từ cơ chế này sang cơ chế kia, từ khu vực này sang khu vực khác theo từng giai đoạn lịch sử xã hội; chẳng hạn đối với cơ chế ngoại biên hóa, lịch sử văn học là lịch sử của những tiếng nói ngầm, những tiếng nói phản kháng, những sự đứt gãy, lệch chuẩn; hoặc trong cơ chế chuẩn hóa, văn chương bị chính trị, tuyên truyền nuốt chửng;… Lịch sử văn học chẳng qua chỉ là lịch sử của những kiến tạo về văn học.
Phê bình phản tư
Đây là loại phê bình thường đặt lại, xét lại nhiều vấn đề học thuật của các giai đoạn trước; đi những “nước cờ – ngôn ngữ” có tính đối thoại với những gì mà kiểu tác giả chuẩn hóa đã thiết lập, đề nghị, định hướng, quy phạm hóa, quy chế hóa; thể hiện sự tự đổi mới, tự nhận thức về chính mình của người viết (quan điểm, tư tưởng, hoạt động), và chính bản thân hoạt động phê bình văn học.
Phê bình phản tư từ chối những đại tự sự, siêu tự sự vốn đang thống trị nhận thức chung, những trung tâm lý thuyết trước kia được truyền bá, hiện diện, giữ vai trò độc tôn ở Việt Nam; phản đối những ý đồ chính trị, thái độ chính trị, khẩu hiệu chính trị, nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền tư tưởng trong các văn bản văn học, văn bản phê bình; từ chối những cơ chế phê bình kiểu cũ; cổ vũ giải phóng tư tưởng, đổi mới tư tưởng, nhận thức, thậm chí chống lại chính các tác giả phê bình tên tuổi. Phản tư, phản tỉnh, phản biện trong phê bình văn học hiện nay không chỉ là một hiện tượng học thuật, mà còn là một hiện tượng có tính chính trị.
Các tác giả phê bình phản tư cổ vũ cho sự đa nguyên lý thuyết phê bình và phi tập trung hóa, chủ trương bàn lại, bàn thêm, bàn tiếp, khắc phục những hạn chế sai lầm, điều chỉnh, thay đổi nhiều vấn đề có tính chất cơ bản của phê bình văn học; họ tạo ra kiểu phê bình đối thoại khác hẳn với lối phê bình độc thoại, quyền uy, quy phạm hóa trước đây. Nếu tác giả chuẩn hóa yêu cầu duy trì tính Đảng, tính chiến đấu, củng cố sự lãnh đạo trong phê bình văn học, thường nói quá vai trò của phê bình lên (đứng trên sáng tác, định hướng, dẫn dắt…thị hiếu) thì tác giả phản tư đòi hỏi điều chỉnh lại những vấn đề này, đặt phê bình trở về đúng chỗ của nó trên cơ sở những nhận thức mới, tri thức mới; đòi hỏi giải thiêng phê bình, giải huyền thoại phê bình, đổi mới phê bình để đáp ứng, thích ứng với những yêu cầu của hiện đại hóa, toàn cầu hóa, mạng hóa. Đối với tác giả phê bình phản tư, tính chủ thể, sự kiến tạo nghĩa, những vấn đề như giới tính, phái tính, nữ quyền, ý thức hệ, diễn ngôn… được chú ý đề cao.
Các tác giả phê bình phản tư có thể là những tác giả phê bình chuẩn hóa trước đây nay suy nghĩ lại những giá trị cũ, phương pháp cũ, chức năng cũ của văn học và phê bình văn học. Họ tự phê phán, chỉ ra hạn chế, bất cập trong quan niệm, hoạt động phê bình của một thế hệ phê bình, một giai đoạn, phương pháp phê bình, hệ hình tri thức nào đó, nỗ lực tạo ra một thẩm quyền mới, chuyển sang một hệ hình mới, thúc đẩy việc hình thành nên một hệ thống điển phạm mới. Nói một cách công bằng, thì kiểu phê bình nào cũng đòi hỏi có một thứ chuẩn mực nhất định để xác lập thẩm quyền, hiệu lực cho nó trong thực tiễn. Nhưng phê bình chuẩn hóa như nói ở trên là chuẩn hóa về mặt chính trị, tư tưởng, ý thức hệ; phê bình hàn lâm, phản tư cũng có những chuẩn của riêng nó, và trước hết là chuẩn về học thuật, khoa học.
Nhà phê bình phản tư, phản tỉnh quan tâm đến những hiện tượng văn học quá khứ, những vụ án văn học, những không gian văn học khác nhau (văn học lãng mạn, “văn học không cách mạng”, văn học ngoại biên, Nhân văn giai phẩm, văn học miền Nam trước 1975 và văn học hải ngoại..), trong đó có thiên hướng quan tâm đến văn học ngoại biên, lý thuyết bàng thống, tà đạo. Các tác giả phản tư thường chú ý đến cái tôi cá nhân, sự đa dạng trong phong cách, cá tính, coi trọng những hình thức nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, cái Khác, hơn là vấn đề tư tưởng hệ, nội dung hiện thực xã hội được phản ánh trong văn bản. Các tác giả phản tư đặt lại nhiều vấn đề thuộc về bản chất, chức năng của văn học, những vấn đề như mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, văn học và chính trị, phương pháp sáng tác… được đánh giá lại một cách khoa học hơn, cởi mở hơn, linh hoạt hơn so với tình trạng xơ cứng, một chiều, chật hẹp và thực dụng trước kia. Phản tư để điều chỉnh và tạo ra những chuẩn mực mới, giá trị mới, tiếng nói mới, văn bản mới, cục diện mới.
Góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn học đích thực có vai trò quan trọng của các tác giả phê bình phản tư. Chính kiểu tác giả này đã đưa những “thần tượng văn học”, những tác giả đầy uy quyền trước đây trở về đúng vị trí của nó, chiêu thuyết cho nhiều hiện tượng văn học, tuyên bố sự trở lại của một loại giá trị văn học, một kiểu loại văn bản, tác giả, mà vì lí do nào đó trước đấy nó đã bị xua đuổi, đã từng bị lãng quên, coi thường, xem nhẹ; họ góp công khẳng định, phục hồi cho một số tên tuổi nào đó, tạo ra những cuộc “tái sinh sinh mạng văn học”, đúng hơn chính họ đã phản tỉnh để điều chỉnh lại cục diện trong lịch sử văn học; họ đòi hỏi viết lại lịch sử văn học từ cái nhìn khác, lối viết khác. Thuộc vào hàng ngũ những nhà phê bình phản tư còn có các “nhà phê bình lý thuyết”: họ giới thiệu, truyền bá, đề cao nhiều lý thuyết phê bình mới trước đây bị phê phán, phủ định; đề xuất những tiêu chuẩn giá trị mới, những phương pháp tiếp cận khác, thậm chí đối lập với lý thuyết phản ánh, lý thuyết mácxit về văn nghệ (như cấu trúc luận, phân tâm học, chủ nghĩa hình thức, giải cấu trúc, hậu hiện đại…); họ nhìn ra và cổ xúy xu hướng hội nhập tất yếu của phê bình văn học trong nước với đời sống học thuật quốc tế. Tiếng nói của kiểu tác giả này ở thời điểm hiện nay vẫn có uy tín, hiệu lực và ảnh hưởng rộng nhất trong giới chuyên môn. Cũng nhờ vào đội ngũ tác giả phản tư, những “nhà phê bình lý thuyết” như vậy nên gần đây phê bình văn học Việt Nam mới có được những chuyển biến quan trọng về tư duy, hệ hình. Thuộc vào nhóm các tác giả phản tư có đội ngũ phê bình học thuật, nhưng làm học thuật ở ta không độc lập thuần túy. Bằng cách này hay cách khác, phê bình học thuật luôn liên hệ với chính trị, thậm chí trở thành thứ phê bình học thuật – chính trị. Dĩ nhiên ở đấy, các tác giả phê bình phản tư không làm chính trị như cách thức mà những nhà phê bình chuẩn hóa thường làm; có thể họ trực diện bộc lộ thái độ kháng cự, từ chối những mối quan tâm thường trực và bề nổi của chính trị, hoặc kín đáo hơn họ vờ như đứng bên ngoài chính trị qua việc chọn lựa một điểm tựa lý thuyết khác, con đường khác, ít ồn ào hơn, để diễn giải các văn bản. Trong hoạt động chuyên môn của các nhà phê bình học thuật phản tư không thể thoát khỏi những vô thức chính trị: chính trị luôn len vào công việc chuyên môn bằng những hình thức tinh vi, đa dạng và rất quen thuộc, quen thuộc đến mức chúng ta tưởng nó không có can hệ gì đến “việc ngoài kia”.
“Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học” đối với các tác giả phê bình phản tư là đa dạng hóa lý thuyết, phương pháp phê bình văn học, là đổi mới cái nhìn, lối viết, kiến tạo ra một lịch sử văn học khác, giá trị khác, “đích thực hơn”. Muốn nâng cao hiệu quả của kiểu phê bình này thì các nhà phê bình phản tư phải được đảm bảo quyền tự do ngôn luận, các cơ quan hữu trách phải đảm bảo sự hình thành một cách lành mạnh dư luận xã hội về văn học; tôn trọng những đánh giá độc lập và có tính chất phê phán, những hoài nghi có cơ sở, sự khác biệt trong quan điểm giá trị, sự đa dạng về trào lưu triết học, trào lưu tư tưởng, xã hội. Trong văn hóa phê bình không để tồn tại những quy ước ngầm phân biệt thế hệ, tuổi tác, các vùng cấm, từng bước đem lại niềm tin cho người viết, gạt bỏ tình trạng đồng lõa, a dua hoặc những nỗi sợ hãi vô hình vẫn còn treo lơ lửng trên đầu họ; tránh sự phong bế, vô hiệu hóa, cản trở người viết có tinh thần phản biện, và những quy kết kiểu như nhà phê bình này “hạ bệ thần tượng”.
Phê bình truyền thông
Bên cạnh cơ chế phê bình chuẩn hóa, phê bình phản tư còn có một kiểu phê bình khác, chúng tôi tạm gọi là “phê bình truyền thông”, kiểu phê bình của những tác giả môi giới thông tin. Gồm một số tác giả thường làm công việc điểm sách, đọc sách, các lực lượng quảng bá sách tại các tòa soạn, các công ty văn hóa tư nhân, một số tác giả viết phê bình theo đơn đặt hàng của báo chí, sự nhờ cậy của bạn bè, sự hợp tác liên kết với các đơn vị xuất bản để truyền thông sản phẩm; gồm sự phê bình có tính tâng bốc, cường điệu, phóng đại về văn bản, thiếu đi một nền tảng lý thuyết, thiên trọng kể lể, mô tả nội dung thông tin thuần túy. Sự xuất hiện của kiểu tác giả này trong sự bùng nổ của công nghệ truyền thông là minh chứng cho sự tiếp nối, bổ sung đội ngũ làm phê bình, đồng thời cho thấy sự đa dạng, dân chủ trong sinh hoạt phê bình văn học; sự đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường; sự thích ứng với thời đại internet, với sức mạnh của công nghệ tin tức truyền thông.
Chính những tác giả truyền thông là đội ngũ chủ yếu đã tăng cường tính thời sự cho văn bản phê bình văn học, thể hiện sự phản ứng nhanh của người đọc trước các hiện tượng, tác phẩm văn học mới. Hoạt động chuyên môn của họ hiện nay rất phù hợp với tính giải trí, tính thương mại, tính đại chúng và tính truyền thông trong các khâu lưu hành văn bản, thích hợp với thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu. Nhiều tác giả truyền thông (gồm cả các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đã có tuổi, có danh chuyên nghiệp) tham gia tích cực vào công nghệ tạo ra các “tác giả văn học trẻ nổi bật”. Chính họ thường xuyên làm ra những sự kiện văn học, hiện tượng văn học có ý nghĩa nhất thời, có giá trị ảo và có ý nghĩa thị trường.
Phê bình truyền thông là một kiểu phê bình truyền dẫn, chia sẻ thông tin, quảng bá, quảng cáo văn học, chỉ nhằm tạo hình ảnh đẹp cho tác giả và đơn vị xuất bản, phát hành; là một hình thức của “phê bình kiểu kinh tế thị trường”,chiều theo nhu cầu, thị hiếu của số đông, toan tính đến các lợi ích trực tiếp mà những thông tin tiếp thị văn học mang lại cho các phía tham gia; nhiều khi phê bình truyền thông còn thực hiện việc tái sản xuất các tin tức, xáo xào và ghép trộn các thông tin một cách đơn giản. Nhờ có kiểu phê bình truyền thông mà nhiều thông tin bên lề, thông tin hậu trường, thông tin văn học thế giới… đến đươc nhanh chóng với độc giả trong nước. Phê bình truyền thông còn hỗ trợ phê bình chuẩn hóa phát huy hiệu quả, hiệu lực của nội dung chuẩn hóa (như uốn nắn những lệch lạc, phê phán những biểu hiện sai trái, tuyên truyền, quảng bá, định hướng dư luận xã hội đối với nội dung tốt…); nó có ủng hộ nhưng là ủng hộ nửa vời, dè dặt đối với lối phê bình phản tư – hàn lâm – khoa học; đối với phê bình truyền thông, phê bình phản tư – hàn lâm chỉ là thứ trang điểm.
Công bằng mà nói, các tác giả truyền thông là một trong những đối tượng mà tác giả chuẩn hóa hướng tới để điều khiển, chi phối. Nhưng họ lại rất nhạy bén với cách đặt vấn đề của các tác giả phê bình phản tư. Nghĩa là những “tác giả phê bình truyền thông” có thể bị đặt vào khung diễn ngôn chính thống, loại diễn ngôn luôn muốn đứng lên trên tất cả, độc quyền kiểm soát, điều khiển các văn bản, tạo ra những văn bản “kiểu mẫu” nhưng họ lại thường tỏ ra hứng khởi với những diễn ngôn lệch tâm, ngoại biên, với tinh thần khai phóng và sự đa nguyên văn học. Nghĩa là phần đông các tác giả phê bình truyền thông chọn chỗ đứng “chân trong chân ngoài”.
“Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học” đối với các tác giả truyền thông là gắn hoạt động phê bình với hoạt động sáng tác – xuất bản chặt chẽ hơn nữa; là tăng cường hoạt động môi giới thông tin, điểm sách, đọc sách, điểm tin; là thúc đẩy người làm phê bình dựng lên các sự kiện, các nhân vật, hiện tượng văn học được gọi là “đáng chú ý”, đáng nói, đáng đọc, nhằm thu hút sự quan tâm và bàn luận của công chúng vào đó. Nâng cao chất lượng của phê bình truyền thông là thúc đẩy quá trình thương mại hóa hoạt động văn học, biến tác phẩm văn học thành thương phẩm, hàng hóa câu khách; biến các tác giả và đơn vị xuất bản thành các thương hiệu; đẩy các tác giả phê bình học thuật hàn lâm ra phía sau để cho phê bình nghiệp dư lấn lướt to tiếng đứng ở phía trước. Nâng cao hiệu quả phê bình truyền thông còn là cần truyền đi tích cực hơn, hiệu quả hơn, phổ cập hơn nữa các thông điệp, các quy chế phát ngôn, những yêu cầu, đòi hỏi của các tác giả phê bình chuẩn hóa. Song, ở một phía khác, thực chất hơn, muốn nâng cao được chất lượng phê bình truyền thông thì trước hết phải chống lại tình trạng thao túng thông tin, tôn trọng các nguồn tin, quan điểm; đồng thời tăng cường tính học thuật trong các bài viết, tránh sự phát biểu tùy tiện, vô căn cứ, xuyên tạc, vu khống, bịa đặt.
*
Trở lên, chúng tôi đã chỉ ra ba cơ chế phê bình, ba kiểu tác giả phê bình văn học, ba khu vực phê bình văn học hiện nay. Việc phân loại thành ba kiểu phê bình theo ba kiểu tác giả đó chỉ có tính ước lệ, và nhằm mục đích mô tả những cơ chế phê bình chủ yếu đang được vận hành trong đời sống văn học; làm rõ thực tế phê bình giờ đây vừa có những yêu cầu mới vừa có sự vận động liên tục, đang trong quá trình hiện đại hóa, có sự phân hóa, đa dạng trong cách làm, có sự tái cấu trúc, thay đổi thế hệ, hệ hình, chứ không phải đang hoàn toàn khủng hoảng, loạn chuẩn, mất tiếng nói, chân không lý thuyết, như nhiều ý kiến nêu ra. Nền phê bình văn học của ta hiện giờ tuy còn nhiều hạn chế so với đòi hỏi thực tiễn đã đành, nhưng rõ ràng là có những thay đổi cơ bản trong quan niệm về bản chất, chức năng, phương pháp phê bình, đang có những nỗ lực đồng hành với đời sống học thuật quốc tế.
Phê bình văn học đang tồn tại nhiều tiếng nói, nhiều thế hệ, nhiều phương pháp, cách nhìn, cách lý giải văn bản tạo thành một thực thể phức hợp, đa diện.
Nếu có thể nói đến nghịch lý trong diễn giải về hiện tình của phê bình hiện nay, thì đó chính là nghịch lý giữa một bên là chính trị và một bên là khoa học. Chính trị có những đòi hỏi, yêu cầu, quy phạm riêng; khoa học cũng vậy. Bản thân những người làm chính trị – phê bình cũng không còn sức mạnh định đoạt số phận các văn bản/tác giả như trước nữa; họ đang bị sức ép từ phía chuyên môn học thuật, theo những cách khác nhau. Những nhà chuyên môn và muốn làm chuyên môn thuần túy (thực ra không thể có điều này) đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước, song không phải họ muốn làm gì mà họ cho là hữu ích thì có thể làm được. “Không thể nào có tự do nghệ thuật nằm ngoài tự do chính trị” (Hà Xuân Trường,9/1956, báo Nhân dân).
Thời nào, sân chơi nào cũng có những quy tắc, quy ước, quy chế phát ngôn riêng mà những người tham gia vào nó hoặc là buộc phải chấp nhận, tôn trọng những luật chơi đã được đặt ra; nếu muốn điều chỉnh, thay đổi thì hoặc là những người chơi phải thỏa thuận lại các nguyên tắc chơi, đặt ra luật chơi mới hoặc phải chọn người chơi khác, sân chơi khác để đáp ứng những nhu cầu, khoái cảm của bản thân. Nghĩa là không thể yêu cầu phê bình chuẩn hóa, phê bình truyền thông làm phê bình y như các nhà phê bình hàn lâm phản tư đang thực hiện trong khuôn viên của họ; và ngược lại, phê bình hàn lâm, phản tư không nên chiếm lấy phần việc quảng cáo sách, truyền dẫn môi giới thông tin đơn thuần. Nội dung của phê bình chuẩn hóa là hệ tư tưởng; của phê bình phản tư, hàn lâm là tri thức khoa học; của phê bình truyền thông là thông tin, sự kiện.
Quan niệm “phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật” lâu nay vẫn được giương cao, nhưng thực tế bất cập, mơ hồ, mở rộng không có bờ bến, diễn giải theo cách nào cũng được, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khó lường. Nó là mảnh đất để ai cũng có thể ra vào, kiêm nhiệm, vơ vào mình và có một thẩm quyền nào đó khi được coi là làm phê bình văn học, cũng là một cái định nghĩa đầy tham vọng – có sức mạnh gạt ra ngoài, đẩy ra bên lề thứ phê bình quen được gọi là phê bình báo chí (không là khoa học cũng chẳng phải nghệ thuật, có tính nghiệp dư) hoặc có sức mạnh hút vào nó diễn ngôn văn học sử, diễn ngôn lý luận (tất cả đều là phê bình), có khi đẩy các diễn ngôn này ra khỏi quyền lợi, phạm vi của nó để giành về cho riêng nó những “cái đương đại, hiện tại, đang diễn ra, đang trình hiện, mang tính thời sự”. Nó có thể trở thành tấm bình phong để che đậy, ngụy trang, gia tăng quyền lực và sức thuyết phục cho một loại diễn ngôn đầy ắp tư tưởng hệ; nó có thể là cơ sở của sự vận dụng, thực hành tùy tiện, chủ quan của những người làm phê bình, là cái áo quá rộng nhưng sang trọng để khoác lên người viết, và để anh ta tự phong, tự xưng khi đi vào địa hạt của thẩm quyền định giá. Không ai tuyên bố là mình có thể nâng cao hiệu quả, chất lượng của phê bình cho thứ “phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật”.
Sự thực là, mặc cho quan niệm “phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật” phổ biến đến mức nào, rộng đến đâu, thì thực tế vẫn xuất hiện tình trạng từ chối tư cách phê bình, người ta không thích danh xưng nhà phê bình văn học; cái danh hiệu nhà nghiên cứu, nhà biên khảo, nhà lý luận văn học vẫn vẻ vang hơn, sang trọng hơn, đầy quyền lực hơn: một nhà lý luận văn học, nghiên cứu văn học làm phê bình văn học có vẻ như đáng tin cậy hơn, chín chắn hơn, chuyên sâu hơn, có thẩm quyền hơn anh làm “phê bình thuần túy”, cứ như thể anh làm phê bình, được gọi là nhà phê bình thì không cần nghiên cứu, không cần tư duy lý thuyết và không đảm bảo những tiêu chí như anh nghiên cứu, lý luận, biên khảo thực hiện, áp dụng hay có được. Vậy điều gì đang xảy ra ở đây?
Phê bình văn học đang mất uy tín, danh giá, thẩm quyền, nó bị coi thường, bị ghẻ lạnh, thậm chí bị xua đuổi, từ chối từ nhiều phía (người đọc, người sáng tác, người làm quản lý văn nghệ và chính những người trong giới), nó bị biến thành công cụ, phương tiện – lúc thì để làm sang, thực hiện các mục đích thực dụng, lúc thì bị vứt bỏ, và hiển nhiên thì không ai thích cái nghề mua oán chuốc sầu vào mình; trong số những người làm phê bình bị coi thường có đa số các tác giả trẻ, những kẻ chưa có điều kiện được trau dồi kiến thức, trang bị lý thuyết văn học nghệ thuật, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, họ cần được điều chỉnh lại để đáp ứng yêu cầu của phê bình. “Nhà phê bình trẻ” ngay cả khi được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có lưng vốn lý thuyết, tri thức, kinh nghiệm, vẫn có thể bị biến thành các chiêu bài, các danh hiệu vui vẻ khi được nhắc đến trong các bài viết duyệt đội ngũ, các hội thảo có đầu tư to lớn; Chỉ có các nhà phê bình có tên tuổi mới được biện hộ cho mình và được người khác bênh vực, biện hộ, thông cảm sâu sắc cho sự rút lui trận địa của họ; các nhà phê bình trẻ thì luôn bị tước mất khả năng tự vệ, sự độc lập, bình đẳng. Nhà văn trẻ, nhà phê bình trẻ, theo cách diễn giải, đối xử thịnh hành hiện nay, chưa phải là nhà văn, nhà phê bình đích thực, họ chính là kẻ thường xuyên phải đối diện với “cái chết”. Có thể nâng cao hiểu quả, chất lượng của phê bình trong bối cảnh đó như thế nào? Câu trả lời thuộc về tất cả những ai can dự vào đời sống văn học hiện nay.
Nguồn: phebinhvanhoc