20 năm qua, văn học Trung Quốc đã trải qua nhiều biến động lớn và phát triển tương đối phức tạp. Sự vận động của nó phản ánh sâu sắc những biến động trong đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị và tinh thần của quốc gia rộng lớn đông dân này. Nếu trong thời cách mạng văn học có một bệ đỡ vững chắc là chính trị, sau đổi mới (1978) lại có những ảo tưởng về tác động của công cuộc hiện đại hoá đối với văn học thì sang những năm 90, và đầu thế kỉ mới, văn học đã phát triển dưới một lực tác động khác, đó là cơ chế thị trường, xã hội tiêu dùng và sự sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính trong những thay đổi gấp gáp đến chóng mặt của thời đại đã khiến văn học văn học Trung Quốc 20 năm qua không ngừng vận động và thể hiện một diện mạo mới, bản chất mới.

Kì 1: Văn học Trung Quốc những năm 90

Bước vào thập niên 90, về cơ bản, Trung Quốc đã chuyển đổi một cách toàn diện sang cơ chế thị trường, khuynh hướng giá trị thay đổi, ý thức hàng hoá ngày một tăng, tư duy thị trường hoàn toàn thâm nhập vào từng ngóc ngách trong xã hội, vì thế, quan niệm giá trị mà hình thái ý thức xã hội bị giải thể, đạo đức lí tưởng truyền thống bị mai một. Hiện thực tàn khốc của xã hội hàng hoá phá vỡ ảo tưởng mĩ lệ về hiện đại hoá được khơi ra từ ngày đầu đổi mới của phần tử tri thức, các nhà văn buộc phải nhìn nhận lại hiện thực. Những diễn ngôn quốc gia đại sự dần dần bị thay thế bằng tả thực về cuộc sống sinh tồn, văn học chuyển từ theo đuổi cao thượng chuyển sang quan tâm đến những vấn đề trần tục nhất, tiến vào thời đại diễn ngôn trò chơi tiêu dùng của văn hhoá hàng hoá. So với những năm 80, văn học những năm 90 có những chuyển biến lớn trên cục diện văn học, quan niệm sáng tác, quy chuẩn đạo đức, lựa chọn giá trị…

Cục diện đơn nguyên hoá bị phân tách, xuất hiện cục diện văn học chủ lưu, văn học tinh anh và văn học đại chúng cùng tồn tại, và có xu hướng nghiêng về văn hoá đại chúng. Văn học chủ lưu tập trung trong những sáng tác như “Năm trước năm sau” của Hà Thân, “Trời xanh trên cao” của Lục Thiên Minh, “Chế tạo Trung Quốc” của Chu Mai Sâm… Họ thể hiện quyết tâm giữ gìn văn hoá chính trống và quan niệm giá trị truyền thống, muốn giữ trận địa văn hoá chủ lưu và mang cảm giác sứ mệnh. Nhưng, dưới sự tác động của văn hoá kinh tế thị trường, họ cũng buộc phải điều chỉnh cách viết để hướng về văn hoá đại chúng. Sáng tác tinh anh mặc dù vẫn giữ được vị trí chủ thể của văn học, nhưng sự đối lập giữa lập trường văn học và văn hoá thị trường buộc họ phải chọn con đường hợp lưu với văn học thông tục, lập trường diễn ngôn chính trị dần dần chuyển sang lập trường dân gian. Năm 1993 có thể coi là một năm thể hiện rõ nhất việc văn học hướng đến thị trường: Vương An Ức với “Kí thực và hư cấu”, Vương Mông với “Mùa yêu”, Trương Vĩ với “Ngụ ngôn tháng 9”, đặc biệt là Giả Bình Ao với “Phế đô”. “Phế đô” lúc đầu được đăng dài kì trên “Thập nguyệt”, sau đó được nxb Bắc Kinh xuất bản lần đầu 50 vạn bản, công khai hoặc bán công khai xuất bản 100 vạn bản, in ngoài luồng 1200 vạn bản. Trong khoảnh khắc, khắp nông thôn thành thị đường phố ngõ hẻm chỗ nào cũng thấy “Phế đô”, đây là một hiện tượng hiếm thấy trong văn học Trung Quốc 50 năm qua. Trong thời kì này, hàng loạt những hành vi thương mại như mua bản thảo giá cao, quảng cáo tuyên truyền, bán bản thảo… xuất hiện, cho thấy ý đồ văn học phải nhanh chóng hoà hợp với thị trường. Rất nhiều người công kích “Phế đô” cho rằng tác phẩm là “vô sỉ”, “dung tục”, “thương mại rẻ tiền”. Thế nhưng, sự xuất hiện của “Phế đô” có liên quan mật thiết với sự chuyển biến của thân phận nhà văn trong thời đại kinh tế thị trường. Các “nhà văn chuyên nghiệp” ăn lương nhà nước cấp, ở nhà nhà nước phân đã chuyển sang thân phận “nhà văn bán sách”, “nhà văn kí hợp đồng”. Trước kia Tình dục bị coi là điều cấm kị thì “Phế đô” đã công khai đả phá và biến nó thành đốI tượng mang lại lợi nhuận lớn trong thời đại chuyển đổi. Nói trở thành khởi điểm lịch sử của “tự sự dục vọng” và tiêu dùng văn hoá. Mọi người đều nhìn thấy chính trị lí tưởng không còn là vấn đề hạt nhân của xã hội Trung Quốc nữa, theo đuổi lợi ích mới là lực đẩy số một của xã hội. Trong bối cảnh lịch sử đó, văn học giáo huấn, văn học chỉ đạo không còn chỗ đứng. Các nhà văn đã hướng vào nội bộ phần tử trí thức, chỉ ra những giới hạn của họ, chẳng hạn Vương An Ức cho xuất bản liên tục ba tác phẩm “Câu chuyện của chú”, “Ca sĩ đến từ Nhật Bản”, “Thơ về xã hội lí tưởng” suy nghĩ về sự chuyển đổi thân phận trí thức những năm 90, trong đó “Câu chuyện của chú” chất vấn nghiêm túc mà thống khổ vền những ảo tưởng tập thể của những năm 80. Lúc đó “Con người vì sự sống của bản thân mà sống, chứ không phải bất kì cái gì khác”(Dư Hoa).

Thơ ca được coi là phương thức diễn ngôn điển hình của tầng lớp tri thức tinh anh trong thời đại lí tưởng. Đến cuối những năm 80 văn học bắt đầu đi vào cục diện đa nguyên hoá, thơ ca lại dần dần yếu đi, vấp phải sự lạnh nhạt lớp nhất trong thế kỉ 20. Đến những năm 90 số phận của thơ ca thể hiện sâu sắc nhất sự trắc trở của văn học tinh anh. Thơ vấp phải sự thờ ơ của độc giả, nhà thơ chỉ còn biết than thở với bản thân, đối diện với cô đơn. Văn học thập niên 90 bị tiểu thuyết chiếm giữ phần lớn không gian và thời gian.

Thiếu vắng lí tưởng, tinh thần trống rỗng, quan niệm mĩ học truyền thống bị phá vỡ, ý thức tự giác của văn học mai một là những đặc điểm cấu thành đặc trưng của văn học thời kì chuyển đổi. Văn học cứ như vậy ngày càng đi sâu vào bối cảnh dung tục hoá. Giá trị trung tâm xã hội bị giải thể, ý thức chủ lưu mai một, phần tử tri thức hoang mang, văn hoá tiên phong bị thu hẹp địa bàn, văn hoá đại chúng bùng nổ chiếm giữ vị trí chủ lưu trong đời sống, chủ nghĩa công lợi, chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa hưởng lạc của văn hoá thị trường thao túng người dân từ vật chất đến tinh thần.Văn hoá đại chúng đã chiếm vị trí đầu trong thị trường văn hoá. Vương Sóc là “người đầu tiên viết kiểu thương mại đương đại của Trung Quốc”, dẫn đầu trong trào lưu sáng tác thương mại hoá. Ông bắt đầu viết từ giữa những năm 80, đến cuối những năm 90 trở thành một trong những “hiện tượng văn hoá” quan trọng của thập niên, sáng tác của ông chủ yếu tập trung vào những đề tài thông tục như ngôn tình, phạm tội, trinh thám; triệt để hoá giải lí tưởng của thời đại anh hùng, tạo ra hiệu ứng “khoảng cách bằng không” với thị dân.

Truyền thông đại chúng là một hình thức quan trọng của văn hoá đại chúng, sự phát triển của nó khiến văn học từ thành đường thần thánh rơi xuống vị trí bị lợi dụng. Văn học phải dựa vào truyền thông để sinh tồn. Kết quả tất yếu của việc văn học bị kĩ thuật nuốt chửng là việc văn học mất đi tính quyền uy vốn có và địa vị chính tông của văn học truyền thống, khiến cho văn học nhanh chóng bị đóng vài trò của kẻ bên lề. Hành động thương mại và lợi ích kinh doanh đã khiến nhà văn từ bỏ quyền lợi và trách nhiệm bảo hộ tác phẩm của mình, bảo hộ văn học, điều này cho thấy những bàng hoàng, âu lo, thấp thỏm dầu thập niên 90 không còn nữa, chính những lợi ích kinh tế có được khiến họ hoàn toàn thay đổi quan niệm giá trị của tồn tại. Họ chấp nhận sự cải biên của đạo diễn, dù có phải hi sinh nguyên tác. Ví dụ Trương Nghệ Mưu cải biến tác phẩm “Bầy vợ” của Tô Đồng thành “Đèn lồng đỏ treo cao” đã đánh mất ý nghĩa siêu việt trong tiểu thuyết.

Văn học thời kì này đã chuyển từ quan tâm đến hình thức sang quan tâm đến vấn đề đạo đức. Trung hậu kì thập niên 80 các nhà văn không ngừng tìm kiếm tính độc lập của văn học, có xu hướng đi vào thể nghiệm hình thức, thoát li chính trị mà tiêu biểu là các nhà văn Tiên phong. Nhưng sang thập niên 90, hình thái ý thức phai nhạt, thái độ xa rời chính trị của thuần văn học dần dần mất ý nghĩa. Sự xuất hiện rầm rộ của “tự sự dục vọng” “văn học nữ” đã mở ra không gian mới. Một loạt những nhà văn như Giả Bình Ao, Cách Phi, Hà Đột, Vương Sóc, Chu Văn, Vệ Tuệ, Miên Miên… qua tác phẩm của họ đều thể hiện sự biến dổi trong quan niệm giá trị. Vương Sóc dùng bút pháp châm biếm phơi bày bản chất giả dối, cách mạng, quyền uy, tri thức, ái tình, thanh xuân, nhân sinh, lí tưởng, trút bỏ mặt nạ đạo đức trên những diễn ngôn quyền uy như cách mạng, hiện đại, khai sáng. . Nếu như đầu thập niên 90, lối viết dục vọng còn ít nhiều được che đậy, nhưng đến giữa và cuối thập niên 90, sáng tác của những người trẻ tuổi lại không đơn giản là bộc lộ dục vọng, mà cho thấy quan niệm giá trị và quy phạm đạo đức của họ đã khác rất nhiều so với các nhà văn thế hệ trước. Họ không hề che giấu khao khát đối với vật chất và dục vọng. Chu Văn với “Tôi yêu đô la”, Hàn Đông với “Tam nhân hành”, Hà Đột với “Chúng ta giống hoa hướng dương” đều thể hiện điều đó. Cái họ nhấn mạnh là lối viết cá nhân, viết bản năng, viết dục vọng, viết sinh tồn, cho nên, họ lấy thế tục hoá làm căn cứ, phủ định tất cả mọi thứ được coi là cao thượng, thần thánh.

Cuối thập niên 90, xu hướng thương mại hoá trong sáng tác nữ được một số nhà văn trẻ đẩy lên cao. Vệ Tuệ, Miên Miên dùng chiêu bài lối viết thân thể, lấy ngôn ngữ khác thường và quan niệm giá trị về sự hưởng lạc phóng túng thu được sự chú ý rộng rãi của xã hội. Mặc dù Vệ Tuệ, Miên Miên đã lộ ra rát nhiều nội dung đời sống của nữ giới nhưng họ không bảo vệ cho giới nào, mà bảo vệ đấu tranh cho một phương thức sống mới. Mặc dù sáng tác của họ phần lớn bị văn hoá hàng hoá nuốt chửng, nhưng giống như Vương Sóc, Trần Nhiễm, hành vi phản nghịch của họ phản ánh quá trình đi tìm những chuẩn mực đạo đức mới của tầng lớp thanh niên trong thời đại mà giá trị đang đổi thay.

Còn nữa

(Tổng hợp từ tài liệu tiếng Trung)

1. Trình Quang Vĩ: Tổng quan về 60 năm văn học đương đại, Văn nghệ tranh minh, số 10 năm 2009

2. Đinh Phàm…, Đối thoại về trào lưu văn học những năm 80, 90 của thế kỉ 20. Tạp chí khoa học học viện hành chính Giang Tô, số 4 năm 2001

3. Vương Vạn Sâm…(chủ biên), 50 năm văn học đương đại Trung Quốc, Nxb Đại học Hải Dương Trung Quốc, 2006

4. Lưu Chiêu, Bàn về đặc trưng văn học thập niên 90, Tạp chí khoa học học viện sư phạm Trường Xuân, số 2 năm 2004

5. Cát Hồng Binh, Phê phán tổng thể văn học Trung Quốc thập niên 90 của thế kỉ 20, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5 năm 2012

6. Trình Bồi Anh, Sơ lược về đặc trưng sáng tác của nhà văn nữ đương đại Trung Quốc, Tạp chí khoa học trường cao đẳng sư phạm Bảo Sơn, số 6 năm 2009

Văn nghệ Trẻ

Exit mobile version