Quê tôi, làng Thu Bồn Đông, có  Lăng Bà chúa Thu Bồn. Không biết từ bao giờ và ai đã lấy tên dòng sông nổi tiếng của xứ Quảng để đặt tên cho cái làng nhỏ bé của  tôi? Vâng! Cũng chính cái dòng sông hiền hòa, thơ mộng này hễ cứ vào độ thu sang lại gầm gừ hung dữ lạ thường, dòng nước trong veo lại đỏ ngầu, réo rắt như muốn ăn tươi, nuốt sống cái làng gầy guộc ven sông.

Từ thuở còn  chăn trâu, cắt cỏ, đám trẻ chúng tôi rất thích mùa nước sông Thu Bồn dâng lên, lũ lụt tràn về, bởi chúng tôi tha hồ giăng lưới bắt cá, bơi ghe lùng sục các bụi cây rậm rạp để bắt những chú dế mèn mập mạp từ trong các hang hốc không chịu được nước bò ra bấu víu vào các cành cây cao để lẩn tránh. Nước trắng đồng, mưa xối xả, trời se lạnh mà được ăn chén cơm với những con dế rang muối béo ngậy thì có gì tuyệt hơn. Tôi thích lũ lụt là thế nhưng mẹ tôi và các lão nông tri điền thì nơm nớp nỗi lo quặn lòng.

Tôi còn nhớ, năm đó nước sông Thu Bồn từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về đỏ ngầu giận dữ nhấn chìm cánh đồng lúa đang mơn mởn. Mẹ đăm đăm nhìn về phía mấy đám ruộng, chép miệng lo lắng: “Ông trời ác quá! Đợi cho ít bữa nữa lúa ngậm sữa rồi hãy lụt cũng được. Mùa ni mất trắng rồi, biết lấy chi mà ăn đây con ơi!”. Quả thật, sau trận lụt ấy, cả làng tôi mất trắng, cuộc sống vốn nhọc nhằn, lam lũ của những người nông dân lại càng túng bấn, vất vả hơn nhiều. Quê tôi, một làng ven sông Thu, cũng được dòng sông ban tặng, dâng hiến nhiều thứ. Lúc thì cho dòng nước mát trong vắt, len lỏi theo mương máng tỏa vào những đám ruộng đang khát cháy, lúc lại đỏ quạch phù sa bao phủ cả làng mạc, xóm thôn để cho đất đai thêm phần tốt tươi, màu mỡ. Năm nào quê tôi cũng có vài ba trận lụt, lớn thì ngập tới nửa nhà, heo, chó, gà, vịt… đều phải lên gác.

Có khi nước dâng quá cao, tài sản, gia súc, gia cầm cũng lềnh bềnh theo dòng nước xiết, nhỏ thì mấp mé sau vườn. Mỗi trận lụt đi qua, cả làng tiêu điều, xơ xác, cây cối bật rễ ngả nghiêng, bùn nhầy nhụa tới gần nửa ống chân. Và những người nông dân hiền lành, chịu thương, chịu khó vốn gắn bó với mảnh đất của mình từ tấm bé lại lao vào cơn bĩ cực để khắc phục thiên tai, ươm mầm xanh để tiếp tục nối kết dòng nhựa sống. Hàng năm, cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, quê tôi lại trẩy hội Bà Thu Bồn, đây là lễ hội mang đậm sắc thái dân gian và tâm linh tín ngưỡng, cầu mong cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa và nữ tướng Thu Bồn luôn chở che cho dân làng được tai qua, nạn khỏi.

Trên sông Thu Bồn. Ảnh: T.M

Trong những ngày thu này tôi có dịp về quê, thấy cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, mùi rơm mới ngào ngạt, lảng bảng quanh vườn, các chân ruộng lấp xấp nước, tiếng ếch nhái kêu ra rả thâu đêm. Những làn khói bếp chầm chậm bốc lên từ những mái nhà nép mình dưới rặng tre xanh mướt ven dòng sông Thu thật yên ả, thanh bình. Và mỗi khi bầu trời có những áng mây đen vần vũ, lượng lờ, chớp đông nhay nháy, mẹ tôi lại loẹt quẹt bước ra sân nhìn trời lo âu. Hình như nỗi ám ảnh của các trận lụt kinh hoàng đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời bà…

Nguồn: CAND

Exit mobile version