Minh họa của họa sĩ Đỗ Dũng.

Rốt cuộc thì thiếu niên, thiếu nữ sống ở miền quê lúa, dù là vựa lúa lớn nhất nước: Đồng bằng sông Cửu Long (hiện đang lo âu khắc khoải giành giật nước ngọt trong quyết liệt chống hạn, mặn), thì cũng không thể tránh khỏi… đô thị hóa. Cũng như không thể tránh mùa gió khô, thổi hoang dại khắp miền quê lúa. Và không tình cờ, gió khô được cây bút trẻ Ngô Thị Học đẩy lên thành một ám ảnh mang tính biểu tượng. Gió khô thổi ào ạt suốt truyện, thổi thốc vào cuộc sống của 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, và một cặp tình nhân bị đuổi đánh.Gió đã cuốn cả 5 nhân vật ra khỏi đời nhau. Cô thiếu nữ nhà quê, nhân vật chính đẹp như trăng rằm, đã bị cuốn về đô thị. Vĩnh viễn đứt đoạn cuộc tình thời thiếu nữ với chàng trai quê. Truyện kết thúc bằng tiếng thở dài của “mùa gió khô khốc như ném từng hạt bụi vào mặt mặn đắng nước mắt”. Và người đọc, có lẽ, cũng khó nén nổi một tiếng thở dài…NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Chúng tôi có ba người. Sống trên những cánh đồng rộng mênh mông. Ở vùng Đông Bắc này, luôn có những mùa gió khô thổi về. Khô khốc, nóng và lạnh, kèm theo mưa…

Khu nhà chúng tôi dựng bằng tre và mái lợp từ các lá cọ và rơm khô cuối vụ. Ba người chúng tôi – là những đứa trẻ vô gia cư, mất cha mất mẹ, và gặp nhau rồi tụ về vùng này sinh sống. Nhà nhỏ đứng chênh vênh bên các bờ sông trồng lậu, sú, mần… mùa con nước trôi thường mang theo gió chướng thổi từ biển ào ạt về.

Những ngày nước nổi, các bờ sông chằng chịt rễ rau dừa bám. Chúng tôi – ba con người lại lội xuống nước ngập gần đến bụng để mò bắt những con sò, ốc, cá… Sống giản dị qua tháng, qua năm và cuộc sống vẫn rất ôn hòa nơi đây.

Nhà chúng tôi ở, chỉ cách tầm vài cây số là tới một thửa đất rộng rãi. Vùng đất đấy, người ta trồng hai vụ lúa, mùa khô thì kèm theo trồng hoa màu ngắn ngày.

Tự là anh cả. Thảo là chị Hai. Và tôi thằng Út ngốc. Mọi người gọi tôi là “Út ngốc” bởi vì tôi có thân hình nhỏ con và trí nhớ thường hay quên, lại mắc chứng nói lắp. Thành thử tôi là ngốc, nhưng được nhường nhịn rất nhiều.

Tự có nét mặt rất mộc và rắn rỏi. Thảo lại xinh, khuôn mặt hiền. Cả ba con người chúng tôi đang ở độ tuổi dần trưởng thành.

Cánh đồng vùng đồng bằng chiêm trũng, luôn có cò trắng đậu xuống rất nhiều. Cứ tảng sáng hay gần chiều tối, là cò ở đâu bay về nhiều vô kể. Chúng kêu rối rít, sà ngay tới chân người mà mổ thóc vãi. Có con bé thì bơi ở đầm nước mò cá, tép ăn.

Thảo thường thích ánh nắng chiều hoàng hôn tím, chị hay gọi hai chúng tôi ra ngồi trên triền đê lộng gió ngắm những mùa mây, mùa cò gọi về. Thảo để hai búi tóc bện, có đôi mắt trong đến ngây thơ và cặp má lúm đồng tiền mỗi khi cười duyên. Ở miền này, con gái xinh xắn là khó thấy.

Miền quê nghèo. Người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những đứa con gái quê mới lớn, chừng mười hai, mười lăm đã rời bỏ làng đi lên thành phố sinh sống. Ở các vùng thôn lẻ, người ta ít mở các trường học. Ít nhà có điều kiện cho con học hết bậc phổ thông, chỉ toàn bọn con nít và người già ở lại.

Chiều trên các con đê, ngoài đồng. Bọn trẻ tôi vẫn bắt gặp cảnh các chàng trêu ghẹo thiếu nữ mới lớn. Thảo tuổi độ mười bốn, đứng nép bên Tự mà mắt xấu hổ và đỏ ửng má vì những lời tếu táo, bông đùa của đám trai làng.

Tự luôn tỏ ra là một người đàn ông trưởng thành. Anh bảo vệ cho cuộc sống của chúng tôi khỏi những cám dỗ, nguy hiểm.

Thảo thầm yêu Tự. Chị không nói. Có lẽ, cả hai cũng đều biết điều ấy…

Đêm. Chúng tôi rời khỏi nhà. Đứng ở chiếc cầu treo bắc qua con sông lớn. Nhìn lên trăng và nhìn dòng nước lấp lánh ánh bạc. Thú vị nhất, có khi chạm tay vào chùm hoa điên điển nở gần bên cầu. Cả đêm chúng tôi ngồi cạnh nhau chỉ để ngắm sao và kể những câu chuyện cổ tích tuổi thơ. Tiếng cười sằng sặc của tôi vang lên trong đêm khuya. Mùa gió về bao giờ cũng khô, thổi nạt đi những làn tóc cháy xém vì nắng.

Đêm yên tĩnh. Người ta không còn nghe thấy những âm thanh rờn rợn của chim lợn éc éc như xé vải dọc ngang bầu trời, hay tiếng cuốc kêu khắc khoải nữa. Đêm chỉ các vì sao sáng, và các mầm cỏ ngồng lên đón trăng.

Những ngày đêm yên tĩnh ở vùng quê…

Ba chúng tôi trở lại gian nhà. Tự thắp lên ngọn đèn dầu sáng tỏa lan, anh đóng lại cửa sổ. Thảo khâu lại vài chiếc áo, chị đính thêm cúc cho chắc chắn hơn.

Đêm nhiều sương. Trong gian nhà, ba chúng tôi cảm tưởng những giọt sương khuya tí tách rơi xuống tàu lá cọ và rơm khô. Sương càng lạnh, càng toát. Ba chúng tôi ngồi cạnh nhau và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Trời gần tảng sáng cũng là lúc tiếng cúc cu và chèo bẻo kêu rộ lên. Mùa này là quả chín.. Tự và Thảo đã thức dậy từ bao giờ, có thể là họ đã không ngủ được do mùa gió biển thổi dạt vào. Mới gần 5 giờ sáng, trời lạnh. Chúng tôi đã phải thức dậy đeo những chiếc giỏ đi dọc bờ sông nhặt sò và con hà biển. Gió sông thổi tát vào mặt rát bỏng như người ta ném đá cuội. Có tiếng chó sủa vang dội từ xa và tiếng la hét dữ dội từ xa vọng lại. Dường như mọi âm thanh xáo trộn lúc này cũng không làm chúng tôi rời khỏi mép sông, và ý định dừng lại…

Chừng năm đến bảy tốp người cầm gậy đuổi đánh một đôi nam nữ. Đến gần nửa con đê thì đám đông vây quanh, xúm xít lại. Đám đông dừng khi con mồi kiệt sức và yếu hẳn. Họ bỏ đi, để lại những vết lầy bụi trên cát và cỏ nát nhừ. Mặt trời gần như đã xé toạc màn sương trắng và le te tiếng gà gáy chộn rộn. Ánh nắng hắt dần vào các khuôn mặt sợ hãi. Hai người cố ngỏm dậy, lấy sức lết một cách chậm chạp. Cuộc chiến đã kết thúc.

Chúng tôi đứng thần người. Chứng kiến. Cảm thấy sợ rồi bất lực. Hai tiếng kêu yếu ớt kéo dài…

Khi chúng tôi đưa họ đến một chiếc thuyền và trở về nhà, thì mặt trời đã lên qua con sào.

Bọn tôi thay nhau dìu họ vào nhà. Họ gần như đã ngất vì sức lực quá kiệt. Nhìn những vết thương, vết bầm tím và máu bê bết đỏ trên khắp mặt.

Mùa gió hanh khô này về thường làm đổ các hàng cây thông nhỏ mới trồng. Mùa gió quật lát từng bông thóc còn xanh giữa cánh đồng hoang mông mênh. Người ta sợ những cơn gió trái mùa kèm theo mưa của biển trở vào. Kỳ ngộ, tháng tới không mưa dầm dề và ướt át nhiều. Tháng vẫn còn mùa nắng vàng, hơi rát vào ban trưa.

Chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc họ. Hai con người nằm thõng thoài ra đất. Họ kìm nén những tiếng đau rền rĩ trong cổ họng. Âm thanh trầm và khàn đục từ trong lời nói phát ra, nghe như có điều gì quá nặng nề, quá khổ đau…

Thảo thương, chị bật khóc. Tôi biết vậy, và để tâm hồn mình lơ đãng theo tiếng gió và tiếng sóng nước vỗ ngoài bờ đê. Tự đi chặt những củi mụt, lá khô và rơm… để đun một ấm nước nóng và nấu ít cháo. Mất khá nhiều thời gian để họ có thể gượng dậy, ngồi tựa vào bức tường đất. Thảo và tôi chăm sóc hai người lạ. Tự đi ra sông kiếm chút cá, và rau ăn.

Trời nắng và hiền hòa. Quang cảnh làng quê thấy đỗi yên bình quá. Giá không có những mùa gió táp từng luồng khô khốc thổi rít, không gió xối trên các tán lá già trước sông ấy. Và khung cảnh quê hương cứ yên lặng với những cánh cò trắng bay trên nền trời xa thẳm đó. Tự về. Anh buộc lại con thuyền dưới gốc bần. Lặng lẽ. Và âm thầm trở về cùng chúng tôi.

Đến giờ, thì họ đã đỡ hẳn và đôi mắt mở dần nhìn cảnh vật chung quanh. Các vết bầm vẫn còn tích tụ và chưa tan hết ở khắp mặt và cổ. Người đàn bà run rẩy đôi môi nói lời cảm ơn.

…Đêm. Chúng tôi chìm vào sự tĩnh mịch của không gian. Bầu trời cao và rộng. Có tiếng chim bắt cô vang vọng lên trời. Tự và Thảo đang trò chuyện cùng hai người. Tôi ngắm sao, ngắm mây và sông nước, rồi tự mình vẩn vơ suy nghĩ mờ nhạt: “Một hình ảnh gia đình hạnh phúc”. Điều ước giản đơn ấy, có lẽ đã quá xa xôi với chúng tôi, với những đứa trẻ mồ côi sống không có cha và mẹ. Tôi “em Út”, vẫn thường khóc khi nhớ quê, nhớ ngoại. Chẳng biết khi nào, chúng tôi thực hiện được ước mơ có thật!

Đêm. Và nhiều đêm nữa. Chúng tôi ngồi lại với nhau, ân cần chia sẻ niềm vui cùng nỗi buồn thời ấu thơ. Hai con người xa lạ đã trở nên thân thiết, khi họ là người bạn của ba chúng tôi. Người đàn ông và người đàn bà vẫn sợ ra ngoài. Có lẽ, chỉ đến đêm là họ mới trò chuyện ít nhiều cùng chúng tôi. Tự không dám hỏi nhiều về gốc tích của hai người. Anh sống chất phác, hiền hòa, cứu người bị nạn. Trên mảnh đất đấy, người ta sống giành giật nhau chỉ vì miếng ăn, và vì gái. Những đám đông đàn ông quê nghèo thường hăm hăm gái, đánh bài đánh bạc. Những mụ đàn bà thường tục tĩu, nhảm nhí đủ thứ chuyện ở đời. Chúng tôi đã sống quen với cái cảnh “người ta làm đĩ”, và không ít cảnh đuổi đánh người quá tàn ác.

Đêm nay. Vào khoảnh khắc thời gian định mệnh này, đã đưa chúng tôi lại gần nhau thân thiết hơn. Cuộc gặp của những kẻ xa quê. Và chúng tôi đã khóc.

Ba ngày sau. Bất ngờ, họ rời khỏi bến sông này. Đi đâu? Chúng tôi không biết nữa? Mất tích? Vào đêm gió lùa thổi dạt những mùa quả khô.

Tự. Thảo. Và tôi. Không hẳn hoài nghi mấy. Như vậy, sẽ tốt cho hai người khi rời khỏi cái mảnh đất nghèo khó này. Nhưng, chúng tôi vẫn lo lắng cho hai người họ. Rồi không biết về đâu? Tìm đâu? Một cuộc sống yên bình hơn những tháng ngày nay…

*

* *

Cuộc sống lại trở lại như trước. Chúng tôi vẫn dậy sớm kiếm ăn. Ngày ngày vẫn ra các bãi dâu, ngô, cánh đồng làm những công việc vặt. Thảo đã đến độ tuổi trăng rằm. Xinh và ngây thơ lạ lùng! Tự và tôi thường đưa cặp mắt lém lỉnh lườm nguýt những con mắt lẳng lơ, đa tình của các gã trai quê. Tự bảo vệ Thảo. Anh chăm sóc Thảo cẩn thận hơn.

Cuộc sống tưởng rất đỗi bình lặng của ba con người chúng tôi. Ngờ đâu, lại là những ngày Tự phải đối mặt với bọn người săn gái. Đó là một cuộc chiến không cân sức. Tự trở thành người hùng ở cái làng quê heo hút và nghiệt ngã ấy. Người anh nhiều vết thương, thân thể giờ đầy sẹo. Anh quên hẳn cái nỗi đau trong mình khi nhìn thấy Thảo cười trong sáng. Nụ cười này, đã mãi mãi chạm vào trái tim anh những cảm xúc đẹp đẽ nhất của một tình yêu thời niên thiếu.

Mùa gió khô lùa vào căn nhà chênh vênh. Từ sớm đến chiều tối, tôi luôn nghe thấy tiếng giục giã, tiếng thở gấp gáp của những con người đen nhẻm và nghèo rách. Tiếng thở của các con vật đến mùa sinh sôi. Chúng quấn lấy nhau. Hình ảnh này cứ tồn đọng rồi lại quên trong trí nhớ non nớt và vụng dại của tôi. Tôi khó hiểu? Nhưng thấy hơi kỳ quặc vì những cô gái nằm chung chạ cùng đàn ông trong các lều rơm, tiếng rên rỉ, và thân hình trần truồng, cứ vẩn đục mãi trong tôi?…

Thảo đẹp. Nét đẹp mặn mà của một thiếu nữ miền quê nghèo. Chị khác hẳn với những cô gái trẻ, những người đàn bà góa chồng ở vùng quê này.

Tôi vẫn còn tuổi chưa lớn. Dường như cái nảy nở cảm xúc sinh lực của một người đàn ông trưởng thành sẽ không bao giờ có trong tôi. Tôi dửng dưng với cái đẹp và sự đòi hỏi ham muốn của cơ thể.

Đêm… Vẫn là những đêm, chúng tôi than thở mệt nhọc. Cuộc sống ở mảnh đất này chỉ có vậy. Chán ngắt và tẻ nhạt!

Tự đã quen với việc cứu giúp người gặp nạn. Nhà chúng tôi, trở thành nơi nương náu của những kẻ khốn khổ dạt đến. Thảo hay khóc. Chị khóc vì mủi lòng và thương cảm cho những mảnh đời đau đớn, bất hạnh. Và, tôi đã quá quen với việc đi ra ngoài trời, ngồi tựa vào gốc cây dừa mà ngắm sao, ngắm trăng.

Vùng đất đấy sinh hư, kẻ làm đĩ, kẻ trộm cắp đêm, rồi có khi là đánh nhau chỉ vì một mùa lúa chín ở cánh đồng. Chứng kiến cảnh họ vật vã nhau giữa đồng, người nhơ nhuốc và bẩn thỉu. Mùa lúa nào cũng có chuyện xẩy ra ở đây. Không yên bình.

Mảnh đất này quanh năm trồng lúa. Cái cảnh sống khắc nghiệt ấy đã khiến không ít người rời xa quê đi tha phương cầu thực mà sống.

Không biết, tại sao chúng tôi lại chẳng thể rời khỏi mảnh đất khốn đốn này. Tự muốn yên lặng sống ở vùng quê. Thảo thì dịu lại và đau đớn vì những kiếp người khổ sở, phiêu bạt. Còn tôi, tôi thấy chán và thấy ghét thậm tệ cái vùng quê đấy. Có lẽ vậy, mà chúng tôi không tự rời xa được mảnh đất đấy.

Thảo càng lớn càng xinh. Chị có nước da hơi nâu và mái tóc dài đen suốt. Chị tự động trò chuyện và quan tâm tới anh Tự. Tôi là người thứ ba, sống trong căn nhà, và chứng kiến chuyện tình yêu của họ, nhiều khi, vì tính tinh quái, tôi trêu chị Thảo đỏ mặt. Tự quay sang, cốc đầu vào thằng em Út, mắng mỏ. Tôi cười trừ rồi xoa đầu. Xong cả ba lại cười lên vì sự ngốc nghếch của tôi.

Quãng thời gian đấy là yên bình với chúng tôi. Và tôi không sao có thể quên được ký ức…

“Người ta biết sống và biết đến cái chết. Nhưng không biết là mình có thể một ngày rời xa những người thân yêu duy nhất trong đời họ. Và mất đi người mình yêu nhất. Mất đi tất cả yêu thương”.

Bẵng đi một thời gian. Có thể là khá xa xôi với những người chúng tôi. Cuộc chia ly này không ai mong muốn. Nhưng nó sẽ kết thúc sớm hay muộn là ở con người mà thôi.

Sự bỏ đi đột ngột, không lý do của Thảo làm Tự và tôi thêm chông chênh. Tự buồn. Anh im lặng không nói. Anh làm nhiều hơn và khỏe hơn. Những gã đàn ông tị nạnh rồi xích mích với Tự. Nhưng cuối cùng họ là những kẻ bại trận thê thảm. Những cô gái lẳng lơ, những người đàn bà góa chồng lại tôn sùng anh như một người hùng của làng. Nhiều kẻ yêu anh. Tự vô cảm. Anh đã thay đổi khác trước. Nhưng sự quan tâm đến tôi và Thảo thì vẫn như ngày nào.

Vẫn nhiều đêm anh đứng chờ. Đôi mắt dõi theo một bóng hình đã xa khuất…

Ngày qua ngày. Đêm qua đêm. Cái nỗi nhớ và sự đau khổ luôn thắt chặt trong lồng ngực anh. Có đêm Tự thức trắng nghe tiếng gió vi vút thổi và trò chuyện cùng trăng. Tôi không thể hiểu được con người anh. Tự đã thay đổi khá nhiều.

Một lần tôi bắt gặp họ nằm bên nhau trong căn nhà. Một cô gái trẻ quấn lấy thân thể anh. Tôi đá cánh cửa và ấm ức chạy lao ra bến cửa sông. Tự tìm tôi. Tôi im lặng trở lại căn nhà cũ. Tự lặng lẽ. Anh để dành cơm cho tôi và nằm thở mệt nhọc trên chõng tre, chân vắt chữ ngũ, cho tay lên trán, buồn rầu suy nghĩ. Tôi không hận anh. Tôi không thù ghét anh. Nhưng, tôi không thể hiểu, Tự lại có thể thay đổi nhanh đến như vậy?

Tôi thở dài. Tiếng thở của một con người đã như chết. Những ký ức được coi là yên bình của thuở ngày xưa, giờ đã không còn nữa rồi. Tôi tiếc.

Ba năm trôi đi. Cái vết sẹo trong lòng không còn dai dẳng được. Tự có cách sống khác. Đã có mấyngười con gái thầm yêu anh. Nhưng họ đều ra đi với mối tình tuyệt vọng. Tự không chấp nhận một ai khác ngoài Thảo. Anh nhớ chị điên cuồng. Lúc mơ còn ú ớ gọi tên chị.

…Dạo đó, tôi vô tình bắt gặp lại một hình ảnh quá quen thuộc trên khúc sông quê nhà. Vẫn là đôi mắt mở to, vẫn là gương mặt hiền ngày ấy… Nhưng sao quá xa xôi? Người phụ nữ chở thuyền dừa cùng hai đứa con nhỏ, với gương mặt thêm già và gầy, lại làm tôi đau xót hơn. Thảo đây ư? Thảo nhận ra tôi. Ánh mắt chị buồn bã khi nhìn tôi. Chị lảng đi khi tôi nhắc về Tự. Tôi vẫn nhận ra đôi mắt buồn của Thảo là cả một vùng trời đau khổ. Cuộc sống của chị không yên ấm!

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi chỉ ngắn ngủi như vậy. Nó bị gián đoạn vì những tiếng giục giã của một người đàn ông thô kệch và xấu xí. Tiếng quát tháo. Tiếng gào dằn dữ vang lên. Tất cả âm thanh đấy, sao giống hệt những cảnh đuổi đánh con người ngày xưa thế? Tôi giật mình đau đớn…

Làm sao để có thể trở lại cái ký ức xưa ấy: “Một thằng Út ngốc hay cười tếu táo? Một anh Tự hiền lành, vui tính? Một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng Thảo?”.Tại sao? Tất cả đến rồi lại vụt mất đi hết? Tại sao, tại sao chứ?…

Tôi đứng lặng bên bến sông, dõi theo chiếc thuyền trôi nhỏ dần. Không còn Thảo nữa. Ký ức chỉ là mơ thôi.

Mùa gió chiều thổi thốc con sông. Mùa gió khô khốc như ném từng hạt bụi vào mặt mặn đắng nước mắt. Tôi biết phải nói sao với Tự, về cuộc gặp Thảo? Sẽ kết thúc và dừng lại chuyến đi tìm chị giữa mùa gió sông khô này?

“Tự ơi! Anh sao cứ đau mãi trong lòng?”.

Ngô Thị Học

Sinh năm 1990.

Quê quán: Tiên Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng.

Hiện sống và làm việc tại Hải Phòng.


Theo Lao động cuối tuần

Exit mobile version