Lâu rồi ít thấy anh viết bình luận bóng đá trên báo. Nhiều người bảo: Hay là Thanh Thảo già rồi? Không! Anh chưa già như ta tưởng. Bằng chứng là hơn 10 tập trường ca về đất nước, về chiến tranh và hòa bình, về cuộc đời và về biển đảo quê hương lần lượt ra đời đưa anh lên hàng “Vua Trường ca” nước Việt như nhiều người nhận xét…
Thanh Thảo bước vào làng thi ca Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 70 của TK 20. Viết từ chiến trường miền Nam khói lửa, ác liệt, dữ dằn…
Tìm một lối đi riêng trên con đường thi ca, Thanh Thảo đã và đang vắt kiệt sức mình vì tình yêu Tổ quốc. Anh đã trở về quê hương Quảng Ngãi để sống và viết với tất cả tình yêu thương gửi lại cuộc đời. Chỉ tính riêng trường ca Thanh Thảo đã viết và xuất bản trên 10 tập.
Mỗi trường ca của Thanh Thảo là một bứt phá mới. Anh luôn làm mới mình.
Bìa tập Trường ca Chân đất
Anh bận làm trường ca và hôm nay trước mặt tôi là tập trường ca có cái tên lạ: Trường ca Chân đất. Nói như nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn: “Đâu phải người làm thơ nào cũng có thể có trường ca. Một trái tim chỉ quen đập nhịp mòn trong lồng ngực hẹp, chớ có trường ca… Chấn động những ngày này đã dội vào cái tôi Thanh Thảo. Nó đòi anh phải cất lên bằng ngôn ngữ trường ca…”.
Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Thanh Thảo xung phong trở về miền Nam chiến đấu. Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Thảo hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí, nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Hiện anh sống và làm việc tại Quảng Ngãi. |
Đọc Trường ca Chân đất ta ngỡ ngàng trước một cách chơi chữ, cách gửi gắm vào chữ “chân” một khát vọng lớn lao: Đất là cái gốc rễ làm nên quê hương đất nước. Chân là chân đế, chân tảng, chân chính, chân thực… Lạ hơn trong trường ca là chín cái chân: chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân mây, chân sóng, chân lũy, chân cò, chân tháp… Chín cái chân làm nên chân dung đất nước. Và “Chân đất” chính là hình ảnh mẹ cha ta, là hình ảnh một Việt Nam mộc mạc, thân thương mà vững chãi trước biển Đông nhiều giông bão…
Chín chương của Trường ca Chân đất là chín cái chân hội tụ thế và hình đất nước. Bắt đầu là Chân tre và cuối cùng là Chân lũy. Tôi bỗng giật mình trong những cái chân ấy có Chân sóng. Chân sóng viết về biển đảo quê hương với đau đáu những câu thơ hướng về Trường Sa, Hoàng Sa: Con đâu biết mẹ bạc đầu vì biển/ mỗi làn sóng như một dải khăn tang/ con nào biết mẹ đau vì biển/ đau vì thiếu biển/ đau vì thừa biển/ đau vì biển thiếu con mình/ đau vì biển thừa hy sinh.
Luôn tài hoa, luôn mới mẻ, Thanh Thảo làm ta cảm phục về sức viết của anh. Mỗi trường ca là một chiều sâu kích phá mới của anh, và vì thế, anh vẫn sung sức và trẻ trung trên con đường thơ ca lắm nhọc nhằn…
Nguồn: TT&VH