“Ta bằng lòng với việc theo đuôi kẻ khác cho nó an toàn, mặc cho đất nước nào đó là cường quốc, dẫn dắt cả thế giới, mặc cho việc nước ta chỉ xếp thứ ba từ dưới lên về mức cống hiến cho văn minh loài người, ta ung dung đi gần cuối cho nó an toàn. Các cụ ta dạy rồi, đi đầu sẽ bị chẹt chết còn đi cuối sẽ bị ma bắt. Ta cứ đi gần cuối, ung dung hưởng những gì có thể hưởng, ung dung chịu đựng những gì do hoàn cảnh xô dẩy mà phải chịu. Và nhất là nghĩ in ít thôi. Đằng nào thì cũng theo đuôi rồi.”
Xã hội nào, thời đại nào dù văn minh đến đâu thì ẩn trong đó vẫn là trăm cái “sự đáng bàn” to nhỏ đủ loại. Có sự thì người ta ca thán mỉa mai, có sự thì người ta ngán ngẩm thờ ơ, có sự thì người ta hóm hỉnh biến nó thành nhưng câu chuyện đùa vui thâm thúy như nhà văn Kiều Bích Hậu. Vẫn biết những tác phẩm tản văn trào phúng không phải là hiếm trong văn đàn Việt nhưng tìm một tập tản văn để thay đổi đời người thực khó. Những câu chuyện của Kiều Bích Hậu khiến người đọc trước tiên được một tràng cười bởi giọng văn hóm hỉnh nhưng không kém phần cá tính, để rồi sau đó khiến họ phải suy nghĩ về vấn đề tồn tại của đất nước mình, của người Việt mình. Với lối viết đơn giản, thiên nhiều về tán gẫu hơn là giáo huấn, chỉ trích xáo rỗng, Kiều Bích Hậu chủ động đưa cái “sự đáng bàn” trở nên gần gũi với độc giả, từ những chuyện đời thường ngõ hẻm như Chém gió, chém bão đến những trăn trở cho tương lai của một quốc gia trong Sợ gì mưa rơi. Tất cả đều được viết một cách dễ hiểu nhưng đó là thứ dễ hiệu độc, đủ để người ta thấm, đủ để người ta trăn trở tìm lối đi đúng cho chính họ, đúng như tinh thần của tác phẩm – Thay đổi đời người.
Minh Anh