Tễu nằm co quắp trên vạt cỏ, nơi triền đê uốn vòng vèo, nước sông màu phù sa cuồn cuộn dốc ra biển. Mặt mũi Tễu phờ phạc. Lớp sơn phủ bên ngoài đã bạc thếch, có chỗ còn tróc ra từng mảng để chìa lớp gỗ đã ngả màu đen xì. Người qua đường trông dáng vẻ cũng không hơn gì Tễu mấy đỗi, đang cố gắng bươn qua bụi dứa dại, dùng chiếc gậy khều Tễu. Khi đã cầm được Tễu trên tay, người  vội vàng lấy vạt áo lau lớp đất bẩn và rong rêu bám trên người Tễu. Vẻ xót xa lộ rõ trên gương mặt người qua đường. “Đây là sản phẩm văn hoá được đúc rút hàng ngàn năm của một dân tộc văn hoá”. Nghĩ vậy rồi cười. Tiếng cười phát ra tắc nghẽn. “Về với tao, tao sẽ cho mày cuộc sống”. Trời đã ngả chiều muộn. Trên cao vẳng xuống tiếng những con vạc rủ nhau đi ăn đêm. Chúng bay thành từng hàng ngang qua chỗ người ấy đứng.



“Tối rồi đấy Tễu ạ. Về thôi, về với tao nhé!”.

Người và rối đi qua một bãi tha ma, ở đấy những nấm mồ xây chen chúc trong một không gian chật hẹp, cái thò, cái thụt, cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ. Chỉ nhìn vào cũng đủ biết thân phận sang, hèn của những con người đã thành thiên cổ.

– Mày thấy không, chết rồi có được yên đâu? Người chết họ muốn yên ổn và sạch sẽ – Người ấy nói chưa dứt lời, bỗng nghe văng vẳng lời Tễu bên tai:

– Tôi đã lưu lạc rất lâu ở đất này, tôi biết. Đấy là thói huyênh hoang, ngông đời của những kẻ vô liêm xỉ. Họ đông vô kể. Họ làm như vậy tưởng  người chết sẽ vui, rằng họ thương người đã khuất. Có kẻ khi còn sống bị đối xử chả ra gì, lúc chết, được con cháu lo làm ma, thay áo và xây mồ rất chu đáo. Tất cả không ngoài lòng tham. Tôi nói rằng một trăm phần trăm họ làm những việc đó cho chính họ – Những người sống. Lòng dạ họ hẹp hòi kết tinh từ quá khứ đã có tự gốc rễ. Ông có thấy nghĩa địa như một thành phố thu nhỏ không? Thành phố của người chết. Kiểu dáng kiến trúc nhà của người sống, kẻ chết chẳng khác nhau mấy, bị băm vằm, chia sẻ. Người xây sau, nhất định phải cao hơn, to hơn người xây trước mới chịu. Tôi hỏi ông đấy là cái gì?

– Là gì?

– Có phải lòng đố kị? Hàng trăm năm nay tôi biết, người mình họ không sợ gì cả: Sự đói khổ, bệnh tật, thậm trí cả cái chết. Nhưng có một điều họ rất sợ, ông biết là gì không?

– Là gì vậy?

– Họ sợ người khác hơn mình. Vì điều ấy họ có thể làm tất cả với mọi điều kiện, chỉ cần đạt mục đích, phải chứng tỏ mình hơn người xung quanh.

– Đểu! Đểu quá Tễu ơi! Lòng đố kị! Vì nó ta có thể bất chấp tất cả, kể cả những hành vi phi nhân tính.

Cả hai im lặng,  người ôm rối lầm lũi bước đi. Lát sau người hỏi:

– Sao mày đến nông nỗi này hả Tễu?

– Chuyện dài lắm. Rồi tôi kể cho nghe.

Người và Tễu đi qua một khoảng đất rộng hàng ngàn héc ta, trước đây là cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, lúa xanh mơn mởn, giờ chỉ còn là bãi cát, người ta chuẩn bị xây dựng khu công nghiệp. Nó sắp là hầu bao của mấy ông tai to mặt lớn.

– Mày có tiếc không?

– Tiếc thì làm gì? Chỉ thương cho lũ cò, lũ vạc và những câu ca dao.

Trời tối hẳn. Nằm trong tay người, hơi ấm từ bàn tay hấp ra khiến Tễu thấy yên tâm.

– Ông ở đâu?

– Không ở đâu cả.

– Sao ông lại mang theo tôi?

– Tao thích chú mày, thích những làn điệu dân ca. thích những con rối và trò của rối.

– Những con rối không lá mặt lá trái?

– Đúng vậy. Rối chỉ làm cho người ta vui mà không cần âm mưu, không đòi hỏi gì.

– Có chứ. Tôi đòi hỏi sự công bằng với chúng tôi. Đừng lãng quên, cùng lắm cũng cho tôi một nấm mồ.

– Có chứ, một nấm mồ trong lòng người?

Có tiếng cười.

Đêm.

Người và Tễu vẫn cắm cúi đi. Trăng sáng vằng vặc, có thể nhìn thấy những cọng cỏ đọng sương sáng nhấp nháy, chạy vòng vèo theo triền đê.Tiếc thật! Tễu nghĩ đến những đêm hội. Thời trai trẻ, Tễu đằm mình xuống nước mà vùng vẫy, mua vui cho người, cuối cùng cũng chẳng ra gì. Bạc! Đời bạc với Tễu…

Bây giờ thì Tễu đã nằm rất thoải mái trong chiếc bao tải đựng đường của một nhà máy đường thời bao cấp nay đã giải thể. Chiếc bao vải cũng mốc xì rách nát. Thỉnh thoảng Tễu lại thấy người đồng hành thở dài.

Thở dài làm chi

Hỡi người!

Thở dài toan tính canh bạc

Đời người?

Với Tễu chỉ cười

Người nhiều dục vọng.

Với Tễu coi khinh thói đời

Cười vào cõi người u tối.

Tới một bến sông, người ngồi xuống, bỏ chiếc bao đựng bộ quần áo và Tễu xuống một tảng đá lớn. Chỗ ấy khi chiều muộn, mấy cô gái làng ra sông tắm thường ẩn vào đó thay quần áo. Tễu biết và tễu còn cảm được mùi gái trinh ngai ngái vẫn còn phảng phất.

– Mày có tắm cái không? Mát đấy – Người nói, đoạn tụt hết quần áo, tồng ngồng nhẩy ùm xuống nước. Nhìn ông lặn ngụp, Tễu  nhớ ngày xưa, những ngày tháng đầy ắp bao kỉ niệm buồn vui. Nhìn người kia lặn ngụp, Tễu thấy văng vẳng đâu đó tiếng người huyên náo, tiếng gọi nhau của trai gái làng rủ nhau đi xem rối nước. Tễu nằm trên vạt cỏ, ngửa mặt nhìn trăng. Nay trăng đầu thu nên rất sáng. Những làn mây trắng mỏng như khói đang lướt nhanh trên nền trời sao, gió ràt rạt, những cọng cỏ may ương bướng cứ quẹt vào mặt Tễu. Đêm diễn lại hiện về trong tâm trí Tễu. Một cái ao to nằm giữa làng, nổi lên ở giữa ngôi nhà bằng tre có mái cong, trên lợp ngói ta, gọi là thuỷ đình. Ngôi thuỷ đình đủ chỗ cho những nhạc công và người hát, nói lời của các nhân vật rối. Khi dân làng đã xúm quanh bờ ao, tiếng trống cái vang lên báo hiệu buổi diễn bắt đầu. Tễu hồi hộp lắm. Chỉ sau tiếng trống cái cuối cùng là Tễu phải xuất hiện trước dân làng. Cái bộ dạng của Tễu thật hài, vì “Tễu” cũng có nghĩa là “cười”. Gương mặt tròn vạnh, đầu để chỏm trái đào, cái bụng thì phưỡn ra. Mỗi lần xoa tay lên bụng, Tễu nghĩ mà thương cho ông cụ, người đã tạo ra Tễu. Hình hài cụ lại gầy guộc. Trong vụ mất mùa năm ấy Tễu biết cụ đã nhường hết những gì có thể ăn được để cầm hơi qua ngày cho đứa cháu nội và tự nhận cái chết về mình, chỉ mong con cháu sống, nối được nghiệp ông cha làm rối nước…

Dứt tiếng trống, Tễu tươi cười bước ra từ sau tấm mành tre sơn màu xanh, mặc chiếc áo nẹp không tay, không khuy cài, để hở cái bụng quả dưa. Tễu vừa xuất hiện, tiếng cười đã ồ lên quanh bờ ao. Tễu đưa tay lên miệng xoay người ra phía khán giả gọi mời:

–  Này bà con ơi, nhanh chân vào chỗ đi nào! Nay bà con thích xem trò gì?

Có tiếng của đám trai gái làng:

– Trò gì cũng xem, chúng tớ thích cái bụng  phệ của chú lắm Tễu ơi! Ước gì cánh tớ ngày nào cũng được ăn no như chú – Nói rồi họ cười ngặt nghẽo. –  Lại lời của Tễu:

– Xin kính chúc bà con một vụ gặt,  thóc chất đầy cót, no đủ cả năm. Giờ đã đến lúc bắt đầu câu chuyện. Chuyện kể rằng từ ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi. Những ngọn cờ tung bay phấp phới! Lính  xếp hai hàng ngay ngắn. Đi đầu là đoàn voi, những con voi lừng lững như núi đang tung vòi gầm lên làm quân thù hồn xiêu phách lạc. Tiếp theo là đoàn kị mã, những con ngựa chiến dũng mãnh hí vang như thôi thúc đoàn quân băng ra xa trường… Lời dẫn chuyện của Tễu đến đâu, những nhân vật xuất hiện đến đó. Từ mặt nước đang yên tĩnh bỗng thấy những hàng quân cầm cờ ngũ sắc rồi tiếp đến đoàn voi, đoàn người ngựa rẽ nước nổi lên trong âm thanh rộn rã của dàn nhạc chèo. Đoàn quân đánh đuổi quân giặc tháo chạy tan tác, bọt nước tung trắng xoá dưới ánh trăng. Dàn nhạc vẫn rền vang, Tễu lại đi ra từ sau tấm mành:

– Bà con hãy nhìn kìa! Trên không trung bầy tiên nữ đang múa lượn tưng bừng, bên dưới có một tiều phu, một cô thợ dệt, một nhà sư và mấy người đánh cá…

Sau trận đánh giặc, trên mặt nước cảnh sống yên bình lần lượt hiện ra theo lời dẫn của Tễu. Đoạn làm cho người xem phá lên cười là lúc người bắt cá và cái nơm thì bé mà con cá lại quá to. Tễu phải ngụp lặn giúp người nông dân bắt con cá. Mỗi lần Tễu bị con cá to húc vào cái bụng to phưỡn của Tễu là lúc bờ ao lại ầm lên tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng…

Khoái thật! Nằm ngửa nhìn trăng, tai nghe tiếng sóng đánh ì oạp vào chân đê mà Tễu nhớ ao làng, nhớ ngôi thuỷ đình, nhớ các bạn diễn quá. Tễu nhớ cô Đào. Mỗi buổi diễn, cô Đào là người nói, hát lời của Tễu. Giọng cô trong như nước đá ngầm, hồn nhiên, tươi trẻ, thanh khiết.

Một bữa nọ, khi buổi diễn kết thúc, trăng hôm ấy cũng sáng. Trong lúc thu dọn đồ nghề, Đào đang còn ôm Tễu trong tay thì anh Hận lại gần nắm lấy tay Đào khiến cô bối rối, ngượng nghịu, cô nói luống cuống:

–  Anh làm cái gì vậy?

– Tôi yêu em  – Nói đoạn, Hận buông cây sào điều khiển rối, đặt bàn tay nhăn dúm vì ngâm lâu dưới nước lên vai Đào. Cô khẽ lùi lại:

– Kìa anh! Người ta còn đầy ra kia thây.

– Kệ! – Giọng Hận hào hển, đôi cánh tay rắn chắc để có thể cùng đám trai làng cầm được bộ máy sào điều khiển Tễu, anh đang vòng qua bờ vai thuôn mềm của cô.

– Anh bỏ ra! – Giọng Đào lạc đi – Hận ơi, đừng làm thế! Thầy em biết, thầy giết em mất!

– Em đẹp quá Đào ơi! – Hận đưa những ngón tay lùa vào mớ tóc dầy phủ kín sau  lưng cô. Anh vùi mặt vào cổ cô, má cô. Đào thấy khắp cơ thể mình nóng ran, toàn thân bủn rủn, cô nói trong hơi thở ngắt quãng:

– Anh yêu em từ khi nào vậy?

– Từ lâu rồi, nhưng Đào có bao giờ thèm để ý đến tôi.

Đào đưa tay đặt lên môi Hận:

– Em cũng vậy! Nhưng người ta là con gái, ai lại…

Đào không thể làm chủ được bản thân, người cô ngả hẳn vào vai Hận lúc nào. Hận cảm thấy ngực Đào phồng căng áp sát ngực mình qua làn yếm mỏng. Họ ôm hôn nhau xoắn xuýt. Cả hai dần nằm xuống sàn nhà thuỷ đình chỗ các nhạc công vẫn ngồi tấu nhạc. Mùi hương lá xả vương từ tóc Đào ngào ngạt. Anh chỉ còn thấy vòng tay cô đã ghì chặt lưng mình.

Vầng trăng tối dần khi có một đám mây khổng lồ, đen ngòm từ phía đông đùn lên. Sấm sét đùng đùng, mưa bắt đầu đổ…

Mấy tháng sau, Đào không ra khỏi nhà, ai hỏi cô chỉ lắc đầu, mắt hoe đỏ. Ông phó Đoan trưởng phường rối, bố của Đào thấy vậy thì bực lắm. Còn mẹ Đào, bà biết ngay đứa con bà đã hư hỏng. Bà gặng hỏi, cuối cùng Đào đành phải thú nhận. Ông Phó nổi giận đùng đùng. Đập chiếc quạt mo xuống sập ông quát:

– Thằng khốn ấy đã làm gì mày chưa?

– Dạ, chưa…

– Mày nói thật đấy chứ?

– Dạ…

– Được rồi, không có gì với nó, việc gì phải khóc?

– Dạ – Mặt Đào tái đi. – Mẹ Đào xen vào:

– Thôi đi cô! Đã có gì với nó rồi phải không? Mày giấu thầy chứ sao giấu được bu. Xem kìa,  chả sắp bằng quả dưa rồi à!?

– Nếu vậy tao cho hai đứa với nhau. Thật là nhục! – Ngẫm nghĩ một lát, giọng ông Phó dịu xuống – Cái thằng mất nết, nó ưng mày sao nó không xin bố mẹ xuống gặp tao mà phải giở trò ấy!? – Ông lại vơ chiếc quạt làm bằng mo cau đập phành phạch. Mắt ông nhìn mông lung ra mảnh vườn trước cửa. Ông nhớ tới ngày bố mẹ nuôi thằng Hận nhận được nó từ tay một người qua đường bảo cho mang về nuôi. Đang không có con trai, vợ chồng ông Ngôn người xóm Trại sướng như bắt được vàng. Cái tên Hận cũng từ đó mà có. Người ta đặt tên như thế, muốn nhắc cậu luôn nhớ rằng lớn lên sẽ phải hận cha mẹ đẻ suốt đời, sẽ không tìm về nữa. Hận được nuôi nấng, chiều chuộng, càng lớn càng đẹp trai. Cậu có thân hình to khoẻ, nước da ngăm đen. Tới độ  biết thích con gái thì bắp chân, bắp tay nổi cuồn cuộn. Một hôm họp phường, ông Ngôn ngỏ ý muốn cho Hận tham gia phường rối, cả phường nhất loạt không đồng ý, cho rằng Hận không phải dòng máu của làng. Ông Ngôn là người có vai vế trong làng, ông phản ứng bảo: Thằng Hận tuy ông không đẻ ra nhưng ông đã nuôi từ ngày nó còn đỏ hỏn. Bố mẹ đẻ Hận là ai, quê ở đâu không ai hay, mà đã ngót hai chục năm, vậy còn lo cái gì? Riêng ông Phó Đoan vẫn tỏ ra băn khoăn, ông nói:

– Việc giữ bí truyền của phường rối mà các cụ ta để lại đã nằm trong hương ước bao đời. Bất cứ ai trong làng dù vai vế đến đâu – Ông nói và liếc nhìn ông Ngôn – Nếu để lộ các bí quyết làm rối, làm máy sào và điều khiển rối đều bị trị theo hương ước. Phạt! – Ông Phó đấm mạnh tay xuống sập, mắt long lên như việc bí quyết đã bại lộ đến nơi – Phạt một tạ lợn móc hàm, mười thùng thóc, khai trừ ra khỏi phường và đuổi khỏi làng! Kể cả anh em trong họ tộc. Đối với nghề này các vị hãy nhớ, các cụ xưa có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng ở đây thì “Nước lã” có khi còn hơn cả “Máu đào”. Kì nài mãi, cuối cùng việc anh Hận được nhận vào phường rối của làng cũng được chấp thuận. Họ làm lễ ăn thề. Lễ ăn thề cũng đơn giản. Anh Hận chích đầu ngón tay lấy máu nhỏ vào cốc rượu sau đó dâng lên bàn thờ tổ nghề cùng với trầu cau, hương hoa, giấy tiền. Đợi hết tuần nhang, người trong phường chuyền nhau nhấp mỗi người một ngụm. Người uống đầu tiên là ông Phó Đoan và cuối cùng là anh Hận. Trước khi uống, anh Hận phải quỳ dưới ban thờ đọc lời thề trước sự chứng kiến của các thành viên trong phường. Trong lời thề có đoạn: Nếu để lộ nghề sẽ bị tổ tiên bắt phải chết… Ông Phó ngồi như pho tượng. Thỉnh thoảng nhấp ngụm trà, trán ông chau lại, những nếp nhăn hằn sâu.

Ít ngày sau, Hận và Đào về sống với nhau. Cuộc sống của họ trôi đi như bao cặp vợ chồng khác. Dạo ấy phường rối nước làng Xá nổi tiếng khắp vùng với các trò diễn mà các phường rối khác không thể có được. Vào một dịp Tết Trung thu, làng mở hội lễ thờ tổ nghề. Các đêm diễn mở ra, già trẻ nô nức, làng xa, làng gần kéo về xem hội. Người làng Xá vô cùng khâm phục trước tài nghệ điều khiển rối của Hận và mấy trai làng. Đúng là được cả hai vợ chồng. Khéo ơi là khéo. Nhất là màn “Lân tranh cầu”. Hai con lân nhảy lên từ dưới nước, chúng uể oải trên mặt nước. Bỗng từ dưới một quả cầu đột nhiên nổi lên khiến hai con lân vô cùng thích thú. Cuộc rượt đuổi bắt đầu. Quả cầu lặn xuống, cả hai lặn theo. Rượt mãi không bắt được cầu, hai con lân nằm duỗi chân giả ngủ. Tới khi quả cầu lượn lờ ngay sát bên, chúng  mới chồm lên cướp lấy rồi rẽ nước đi vào buồng trò. Bà con vỗ tay náo nhiệt. Ông Phó Đoan mặt mày hớn hở. Ông như nở từng khúc ruột khi trò diễn mà ông sáng tạo ra thành công đến thế. Ông cũng rất hài lòng với con gái và con rể. Vợ chồng nó làm ông hãnh diện trước dân làng, trước các vị trưởng các phường khác được mời tới dự. Đứa nói, hát hay, đứa điều khiển rối giỏi. Ông mừng thế hệ sau ông chúng nó đã thực hiện được những gì mà ông mong muốn truyền lại. Sau đêm tan hội, có người khách lạ tìm gặp Hận. Không biết họ gặp nhau thế nào mà mấy ngày sau người làng Xá không thấy vợ chồng Hận ở làng. Họ đi đâu không ai biết. Ông Ngôn và ông Phó Đoan như hai kẻ điên. Họ chia nhau, khăn gói đi tìm con. Hướng đi của họ là các làng cặp theo con sông Hồng, nơi nào có nghề rối nước đều được họ đặt chân tới. Vào một đêm, ông Phó Đoan nằm ngủ tại một ngôi miếu cạnh vệ sông, ông chiêm bao thấy có người mặc bộ quần áo gụ, đầu đội nón, tay cầm chú Tễu nói với ông giọng trách móc:

– Nhà ngươi đã đem trứng gửi cho ác. Các ngươi đã làm lộ nghề bí truyền của làng.

Nghe đến đấy ông Phó run lập cập, miệng lắp bắp:

– Xin ông nói hộ sự thể cho con được tường.

– Cái cạn của nhà ngươi không nhìn được xa nên mới dẫn đến tình cảnh này. Chính con rể ngươi đã đem những bí quyết mà ta để lại, dâng cho kẻ đã sinh ra nó – Giọng người trong mộng ủ ê – Thôi về đi! Đừng tìm nữa. Họ đã tốn bao công, rứt ruột gửi đứa con cho người khác máu nuôi chỉ vì việc ấy – Nói xong thì người tan biến như khói hoà vào đêm. Ông Phó bàng hoàng tỉnh giấc, mồ hôi vã như tắm. Vậy là tất cả những gì tổ tiên để lại, tất cả những gì mà thế hệ ông cùng con cháu sáng tạo, giữ gìn đều đã bị đánh cắp. Ông bò dậy rời khỏi ngôi miếu. Rã rượi như tàu lá chuối khô gặp nước. Khoác tay nải trên vai ông bước đi. Dáng ông chuệnh choạng dưới  màn trời đen đặc, gió ù ù.

Mấy tháng sau về đến nhà, ông Phó quẳng chiếc tay nải xuống đất, thả người xuống chiếc sập gụ nơi ông vẫn ngồi họp bàn việc họ, việc phường. Ai hỏi ông cũng không nói gì, chỉ trừng mắt nhìn lên nóc nhà. Thấy ông như thế, vợ con, cháu chắt không ai dám hé răng nửa lời. Sáng hôm sau, ông cho anh con trưởng đi báo cho tất cả những người có vai vế trong họ đến để ông thông báo sự thể mà ông đã chiêm bao thấy. Ông quyết từ bỏ đứa con gái và thằng rể bất hiếu, bất nghĩa. Xong việc, ông trao quyền trưởng phường cho người khác. Ai nấy đều ngậm ngùi đau xót. Ông Ngôn rầu rĩ chẳng khác gì ông Phó. Bỗng chốc ông nhớ lại cái ngày thằng Hận lên ba. Một hôm hai bố con đi chợ, có người đàn bà nhìn thằng bé như muốn vồ lấy nó. Thấy hai bố con ông về, người ấy chạy theo dúi vào tay nó một tấm bánh. Sau rồi còn cho nó bộ quần áo mới, nhuộm nước củ nâu. Người đàn bà vuốt ve thằng bé từ đầu đến chân ôm nó hà hít, luôn mồm khen nó xinh giai. Đúng là họ! Sao mà họ ghê gớm thật! Ông nói nghe như mếu, hai vai ông rung bần bật. Cũng đêm rạng sáng hôm ấy, khi trời còn tối đất, có người đi soi ếch về phát hiện  xác ông Phó Đoan treo lơ lửng trên cây lộc vừng cổ thụ ngay trước đền thờ tổ nghề. Sau lưng ông đeo chú Tễu đang tí toét cười.
*


Dòng sông miên miết chảy. Mùa này mưa nhiều lắm. Nước ở thượng nguồn đổ về ùng ục. Lúc này người đã nằm bò ra bãi cỏ với Tễu, thấy người thở dài thì hỏi:

– Chuyện buồn quá phải không ông?

– Việc ấy xảy ra lâu chưa?

– Đã ngót trăm năm rồi.

– Hề, Vậy là lâu rồi. Vớ vẩn. Vớ vẩn ráo!

– Sao ông nói vậy? Ông không hiểu được đâu. Tôi cũng tiếc lắm.Tôi cũng muốn tôi khác với Tễu bất cứ phường rối nào. Ông biết không? Tôi chính là thằng mà ông lão đeo sau lưng khi chết. Họ chôn ông, còn tôi họ ném xuống dòng sông này đây.

– Câu chuyện sau đó thế nào? – Lặng một lát, người hỏi.

– Nghe đâu sau đó vợ chồng Hận về chịu tang bố trước sự khinh bỉ của mọi người. Rồi  nghề múa rối nước làng Xá đi theo hướng khác. Cũng có người nói, vợ chồng cô Đào không dám về, sợ Hận bị đánh chết.

– Tao thích cái kết lúc đầu, nghe còn có hậu.

Tới đây Tễu ôm mặt cười:

– Người nói hay thật. Kết có hậu ai chả thích, nhưng sự đời nào có cho như thế. Ông thấy rồi đấy, nhẽ ra chúng tôi còn mãi được vùng vẫy dưới nước mà mua vui cho đời. Nhưng trai gái làng nơi tôi sống trước đây cũng như bao làng khác, vì mưu sinh họ kéo nhau đi hết. Họ bỏ ruộng đồng, bỏ luôn cả chúng tôi. Họ đi làm thuê cho các công ty trên thành phố, ở nước ngoài. Khi về làng họ đem theo nền văn minh phương Tây. Họ uống cà phê thay cho chè xanh, nước vối. Họ du nhập cái họ cho là mới mà quên đi chúng tôi, quên đi đời sống văn hoá xưa. Phòng hát Ka ra ô kê mọc lên như nấm thay cho chiếu chèo sân đình, thay cho những đêm hát giã bạn. Những điệu nhạc pốp, rốc, híp hốp  được  tung hô cổ xuý thay cho những làn điệu dân ca. Có khi họ lấy kèn tây chơi dân ca quan họ và cho đó là dân tộc hiện đại. Buồn lắm Người ơi!

– Thế là tốt chứ sao? – Người nói mai mỉa – Đời sống nhân sinh cao mày phải mừng chứ! Còn tiếc nuối gì? Còn buồn nỗi gì?

– Buồn lắm Người ơi! Ông nghe thấy gì không? Tiếng kèn đám ma đang rúc lên ai oán đưa tiễn một chàng trai chưa đầy mười tám tuổi chết vì nghiện ma tuý. Tôi đã trôi dọc con sông này nên tôi biết. Có làng có cả  “hội” những người có vợ đi “Ô sin” ở nước ngoài. Tiền mồ hôi nước mắt, có khi bằng cả máu mà vợ kiếm được, họ ngốn vào cờ bạc, nghiện hút và mại dâm. Kết cục thảm lắm. Còn có làng con gái đua nhau bỏ tiền ra “chạy” để được lấy chồng nước ngoài, mong đổi đời. Chẳng biết số phận họ rồi sẽ ra sao? Hàng ngàn năm, tôi chưa thấy ai lấy chồng kiểu ấy bao giờ. Thương lắm cô Đào ơi! Người còn bảo tôi tiếc gì ư? Tôi tiếc đạo đức văn hóa bản địa thuần khiết. Nó là đời sống thực, cốt cách thực của dân tộc này. Nhưng nay thì sao? Nó đã bị bào mòn, làm giả, lai căng hoặc đánh mất. Hiện đại à? Sao không gắn cho chúng tôi những mạch điện, con chíp và điều khiển như điều khiển rô bốt. Thật nực cười. – Nói rồi, Tễu cười mà nghe như khóc.

Sương đêm ướt đẫm vạt cỏ. Nghe như mơ hồ trên thinh không vọng lại tiếng sáo diều vi vút. Ở làng ven đê có tiếng ru con của người mẹ trẻ. Tiếng ru có đoạn bị át đi bởi tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé. Đã lâu lắm rồi Tễu mới lại được nghe khúc hát ru thế này, nó buồn nhưng thật dễ chịu:

À ời… À ơi…

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Ông ơi, ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng…

Người ôm Tễu định đi tiếp, chợt thấy hai dòng nước ánh lên từ khóe mắt Tễu, người hỏi: Mày khóc đấy à? Không có tiếng trả lời, chỉ thấy Tễu ngửa mặt lên trời. Người lấy ngón tay thô ráp gạt nhẹ dòng nước ứa ra, nhìn kĩ dưới ánh trăng, thấy có màu đỏ.

Sáng hôm sau, những người đi chợ sớm thấy có vết máu rỏ khá dài trên đoạn đê đã láng nhựa. Vết máu còn rong tới một bến sông, chỗ cuối nguồn đổ ra biển thì mất dấu.
Nguồn Văn nghệ số 13/2016

 

 

Exit mobile version