Lại Nguyên Ân: cần quan tâm hơn đến di sản văn học
“Đối với giới nhà văn, mạch đập chính của đời sống văn học là những tác phẩm mới công bố trên báo, nhất là in thành sách, và những phản hồi của dư luận đối với tác phẩm mới ấy. Do vậy, phê bình dễ được xem là hoạt động thường ngày của đời sống văn học, dù rằng những người sáng tác thường xuyên không thỏa mãn với những phản hồi mà phê bình đem lại về các tác phẩm của họ…”, nhưng “đời sống văn học hàng ngày không chỉ có việc phản hồi với sự ra mắt các sáng tác mới, mà còn thường xuyên có sự đọc lại, đọc mới những cái đã từng có, những tác phẩm đã từng xuất hiện sẽ có lúc được nhắc lại, những tác giả đã từng góp mặt trong các thời kỳ…”;
“Chúng ta là những nhà văn, nhà phê bình nghiên cứu Việt Nam, đương nhiên phải chịu trách nhiệm hàng đầu đối với tất cả những gì đã từng được các tác gia người Việt ở mọi thời kỳ lịch sử viết ra, có thể gọi chung đó là di sản văn học của người Việt.”
Nguyễn Văn Dân: không phải các lý thuyết đều có khả năng áp dụng như nhau
“Trong phê bình văn học của Việt Nam ta có thể thấy có hai xu hướng: Một là đánh giá tác phẩm và hiện tượng dựa vào khả năng cảm thụ nhạy bén của người phê bình; hai là dựa vào lý thuyết mỹ học để phán xét giá trị và nhận thức tác phẩm và hiện tượng…”
“Sự lệ thuộc thái quá vào lý thuyết, nhất là những lý thuyết du nhập của nước ngoài, đã làm xuất hiện lối phê bình dựa vào áp đặt định kiến mà không căn cứ vào thực tiễn sáng tác. Ngày nay, tình trạng phê bình lệ thuộc vào lý thuyết và theo định kiến hình như vẫn đang chi phối một bộ phận trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. Việc áp dụng lý thuyết là rất cần thiết, nhưng không phải các lý thuyết đều có khả năng áp dụng như nhau. Khi áp dụng một lý thuyết, chúng ta nên xét xem thực tiễn văn học Việt Nam có phù hợp với lý thuyết đó không, và nếu phù hợp thì phù hợp đến mức nào…
Chẳng hạn gần đây ở Việt Nam, một số tác giả đã đề cập đến nghiên cứu hậu thực dân trong văn học, có ý kiến nói đến triển vọng của nó ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng băn khoăn vì không biết khi nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam thì nghiên cứu vấn đề gì? Thực tế là văn học hậu thực dân trên thế giới đã xuất hiện ở (và đối với) những nước thuộc địa cũ của Pháp, Anh và Mỹ, đó là những nước vẫn còn giữ lại các thiết chế chính trị, văn hóa của “mẫu quốc”, nơi có các vấn đề như: mâu thuẫn giữa các thiết chế với bản sắc dân tộc, tìm lại bản sắc dân tộc sau chế độ thực dân, bởi phần lớn các nước này sau khi độc lập vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp hay Liên hiệp Anh. Trong khi đó, Việt Nam đã giành độc lập bằng cách mạng dân chủ, lật đổ chế độ thực dân, thiết lập chế độ mới với các thiết chế chính trị, văn hóa hoàn toàn mới. Vậy với Việt Nam, vấn đề cần giải quyết là xây dựng nền văn học mới hay văn học hậu thực dân? Tại sao gần 70 năm qua chúng ta không đặt ra vấn đề nghiên cứu hậu thực dân trong văn học mà bây giờ lại đặt ra? Nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam hiện nay, nếu có thì có xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hay là một sự áp đặt của lý thuyết bên ngoài? Việc xác định vấn đề như vậy là rất quan trọng. Ðó là chưa kể nhiều người còn hiểu sai những khái niệm chủ chốt nhất của lĩnh vực nghiên cứu này: hai thuật ngữ tiếng Anh Postcolonialism và Orientalism được dịch là “chủ nghĩa hậu thực dân” và “chủ nghĩa phương Ðông”. Trên thực tế không có “chủ nghĩa” hậu thực dân và “chủ nghĩa” phương Ðông. Postcolonialism chỉ có nghĩa là “nghiên cứu hậu thực dân” (hay “nghiên cứu hậu thuộc địa”); còn Orientalism có các nghĩa: “phong cách phương Ðông”, “phương Ðông học” (hay “nghiên cứu phương Ðông”). Trong các ngôn ngữ phương Tây, hậu tố “ism” trong nhiều trường hợp không có nghĩa là “chủ nghĩa”.
Rồi lại thấy rộ lên câu chuyện văn học nữ quyền. Ở phương Tây, phong trào nữ quyền thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong chính trị – xã hội, như đòi quyền tham gia chính trị của phụ nữ mà ở nhiều nước hiện nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Còn trong văn học, phong trào nữ quyền ở phương Tây hiện nay chủ yếu thể hiện ở việc phát hiện, phục hồi và quan tâm đến tác phẩm của các nhà văn nữ. Vậy với Việt Nam, cũng xuất hiện những băn khoăn: Chúng ta có vấn đề nữ quyền trong một số lĩnh vực xã hội, nhưng trong văn học thì sao? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề gì? Hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử văn học trên cả phương diện đối tượng lẫn chủ thể sáng tác, điều này trên thế giới và ở Việt Nam thời nào cũng có. Nhưng có phải cứ viết về phụ nữ thì là văn học nữ quyền không? Có phải hễ cứ nghiên cứu về phụ nữ trong văn học là phê bình nữ quyền hay không? Thực tế là, phải có vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ thì mới có thể nói tới nữ quyền trong văn học. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có giới thiệu các bài viết của nước ngoài về nữ quyền mà chưa thấy nói văn học nữ quyền ở Việt Nam là gì. Phải chăng vì nó không có vấn đề nên người ta không nói ra, mà không có vấn đề thì không thể nghiên cứu. Như vậy, nếu không xác định được vấn đề thì việc nghiên cứu nữ quyền trong văn học chỉ là gắn một cái “nhãn” mới cho những công việc vẫn làm lâu nay, hoặc là du nhập vấn đề nữ quyền của phương Tây vào nước ta một cách gượng ép. Cái đó trong khoa học người ta gọi là “ngụy vấn đề”. Từ ngụy vấn đề đến ngụy khoa học chỉ là một bước nhỏ, đó là điều cần cân nhắc”;
“Để nâng cao chất lượng hiệu quả của phê bình, việc dựa vào lý luận hay lý thuyết là rất cần thiết, nhưng lý luận phải xuất phát từ thực tiễn sáng tác văn học và trở lại lý giải và phục vụ thực tiễn, không nên gò ép và áp đặt cho thực tiễn. Xa rời thực tiễn sáng tác và áp đặt định kiến lý thuyết sẽ có nguy cơ dẫn đến kinh viện hóa hoạt động nghiên cứu văn học, biến công việc phê bình văn học thành một câu chuyện diễn ngôn thuần túy tư biện”.
Đoàn Ánh Dương: bổ khuyết về mặt nền tảng khoa học cho hoạt động phê bình phổ thông là nhiệm vụ trước mắt của phê bình văn học Việt Nam
“Sự hỗn loạn trong phê bình văn học, sự yếu kém của phê bình văn học, sau lý do tự thân là việc nó từ bỏ những thuộc tính làm nên phẩm chất của nó ở môi trường khoa học Âu Tây, còn xuất phát ở chỗ nó đã bắt mạch không đúng thực tiễn văn học Việt Nam đương đại. Mọi sự sinh thành văn học đều có lý, khoa học văn học phải đi tìm cái lý của sự tồn tại ấy chứ không phải triệt tiêu điều mà nó cho là vô lý hay cứ áp đặt cái lý của nó cho cái nằm ngoài khả năng bao quát. Việc mang quan niệm phê bình văn chương kinh điển vào phê bình văn học phổ thông cho thấy sự lỡ cỡ này. Sự bổ khuyết về mặt nền tảng khoa học cho hoạt động phê bình phổ thông, vì vậy, là cần thiết và hữu ích. Và đó là nhiệm vụ trước mắt của phê bình văn học Việt Nam. Và để thực hiện điều đó, ý thức về bản chất, vai trò và vị trí của phê bình văn học và nhà phê bình phải được đặt lên một cách nghiêm túc, riết róng.”
Nguyễn Đăng Điệp: từ 1993 đến nay hoạt động phê bình trở nên trầm lắng hơn
“Trước khi nói đến thực trạng ‘cầm chừng’ và ‘èo uột’ của phê bình hiện nay, cũng cần phải nhìn thấy những thành tựu không thể phủ nhận trong diễn trình phê bình văn học Việt Nam sau 1986. Từ cái nhìn mang tính phân kỳ, có thể thấy phê bình văn học thời kỳ đổi mới được chia thành hai chặng. Chặng thứ nhất, diễn ra trong khoảng sáu năm, từ 1986 – 1992. Đây là giai đoạn hoạt động phê bình diễn ra đặc biệt sôi nổi. Tâm lý và khát vọng đổi mới bao trùm xã hội, tinh thần ‘nhìn thẳng vào sự thật’ đã kích hoạt trạng thái và tâm lý phê bình của đội ngũ cầm bút. Nhưng ở chặng thứ hai (từ 1993 đến nay), hoạt động phê bình trở nên trầm lắng hơn. Đã bắt đầu xuất hiện thuật ngữ (hậu) đổi mới để chỉ giai đoạn văn học này. Ý thức đổi mới phê bình văn học vẫn tiếp tục, nhưng chủ yếu diễn ra ở chiều sâu, trong sự tương tác của diễn ngôn trung tâm và ngoại vi. Dù có những thăng trầm, nhưng có thể khái quát sự thay đổi tích cực của lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới thể hiện qua ba phương diện cơ bản.
Thứ nhất, sự thay đổi trong nhận thức về bản chất và đối tượng của phê bình. Nếu như trước đây, nhiệm vụ của phê bình là “cái roi quất cho con ngựa sáng tác lồng lên” thì trong giai đoạn đổi mới, phê bình được coi là một hoạt động sáng tạo, là sự phân tích, đánh giá giá trị văn học trên tinh thần nhân văn hiện đại. Nhận thức mới về bản chất và đối tượng của phê bình cũng tác động trở lại đội ngũ quản lý văn học nghệ thuật, giúp các nhà quản lý chú ý hơn đến những đặc trưng và quy luật nội tại của phát triển văn học. Định hướng văn học của các cơ quan quản lý văn nghệ không thể thay thế cho hoạt động sáng tạo của những cá thể cầm bút mà chủ yếu, tạo điều kiện cho sự phồn vinh của văn học.
Thứ hai, ý thức và tư duy phê bình có những đổi mới đáng chú ý: nhà phê bình không sắm vai rao giảng các luân lý xã hội, mà thực sự đồng hành với nhà văn, văn bản phê bình phải là văn bản mang tính sáng tạo, có ý nghĩa khơi mở những vấn đề quan trọng của đời sống văn học.
Thứ ba, sự thay đổi diễn ngôn phê bình. Nếu làm phép so sánh diễn ngôn phê bình văn học giai đoạn 1945 – 1985 với phê bình văn học thời kỳ đổi mới chúng ta sẽ nhận ra sự thay đổi này. Diễn ngôn phê bình không đơn giản là lối viết mà còn thể hiện sự lựa chọn, chịu sự quy định khung tri thức của thời đại. Tinh thần đối thoại trong văn học và trong diễn ngôn phê bình được đề cao. Đây là mặt tích cực do ảnh hưởng của môi trường tinh thần xã hội thời kỳ đổi mới tác động đến văn học và phê bình”.
Hà Minh Đức: phê bình văn học trôi dần về nghiên cứu văn học
“Hoạt động lý luận phê bình có một vị trí quan trọng, trực tiếp thể hiện những đường lối, những quan điểm về văn học, nghệ thuật của Đảng, vừa góp phần khẳng định những giá trị chân thiện mỹ của tác phẩm văn nghệ và quảng bá với bạn đọc trong và ngoài nước những giá trị văn học qua các thời kỳ. Quan niệm “phê bình cần như ngọn roi quất cho con ngựa sáng tác lồng lên” là một quan niệm không thích hợp và thiếu thân thiện. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “anh quất roi tôi thì tôi đá, bên quất bên đá nào ai chịu thua ai”. Phê bình và sáng tác là những người bạn đồng hành, hỗ trợ nhau, thay thế nhau góp phần để tìm đến những chân lý, những giá trị của văn nghệ cách mạng. Lý luận phê bình cũng phải góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong văn nghệ. Chúng ta đã có một mặt bằng sáng tác khá cao nhưng chưa có những đỉnh cao vượt lên. Nguyên nhân nào là khách quan, là chủ quan cần được khắc phục. Nhiều sáng tác nổi lên một thời nhưng mau chóng bị lãng quên. Làm sao để tác phẩm văn nghệ có một giá trị bền vững, lâu dài, được quần chúng yêu thích.
Từ lâu tôi đã không tham gia công tác phê bình mà thiên về nghiên cứu. Phải chăng đó cũng là nét chung của những người hoạt động lý luận phê bình”.
Văn Giá: chúng ta đang chứng kiến có một sự tiếp nối thế hệ phê bình
“Chúng ta đang có một nền PBVH từ chỗ mang tính tập trung chuyển mạnh mẽ sang nền phê bình mang tính phân hóa cao. Phân hóa trong đội ngũ: với nhiều lứa tuổi khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, quan niệm về văn chương khác nhau, thị hiếu thẩm mỹ cũng đa dạng khác nhau. Phân hóa trong phương pháp phê bình (sẽ nói ở phần sau). Phân hóa trong lối viết và phong cách. Điều này, khác xa với thời những năm chống Pháp và Mỹ. Lúc ấy, phần lớn đội ngũ những người làm PBVH tự nguyện đứng trong đội ngũ những nghệ sĩ- chiến sĩ, góp tiếng nói vào sự nghiệp cách mạng chung. Chính vì thế, cũng như sáng tác văn học, nền phê bình nặng về minh họa nhiệm vụ chính trị của văn học, mà ít quan tâm và coi trọng chất lượng nghệ thuật của văn học. Tuy nhiên, ngay lúc ấy, thỉnh thoảng cũng có những tiếng nói phê bình vì những lý do khác nhau đã đứng chệch ra khỏi đội hình ấy. Thế là, tương tự đời sống sáng tác văn học, dẫu không rõ rệt bằng, lĩnh vực PBVH cũng hình thành hai bộ phận: trung tâm và ngoại biên, và hai bộ phận này có một diễn tiến quan hệ tương tác hết sức phức tạp. Tuy nhiên, đây là nội dung của một chuyên đề khác. Tôi chỉ nói rằng, ngày nay, tình hình diễn ra bề bộn hơn thế. Nó không hình thành theo cái cách trung tâm/ ngoại biên một cách rõ rệt nữa (mặc dù có thể vẫn có những mong muốn nào đó), mà nó diễn ra theo cách những nỗ lực của các cá thể độc lập….”
“Ngày hôm nay, chúng ta đang chứng kiến có một sự tiếp nối thế hệ. Thế hệ phê bình trưởng thành sau 1975 đang xuất hiện một cách chắc chắn, khắc phục những hạn chế mà thế hệ trước họ, trong đó có chúng tôi mắc phải. Họ đang trình hiện những lối viết và ứng xử phê bình chững chạc, tin cậy, với nhiều hy vọng. Tôi không thuộc phía bi quan trước tình hình PBVH hiện nay.”
Nguyễn Văn Hạnh: lý luận phê bình cần cho nhà văn một phần, nhưng cần cho công chúng rộng rãi, cho xã hội nhiều hơn
“Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học thì người làm phê bình phải có hiểu biết rộng rãi và sâu sắc về sinh hoạt văn học phong phú và đa dạng đang diễn ra trên cả nước, khen chê có chủ kiến, có căn cứ, có sức thuyết phục; mà lý luận cũng cho ra lý luận, tránh tình trạng lý luận thuần túy, lý luận suông, lý luận chỉ vì lý luận, chẳng gắn gì với thực tiễn văn học, với cuộc sống, với tư tưởng của thời đại. Về lý luận phê bình cũng nên tránh thái độ thụ động, lệ thuộc quá mức vào lý luận văn học hiện đại phương Tây, mà không chú ý, không nghiên cứu thấu đáo truyền thống, thành tựu, đặc sắc lý luận phê bình của ông cha ta và của phương Đông.
Lý luận phê bình cần cho nhà văn một phần, nhưng cần cho công chúng rộng rãi, cho xã hội nhiều hơn. Do đó, phải biết chú trọng đến những vấn đề gì công chúng quan tâm, và có cách nói, cách diễn đạt sao cho phù hợp, cho người ta thông cảm được, hiểu được. Những mục tiêu lớn chi phối hoạt động văn học nghệ thuật và hoạt động của con người nói chung là chân, thiện, mỹ…. Thỉnh thoảng tôi hay nghĩ đến lời trách cứ của Hoài Thanh, rằng nhiều anh em làm lý luận phê bình thích dùng, thích sáng tạo nhiều khái niệm mới, thuật ngữ mới mà chỉ có mình hoặc một nhóm nhỏ bạn bè hiểu nhau mà thôi, “nói tiếng lóng với nhau”. Đọc một số bài viết lý luận phê bình gần đây, tôi thấy căn bệnh ấy vẫn còn đấy.”
Trần Thiện Khanh: Tôn trọng sự đa dạng, dân chủ, tự do trong phê bình
“Trong đời sống hiện thời có ba cơ chế phê bình, ba kiểu phê bình văn học. Ứng với nó là ba kiểu tác giả, ba phương pháp phê bình: phê bình chuẩn hóa, phê bình phản tư, phê bình truyền thông. Sự xuất hiện của ba cơ chế phê bình hiện thời là có tính tất yếu trong một nền văn học:
– Thứ nhất, gắn với chính trị, nhà nước;
– Thứ hai, gắn với công cuộc đổi mới – cởi trói;
– Thứ ba, gắn với bối cảnh giao lưu, hội nhập, quốc tế hóa;
– Thứ tư, gắn với cuộc cách mạng Internet, với thời đại truyền thông.
Để nhìn rõ thực trạng và có thể đề xuất được những biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học trước hết cần mô tả đúng về ba cơ chế này, tức là phải mô tả khách quan các nguyên tắc, cách thức tổ chức, hoạt động, vận hành của phê bình và sản phẩm do phê bình tạo ra.
Bàn về nâng cao chất lượng hiệu quả của phê bình không thể nói chung chung, đồng nhất, mà phải tính đến sự đa dạng, sự phân hóa, tính đặc thù của mỗi khu vực phê bình, cơ chế phê bình khác nhau; nghĩa là phải xét đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng của riêng từng cơ chế phê bình. Không thể lấy yêu cầu mục đích, quan niệm, chức năng, cách làm, tiêu chuẩn đánh giá của kiểu phê bình này áp đặt lên kiểu phê bình khác, nhằm tạo thành một nền phê bình một giọng điệu, không có đối thoại, không có tiếng nói, lời nói của kẻ khác. Cần tôn trọng sự tồn tại của ba cơ chế phê bình hiện thời như là tôn trọng những tiếng nói, những quan điểm, tư tưởng khác nhau, phương pháp và mục đích làm lý luận phê bình khác nhau. Tôn trọng sự đa dạng, dân chủ, tự do trong phê bình. Đó là tiền đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học.”
Phong Lê: các ông chủ báo, các nhà báo, và các biên tập viên báo chí trở thành các vai diễn quan trọng trong đời sống phê bình
“Tôi đã trình bày một thực trạng không lạc quan lắm, theo cách nhìn của tôi. Đó là – do sự phát triển của báo chí lên đến nhiều trăm tờ thuộc đủ các loại: báo in, báo hình, báo mạng… thì mặc nhiên phê bình báo chí được đưa lên hàng đầu. Dẫu chuyên hoặc không chuyên, việc thông tin về hoạt động văn học – nghệ thuật cũng là một nhu cầu chung, phổ biến của xã hội; và do vậy cũng là đối tượng cho các loại báo chí quan tâm. Điều đó khiến cho các ông chủ báo, các nhà báo, và các biên tập viên báo chí trở thành các vai diễn quan trọng trong đời sống phê bình. Phải qua họ, hoặc nhờ vào họ mà một tác giả, hoặc một tác phẩm nào đó mới đến được với quần chúng, qua kênh truyền thông, trước khi có sự bàn bạc, thẩm định của các giới chuyên môn, nếu như đó là một sự kiện, hoặc một hiện tượng có vấn đề…
Là báo chí nên bài vở thường phải ngắn, và nội dung được đề cập chủ yếu là những vấn đề thích hợp với đời sống chính trị, xã hội, hoặc một câu chuyện giật gân nào đó nhều hơn là đời sống văn chương, là câu chuyện thuần túy văn chương. Việc bàn thảo chung quanh một tác phẩm hay, có chuyện để bàn, cần cho sinh hoạt học thuật do vậy bỗng trở nên hiếm, kể cả trên các báo của Hội nghề nghiệp hoặc các viện nghiên cứu. Và đó, chính là nguyên cớ cho sự im lặng, tẻ nhạt của đời sống phê bình.
Như vậy có thể nghĩ: đây là thời phê bình báo chí làm nên gương mặt chủ đạo, có tác dụng thay thế hoặc lấn án phê bình chuyên nghiệp. Đó là tình hình hoàn toàn khác so với trước đây, kể từ 1945 cho đến 1990, khi Đất nước đang đổi mới, chuẩn bị bước vào hội nhập. Nhưng phê bình chuyên nghiệp là ai, ở thời điểm hôm nay, thì cũng rất khó tìm. Có thể nghĩ đến một lực lượng viết, gồm nhiều thế hệ, công tác ở các viện nghiên cứu và các khoa văn hóa, văn học, khoa học xã hội và nhân văn ở Đại học? Nhưng xem ra họ chỉ làm bằng tay trái; và hiệu quả nếu có cũng không thể rộng rãi, mà chỉ giới hạn trong đời sống học đường. Ngoài hai loại đó, cùng với lực lượng làm báo, viết báo như đã kể trên, không biết cái gọi là phê bình chuyên nghiệp nằm ở đâu, có dạng hình thế nào? Và nếu không tìm thấy thì đó là chuyện tự nhiên hoặc có gì là bất thường?”
Phạm Xuân Nguyên: phê bình dịch thuật văn chương chưa được chú ý đúng mức và chưa được chuẩn bị, đầu tư kĩ càng
“Tác phẩm dịch, cũng như tác phẩm viết, nằm trong quá trình gồm ba khâu: người dịch – người biên tập – người đọc (phê bình). Nhưng bản dịch còn khó hơn một bậc so với tác bản ở chỗ nó là con đẻ của hai thứ ngôn ngữ khác nhau. Nó đòi hỏi người dịch và người biên tập ngoài chuyện thạo giỏi tiếng mẹ đẻ còn phải biết ngoại ngữ, điều này tất nhiên rồi, nhưng cả ở người đọc nếu có biết ngoại ngữ thì tốt, không thì cũng am hiểu ít nhiều về dịch thuật nếu như muốn lên tiếng phê bình bản dịch là bị sai hay bị lỗi.
Trên thế giới về dịch thuật nói chung và dịch thuật văn chương nói riêng từ xưa tới nay đã có nhiều lý thuyết và nhiều trường phái. Ở ta lý thuyết dịch chỉ rất gần đây mới có vài ba cuốn sách của tác giả nước ngoài được dịch ra, còn như các trường lớp dạy cách dịch thì chưa có. Vì vậy mà khi bàn đến một trường hợp nào đó của một bản dịch thì người ta thường nói theo cảm tính, thói quen để cho là sai lầm, “thảm họa”, mà ít phân tích, chứng minh thuyết phục về mặt khoa học dịch….”
“Phê bình dịch thuật văn chương đang rất cần thiết nhưng hiện nay chưa được chú ý đúng mức và chưa được chuẩn bị, đầu tư kỹ càng. Tình hình đó làm cho thực trạng dịch văn chương của ta nhiều khi bị gây nhiễu rối loạn không đáng có vì những ý kiến quy chụp, phê phán nặng nề từ những sai khác thông thường thay vì trao đổi, thảo luận trên tinh thần cầu thị cho những bản dịch tốt đem lại cho văn chương Việt Nam những đóng góp cả về nghệ thuật và ngôn ngữ trong tiếng bản ngữ. Phê bình dịch thuật văn chương không chỉ và không hẳn là góp ý, sửa chữa những lỗi sai, mà quan trọng hơn nữa là phân tích, đánh giá, biểu dương những bản dịch tốt, dịch hay, những dịch giả có công lao bắc những nhịp cầu qua các biên giới quốc gia, dân tộc. Các dịch giả văn chương đúng là những “con ngựa thồ văn hóa”.
Lã Nguyên: phê bình văn học hiện nay cũ kỹ, già nua
“Trong mấy năm gần đây, nhờ nỗ lực không mệt mỏi của các cá nhân và tập thể, nhất là nhờ các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở có đào tạo ngành văn, nhiều hệ thống lí luận văn học hiện đại đã được dịch sang tiếng Việt, hoặc giới thiệu với đông đảo độc giả. Chúng ta không thiếu những nhà nghiên cứu, phê bình xuất sắc, nhất là ở đội ngũ những cây bút trẻ. Nhiều nhà phê bình có tên tuổi đã ứng dụng thành công tư tưởng lí thuyết tiếp thu từ các nguồn khác nhau để tạo ra những công trình nghiên cứu thu hút được sự chú ý của người đọc. Tuy nhiên, ấn tượng đậm nét mà nghiên cứu, phê bình đương đại Việt Nam để lại trong tôi vẫn là cảm giác về sự cũ kĩ, già nua. Sự già nua, cũ kĩ này biểu hiện ngay ở hình thức thể loại và nội dung của các công trình nghiên cứu đã được công bố, xuất bản.
Rất dễ nhận ra, hầu hết các bài phê bình được công bố trên báo và tạp chí thường được viết theo hai thể chính: điểm sách và khắc hoạ chân dung nhà văn. “Điểm sách” không chỉ là thể phê bình phổ biến của báo chí, mà còn xuất hiện đầy ắp trong các tạp chí khoa học lớn. Từ hàng mấy nghìn bài viết in trên tạp chí “Nghiên cứu văn học” trong suốt 40 năm (1960 – 1999), tôi chỉ lọc ra được vài chục công trình có đụng tới các vấn đề khoa học mang tính quốc tế. Nhưng chỗ nào tôi cũng bắt gặp những bài viết, tỉ như “Sáng tác của Lê lựu”, “Đọc một số vở kịch Sài Gòn”, “Đọc Ánh sáng cây đèn biển, “Qua một số tiểu thuyết về công nghiệp trong mấy năm gần đây”, “Về đề tài công nghiệp với các cây bút trẻ trong hàng ngũ công nhân”… Loại bài vô thưởng vô phạt theo kiểu “Thử bàn…”, “Thử nghĩ…”, “Mấy vấn đề…” nhiều không kể xiết. Các sách giáo khoa, giáo trình dành cho phổ thông và đại học thường phân tích tác phẩm, hoặc sáng tác của tác giả theo dàn bài đơn giản: giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, mấy đặc điểm nghệ thuật… Những bài viết hay nhất, tài hoa nhất của phê bình văn học Việt Nam hiện nay chủ yếu là những công trình mô tả phong cách cá nhân và khắc hoạ chân dung tác giả. Đây là hai thể phê bình phổ biến của phương Tây ở thế kỉ XIX, được du nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX qua đội ngũ trí thức Tây học, rồi được nhiều thế hệ nối tiếp nhau trân trọng lưu giữ, cẩn thận trau chuốt, bảo quản cho tới tận bây giờ.
“Sự già nua, cũ kĩ của nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam có cơ sở ở khung tri thức và mô hình lí thuyết mà cho đến nay chúng ta vẫn sử dụng để cắt nghĩa văn học và giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng. Môn triết học vẫn tiếp tục truyền cho sinh viên niềm tin hồn nhiên vào một thế giới hiện hữu như vốn dĩ, phi kí hiệu học, tồn tại độc lập với ý thức con người. Những người làm công tác văn học ở ta vẫn chưa thoát được ra ngoài cái khung tri thức truyền thống. Lí thuyết văn học phản ánh hiện thực có nguồn cội từ thời cổ đại, được đưa vào Việt Nam từ những năm 60 của thế kỉ trước, đến nay, vẫn được giữ nguyên trong giáo trình Lí luận văn học ở bậc đại học (xem: Lí luận văn học – Văn học. Nhà văn. Bạn đọc. T.1. Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2009). Hầu hết giáo viên phổ thông, nhiều giảng viên đại học và đa số cây bút phê bình vẫn mải miết tìm nghĩa, thành tâm tin rằng “cái có thật”, “sự thật” và “cái biểu đạt Siêu việt” vẫn tồn tại đâu đó ở bên trong, hoặc bên ngoài văn bản.
Tiếng vọng của các mệnh đề “bước ngoặt ngôn ngữ”, “bước ngoặt diễn ngôn”, “cái chết của tác giả”, “sự sụp đổ của các đại tự sự”, “tâm thức hậu hiện đại” … đã dội vào Việt Nam, nhưng đại bộ phận giới nghiên cứu, phê bình văn học hình như vẫn chỉ nghe thanh âm vang dội ấy như “gió thoảng ngoài tai”…
Cho nên, đã đến lúc cần đổi mới khung tri thức và mô hình lí thuyết của các ngành nhân văn học nói chung, ngữ văn học nói riêng. Đổi mới mô hình lí thuyết và khung tri thức là nhu cầu bức thiết và là cơ sở để nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học.”
Nguyễn Hữu Sơn: chất lượng nền lý luận, phê bình văn học vẫn chưa cao
“Thực trạng tình hình lý luận, phê bình văn học nói chung đang diễn ra như thế nào? Liệu có phải chúng ta đang khủng hoảng về lý luận, loạn chuẩn, và rối loạn tiêu chí đánh giá? Và bản thân đời sống phê bình văn học đang trong tình trạng “ngái ngủ”, “vũng ao tù” hay thực sự đã diễn ra sôi nổi, khơi gợi tranh luận và tạo được dư luận rộng rãi, cả ở phía sáng tác, và người đọc? Trên thực tế, điều này không cần chứng minh, bởi lẽ trên các trang báo vẫn có bình điểm văn thơ và các tác phẩm vẫn được giới thiệu một cách trang trọng như nó cần phải thế. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cứ có tiền là in, có được nguồn tài trợ là in, có được đối tác bao tiêu – phát hành là in… Mặt khác, có thể nói hoạt động lý luận, phê bình văn học hiện nay chủ yếu diễn ra trong giới chúng ta, giữa chúng ta với nhau, khó có thể báo động giả hay lên giọng quy kết cho một ai đó.”
“Quả thực trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và đầu tư kinh phí mạnh mẽ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung, trong đó có lý luận, phê bình văn học. Thế nhưng, tại sao chất lượng nền lý luận, phê bình văn học vẫn chưa cao, vẫn chưa đạt như mong muốn. Theo tôi có ba lý do. Thứ nhất, chưa tạo được cơ chế phù hợp trong mối quan hệ giữa định hướng lý luận, phê bình văn học với lý luận phê bình văn học định hướng (nặng về quản lí hành chính, tư duy lãnh đạo, hình thức chủ nghĩa…). Thứ hai, người làm lý luận, phê bình quá “khôn”, quá “tỉnh” (chưa tạo điều kiện cho những tiếng nói trung thực, sự dấn thân cho cái mới chân – thiện – mỹ, thiên về quy chụp mà thiếu trao đổi, tranh luận, thiếu tạo dựng trường phái mở đường cho cái mới, cái tiến bộ phát triển…). Thứ ba, việc đầu tư kinh phí thiếu hiệu quả (nặng về định hướng chung, vĩ mô, nhẹ ở các đề tài cụ thể, chuyên sâu, trực chiến, trực diện và còn nhiều đề tài ‘đắp chiếu’, không chú ý đến “đầu ra”…).
Trần Đình Sử: nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện nay chưa chỉ rõ bức tranh các khuynh hướng văn học Việt Nam hiện đại đầy đủ, có hệ thống
“Một nhược điểm của phê bình văn học Việt Nam là chỉ quan tâm tác giả, tác phẩm, bình điểm các hiện tượng văn học cụ thể mà ít quan tâm nghiên cứu phân tích, phân hóa các khuynh hướng văn học, cung cấp bức tranh về động hướng văn học đang đi từ đâu đến đâu. Thỉnh thoảng cũng có một số công trình tổng kết, song thiên về mô tả phong trào. Từ thời giữa những năm 80 chúng tôi vận dụng các khái niệm của nhà lí luận Nga Pospelov, cho rằng văn học sau 1975 có khuynh hướng phi sử thi hóa, thế sự hóa và đời tư hóa. Cách phân biệt khuynh hướng ấy vẫn còn được vận dụng, gắn với quan niệm về sự giải thiêng, giải huyền thoại, khuynh hướng thế tục hóa văn học, khuynh hướng biểu hiện chấn thương tinh thần. Các khuynh hướng ấy có cái chung với khuynh hướng văn học thuộc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sau một cơn biến động lớn. Tuy vậy trong thời hội nhập quốc tế các khuynh hướng văn học phương Tây ảnh hưởng đến văn học Việt Nam như thế nào? Trước đây nhà phê bình Trần Thị Mai Nhi cũng có công trình Văn học hiện đại, văn học Việt Nam giao lưu gặp gỡ, 1994, nghiên cứu khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam, song thời gian bao quát suốt cả thế kỉ XX, thiên về so sánh nhiều hơn là miêu tả khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam. Một dấu hiệu đáng mừng là gần đây trong một số bài nghiên cứu, nhà phê bình văn học Lã Nguyên đã nêu khuynh hướng (đúng hơn là những dấu hiệu) hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại có sức thuyết phục. Khuynh hướng hậu hiện đại đã được phân tích cụ thể trong các biểu hiện của nó. Chúng ta đã khẳng định tinh thần và thành tựu của văn học thời kì Đổi mới. Nhưng “Đổi mới” là một khái niệm mơ hồ, mới thế nào, theo những khuynh hướng nào thì chưa hề phân hóa. Thực ra “Đổi mới” có nhiều khuynh hướng chứ không đơn nhất như ta tưởng ban đầu. Việc chỉ ra khuynh hướng hậu hiện đại cho thấy một dấu hiệu rõ nét trong đó. Ngoài ra tất còn có những khuynh hướng văn học khác nữa. Chỉ xin lưu ý rằng, chừng nào chúng ta chưa tách được các khuynh hướng ấy ra, chưa đặt tên cho nó thì các khuynh hướng ấy vẫn chưa được hiện diện. PGS.TS Nguyễn Văn Dân có nhận xét đáng chú ý, đó là tình trạng lãng quên ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam. Vậy có khuynh hướng văn học hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam đương đại không cũng là vấn đề đang cần làm rõ. Trong một số bài viết công phu của ông ta thấy ông nêu nhiều ví dụ ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc, hội họa, văn học trong suốt thế kỉ XX, nhưng xác định một khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam đương đại thì ông chưa làm. Phải chăng khi nhà văn Việt Nam tiếp cận được văn học hiện đại chủ nghĩa thì trào lưu ấy trên thế giới đã bị trào lưu hậu hiện đại bỏ qua, vì thế mà ở Việt Nam không thành khuynh hướng nữa? Một nền văn học không chỉ có các tác giả và tác phẩm, mà còn có các khuynh hướng tồn tại song song hay nối tiếp nhau. Thiếu sót nghiêm trọng của nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện nay là chưa chỉ rõ bức tranh các khuynh hướng văn học Việt Nam hiện đại đầy đủ, có hệ thống.”
Minh Đức tổng thuật
Nguồn: Toquoc