Trong các ngày từ 9 đến 13- 7- 2012, tại Ninh Bình, đã diễn ra lớp tập huấn công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật các tỉnh phía Bắc do Hội đồng lý luận phê bình văn học Trung ương tổ chức. Các vấn đề thời sự của phê bình văn học đã được đặt ra thẳng thắn và rốt ráo tại lớp tập huấn .

PV VNT đã lược ghi những ý kiến bổ ích này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt nam: Thiếu tri ân, tri kỷ giữa sáng tác và phê bình văn học.

Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình chưa được đào tạo chuyên môn, Hội cũng chưa tạo điều kiện nhiều cho họ hiểu biết tình hình văn học và lao động nhà văn. Các nhà sáng tác nhìn chung chưa theo theo kịp với đời sống, chưa hiểu được bản chất những thay đổi chưa từng có đang diễn ra. Lớp già chủ yếu trở lại với hai cuộc kháng chiến và về đề tài lịch sử. Lớp trẻ thì chủ yếu đi vào đời sống ngày hôm nay nhưng vẫn còn khá tản mạn. Nền tảng văn hóa còn thấp. Xuất hiện thì lóe sáng nhưng sớm lặp lại mình và lặp lại người khác. Dễ dãi, vừa lòng với các giá trị trung bình, chạy theo số lượng. Tác động của thị trường là vô cùng tinh vi và mạnh mẽ. Trong khi đó nhuận bút thấp, đời sống khó khăn, không có đủ điều kiện để làm lâu làm kỹ các sản phẩm tinh thần. Văn hóa đọc bị lấn sân. Thị trường sách bị co hẹp chưa từng có.

Tiếp thu, phổ biến quảng báo ồn ào một số quan điểm nghệ thuật của nước ngoài, thiếu phân tích làm rõ hay dở, vô tình làm bản sao của người khác. Chưa xây dựng được hệ giá trị mới, dẫn đến lệch chuẩn lạc chuẩn, hỗn loạn thước đo và chuẩn mực. Phê bình không bao quát được tình hình sáng tác. Thành kiến, phân biệt đối xử, chỉ đọc một số đối tượng, tác giả phù hợp với sở thích của mình, dù có non yếu cũng không tiếc đắp đầy những lời khen. Ngược lại bỏ qua, xem thường những nhà văn lớp trước, không đọc, không tìm hiểu, định kiến sẵn đã già đi liền với bảo thủ, lạc hậu. Các ý kiến về đổi gác, bàn giao thế hệ là vô cùng xa lạ đối với đời sống văn học. Xuất phát từ một số lý thuyết khung có sẵn, chăm chăm tìm đọc các tác phẩm xem có phù hợp với cái khung đó hay không, biến phê bình văn học với biết bao công phu, tinh tế thành những thao tác cơ giới, gò gẫm, giả tạo nghèo nàn. Thiếu thẳng thắn, thiếu dũng cảm đưa ra các lời chê, né tránh, cầu an, tìm lời khen để vui lòng người mà cũng yên thân. Có nghịch lý là ai cũng bảo hiếm thấy tác phẩm hay nhưng trên mặt báo lại ngập tràn những lời khen. Trình độ chuyên môn sâu về sáng tác bị hạn chế. Nhà phê bình chưa hiểu hết quy luật của sáng tác, gửi gắm của nhà văn. Cho nên họ chê và khen, nhà văn chưa phục, chưa đắc ý. Thiếu tri ân, tri kỷ giữa sáng tác và phê bình.

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng – nguyên Viện trưởng Viện Văn học: Cần hay không cần có chiêu thức phê bình?

Từ sự nhận thức khác nhau về bản chất, đối tượng của phê bình hình thành nên các trường phái phê bình, các khuynh hướng phê bình khác nhau. Mỗi trường phái, mỗi trào lưu đều có số phận lịch sử, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng đến đời sống và lịch sử văn học.

Để nâng cao chất lượng phê bình, người làm phê bình cần nắm được đặc điểm của mỗi khuynh hướng, trường phái và xác định mình thuộc(theo) trường phái nào.

Trong đời sống văn học Việt Nam đương đại, những năm gần đây xuất hiện các kiểu phê bình được định danh là: Phê bình xu phụ, phê bình vụ lợi, phê bình cánh hẩu, phê bình đao búa, phê bình quy chụp…. Thực ra đó chỉ là các phong cách phê bình, các dạng biểu hiện khác nhau của động cơ phê bình chứ chưa thể là khuynh hướng hay trường phái phê bình theo đúng nghĩa của nó.

Có một vấn đề đặt ra hiện nay đó là: Cần hay không cần có chiêu thức phê bình? Trong thực tiễn phê bình văn học của ta những năm gần đây, đã có nhà phê bình tuyên bố không cần chiêu thức gì vẫn có thể phê bình được, thậm chí hơn cả những người có chiêu thức (vô chiêu thắng hữu chiêu). Sự thực không phải như vậy. Đọc các tác phẩm phê bình của Hoài Thanh dễ lầm tưởng chỉ cần có khiếu cảm thụ tinh tế cộng với các yếu tố xúc cảm chủ quan là đủ để phê bình (phê bình nghệ thuật). Ngược lại đọc các tác phẩm phê bình của Trương Tửu lại dễ lầm tưởng chỉ cần có kiến thức và tư duy khoa học khách quan là đủ để phê bình (phê bình khoa học). Song thực chất là cần cả hai. R. Barthes cho rằng : Trong một trường hợp cụ thể, phê bình còn khó hơn là sáng tạo ra tác phẩm. Ý kiến có thể cực đoan nhưng phần nào cho thấy bản chất của phê bình và các yêu cầu đặt ra khi tiến hành phê bình một tác phẩm văn học cụ thể.

Với một công việc và một đối tượng như vậy không thể không có chiêu thức. Dù là phê bình khoa học hay phê bình nghệ thuật, phê bình chủ quan hay khách quan, thì vẫn cần phải dựa trên hệ thống các thao tác, chiêu thức, bài bản nhất định chứ không thể là vô chiêu. Vô chiêu chỉ có thể đẻ ra lối phê bình tài tử, cảm tính.

TS. Lê Thành Nghị- Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình, Hội nhà văn Việt Nam: Phê bình văn học không theo kịp đời sống văn học.

Phê bình văn học trong những năm qua đã không theo kịp đời sống văn học. Thực tiễn sáng tác phong phú, đa dạng và phức tạp, đan xen những cái tốt, cái tiến bộ và cả những cái xấu, cái lạc hậu cần biểu dương, khẳng định cũng như cần phân tích, phê phán, nhưng tiếng nói của phê bình không kịp thời, không mạnh mẽ, nếu không muốn nói là đang né tránh. Thiếu những bài mang tính học thuật cao, phân tích một cách khoa học những tác phẩm xuất sắc cũng như phê phán không khoan nhượng những biểu hiện lệch lạc dưới nhiều hình thức của đời sống văn học. Có thể nói phê bình thiếu tính chiến đấu.

Phê bình văn học đang nặng tính nghiệp dư. Ít có những bài viết có chất lượng cao, ngược lại đa số là những bài đọc sách yếu về tầm khái quát, thiếu tính lý luận chuyên sâu. Những tác giả của những bài đọc sách này thường là những phóng viên văn hóa ở các báo, làm tay trái, cốt để có bài.

Đội ngũ những người làm công tác phê bình văn học vừa yếu vừa thiếu cây bút uy tín hoặc đã cao tuổi , hoặc chuyển sang làm những công việc khác như nghiên cứu, biên khảo của các dự án khoa học. Không có sự kế thừa đội ngữ. Không có những cơ sở đào tạo uy tín. Đội ngũ những người làm phê bình xưa nay vẫn hình thành tự phát. Hiện tại khoa học xã hội và nhân văn nói chung, phê bình văn học nói riêng đang thiếu sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ.

Có tình trạng loạn chuẩn, thiếu một chuẩn mực, hoặc xa rời các tiêu chí chân – thiện – mỹ trong khi đánh giá tác phẩm. Thiếu một nền tảng lý luận, một tư tưởng nghệ thuật chủ đạo. Từ đó gây nên những mâu thuẫn trong nhìn nhận cụ thể (trường hợp Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu).

Nguyên nhân của tình trạng trên là bởi: Cơ thế thị trường ngày càng đẩu văn học ra khu vực ngoại biên, nhường chỗ trung tâm cho kinh tế. Những giá trị tinh thần trong đó có văn học đang không được nhìn nhận, đánh giá đúng mức, từ đó không có những thay đổi chế độ chính sách để có những khuyến khích cần thiết đội ngũ người làm công tác phê bình văn học nghệ thuật. Mặt trái của thị trường cũng đang ảnh hưởng khá nặng nề đến lĩnh vực phê bình. Đó là tình trạng lăng xê , quảng cáo tràn lan làm lẫn lộn các giá trị, gây nhiều khó khăn cho tình trạng tiếp nhận thẩm mỹ của công chúng.

Sự bùng nổ của thông tin, truyền thông cũng ảnh hưởng sâu sắc đến phê bình văn học. Các loại hình văn học mạng phát triển, sự cập nhật thông tin văn học nghệ thuật nước ngoài dễ dàng qua các trang mạng cũng những qua nhiều phương tiện hiện đại khác đã làm văn học trở nên lép vế. Công chúng có nhiều sự lựa chọn để giải trí và tất nhiên không ai lựa chọn phê bình văn học.

Nền văn học tuy phát triển đa dạng phong phú nhưng số lượng những tác phẩm xuất sắc không nhiều. Điều đó phần này làm giảm khả năng đồng sáng tạo của công tác phê bình. Nói cụ thể hơn là ít kích thích sự sáng tạo của phê bình văn học.

Không gian văn hóa của văn học nói chung và phê bình nói riêng cũng chưa thật thuận lợi cho người làm công tác phê bình. Những cuộc tranh luận gay gắt trước đây, trong đó có những động cơ ngoài phê bình văn học trở thành những nơi dễ làm xúc phạm lẫn nhau đã gây ra không ít những e ngại, né tránh. Nhiều cây bút không viết phê bình nữa cũng một phần vì lý do này, cho dù thời điểm này đã giảm bớt tình trạng trên.

Nguồn: PHONGDIEP

Exit mobile version