Chuyên mục Truyện ngắn hay xin được giới thiệu truyện ngắn của nhà văn Hoàng Chính.

Nhà văn Hoàng Chính

Quê quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1978.

Định cư tại Canada từ năm 1983.

Đã xuất bản một tập thơ và mười một tập văn xuôi trong số đó có truyện dài “Thư Tình Viết Muộn” in tại Việt Nam năm 2012. (Nhà văn Võ Thị Xuân Hà biên tập)

Là một trong hai dịch giả bộ truyện “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”, NXB Kim Đồng

Cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Có kênh YouTube “Truyện Hoàng Chính”:

https://www.youtube.com/channel/UC4Pc1_2rl5zGA6SfJzMg6DQ/featured

gồm những truyện ngắn do chính tác giả diễn đọc. Hiện là thông dịch viên tòa án liên bang Canada

facebook: https://www.facebook.com/hoang.chinh.39

Mời quý vị nghe đọc truyện ngắn Những thiên thần còn sót lại ở nhân gian của nhà văn Hoàng Chính do tác giả diễn đọc và gửi về cho Cầm Kỳ Official.

NHỮNG THIÊN THẦN CÒN SÓT LẠI Ở TRẦN GIAN

Truyện ngắn

Hoàng Chính

Chúng tôi bước dạt lên bờ cỏ để tránh một người đàn ông và một người đàn bà đi ngược chiều. Bởi từ xa tôi đã thoáng thấy người đàn bà che miệng ho. Đại dịch chưa dứt hẳn mà cả hai đều không đeo khẩu trang. Buổi sáng, trời hiu hiu gió. Lũ siêu vi trùng lởn vởn bay. Trong vạt nắng xuyên ngang khe lá, tôi thấy những vẩy bụi; những con siêu vi trùng đánh đu trên những vẩy bụi li ti ấy. Tôi tưởng tượng ra thế. Và tôi sợ. Tôi không ưa những cái máy trợ hô hấp, tôi ghét những mũi kim gài sâu vào tĩnh mạch, và nếu may mắn không bỏ mạng, thì tôi vẫn ghét những di chứng như không còn ngửi được mùi ly cà phê buổi sáng, không nếm được vị thức ăn ngon bữa tối, và mệt đuối người từ ngày này sang ngày khác. Vì vậy tôi sợ, dù tôi đã chích ngừa đầy đủ và còn thêm hai mũi tăng cường. Với chừng ấy thuốc men, nếu nhiễm bệnh, dù đã lớn tuổi nhưng tôi sẽ sống sót, tôi nghĩ thế. Nhưng tôi vẫn sợ.

Qua khỏi hai người ấy một quãng xa, chúng tôi mới bước trở lại lề đường cho người đi bộ. Vừa bước lên nền gạch, con bé níu những ngón tay tôi, kéo tôi lên thềm đậu xe trước cửa nhà người lạ, khom người cúi xuống nhìn người đàn ông nằm ngửa dưới gầm chiếc xe màu trắng, đang cặm cụi vặn những con ốc.

Are you okay?” Con bé hỏi.

Người đàn ông nằm dưới gầm xe ngưng tay vặn, cái mặt lem luốc vết dầu nhớt xoay qua nhìn con bé. Một vạt nắng từ cành phong bên đường thả xuống, vắt ngang cái đầu bù xù, nhuộm mái tóc một màu nâu thẫm. Con bé gỡ tay tôi ra, ngồi thụp xuống, lặp lại câu hỏi, “Are you okay?” bằng giọng rất trẻ thơ nhưng vô cùng tha thiết. Cử chỉ và câu hỏi bất ngờ của con bé cháu ngoại tôi làm tôi vừa ngỡ ngàng vừa bối rối.

Trong khoảng nhá nhem dưới gầm xe, nụ cười méo mó hé nở trên khuôn mặt người đàn ông. Nhưng ông ta không nói được bởi môi ông ta đang mím chặt một cái đinh ốc.

Tôi đặt tay lên vai con bé, “Ông ấy không sao đâu, con ạ. He’s okay.”

“Ông ấy kẹt dưới chiếc xe,” con bé lắc đầu, đôi mắt đen nhánh ánh nhìn lo âu.

“Ồ, không,” tôi nói vội. “Ông ấy không sao đâu.”

Người đàn ông tóc nâu luồn cánh tay dưới cái khoảng chật hẹp, đưa bàn tay có những ngón tay nắm lại và ngón cái duỗi ra. Đầu ông ta khẽ gật gù.

“Đấy, con thấy không, ông ấy ra dấu là ông ấy okay.” Tôi nói với con bé và cũng đủ để người đàn ông dưới gầm chiếc xe Toyota nghe được.

Con bé “Ô!” nho nhỏ cùng với tiếng thở ra nhẹ nhàng. Và nó nhoẻn miệng cười.

Bỗng dưng tôi chột dạ như vừa nghe ai nói ra một điều không đẹp nhưng trúng tim đen mình. Và tôi bồi hồi như tình cờ gặp lại điều gì đó rất quen thân từ thuở nào xa lơ lắc. Cảm giác ấy làm tôi nghĩ ngợi. Ngày xưa tôi có tử tế và ngây thơ như thế không nhỉ. Và nếu có thì tôi đã đánh mất sự tử tế ấy từ lúc nào?

Vừa tròn ba tuổi (hôm qua sinh nhật nó), cháu ngoại tôi tâm hồn còn trong vắt, bụi đời chưa phủ mờ nên nó còn nhìn ra được những con người. Còn tôi, ông ngoại con bé, thì bụi bặm, nhọ nồi bịt kín tâm hồn, không còn nhìn xa được, chỉ loanh quanh với cái bóng của chính mình; và nhân loại chung quanh, nếu như tôi có thể nhìn ra thì cũng chỉ là những bóng mờ.

Tôi hít một hơi dài, xua vội đi những ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu. Chạm nhẹ những ngón tay lên vai con bé, tôi bảo, “Ông ấy không sao đâu. Xe bị hư, ông ấy chui bên dưới để sửa.” Tôi nói câu dài, con bé chắc chỉ hiểu một phần. Nhưng nó nhùng nhằng không muốn bước đi.

“Thôi mình đi, cháu ơi,” tôi cầm lấy bàn tay bé bỏng của con bé. “Ông ấy okay.”

Và tôi dợm bước. Cháu ngoại tôi bước theo, nhưng bỗng dưng nó sựng lại, gỡ tay tôi ra, quay lại khom người nói với người đàn ông dưới gầm xe, “Have a nice day!” bằng giọng ân cần và trong như tiếng hót của một loài chim lạ.

Người đàn ông lại ra dấu bằng ngón tay cái duỗi và những ngón kia nắm lại.

Chúng tôi lại rảo bước trên lề đường dành cho người đi bộ. Con bé nhún nhảy trên những đốm nắng dập dìu vẽ trên mặt đường như chơi nhảy lò cò. Thường ngày, nó vẫn rủ tôi chơi lò cò trên sân nắng và bao giờ tôi cũng hăng hái làm theo dù hai đầu gối thỉnh thoảng lại nhói đau. Hôm nay tôi không nhảy theo nó, bởi đầu óc tôi bận rộn. Con bé làm tôi giật mình.

“Coi chừng ngã, con ơi!” Tôi nhắc. Và tôi nhớ một ngày mùa đông, một đứa bé tóc vàng gỡ tay mẹ, vừa chạy nhảy vừa líu lo hát lời ca quảng cáo Coca Cola trên ti vi, và trượt chân ngã ngay trước mặt tôi. Tôi thụt lùi, bất động, bối rối nhìn lọn tóc vàng vắt ngang mặt tuyết. Tôi không biết phải làm gì. Có điều tôi biết chắc chắn tôi không muốn mẹ nó thưa tôi ra tòa. Tôi đã quen như thế rồi. Chả biết từ lúc nào. Và tôi tránh nhìn mẹ đứa bé. Lách qua một bên, lặng lẽ bước đi. Nghe kể lại chuyện ấy, mấy ông bạn già gật gù tán thành, “Phải rồi, người lạ, bận tâm làm gì.”

Chúng tôi đã quen sống như thế.

Một con chim đậu trong khóm lá phong líu lo tiếng hót. Cháu ngoại tôi đứng lại, ngước lên, đôi mắt săm soi, “Grandpa! Con chim màu vàng kìa.”

Tôi ừ hử chiếu lệ, trong đầu vẫn vướng víu những thắc mắc. Chúng tôi đã quen sống bằng sự dửng dưng. Đã quen thở ra những câu nói dối. Lỗi tại lũ siêu vi trùng hình quả cầu trang điểm bằng những bông hồng đỏ thắm. Trong thế giới những con người xa lạ, tôi làm sao biết kẻ nào đang mang trong người cuốn sổ thông hành của Thần Chết?

Con chim màu vàng vỗ cánh bay đi. Cháu ngoại tôi đứng ngẩn trông theo. Tôi phải cầm tay đánh thức nó. “I love that bird!” Con bé nói nhỏ.

Hai ông cháu lại thong thả bước đi. Một đám năm sáu đứa trẻ vừa nhún nhảy níu kéo nhau vừa tíu tít trò chuyện phía bên kia đường. Nhìn đám trẻ, con bé hỏi, “Họ đi đâu vậy, Grandpa?” Đang lứa tuổi tò mò, cái gì cũng làm con bé thắc mắc. Cháu ngoại tôi vậy đó!

Tôi nhìn lũ trẻ vừa trai vừa gái, áo quần gọn ghẽ, túi xách đeo trên lưng, chuyện trò ríu rít như những con chim nhiều chuyện, “Chúng nó đi học.”

“Con cũng muốn đi học,” con bé nhanh nhảu.

“Thì… mai mốt lớn lên, con cũng sẽ… ơ… đi học,” tôi ngập ngừng câu nói dối.

“Con muốn mau lớn để đi học,” con bé quả quyết, rồi nó vươn cánh tay vẽ một vòng tròn trước mặt, “Lớn như thế này nè.”

Bỗng dưng tôi mong con bé đừng lớn như nó ước mơ, tôi mong nó mãi bé bỏng như nó phút giây này để những trang đời tinh khôi của riêng nó mãi là trang giấy trắng. Ngoài chuyện mong mỏi phù phiếm ấy ra, tôi còn nghĩ con bé sẽ không được đến trường học bởi bố mẹ nó dự tính cho nó học ở nhà sau vụ một tên điên đem súng vào cái trường ngay khu phố này, giết cả chục học sinh vô tội cách đây chưa đầy bốn tháng.

Buổi sáng, nắng mềm, gió ấm. Lòng tôi vừa lâng lâng bay bổng, vừa nặng trĩu kéo lê trên mặt lề đường dành cho người đi bộ. Bằng giọng hót của loài chim, con bé kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Hai ông cháu đi dạo hết hai vòng khu phố mà con bé vẫn chưa muốn về. Suốt ngày hôm ấy nó quấn quýt bên tôi.

Chập tối, khi tiễn chân tôi ra cửa, con bé níu tôi lại. Tôi ngồi xuống, nó kề tai tôi, hỏi nhỏ, “Grandpa, are you sure he’s okay?”

“Ai hở con?”

“Người đàn ông bên dưới chiếc xe.”

Tôi ngập ngừng, “Ông ấy… ông ấy okay, con à.”

Tôi lại nói dối. Tôi lại không thành thật như cháu ngoại tôi. Tôi biết người đàn ông ấy không okay. Nhưng tôi vẫn bảo cháu tôi là ông ấy okay. Và hai con mắt trẻ thơ lại thắp sáng cơn vui.

Hồi trưa, xe cứu thương hú còi vang dội và chớp đèn lập lòe khu xóm. Lối xóm xì xào với nhau là người đàn ông tiếc tiền, không đem xe ra tiệm mà tự sửa ở nhà. Cây trục sắt – mà ông ta dùng để nâng chiếc xe rồi chui xuống gầm để sửa gì đó – bị gẫy. Người ta phải dùng cần trục nâng chiếc Toyota lên mới kéo ông ta ra được. Thương tích không rõ nặng nhẹ ra sao nhưng chắc chắn ông ta sẽ phải nằm bệnh viện ít lâu.

Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu tôi. Tôi ôm con bé, nói nhỏ vào tai nó, “Ngày mai ông cháu mình sẽ đi thăm ông ta, chịu không?”

Con bé reo lên, “Thank you, Grandpa!” Và ôm chầm lấy ông ngoại, hôn ghì lên gò má nhăn nheo.

Vậy là hai ông cháu tôi sẽ đến bệnh viện thăm người đàn ông ấy. Gặp con bé chắc ông ấy sẽ ngạc nhiên và vui lắm. Cháu ngoại tôi sẽ vui, còn tôi thì có chút lo âu, bởi những con siêu vi trùng tròn như quả cầu, trang điểm rực rỡ những đóa hoa mào gà đỏ thẫm nhỏ li ti vẫn còn lởn vởn trong bầu không khí ông cháu tôi hít thở.

Con bé níu tay tôi, ghé tai tôi thì thầm, “Con chỉ muốn biết chắc là ông ấy okay.”

Vừa tròn ba tuổi, cháu ngoại tôi đã làm tim tôi lỡ nhịp. Thôi thì hãy cứ tạm coi như nhân loại mất đi tính người một phần cũng vì cơn đại dịch. Bởi người ta sợ lây, người ta sợ chết. Nhưng một ngày sau sinh nhật của cháu ngoại tôi, con bé đã giúp tôi tin tưởng lại vào con người. Vào lòng nhân ái. Vào thế hệ tương lai. Và tin tưởng rằng quanh lũ người chúng tôi vẫn có những thiên thần còn sót lại ở trần gian.

Chứ sao không!

Thế nhưng ngày hôm sau, cái hôm hai ông cháu dự tính đi thăm bệnh, năn nỉ mãi người ta vẫn không cho tôi dẫn con bé vào thăm người đàn ông sửa xe không quen mà chúng tôi gặp ở cuối con phố. Người ta bảo trước hết bệnh viện cấm trẻ nhỏ vào thăm, thứ hai đại dịch chưa hết hẳn nên không cho thăm viếng.

Chuyến viếng thăm của hai ông cháu tôi trở thành khúc phim tôi tưởng tượng trong đầu.

Người đàn ông nửa nằm nửa ngồi trên giường, vành băng bột quấn quanh cổ vòng lên đầu thành ra ông ta không gật đầu hay lắc đầu được. Lúc đứng bên giường người đàn ông ấy trong bệnh viện, cháu ngoại tôi chạm nhẹ vào vành băng vải, và lại hỏi, “Are you okay?” Tôi không kịp kéo tay con bé lại. Tôi thấy những con vi trùng, vô số vi trùng, nhưng con bé thì chẳng thấy con vi trùng nào; nó chỉ thấy những vòng băng vải màu trắng quấn quanh cổ và đầu người đàn ông, và nghĩ chắc ông ta đau đớn lắm. Nó lặp lại câu hỏi bằng giọng hót của loài chim, “Are you okay?” Người đàn ông chớp mắt, đưa tay cầm lấy bàn tay bé bỏng của con bé, nói nhỏ, “I’m okay. You’re an Angel, sweetie!”

“Ông ấy nói vậy thật hả ngoại?” Con bé hỏi sau khi nghe tôi kể khúc phim giả tưởng hai ông cháu đi thăm người bệnh. Tôi hăng hái gật đầu. Dù cái cổ tôi có sượng lại ít nhiều khi biết chắc mình đang nói ra những điều không thật.

“Mai mốt gặp ông ấy, ông ngoại nói…” con bé ngập ngừng.

Tôi hỏi vội, “Gì hở con?”

“Nói với ông ấy, con không phải thiên thần, con chỉ là a little girl.”

Tôi gật đầu liên tục. Tôi hứa tôi sẽ chuyển lời con bé đến người đàn ông xa lạ. Tôi nói dối, tôi hứa cuội. Bởi sáng hôm ấy khi chiếc trụ chống chiếc xe bị gẫy, chiếc xe đổ sụp xuống, không một ai hay biết. Mãi đến khi có người phát hiện ra, gọi xe cấp cứu thì đã muộn mất rồi. Tin tức trên truyền hình nói thế. Cháu ngoại tôi không được xem ti vi. Bố mẹ nó không muốn đầu óc nó bị vẩn đục. Bố mẹ nó muốn che chở cho nó được chừng nào hay chừng nấy. Bởi con bé là thiên thần, một trong những thiên thần còn sót lại thế gian này.

Bước xuống bậc thềm, tôi quay lại hôn gió cháu ngoại tôi thêm một lần rồi đeo cái khẩu trang lên mặt. Toan bước ra xe, tôi vội lùi lại. Ba bóng người rảo bước trên lề đường cho người đi bộ qua chỗ tôi đậu xe. Tôi chờ cho họ đi qua. Bao lâu cũng được nhưng tôi sẽ chờ.

Đại dịch đã giảm nhưng lại có thêm những biến chủng mới. Biết đâu đấy!

19 tháng 10, 2022