Một truyện ngắn kinh dị – huyền ảo về chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 vừa đăng trên Báo Văn Nghệ – Hội Nhà Văn Việt Nam!

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh:

“Không thể lãng quên lịch sử! Có thể ở một số giai đoạn vì những lí do khác nhau, chúng tôi không nhắc đến, nhưng chúng tôi không quên!

Xin cảm ơn BBT báo Văn Nghệ đã đăng truyện ngắn buồn đau và tự hào này”.

Đến chợ Mạnh Ma mà thương nước mắt

Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ của Nguyễn Đức Hạnh

Chợ Mạnh Ma họp vào đêm rằm tháng 7 âm lịch.

Một bãi đất rộng mênh mông tựa vào dãy núi đá trùng điệp có tên Thạch Bất Hối. Trước mặt là sông Kì Cùng đoạn chảy khẽ khàng nhất. Luôn có một con thuyền không người chèo lái, tự vùn vụt đưa khách lại qua, chỉ cần khách cắt một nhúm tóc bỏ vào lò lửa đang cháy xanh lét ở giữa khoang thuyền làm lộ phí. Ai cũng tưởng cắt, đốt tóc là vô nghĩa? Không đâu! Tóc chứa linh hồn và giấu bí mật của đời người. Có cái gì xảy ra với anh chị mà tóc của chính các người không biết? Nhưng ai lấy và lấy những mẩu linh hồn, những nhúm bí mật ấy để làm gì thì chỉ có trời biết?!

Người đó hoặc là nghệ sĩ hoặc là phù thuỷ?

Tôi đưa một nhà văn già lên chợ Mạnh Ma để tìm hồn ma người vợ mà ông ta yêu sống yêu chết. Ông bảo có một câu hỏi nung nấu bao năm qua, hỏi xong thì chết cũng được rồi. Tôi đi cùng ông vừa vì thương cảm người họ hàng đáng thương vừa vì tò mò. Gặp rồi trò chuyện với các hồn ma? Thú vị không?! Khéo lại có cái phóng sự dài kì đăng báo kèm ảnh ma khóc cười, ăn uống, yêu ghét, chả nổi tiếng cả thế giới?

Lúc bỏ nhúm tóc vào lò lửa, nghe tiếng tóc thét lên vì nóng, tôi bỗng nghe thấy giọng nữ trầm ngâm mấy câu thơ lạ lùng:

Đến Kì Cùng tình không kì cùng

Đem nụ cười mà đổi nước mắt

Oán hờn khổ đau không tan giục hồn ma trong vắt

Đi tìm nhau mấy thế kỷ nhớ quên…

Trên thuyền còn bà ca sĩ đi tìm hồn ma ông họa sĩ đã bán nhà mua hoa hồng tặng bà thủa trẻ trung. Bà cứ khóc thương mãi. Tội! Bán nhà mua hoa hồng thì rồi ở vào đâu? Nhưng tôi cùng tất cả đều quan tâm đến một bà cụ chắc phải trên trăm tuổi, ngồi xe lăn đi tìm con là bộ đội mất tích trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Bà gầy mỏng tang như gió có thể thổi bay, mái tóc bạc dày nặng dài quá gót, tưởng chừng tấm thân mỏng manh kia không mang nổi mái tóc đi qua bao dặm trường tìm con, với hành trình trên 40 năm rồi. Giọng của bà cũng lạ nữa, như khi ta cho trăm mảnh kính vỡ vào cối giã, tiếng va chạm chà xiết vào nhau của thuỷ tinh tan nát, đau đớn sẽ na ná tiếng bà đang kể:

Thằng Chính Nghĩa của bà cao lớn đẹp giai dũng cảm lắm. Đang học lớp 10, nghe bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…”, nó cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Nào đã kịp yêu đương gì? Giá nó cứ làm bậy với đứa bạn cùng lớp nào đấy, rồi đẻ cho bà có đứa cháu thì giờ vừa đỡ khổ vừa có chỗ bấu víu và hi vọng…

Kể rồi bà khóc mãi. Mà bà khóc cũng lạ lắm, những tiếng nấc cách rất xa nhau, chúng như đi tìm nhau, lệ còn ít lắm, ứa ra được đôi giọt đục ngầu, chả đủ cho bao rãnh sâu rạch ngang rạch dọc trên mặt bà hút cạn khô, như sa mạc cát bỏng hút thật nhanh dăm giọt mưa bóng mây đi lạc vào xứ sở của hạn hán gần trăm năm rồi. Nhưng mái tóc của bà thì thật kì lạ, nó là một sinh thể có linh hồn!

Xuống thuyền, nhóm chúng tôi quyết định đi cùng nhau. Trước đó đã có lời đồn ở đây ma ác hoá thành quỷ, biến hình thành người thân của ta, dụ ta đi vào quỷ lộ không thể về được nữa. Một người thì có thể bị lừa? Một nhóm thì không nhé! Nó lú có chú nó khôn. Chúng tôi mua dây tết từ vỏ cây Tầm ma với giá cắt cổ tại cổng chợ, buộc nối thắt lưng của các thành viên trong nhóm thành một khối. Thằng cha răng vẩu bán dây Tầm Ma liến thoắng:

– Chỉ có loại dây này là lũ Quỷ không thể cắt đứt. Còn có dùng dây bằng bạch kim cũng đứt. Dây của tôi đã ngâm trong nước tiểu của một trăm loài Nhện độc. Lại được đưa lên bàn thờ Phật niệm chú 49 ngày. Dây này không gì cắt đứt nổi. Trói cả ma quỷ dễ như bỡn. Một triệu một mét là quá rẻ. Tôi là tôi cứ hay thương người…

Không biết lão là người hay ma? Khi lão cười trong mồm nhảy ra hai con cóc. Kinh! Lát sau đã thấy lão quảng cáo cho một loại dao sắc bén, cắt được mọi thứ trên đời, kể cả gió mưa và nỗi buồn…

Trước đây chợ Mạnh Ma chỉ là nơi cho người và ma gặp nhau một năm một lần vào rằm tháng 7. Gần đây, có lẽ chịu ảnh hưởng từ chợ Âm Phủ từ dưới xuôi, không gian chợ được chia làm hai phần. Bên ngoài là cho dân chúng vùng biên giới đi bán rủi mua may. Bên trong của chợ là vùng đất của hai thế giới âm dương giao hoà trong một đêm ngắn ngủi. Tất cả người đi chợ đều chỉ được cầm đèn dầu hoặc thắp nến. Kẻ nào cố tình dùng một nguồn sáng quá mức thì lập tức bị trừng phạt kinh khủng. Nguồn sáng bị dập tắt tàn nhẫn. Kẻ đó bị ném xuống một huyệt mộ lạnh lẽo, hôi thối, ba ngày sau mới được trả tự do, sau khi gần như chết khiếp vì lũ rắn quằn quại cuốn vào người, chui vào mồm vào lỗ mũi lỗ tai…

Từ trên cao nhìn xuống, chợ Mạnh Ma mang một sắc thái bí hiểm và u sầu. Dãy núi sau lưng như những người đàn ông khổng lồ, đứng kề bên nhau đan tay ngăn gió lạnh bắc phương tràn về. Họ gầy guộc và bi tráng lẫm liệt. Dòng sông Kì Cùng trước mặt lúc như một tiếng thở dài phi thường của vùng biên ải, nghìn năm chống trả ngoại xâm đầu tiên, làm phên dậu cho cả nước. Lúc thì sông giống như chiếc khăn màu xanh khổng lồ dâng tặng cho những chiến binh núi đá đứng gác cho tổ quốc ngủ yên. Núi đá như những người lính trầm mặc, thi thoảng lấy sông làm gương soi trong khoảnh khắc thanh bình.

Hàng ngàn bóng đèn sáng, ngọn nến bập bùng lúc như những niềm hi vọng cháy đêm đêm, lúc như những linh hồn băng qua đêm tối tìm nhau…

Chúng tôi buộc dây Tầm Ma nối vào nhau, thắp đèn cầm tay rồi lần sờ đi vào chợ. Tất cả diễn ra trong im lặng và chập chờn trong sương khói giăng mờ. Khu phía ngoài diễn ra việc mua bán khá kì lạ. Ai cũng cố bán thật rẻ mua thật đắt. Đấy cô gái đứng cạnh tôi, sau khi dùng tay làm kí hiệu như múa, đã bán con lợn choai tầm 30 kg giá 50 ngàn đồng. Rồi mua một con gà nhép giá 1 triệu 200 ngàn. Chỉ có ở đây! Ở nơi khác mà nói giá cả này nó đánh cho vỡ mặt!

Chúng tôi sà vào hàng phở. Lạnh quá nên đói. Nhìn biển hiệu thì biết là phở bò. Mỗi bát có một ngàn. Định cứ liều trả thêm tiền thì thằng bán phở vung dao quắm. Kinh! Mà tay ấy trông như Thiên Lôi mới khiếp chứ. Riêng tôi nhịn đói không ăn, sau khi tìm thấy ở đáy bát hai ngón tay khỉ. Nhìn sang chuồng khỉ nhốt chục con bên cạnh. Thấy chúng gào thét sợ hãi, bị cắt tai cắt mũi, chặt dần chân tay làm thịt bán cho khách. Trên các ngọn cây, bầy khỉ hoang đăm đắm nhìn đồng loại trong cũi sắt, lau nước mắt thầm, nhìn sang nhóm chúng tôi vẫn ăn ngon lành trừ bà cụ. Bà mắt gần loà mà vẫn phát hiện, cầm hai ngón chân khỉ lên, gói lại bằng giấy bóng, cho vào túi áo mang theo.

Vẫn lặng lẽ như những bóng ma, chúng tôi vào khu trong. Có một cổng nhỏ ngăn cách hai khu, một con khỉ đột khổng lồ bị xích vào cổng, nhe răng dọa cắn mọi người. Ai cũng khiếp sợ. Nhiều người quay ra. Bà cụ móc gói giấy bóng, run run mở ra, cầm hai ngón chân khỉ đưa tới, khỉ đột cầm lên ngắm nghía rồi oà khóc. Nó quỳ xuống vái bà cụ lia lịa. Những người trót ăn phở cố móc họng nôn ra bằng hết. Trên đời có những điều biết cũng không nên nói ra. Cũng chẳng ai dạy ai được. Tự trải nghiệm mà biết. Nhưng hình như tình thương yêu sâu và thật mang lại cho chúng ta một năng lực gần như là linh cảm. Nó mách bảo những con đường phải đi, nên đi khi thị giác bất lực!

Chỉ một con đường độc đạo với cát mang hai màu đen trắng đưa chúng tôi vào khu Kì ngộ – nơi chập chờn di chuyển hàng nghìn ngọn đèn với nhiều màu sắc. Đèn thương nhớ màu đỏ, giận hờn màu tím, căm giận màu đen, hối hận màu xanh lét… Nhưng nhiều nhất là những ngọn đèn đựng nước mắt buồn đau màu đỏ… Lạ thế! Nước mắt của người âm khi gặp đom đóm lại có độ phát quang đáng kinh ngạc?!

Không có duyên, hoặc duyên chưa tới thì có giáp mặt cũng không nhận ra nhau đâu. Hai bên đường hàng nghìn hồn ma đứng ngồi lố nhố. Họ cầm những bình đựng nước mắt gom góp bao năm tháng, bình càng to thì hồn ma đã chờ đợi càng lâu, rồi bỏ đom đóm vào mà làm đèn. Chao ôi. Họ cầm đèn soi lên mặt. Mắt trũng hoáy trắng dã, có những sọ người tóc xanh, tóc bạc, hoặc không còn tóc… Có sọ nứt toác có sọ lành lặn. Có cái trắng tinh bên cái đen sì. Nhưng vết thương họ phải nhận khi còn sống giờ máu vẫn rỏ ròng ròng. Họ cầm đèn giơ cao đứng đấy, có hồn ma đã đứng đợi cả mấy trăm năm rồi. Mỗi cái đèn chứa một loại nước mắt: yêu thương; mong nhớ; hờn giận; trách móc…vv. Cứ sóng sánh rồi sôi lên sùng sục.

Đã có những cuộc gặp gỡ vỡ oà nước mắt. Trong này không cấm khóc cười trò chuyện. Cú nức lên vợ ôm chồng, chồng vuốt ve vợ. Rồi người sống mang rượu và thức ăn, hồn ma nhồm nhoàm dẫu chỉ ăn hương ăn hoa. Tiếng một hồn ma bô lão thở than nghe thật tội:

– Con ơi. Cha nhịn đói nhịn khát hơn 50 năm rồi đây. Chúng mày cúng ở nhà tao có vào được đâu…

– Thế chúng con hoá tiền vàng thì sao?

– Bị cướp hết. Ma đói khát nhiều. Rồi chúng nó cướp về nộp cho Ma đầu lĩnh hết. Cha chỉ còn biết đứng nuốt nước miếng thôi… Cũng phân biệt quan – dân, giàu nghèo đới.

Nghe mà buồn thương. Tôi bỗng lẩm cẩm nghĩ: có lẽ dưới âm phủ này cũng phải khởi nghĩa chăng?

Ông nhà văn họ hàng của tôi đã gặp được người vợ xinh đẹp của mình. Giờ là hồn ma mà những nét kiều diễm vẫn còn phảng phất. Ông ta mang theo nhà cửa, ô tô, hầu gái bằng hàng mã nhiều lắm. Tiền hoá cho bà ta tiêu toàn đô la. Đồ ăn là yến sào, tôm hùm, rượu ngoại… Sau khi người đàn bà quý phái ấy đã no nê, ông ôm lấy bà ta mà khóc mà da diết hỏi:

– Em ơi. Có một câu hỏi đã như sắt nung đỏ trong ngực anh mấy chục năm qua. Giờ tìm được nhau rồi, em hãy trả lời thành thực, để anh có chết cũng nhắm được mắt: Hồi đó anh là nhà văn được cả nước tôn vinh, là viện sĩ danh dự của ba quốc gia khác. Sách của anh in vạn bản, bán đắt hơn tôm tươi. Em sống trong giàu sang và vinh quang. Vậy thì tại sao em phản bội anh, ngoại tình với thằng vẽ biển quảng cáo hè phố, nghèo kiết xác. Khi chuyện vỡ lở, anh vẫn tha thứ, sao em vẫn bỏ anh theo thằng đó mà đi, rồi bệnh chết trong nghèo khó?

– Em xin lỗi anh. Nhưng em không trả lời anh thì có lẽ sẽ tốt hơn cho cả hai ta. Bởi khi đó ta nghĩ về nhau vẫn còn có một chút gì đó cao cả và tôn trọng…

– Không. Em cứ nói đi. Anh già yếu lắm chắc không đi thăm em được lần nữa đâu. Em cứ nói đi để anh chết được thanh thản…

– Thôi được rồi. Em sẽ nói. Là anh cứ cương quyết yêu cầu đấy nhé. Em là đàn bà có nhu cầu cao về ân ái. Anh có thừa vinh quang và tiền bạc nhưng lại luôn bỏ đói vợ anh. Ví von thì mỗi ngày em phải được ăn hai bát cơm mới tạm đủ no. Đây thì mỗi tháng anh cho em ăn hai bát vơi. Hỏi làm sao em chịu đựng nổi. Người chồng thợ vẽ của em không phải danh họa, viện sĩ, cũng không có tiền nhưng ngày nào anh ấy cũng cho em ăn ba bát cơm đầy. Thử hỏi làm sao em không yêu anh ấy. Em chả cần vinh quang. Tiền của anh nhiều mà em vẫn đói khát…

– Thôi đừng nói nữa. Đồ đĩ!

Ông nhà văn tháo dây Tầm Ma, ôm đầu vừa khóc vừa bỏ chạy vào thật sâu dãy núi. Bà cụ thở dài:

– Mỗi người đo hạnh phúc bằng cái thước riêng của mình. Mà hai cái thước khác nhau. Khổ là phải thôi.

Tôi bí mật chụp một số ảnh rồi trở ra bến đò. Số ảnh chụp trộm được tôi sẽ công bố vào thời gian thích hợp.

Bà ca sĩ sau bao khó nhọc đã tìm thấy hồn ma ông họa sĩ bán nhà mua một triệu đoá hồng tặng bà. Ông ta đang say sưa chè chén cùng gần chục cô nhân tình đến thăm. Bà ca sĩ nổi giận vì ghen tuông, đẩy chục cô gái ngã nháo nhào, rồi gào khóc:

– Anh nói đi. Sao ngày xưa anh lại bán nhà mua hoa hồng tặng em? Rồi sau đó anh chết vì thất tình trong nghèo túng phải không?

– Không! Anh có mười cái nhà, bán một cái thì có là gì? Anh chết vì nghiện rượu mà. Nhìn chục mĩ nhân này thì ai dám bảo anh thất tình?!…

… Phải đi đến tận cùng của chợ Mạnh Ma, bà cụ trăm tuổi có mái tóc biết khóc cười mới tìm ra con trai của mình. Đó là một hồn ma to béo, dù là lính chiến nhưng người chả có vết thương nào. Kì lạ là bình nước mắt dùng làm đèn của anh ta to gấp mười của người khác, có lẽ là bình nước mắt to nhất trong phiên chợ Mạnh Ma này. Mãi sau này tôi mới biết đó là bình đựng nước mắt “Hối hận”, cứ một năm anh ta khóc bằng 10 năm của hồn ma khác. Giờ đây anh ta đang quỳ trước mặt người mẹ trăm tuổi, khóc lập cập, không nói được câu nào sau tiếng gọi “Mẹ ơi!”…

Người mẹ đẩy xe lăn đến sát anh ta. Mái tóc dài như muôn ngón tay màu bạc vuốt ve, vỗ về, sau khi ôm choàng lấy đứa con mất tích gần một nửa thế kỉ. Bà mẹ khóc không có nước mắt. Mỗi lần thổn thức là một giọt máu tươi ứa ra bên mép. Mãi rồi bà mới đủ sức mở lời:

– Mẹ cố không chết để đi tìm con, với linh cảm con đã lầm lạc không thể tha thứ, cũng không thể về quê nhà. Giờ con nói thật đi. Chỉ khi nào trái tim người mẹ tha thứ thì linh hồn con mới có thể siêu thoát.

– Mẹ ơi. Chiến tranh ác liệt quá. Đồng đội con hi sinh rất nhiều. Núi đá còn nát ra thành vôi bột. Nói gì đến xương thịt con người?! Con trót dại nghe loa phóng thanh bên kia tuyên truyền, bắn chết hai đồng đội đang cùng phiên gác, vác súng sang đầu hàng kẻ thù. Được ăn ngon mặc đẹp mà con đau trong ngực này, muốn về thăm cha mẹ thăm quê mà không được. Rồi con chết cô quạnh trong ân hận ở xứ người. Xuống đây con tiếp tục bị nguyền rủa, bị ném đá… Xin mẹ tha thứ cho con, bình nước mắt “Hối hận” này là bằng chứng cho sự sám hối của con. Mẹ ơi…

Bỗng từ trong đêm tối bước ra hai người lính trẻ, ngực họ rách nát máu chảy ròng ròng. Họ lấy tay chấm máu của mình, vẩy vào kẻ phản bội. Người hắn thủng lỗ chỗ, rồi bốc cháy. Hắn gào thét lăn lộn trên mặt đất. Người mẹ oà khóc. Nước mắt của bà chữa lành vết thương cho hai người lính trẻ. Họ quỳ lạy bà rồi hoá thành hai ngọn gió thơm hương hồi bay lên trời cao…

Mái tóc kì lạ của bà mẹ dập tắt lửa cho đứa con tội lỗi rồi bùng cháy, tóc bật lên đau đớn… Bà như thu hết tàn lực để nói những lời cuối cùng:

– Không người mẹ nào không thương con. Nhưng ta không thể tha thứ cho con được. Mẹ của hai chàng trai kia đã khóc bao nhiêu? Đã nghĩ những gì? Và còn hàng vạn người mẹ đợi chờ mãi mà con của họ không trở về. Những đứa con hoá thành núi đá kia… Con phải đứng ở đây ngàn năm nữa, gom nước mắt hối hận nữa, mà chờ đợi sự tha thứ của đất trời. Nhưng ta là mẹ con thì cũng có tội. Vậy thì ta sẽ ở đây cùng chờ đợi với con….

Một dòng máu tươi ứa ra đỏ thắm cả mái tóc bạc đang thổn thức. Bàn tay khô gầy buông rơi trên gối. Chuỗi tràng hạt bằng gỗ bồ đề xin từ đất Phật đứt tung. Những hạt gỗ tròn như nước mắt lăn nhiều vòng rồi tụ lại thành hình hoa sen màu đỏ đang nấc…

Khi đi xa rồi ngoái lại, cạnh ngọn đèn của đứa con tội lỗi ấy đã có thêm một ngọn đèn nữa, sáng hơn và ấm áp hơn.

N.Đ.H