Chuyên mục Ghi chép-Tản văn đầu năm 2023, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu bài ghi chép Những ngọn lửa biên thùy của nhà văn Nguyễn Hội, bài viết đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tết 2023.

Nhà văn NGUYỄN HỘI

Sinh 1981

Quê Thái Bình

Hiện đang công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An

Giải thưởng Tạp chí VNQĐ năm 2021, thể loại bút ký

Giải Ba cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây báo Thanh Niên 2022

Đã có nhiều tản văn, ký và truyện ngắn in trên các báo trung ương, địa phương

In chung trong nhiều tập sách: Covid-19 và cuộc chiến sinh tử, Những bông hoa núi, Những đôi môi cười, Năm tháng nhớ thương, Nghĩa tình miền Tây.

Sách mới xuất bản: Tản văn LÀM RỂ MIỀN TÂY ra mắt những ngày cuối cùng năm 2022 của NXB Văn học.

Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng, Tân Hưng, Long An là một trong số những cây viết hiếm hoi trong lực lượng biên phòng, đang từng ngày từng giờ đảm nhiệm trách nhiệm vô cùng lớn lao ở vùng biên giới tây nam. Bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc của Tạp chí Văn nghệ Quân đội hẳn đã từng được đọc những bài bút ký, tản văn nơi vùng biên của một cây bút ký tên Nguyễn Hội. Anh đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn trao giải mảng bút ký của năm 2021. Thời điểm dịch covid hoành hành, Nguyễn Hội đã đóng góp chùm bài phản ánh hiện thực cuộc sống trong thời đại dịch, về nỗ lực của đồng đội và những người dân nơi anh gắn bó ở vùng biên Long An.

Mới đây báo Thanh niên đã trao giải Ba cho bài viết Làm rể miền Tây của cây bút biên phòng Nguyễn Hội trong cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây năm 2022.

NHỮNG NGỌN LỬA BIÊN THUỲ

NGUYỄN HỘI

Tiếng mưa rơi rả rích trên mái lá của chốt Biên phòng càng khiến cho cảnh trời đêm biên cương trở nên thanh vắng hơn bao giờ hết. Cảnh tượng dường như yên bình quá. Nhưng lẩn trong đêm đen là biết bao nhiêu những điều bí mật của một vùng biên giới. Khi mọi người đã chìm sâu vào trong giấc ngủ. Chỉ có con mắt của các trinh sát viên và trái tim ấm nóng của người chiến sĩ Biên phòng đang còn thức. Với chúng tôi, những đêm thức trắng để thực hiện nhiệm vụ đã trở thành những điều bình thường của người lính. Trải qua hơn hai mươi năm công tác, tôi đã có biết bao nhiêu đêm thức trắng cùng trời đêm biên giới.

Đêm mật phục chống buôn lậu

Đêm ấy, gần mười giờ, chúng tôi bắt đầu xuất quân đi mật phục. Biên giới Việt Nam – Campuchia chia trên tuyến phía Bắc huyện Đức Huệ phần lớn chạy dọc theo đường bờ ruộng hay kênh rạch. Nếu không phải người dân địa phương hay được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, người lạ rất có thể đi lạc sang biên giới nước láng giềng mà không hề hay biết. Nơi đây không phải rừng thiêng nước độc nhưng muỗi mòng thì nhiều vô kể. Nhiều nhất vẫn là thời điểm bà con rải phân đợt đầu cho lúa, dường như phân bón là chất kích thích cho muỗi sinh sản. Muỗi bay đen đặc cả cánh đồng, muỗi lao thẳng vào mắt mũi người ta, muỗi tấn công bất kể chỗ nào sơ hở. Toàn bộ không gian bao trùm tiếng muỗi kêu vo vo tạo thành một bản đồng ca rền rĩ. Anh em chúng tôi đã nai nịt gọn gàng, chỉ còn hở đôi bàn tay và khuôn mặt. Nhưng đó cũng chính là mục tiêu cho chúng tấn công không kiêng nể. Tay thì còn có thể giấu vào trong áo, còn mặt thì chả có cách nào che chắn. Nhiều khi mải tập trung vào việc quan sát di biến động của đối tượng, bất giác vuốt lên mặt, thấy nhớp nháp đầy bàn tay mồ hôi, muỗi và máu.

Điểm mật phục của chúng tôi nằm ở khu vực Bàu Đưng, nằm cách đường biên giới khoảng chừng năm trăm mét. Đây là một vị trí khá mới mẻ. Các đối tượng mới hoạt động tại khu vực này, sau khi cung đường chùa Sóc Rừng (Campuchia) – Tho Mo (biên giới) – Mỹ Quý Tây (nội địa) đã bị lực lượng phòng chống ma tuý và tội phạm của Đồn đánh sập. Chính chú Năm Cu đã báo cho anh em trinh sát về hoạt động này khi chú thấy những vết chân lạ, dẫm đạp lên ruộng lúa. Sau khi trinh sát thực địa và nhiều lần theo dõi, chúng tôi quyết định triển khai mật phục. Vì không có đường mòn nên các đối tượng men theo các đường bờ ruộng nhỏ hẹp để cõng bộ thuốc lá về điểm tập kết. Sau đó, chúng vận chuyển bằng xe gắn máy đến nơi có xe ô tô du lịch (đã hoán cải) đợi sẵn, rồi chở sâu vào trong nội địa. Phương thức hoạt động này không hề mới trên tuyến biên giới, những năm hai ngàn mười trở về trước. Vì là cửa ngõ Sài Gòn nên Long An là địa bàn được các đối tượng chọn để vận chuyển các loại hàng lậu từ Campuchia vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn để tiêu thụ, trong đó thuốc lá điếu là mặt hàng trọng điểm. Đã có nhiều kế hoạch được triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn hoạt động này tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh và Long An. Và cũng đã có biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của biết bao nhiêu thế hệ cán bộ chiến sĩ đã đổ xuống. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường, lợi nhuận và hoạt động liều lĩnh của các loại đối tượng, tình trạng buôn lậu vẫn còn diễn ra. Trách nhiệm chính trong cuộc chiến đấu này luôn đè nặng lên vai những người lính Biên phòng chúng tôi.

Khu vực Bàu Đưng khá rộng với nhiều cây dại mọc lúp xúp, rất thuận tiện cho chúng tôi bố trí đội hình tam giác, tạo thành thế bao vây, khép kín. Khu vực này vào mùa mưa là một bãi sình lầy, năng lác mọc hoang; mùa khô, cỏ dại, dây leo hấp thụ phù sa màu mỡ phất lên um tùm. Đồng chí chiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, nhanh nhẹn, giỏi leo trèo được bố trí nằm ngay trên đường biên, làm nhiệm vụ quan sát, cảnh giới. Sau khi lực lượng mật phục rút lui, dù kế hoạch thành công hay thất bại, đồng chí cảnh giới vòng ngoài cũng sẽ bí mật cơ động về đơn vị để đảm bảo yếu tố bí mật cho những kế hoạch tiếp theo.

Trên một cành bạch đàn rất cao, Nguyễn Hoàng Bảo bám dính lấy thân cây và chờ đợi. Đúng như dự tính, gần mười hai giờ đêm, tin nhắn “PA1” của Nguyễn Hoàng Bảo nổi trên màn hình điện thoại. Điều đó cũng có nghĩa là các đối tượng đã di chuyển vào đúng hướng số 1 như dự kiến tình huống. Toàn bộ tổ công tác năm người chúng tôi nằm ép sát mình xuống mặt đất, bình tĩnh chờ đợi. Một bóng đen, hai bóng đen, ba bóng đen và cuối cùng là bốn bóng đen cõng trên lưng mỗi người một “đai” (tiếng lóng của dân buôn lậu vùng biên gọi một bao tải lớn, chứa 600 gói) thuốc lá nằm gọn trong trận địa mật phục. Đợi cho thời cơ thật chín muồi, tôi phát tín hiệu cho tổ công tác đồng loạt xung phong, ập tới rọi đèn pin thẳng vào mặt các đối tượng. Bị bất ngờ nhưng các đối tượng đã dự tính tới tình huống gặp Biên phòng mật phục, chúng đồng loạt hất bỏ bao tải thuốc lá trên lưng rồi vùng chạy ra tứ phía. Nhưng như kế hoạch đã thục luyện rất kỹ, ở gọng kìm số 1, đồng chí Thiếu tá Vũ Huy Lịch và Thượng uý Nguyễn Văn Sơn tóm gọn được một đối tượng khi anh ta chạy về hướng nội địa. Còn ở gọng kìm số 2, tôi và đồng chí Trung uý Nguyễn Thanh Bình cũng quật ngã được một đối tượng khi hắn định tẩu thoát ra hướng biên giới. Hai đối tượng còn lại xô ngang người đồng chí Cao Văn Niên, chạy thục mạng, thoát thân. Với lực lượng mỏng như hiện tại, chúng tôi không tính tới phương án truy đuổi đến cùng để bảo toàn chiến thắng. Bởi lẽ, trong điều kiện đồng không mông quạnh, màn đêm đen đặc, việc đánh bắt các đối tượng buôn lậu, ngoài yếu tố hiệu quả, thì an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Toàn đơn vị đã một lần đau xót rút kinh nghiệm đối với sự việc của đồng chí Thượng uý Nguyễn Thành Trung, Đội phó Đội Phòng chống ma tuý và tội phạm. Cũng trong một lần mật phục như đêm nay, lần ấy tại khu vực Đìa Gai, ấp 6 xã Mỹ Quý Đông, tổ công tác của Đồn do đồng chí Trung phụ trách đã bắt giữ một đối tượng, còn một đối tượng cố tình trốn chạy. Là một trinh sát viên cầu toàn, quyết liệt trong công tác, đồng chí Trung kiên quyết bắt giữ. Nhưng giữa đêm tối, trong quá trình quần lộn với đối tượng, anh bị hụt xuống máng nước, gãy chân trái. Kết quả giám định để xét công nhận thương tật, đồng chí Trung bị mất vĩnh viễn 21% sức lao động. Và từ ấy, cuộc đời anh gắn liền với biệt danh Trung “chấm phẩy”.

Chưa đầy mười lăm phút sau đó, lực lượng chi viện của đơn vị đã có mặt hỗ trợ chúng tôi dẫn giải đối tượng cùng tang vật về Đồn để xử lý. Trong tình huống này, lực lượng chi viện đến hiện trường sớm chừng nào, đảm bảo cho kế hoạch đánh bắt thắng lợi trọn vẹn chừng ấy. Bởi vì đã có nhiều vụ việc, sau khi bị bắt, các đối tượng chủ mưu cầm đầu huy động lực lượng, thậm chí cả phụ nữ ra giằng co với anh em hòng cướp lại hàng lậu và đánh tháo cho các đối tượng bị bắt tẩu thoát.

Chính tôi, khi còn là sĩ quan cấp đội, đã có lần bị một đối tượng phụ nữ ôm ghì lấy để cho các đối tượng khác giật lại hàng. Nếu đối tượng là đàn ông thì mình hoàn toàn có thể áp dụng các ngón đòn, thế đánh để quật ngã đối tượng. Ở đây lại là phụ nữ, việc tiếp xúc cơ thể nhiều khi nhạy cảm, nếu không khéo rất dễ tạo cơ hội cho họ vu khống, làm phức tạp tình hình. Có lần, đồng chí Nguyễn Xuân N. trong quá trình tuần tra phát hiện hai người phụ nữ đang di chuyển như “rô bốt” qua biên giới. Nhận định hai đối tượng này có gói buộc những cây thuốc lá bên trong áo, đồng chí N. đề nghị hai người về trạm Kiểm soát Biên phòng Ba Thu để làm việc. Nhưng trong quá trình dẫn giải, giằng co, bất ngờ, một trong hai đối tượng bỗng tự giật tung cúc áo ngực rồi la lên ầm ĩ “cán bộ sàm sỡ với phụ nữ”. Đồng chí N. còn chưa có vợ, thấy vậy ngượng đỏ chín cả mặt, chưa biết xử trí ra sao, thì đối tượng đã chạy thoát về bên kia biên giới. Đây là một trong vô số tình huống bất ngờ mà chúng tôi luôn cảnh giác và có biện pháp xử trí phù hợp để đảm bảo cho kết quả đấu tranh được trọn vẹn.

Thông thường mỗi địa điểm chúng tôi chỉ triển khai kế hoạch mật phục và thành công được một đôi lần. Sau khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng tổ chức canh đường rất chặt chẽ. Thậm chí trước khi “đánh hàng”, chúng còn giả dạng thành những người đi soi ếch, bắn chim, bắt chuột… tăm tia từng bụi cây, hốc đất xem có lực lượng mật phục hay không. Có đối tượng còn liều lĩnh dùng nạng thun bắn vào những vị trí nghi ngờ khiến cho nhiều đồng chí bị thương khi đang mật phục.

Ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép

Đó là một trong số rất nhiều những vụ việc mà trước đây, chúng tôi được trực tiếp tham gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu khi còn công tác trên tuyến biên giới phía Đông của tỉnh. Còn từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình, thực hiện sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng, nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là đấu tranh với hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trên toàn tuyến biên giới tỉnh Long An nói chung, địa bàn Đồn Biên phòng Sông Trăng, nơi tôi công tác nói riêng, trở thành một cuộc chiến thực sự.

Đơn vị quản lý trọn vẹn đoạn biên giới của huyện Tân Hưng, dài gần 16km, chạy xuôi theo trung tuyến dòng chảy chính của kênh Cái Cỏ. Đây là một trong số những con kênh biên giới dài và nhỏ nhất trong cả nước, người lớn dễ dàng lội qua ở bất kể chỗ nào. Dưới lòng kênh, lục bình mọc hoang dày đặc. Lục bình cao ngang mặt người. Bông lục bình bốn mùa nở tím biếc, bình dị, thủy chung như lòng người lính ngày đêm bám chốt.

Thường ngày, người dân hai bên bờ kênh Cái Cỏ chèo xuồng chặt lục bình phơi khô để bán cho công ty làm đồ thủ công mỹ nghệ, nhân tiện hái bông lục bình làm rau chấm mắm kho, xào hay nhúng lẩu cho bữa cơm chiều. Địa hình hai bên bờ là đồng ruộng bằng phẳng, trống trải. Đặc biệt, địa bàn phía ngoại biên nằm sát ngay quốc lộ Xuyên Á nối liền các tỉnh có đường biên giới chung với Việt Nam mà điểm đầu tiên là cặp cửa khẩu Bavet (tỉnh Svayrieng) – Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) đến thủ đô Phnôm – Pênh. Do vậy, kể từ khi thực hiện việc đóng cửa biên giới theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (31/3/2020), địa bàn biên giới giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Tháp và Long An được các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép tìm cách hoạt động.

Nhận định đánh giá tình hình cho thấy, các đối tượng có thể là người Việt Nam, người Campuchia hoặc có thể là người nước thứ ba nhập cảnh trái phép vào nước ta, sau đó tìm đường xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Cũng có thể các đối tượng đang làm ăn, sinh sống ở Campuchia, Thái Lan nhưng thất nghiệp, thậm chí bị chính quyền sở tại đẩy đuổi vì không có giấy tờ hợp pháp, nên tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Trong số họ, nhiều người đã mang trong mình mầm bệnh vô cùng nguy hiểm của thế kỷ XXI, đó chính là vi rút SASR-CoV-2. Và nếu “lá chắn thép Biên phòng” không chặn đứng mọi hoạt động của họ thì sẽ là hiểm họa cho nội địa.

Cuối tháng 3 năm 2021, khi những chàng học viên Học viện Biên phòng quay trở lại nhà trường tiếp tục học tập sau một thời gian dài tăng cường phòng chống dịch. Đơn vị chúng tôi tiếp tục đón nhận các đồng chí từ Biên phòng Nam Định, Ninh Bình đến công tác. Cũng như những người lính biển đến từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh được tăng cường trước đó, những người lính Biên phòng phương Bắc mang trong lòng quyết tâm cống hiến. Họ nhanh chóng nắm chắc tình hình địa bàn, hoà nhập với đơn vị để tạo thành một tập thể đoàn kết, thống nhất. Cùng với các đồng chí Đại đội bộ binh huyện Tân Hưng, công an và dân quân các xã, thị trấn nội địa được tăng cường lên biên giới, đơn vị chúng tôi trở thành một tập thể liên hợp với nhiều cánh quân hợp thành.

Chốt Biên phòng có mười người nhưng đủ các vùng miền và đủ mọi lứa tuổi. Nói là chốt nhưng kỳ thực đó chỉ là một ngôi nhà được dựng bằng tôn, là nơi cất giữ vũ khí trang bị, đồ dùng cá nhân và là nơi để hội họp, sinh hoạt. Về sau này chốt được đầu tư xây dựng thành nhà tiền chế, có nhà vệ sinh, khu tăng gia sản xuất. Nhưng đó vẫn chỉ là điểm sinh hoạt, học tập tập trung còn vị trí thường ngày của bộ đội vẫn là trên đường biên giới. Chiếc võng dù cơ động dưới những vòm cây, tán lá là vị trí công tác thường ngày của anh em. Mấy đồng chí tăng cường thường hay đùa nhau, nằm võng ở rừng suốt ngày thế này chả khác gì thời cha ông mình đi B đánh Mỹ. Mà đúng chẳng khác thời chiến chút nào thật, bởi lẽ, anh em chỉ cần lơ là một chút thôi thì rất có thể các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép sẽ hoạt động, trong đó là mầm bệnh, thậm chí là các loại đối tượng nguy hiểm. Yêu cầu bắt buộc đặt ra: 24/24 giờ, chốt, trạm phải có người tuần tra khép kín đoạn biên giới được phân công phụ trách. Ban ngày anh em có thể đung đưa cánh võng, thay nhau chợp mắt vì có thể quan sát được từ xa, còn ban đêm, hầu như toàn đơn vị phải thức trắng, căng mình trên biên giới.

Ngày 24/3/2021, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ xe khách giường nằm Trà My chở 53 đối tượng quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp từ đường biên phía Bắc đang trên đường di chuyển vào phía Nam. Thông báo từ cơ quan nghiệp vụ cấp trên cho biết, một số đối tượng đã di chuyển trót lọt đến địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và đang tìm cách xuống các tỉnh giáp Campuchia để xuất cảnh trái phép. Trước đó, ngày 8/3/2021 và ngày 20/3/2021, đơn vị chúng tôi đã bắt giữ 2 vụ với 18 đối tượng người Trung Quốc có lịch trình và hành vi vi phạm tương tự.

Hàng loạt các kế hoạch nghiệp vụ và kế hoạch hiệp đồng tác chiến được triển khai thực hiện. Trong đó, thời điểm “kéo lưới” được xác định là khi các đối tượng vừa lọt vào khu vực biên giới, có như vậy mới bóc gỡ được toàn bộ đường dây, ổ nhóm đang hoạt động.

Đêm biên cương, trời tối đen đặc quánh lại, tưởng chừng như mỗi khi di chuyển phải xé màn đêm ra mà đi; căng mắt thật lâu mới tìm thấy một vì sao nhỏ nhoi, lấp lánh trên bầu trời xa lắc. Chúng tôi đi kiểm tra các vị trí gác, mật phục, chặn đầu, khoá đuôi và đón lõng của bộ đội. Dù đã dãi dầu sương gió biên thuỳ mấy chục năm nhưng chẳng dễ gì mà kìm nén được nỗi xúc động. Đêm hôm, anh em mình vất vả quá. Thương nhất là các đồng chí tăng cường từ Ninh Bình, Nam Định vào. Các anh đều đã trên dưới năm mươi tuổi, có anh sắp về hưu, có anh đã trở thành ông nội, ông ngoại. Ở đơn vị cũ, nhiều anh gần nhà, ưu tiên cán bộ lớn tuổi, giờ này đã chăn ấm nệm êm bên gia đình, chí ít cũng có được giấc ngủ ngon trong doanh trại. Còn bây giờ ở đây, mỗi đồng chí một vị trí bám sát. Cuối mùa khô, dù nửa đêm, trời vẫn còn oi bức. Ém quân trên lớp cây cỏ mục, trong bụi rậm hay trong ruộng bắp, ruộng mè rất dễ gây mẩn ngứa khắp cơ thể. Nhưng cũng chả có cách nào khác, lâu dần rồi cũng phải thành quen. Lính mà!

Đêm ấy, tổ mật phục của trạm kiểm soát Biên phòng Bưng Ràm do đồng chí Thiếu uý Mai Hoàn Hảo, trạm trưởng phụ trách được chia làm hai bộ phận, có nhiệm vụ đón lõng và chặn đầu, không để các đối tượng vượt qua kênh Cái Cỏ trong phạm vi khu vực từ mốc 230/2 đến mốc 230/3. Phía bên trong ruộng mè là bộ phận khoá đuôi do Đại uý Nguyễn Hùng Cường, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ phụ trách, có nhiệm vụ chỉ huy, truy bắt, không để các đối tượng chạy trở vào bên trong nội địa. Phía xa hơn nữa, giáp ranh với địa bàn xã Hưng Điền là bộ phận trinh sát, nằm tận sâu trong kênh T11. Bộ phận này do Trung uý Nguyễn Minh Tiến, Đội trưởng Phòng chống ma tuý và tội phạm phụ trách, phối hợp với các đồng chí công an huyện Tân Hưng, nắm bắt thời cơ khi xuồng máy chở các đối tượng vào địa bàn biên giới, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Đồn để chỉ đạo đánh bắt. Bộ phận cơ động, chi viện do Thiếu tá Lê Anh Khương, Đội phó Đội Vũ trang kiêm chốt trưởng chốt số 1 phụ trách, sẵn sàng hỗ trợ cho các bộ phận khác, khi cần. Đồng chí Khương, 49 tuổi, gia đình ở Thường Tín, Hà Nội, gần hai năm nay chưa được về thăm nhà. Ngày cha mất rồi đến ngày giỗ đầu cha, cũng như nhiều đồng đội có tứ thân phụ mẫu qua đời, đồng chí lập bàn thờ trên đường biên giới, hướng về phương Bắc, đốt nén tâm nhang gửi gió bay về quê hương, bái vọng.

Gần hai giờ sáng, khi đội hình mật phục đã ép mình xuống mặt đất hơn bốn tiếng đồng hồ, các đối tượng mới lọt vào trận địa. Giữa bốn bề vắng lặng, trời đêm mù mịt, đối tượng đưa rước lại là người trong địa bàn, thông thạo mọi đường ngang lối tắt. Cặp đường tuần tra mùa này, ruộng mè của bà con cao ngang thân người, rất thuận tiện cho việc ẩn nấp. Các đối tượng đã mặc sẵn áo phao, chỉ cần vọt qua đường tuần tra là bơi ào qua kênh Cái Cỏ sang bên kia biên giới, trong chưa đầy hai phút. Nhưng mọi di chuyển của chúng đều đã nằm trong tầm ngắm của anh em chúng tôi và thời điểm tác chiến được tính theo từng phút, thậm chí từng giây để đảm bảo cho chiến thắng trọn vẹn tuyệt đối.

Khi những bóng đen vừa ló ra từ ruộng bắp, như những con chuột đang thập thò nơi cửa hang để vụt qua đường biên giới. Tiếng súng nổ bỗng chát chúa vang lên. Các cánh quân đồng loạt xung phong đánh bắt. Mười ba đối tượng xuất cảnh trái phép, cả Việt Nam và Trung Quốc cùng bốn đối tượng đưa rước đã bị tóm gọn toàn bộ. Ngoài hai viên đạn hơi cay bắn chỉ thiên, vừa để uy hiếp đối tượng, vừa là ký tín ám hiệu hiệp đồng, đơn vị không thiệt hại gì về người và vũ khí trang bị. Mở rộng điều tra, chúng tôi tiếp tục phát hiện, bắt giữ năm đối tượng có liên quan đến đường dây, tổ chức. Đây là vụ việc liên tiếp thứ ba mà chúng tôi đánh bắt thành công, đồng thời hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ghi nhận kỷ lục trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, trong vòng một tháng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự, 16 đối tượng với cùng một tội danh “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, chuyển giao cho cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Long An tiếp tục điều tra, xử lý. Ngoài ra, đơn vị còn xử phạt vi phạm hành chính 25 đối tượng khác với hành vi xuất cảnh trái phép, tổng số tiền phạt hơn 100 triệu đồng. Phần lớn trong số họ đều là những người mang giấc mộng “việc nhẹ lương cao”, làm việc trong các Casino, sòng bài phía bên kia biên giới.

Chiến thắng 5 vụ án hình sự trong năm 2021, toàn bộ các đối tượng nằm trong đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép trên địa bàn bị đưa ra ánh sáng của pháp luật. Đây là mắt xích cuối cùng bên phía Việt Nam, nằm trong đường dây đưa rước người xuất nhập cảnh trái phép xuyên quốc gia: Trung Quốc – Việt Nam – Campuchia. Bóc gỡ được đường dây này, công tác đấu tranh với hoạt động xuất cảnh trái phép của chúng tôi đã giành được thắng lợi quan trọng, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các đối tượng trên địa bàn.

Đêm giao thừa trên đường biên

Kết thúc năm 2021 với biết bao nhiêu những khó khăn, vất vả của thời kỳ lịch sử, cả nước ta gồng mình chống dịch. Tết đến, tình hình dịch bệnh đã dịu đi đôi chút. Đêm giao thừa, tôi cùng Chính trị viên, Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh đi dọc đường tuần tra biên giới. Là người chỉ huy cao nhất trong đơn vị, chúng tôi có trách nhiệm và tình yêu thương phải ở bên anh em đồng đội trong thời khắc thiêng liêng này.

Dù suốt ngày bận mải với huấn luyện, tuần tra, vận động, tuyên truyền hay kiểm soát, mật phục… nhưng anh em trong đơn vị vẫn dành chút thời gian để chăm sóc những chậu hoa vạn thọ, hoa mào gà và những cây mai vàng theo phong tục đón Tết miền Nam. Để rồi giữa đêm giao thừa, những cánh mai vàng đồng loạt bung nở. Hương hoa mai vàng, hoa vạn thọ dìu dịu thanh cao, gợi lên cho mỗi người lính những hình ảnh tươi đẹp về quê hương đất nước và tình cảm con người thương quý nhất.

Chốt Biên phòng Ngọn Sông Trăng nằm ở nơi giáp ranh giữa ba tỉnh, Prey-vêng, Svay-riêng, vương quốc Campuchia và Long An, Việt Nam. Ở nơi con kênh Krăng-liêu chảy cắt ngang kênh Cái Cỏ đổ vào lãnh thổ nước ta tạo thành con kênh Sông Trăng dịu dàng, thơ mộng là cột mốc đôi 230 làm bằng đá hoa cương sừng sững hiên ngang, giữ vững chủ quyền quốc gia, giữa đất trời biên giới. Dù động tác thăm, kiểm tra và chào cột mốc được thực hiện hằng ngày, nhưng giữa đêm giao thừa sao mà thiêng liêng, trang trọng quá. Sau nghi thức, Trung uý Hồ Văn Tuấn, Đội trưởng Vũ trang, kiêm Chốt trưởng bảo vệ cột mốc 230 ôm ghì lấy tôi mà không ngăn được những giọt nước mắt nóng hổi.

Tuấn là người dân tộc Thái, quê ở xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Mồ côi bố từ khi chưa ra đời, đến năm học lớp Mười thì mẹ Tuấn mang theo trọng bệnh về bên kia thế giới. Hai chị em mồ côi mồ cút nương tựa lấy nhau. Tài sản duy nhất chỉ có mấy sào ruộng đồi và một con bò cái. Nhưng chính khó khăn vất vả đã giúp Tuấn tăng thêm nghị lực để thi đỗ vào Học viện Biên phòng và trở thành người sĩ quan Quân đội. Từ khi ra trường cho đến nay, năm nào Tuấn cũng xung phong ở lại đơn vị trực Tết, để những đồng chí khác được về bên gia đình. Lau nhanh một chút cay xè trong khoé mắt, nở rộng nụ cười thật tươi, rạng rỡ, chàng trai có nước da đen giòn chắc khỏe và đôi chân mày cao vút ấy lại trở về là chỗ dựa tinh thần vững vàng của các em chiến sĩ.

Ba ngày Tết ở các trạm, chốt Biên phòng, để tạo không khí gia đình ấm cúng, chúng tôi đều lập bàn thờ Bác Hồ, dưới lá cờ Tổ quốc. Những đồng chí khéo tay được dịp trổ tài. Cán bộ phụ trách tranh thủ đặt mua những bông huệ đỏ dâng lên Người. Ngoài những đòn bánh tét được Hội phụ nữ xã gói tặng, anh em sắp xếp mâm ngũ quả và cũng tập tành cắt dán bông hoa, khẩu hiệu như hồi xưa các chú, các bác ở chiến trường đánh Mỹ. Có khác chăng là khẩu hiệu thời nay gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị cụ thể và một vài câu đối đỏ bằng chữ quốc ngữ: “Vui Xuân không quên chống dịch COVID-19 và XNC trái phép”; “Tết đến không mai, Tết chưa đủ. Xuân về nhớ mẹ, Xuân biên cương”. Đôi câu đối của một cậu chiến sĩ nào đó viết nguệch ngoạc trên giấy đỏ khiến tôi bất giác nhớ lại hình ảnh gần hai mươi năm về trước. Lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đón Tết ở một trạm Biên phòng nơi chót mũi Cà Mau. Trạm có ba anh em, nằm thoi loi ngoài cửa biển. Điện, đường không có và đương nhiên thời ấy điện thoại cũng không nốt. Tối ba mươi tôi nằm nghe chúc Tết trên đài. Nhớ nhà. Nước mắt rơi lã chã.

Trong thời khắc chuyển giao một năm mới, chúng tôi quây quần bên cán bộ chiến sĩ, xiết chặt tay nhau cùng cất cao lời ca tiếng hát. Ở đồn và tất cả các chốt, trạm, điểm công tác trên đường biên, anh em đều xếp sẵn một đống củi khô thật lớn, ngay trước cửa. Sau khi bộ đội nghe xong lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước, trên truyền hình, tất cả những ngọn lửa biên thuỳ đồng loạt cháy bùng lên…