Trong văn học Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, tiểu thuyết là thể loại có vai trò chủ lực, với sự hiện diện của nhiều thế hệ nhà văn, đóng góp nhiều thành tựu quan trọng cho nền văn học. Con đường của tiểu thuyết trong hơn 30 năm qua cũng trải qua không ít thăng trầm, nhưng vẫn luôn là sự vận động với những tìm tòi nỗ lực để đổi mới. Ở chặng đầu thời kì đổi mới (nửa cuối những năm 80 và đầu thập kỉ 90), tiểu thuyết gặt hái được nhiều thành công, có những tìm tòi, bứt phá mạnh bạo về nghệ thuật, gây được tiếng vang trong công chúng và hiệu ứng xã hội rộng rãi.
Nhưng tiếp đó, trong khoảng 7, 8 năm, tiểu thuyết Việt Nam lại gần như rơi vào tình trạng trầm lắng mà có người đã cho là khủng hoảng. Cuối thập kỉ 90 đến những năm đầu thế kỉ 21, người ta lại chứng kiến sự phục hồi nở rộ của tiểu thuyết, với sự đa dạng về đề tài, khuynh hướng nghệ thuật, bút pháp. Hai cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn cùng những cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết về lực lượng vũ trang đã phần nào cho thấy sự phát triển và diện mạo đa dạng của tiểu thuyết Việt Nam trong thập niên đầu của thế kỉ XXI.
Trong sự đa dạng, phong phú của tiểu thuyết hôm nay, nếu nhìn từ phương diện nghệ thuật có thể tạm nhận ra hai xu hướng chính: làm mới tiểu thuyết trên nền truyền thống, và hướng cách tân theo tinh thần hiện đại.
Xu hướng thứ nhất chủ yếu vẫn bám sát khung thể loại truyền thống nhưng có gia tăng một số yếu tố như sự thay đổi điểm nhìn trần thuật, sử dụng yếu tố huyền ảo, yếu tố trào lộng… Nhìn chung, xu hướng này vẫn thu hút được đông đảo độc giả bởi nó có những cách tân thú vị mà lại không gây nhiều khó khăn cho sự tiếp nhận của bạn đọc. Thuộc xu hướng này có nhiều cây bút thuộc các thế hệ đã sáng tác từ trước 1975, trong đó có các nhà văn lão làng như Tô Hoài, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng; các nhà văn trưởng thành từ thời kì kháng chiến chống Mỹ và sau khi kết thúc chiến tranh như Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Lê Văn Thảo, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà…
Thứ hai là xu hướng cách tân theo tinh thần hiện đại. Những nhà văn thuộc xu hướng này đã đổi mới hình thức thể loại bằng cách vận dụng những kĩ thuật tự sự hiện đại phương Tây, trên cơ sở đổi mới quan niệm về tiểu thuyết. Khởi đầu của xu hướng này là Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, xuất hiện ở chặng đầu thời kì đổi mới (nếu không kể hiện tượng các tiểu thuyết Cổng tỉnh, Những ngã tư – Những cột đèn của Trần Dần với nhiều tìm tòi, thể nghiệm táo bạo từ trước 1975, gần đây mới được công bố).
Nhưng dường như xu hướng tìm tòi này không được tiếp tục trong khoảng gần 10 năm ở thập kỉ 90, phải đến vài năm cuối thế kỉ XX mới có lác đác một vài tiểu thuyết thể hiện sự phá cách về hình thức thể loại, và sang đầu thế kỉ XXI cho đến nay, chúng ta mới chứng kiến sự bừng nở thật sự của xu hướng đổi mới cách viết này.
Trong khoảng 5 – 7 năm đầu thế kỉ XXI, văn đàn Việt Nam thực sự sôi động bởi sự xuất hiện của hàng loạt tiểu thuyết mới và lạ về cách viết như Thoạt kì thủy, Ngồi của Nguyễn Bình Phương, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Người sông mê của Châu Diên… Một số cây bút người Việt định cư ở nước ngoài cũng thể hiện khát vọng đổi mới tiểu thuyết, trong đó ấn tượng hơn cả là Chinatown, Pari 11 tháng 8, T. mất tích của Thuận, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng.
Những tiểu thuyết kể trên không cuốn nào có được sự kết tinh nghệ thuật cao và làm chấn động dư luận như Thiên sứ và Nỗi buồn chiến tranh trước đây, nhưng rõ ràng đã tạo được sự chú ý, thậm chí phân lập bạn đọc một cách sâu sắc. Phần lớn các tác giả kể trên đều là những cây bút đang ở độ sung sức và đã có độ chín nhất định trong tư duy nghệ thuật. Với những sáng tác độc đáo về hình thức nghệ thuật, họ góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.
Mấy năm gần đây, cùng với những tiểu thuyết của một số tác giả nói trên, tiếp tục ra mắt bạn đọc, có sự xuất hiện của những cây bút trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X, tiêu biểu như Nguyễn Đình Tú với Nháp, Phiên bản, Nguyễn Quỳnh Trang với Nhiều cách sống, Di Li với Trại hoa đỏ, Phong Điệp với Blogger, Đặng Thiều Quang với Bóng giai nhân, Trần Thị Hồng Hạnh với Quái vật, Nguyễn Danh Lam với Giữa dòng chảy lạc…
Như vậy, khát vọng làm mới tiểu thuyết đang ngày càng thu hút nhiều cây bút thuộc các thế hệ khác nhau, đặc biệt là lớp người viết trẻ. Cùng với tư duy nhạy bén, người viết trẻ có điều kiện tiếp xúc và vận dụng nhiều hơn kỹ thuật viết mới vào tiểu thuyết, tuy không phải trường hợp nào cũng đạt được sự nhuần nhuyễn và độ chín. Nhìn chung, xu hướng cách tân đã góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam ở đầu thế kỉ XXI, ngày càng thu hút được sự chú ý của bạn đọc, đồng thời cũng ít nhiều làm thay đổi thị hiếu tiếp nhận của công chúng.
*
*     *
M. Butor – tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp thế kỉ XX cho rằng: “Trong cuộc kiếm tìm và hướng tới sự đổi mới, điều quan trọng là phải thấy được sự cần thiết phải thay đổi bản thân khái niệm của tiểu thuyết…”(1#). Đổi mới tư duy và nghệ thuật tiểu thuyết được khởi đầu và dẫn dắt từ sự đổi mới quan niệm về thể loại. Trong môi trường văn hóa, văn học được mở rộng giao lưu và hội nhập, nhiều xu hướng tiểu thuyết hiện đại phương Tây và những lý thuyết mới về tiểu thuyết được giới thiệu ở Việt Nam đã tác động thực sự đến quan niệm về cách viết của nhiều nhà văn. Quan niệm mới về tiểu thuyết ở nước ta hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều từ lý luận của M. Bakhtin và M. Kundera, mặt khác cũng tiếp nhận ảnh hưởng của trào lưu tiểu thuyết mới, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và cả những ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới.
Tính chất động, luôn biến đổi và không dừng lại ở bất kì mô hình nào là một đặc điểm bao trùm của tiểu thuyết, nói như M. Bakhtin: “Tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và chưa định hình (…). Nòng cốt thể loại của tiểu thuyết chưa hề rắn lại và chúng ta chưa thể dự đoán được hết những khả năng uyển chuyển của nó”(2#). Nhận thức về đặc điểm này của tiểu thuyết đã trở nên một quan niệm chung của hầu hết các cây bút tiểu thuyết thuộc các thế hệ khác nhau. Nhà văn Tô Hoài từng phát biểu: “… thật là không thể cho tiểu thuyết một nghĩa cố định. Tiểu thuyết lúc nào cũng phát triển và biến đổi. Tiểu thuyết có một khả năng tung hoành không bờ”(3#). Những cây bút theo đuổi sự cách tân tiểu thuyết theo hướng hiện đại đã rất mạnh dạn tìm tòi thể nghiệm, sáng tạo nhiều kiểu dạng tiểu thuyết, làm đa dạng hóa bức tranh thể loại tiểu thuyết Việt Nam hôm nay.
Hướng đến tính dân chủ là điểm nổi bật trong quan niệm tiểu thuyết của các cây bút theo xu hướng cách tân hiện đại. Tính chất dân chủ thể hiện trước hết ở việc giải phóng tiểu thuyết khỏi nhiệm vụ phản ánh hiện thực một cách đầy đủ. Tiểu thuyết giờ đây không còn là tấm gương soi của thời đại, không nhất thiết phải là một hiện thực khả tín như quan niệm của nhà văn Nguyễn Công Hoan trước đây: “tiểu thuyết là bịa như thật”.
Hiện thực trong tiểu thuyết hôm nay chỉ là một khả thể, thậm chí có thể là một hiện thực bất khả tín. Ở góc độ chủ thể sáng tạo, tính dân chủ thể hiện ở chỗ: tiểu thuyết không chỉ là tiếng nói của dân tộc và thời đại mà quan trọng hơn còn là phát ngôn thể hiện tư tưởng, quan niệm riêng của ngưởi nghệ sĩ. Nhà văn hoàn toàn có quyền đề xuất những chuẩn mực giá trị mới, có quyền trình bày những kinh nghiệm cá nhân.
Hướng đến tính trò chơi cũng là một quan niệm mới về tiểu thuyết. Tiếng gọi của trò chơi là một trong những tiếng gọi mà nhà văn M.Kundera đã lắng nghe được từ những cuốn tiểu thuyết ra đời vào thế kỉ XVIII ở châu Âu. Ông đã rất có lý khi cho rằng: “Ở bên ngoài tiểu thuyết, người ta sống trong thế giới của những điều khẳng định… Trong lãnh địa của tiểu thuyết, người ta không khẳng định: đây là lãnh địa của trò chơi và của những giả thuyết. Sự chiêm nghiệm của tiểu thuyết do vậy, trong bản chất của nó, mang tính nghi vấn, giả thuyết”(#4).
Tính trò chơi đã giải phóng tiểu thuyết khỏi chức năng giáo huấn, bớt đi tính chất nghiêm trang và đề cao tính giải trí – một chức năng quan trọng của văn chương, mà trước đây chưa được chú ý. Mặt khác tính trò chơi giúp cho nhà văn thỏa sức sáng tạo, anh ta được quyền tự do thể nghiệm những hình thức nghệ thuật mới. Anh ta có thể tạo ra một thế giới giả tưởng hoàn toàn không có thật, không đáng tin, nhưng cũng không cần thuyết phục bạn đọc phải tin vào thế giới đó.
Có thể khái quát những nét chính trong sự đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết của xu hướng cách tân ở một số phương diện sau đây.
Sự thu hẹp về quy mô tác phẩm là đặc điểm dễ nhận ra đầu tiên về mặt hình thức. Hầu hết các tiểu thuyết theo xu hướng cách tân đều chỉ có số trang từ khoảng 150 đến 250 trang, một số ít có thể đến 300 trang. Chính vì vậy, “tiểu thuyết ngắn” trở thành một thuật ngữ định danh cho những cuốn tiểu thuyết “gọn nhẹ” này. Thực ra trước đây Nguyễn Khải cũng đã có những tiểu thuyết ngắn thiên về chính luận – triết luận, như Chủ tịch huyện, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người… nhưng sang đầu thế kỉ XXI, xu hướng thu gọn quy mô tác phẩm mới thật sự được nhiều nhà văn lựa chọn, một mặt để phù hợp với văn hóa đọc thời hiện đại, mặt khác nó cũng nằm trong ý thức làm mới tiểu thuyết. Tiểu thuyết đã được giải phóng khỏi chức năng phản ánh bức tranh đời sống xã hội, không phụ thuộc vào một cốt truyện có đầy đủ thành phần. Nhà văn quan tâm đến cách kể câu chuyện hơn là nội dung câu chuyện.
Kết cấu phức hợp và sự pha trộn nhiều thể loại là đặc điểm nổi trội của cấu trúc văn bản tiểu thuyết cách tân theo hướng hiện đại. Tiểu thuyết giờ đây có thể dung hợp trong nó nhiều thể loại khác nhau như thơ, kịch, tiểu luận, phóng sự, nhật kí, tự truyện… Trong Pari 11 tháng 8 của Thuận, ở mỗi chương được xen vào những mẩu tin báo chí về trận nắng nóng khủng khiếp năm 2003 ở Pháp, ngoài ra tác giả còn đưa vào ba tiểu luận xã hội của ba tác giả khác nhau, tất cả những phần này đều tách biệt hẳn với thành phần truyện chính.

Tạ Duy Anh cũng là một nhà văn có sự tìm tòi trong việc thể nghiệm tính liên văn bản. Trong Đi tìm nhân vật, tác giả đã trích dẫn nguyên văn lời tự thú trong cuốn sổ của tiến sĩ N, nhật kí Trần Bân, lá thư của Thảo Miên, đặc biệt còn đưa bốn truyện cổ tích vào kết cấu tác phẩm. Trong Phiên bản, Nguyễn Đình Tú đã pha trộn cả kinh thánh và lý thuyết tội phạm học…
Kiểu kết cấu truyện lồng trong truyện cũng thường gặp ở các tiểu thuyết thuộc xu hướng này. Chinatown của Thuận có tiểu thuyết I’m Yellow của nhân vật “tôi”, nhưng “tôi” lại là tác giả của Made in Vietnam do chính Thuận sáng tác trước đó, rồi nhân vật trong Made in Vietnam lại “lẻn vào được hai truyện ngắn” của nhân vật “tôi”.
Hiện tượng này còn có thể gặp trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Blogger của Phong Điệp nhưng ở hình thức đơn giản hơn. Với kiểu kết cấu này, bạn đọc khó mà rạch ròi được đâu là câu chuyện nhà văn kể, đâu là câu chuyện được lồng vào. Việc cố tình tạo nên sự nhập nhằng giữa câu chuyện của nhà văn và câu chuyện của nhân vật gây khó khăn cho bạn đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm, nhưng mặt khác lại gợi sự tò mò, hứng thú nhất định.
Lắp ghép cũng là một thủ pháp được sử dụng khá rộng rãi. Dấu hiệu của lắp ghép là sự chuyển đổi đột ngột về nội dung, sự kiện trong những không gian và thời gian khác nhau. Trong Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh đã tạo dựng một kết cấu thật sự lỏng lẻo khiến ta có cảm giác nhìn thấy cả những đường ghép vô cùng rõ nét; cuốn tiểu thuyết như là tập hợp của những truyện ngắn được móc nối vào nhau mà cái sườn chung là câu chuyện về một chú bé mồ côi.
Kết cấu trong Blogger của Phong Điệp cũng khá độc đáo, với ba tuyến truyện được vắt vụn thành nhiều mảnh nhỏ và sắp xếp xen kẽ nhau. Kỹ thuật cắt dán khiến bạn đọc không cảm thấy nhàm chán khi phải theo dõi cả ba tuyến truyện, bởi vừa đọc họ vừa phải tự sắp xếp lại các thành phần cốt truyện sao cho hợp lí.
Với sự pha trộn thể loại và lắp ghép trong kết cấu, tiểu thuyết không chỉ được lạ hóa mà đường biên thể loại cũng mở ra vô tận. Cũng từ đó hiện thực không hiện lên như một mặt phẳng mà trở nên hỗn độn, đa tầng.
Trong tiểu thuyết hôm nay, như quan niệm của M.Kundera, “Nhân vật không phải là sự mô phỏng một con người sống thật. Đó là một con người tưởng tượng, một cái tôi thực nghiệm”(5#). Một đặc điểm nổi rõ ở nhân vật của tiểu thuyết cách tân theo hướng hiện đại là nó hiện ra như một phức thể, đa bội và nhiều mâu thuẫn. Nguyễn Bình Phương là một trong những nhà văn thể hiện rõ nhất sự phức tạp trong thế giới tâm linh, trong tiềm thức, vô thức của con người. Thậm chí tiềm thức và vô thức đôi khi chiếm vai trò chủ đạo trong việc điều khiển hành vi nhân vật và điểu khiển cả dòng chảy của mạch tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn này.
Bên cạnh việc phức thể hóa nhân vật, các nhà văn còn làm mờ chính các nhân vật của mình, thậm chí là xóa bỏ nhân vật, biến nhân vật thành những kí hiệu, biểu tượng. Khác với tiểu thuyết truyền thống, các chi tiết như tên tuổi, diện mạo, nghề nghiệp không có tác dụng để nhận diện nhân vật, bởi chính các nhà văn đã cố ý xóa bỏ tất cả đường viền nhân thân đó.
Nhân vật “em” trong Trí nhớ suy tàn, T. trong T. mất tích là những trường hợp như vậy. Cùng với việc làm mờ nhân vật, các nhà văn còn tạo nên những nhân vật biến mất, những nhân vật vắng mặt. Trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, “hắn” là nhân vật xuất hiện ở khắp nơi nhưng chưa bao giờ có mặt bởi hắn “biết tàng hình”. Đến Giã biệt bóng tối “hắn” trở lại trong hình ảnh của quỷ – kẻ luôn ẩn mình trong bóng tối, đe dọa cuộc sống của con người.
Sử dụng thủ pháp huyền thoại hóa cũng là đặc điểm của nhiều tiểu thuyết cách tân theo hướng hiện đại. Yếu tố huyền thoại được thể hiện ở việc sáng tạo những hiện tượng, sự vật kì ảo, siêu nhiên và tập trung nhất ở những nhân vật kì ảo, có năng lực khác thường, các nhân vật bóng ma, quỷ, linh hồn. Huyền thoại hóa có thể bằng cách phát triển và làm mới những mẫu gốc, có thể là những sáng tạo hoàn toàn mới. Nhân vật Mai Trừng trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái có khả năng “phát điện trường” cực mạnh và linh ứng lời nguyền để trừng trị những kẻ ác xâm phạm đến cô.
Các nhân vật trong Người sông Mê của Châu Diên hiện diện cả trong thế giới thực và thế giới bên kia sau khi đã chết, thậm chí nhập nhằng, lẫn lộn không phân biệt được ở cõi nào, cả trong nhận thức và hành động của chính nhân vật. Huyền thoại hóa không chỉ là một thủ pháp gia tăng các khả năng sáng tạo thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết, tăng cường sức hấp dẫn với bạn đọc mà còn có thể mở rộng sức khái quát cùng những suy tư, triết luận của nhà văn về đời sống, về con người.
Sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật và luân phiên thay đổi điểm nhìn cũng là một đặc điểm cách tân nổi rõ trong nghệ thuật tự sự của các tiểu thuyết theo hướng hiện đại ở đầu thế kỉ XXI. Khác với tiểu thuyết truyền thống thường sử dụng điểm nhìn từ một người kể chuyện toàn tri, đáng tin cậy, tiểu thuyết theo xu hướng hiện đại thường lựa chọn trần thuật từ điểm nhìn của người kể chuyện không biết hết, thậm chí không đáng tin cậy, hoặc điểm nhìn từ những con người dị biệt, khác thường.
Trong Thiên thần sám hối là một thai nhi, ở Thoạt kì thủy là một người điên loạn. Trong các tiểu thuyết còn có sự luân phiên liên tục các điểm nhìn, chẳng hạn Giã biệt bóng tối, Khải huyền muộn, Phiên bản. Trong Phiên bản việc luân chuyển các điểm nhìn đã cho bạn đọc thấy được những phiên bản khác nhau của nhân vật Diệu, cả sự tàn bạo, dã man và cả những ước mơ, khát vọng trong sáng, thánh thiện…
Nói đến sự cách tân nghệ thuật của tiểu thuyết theo xu hướng hiện đại không thể bỏ qua phương diện ngôn ngữ và giọng điệu. Đó là việc tạo ra ngôn ngữ đa thanh, mang tính đối thoại và sự kết hợp của nhiều kênh ngôn ngữ. Đó là sự kết hợp của nhiều giọng điệu, với giọng trữ tình, giọng triết lí, giọng hoài nghi, chất vấn, đối thoại… nhưng nổi bật là giọng giễu nhại và giọng vô âm sắc. Giễu nhại đã trở thành giọng điệu phổ biến với những sắc thái khác nhau ở nhiều cây bút tiểu thuyết, như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Châu Diên.
Giọng vô âm sắc thực chất là không giọng điệu, nó thể hiện ở lời trần thuật mang màu sắc trung tính, không hề có điểm nhìn bên trong mà chỉ đơn thuần trình bày sự việc từ bên ngoài, theo kiểu ống kính máy quay. Chủ trương tẩy trắng giọng điệu, các nhà văn sử dụng những câu văn ngắn gọn, thường chỉ gồm chủ ngữ và vị ngữ, thậm chí chủ ngữ cũng bị lược bỏ. Chính vì vậy, các câu văn chỉ có nội dung thông báo, không hề có lời bình luận thậm chí không hề có sắc thái biểu cảm. Có thể gặp giọng điệu này trong một số tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và nhất là của Thuận.
Với những nỗ lực cách tân nghệ thuật như trên, quan niệm mới về tiểu thuyết đã được hiện thực hóa. Thắng được sức ỳ truyền thống, thay đổi tư duy tiểu thuyết và cải biến được thị hiếu của công chúng không phải là vấn đề đơn giản và có thể nhanh chóng thành công, nhưng các nhà văn theo xu hướng cách tân vẫn quyết tâm đổi mới và không thể phủ nhận những gì mà họ đã làm được. Cũng phải thấy rằng các nhà văn theo đuổi cách tân còn nặng về trình diễn kĩ thuật, thủ pháp, khiến bạn đọc nhiều khi bị đẩy vào mê lộ. Sự tìm tòi về thủ pháp nhiều khi chưa đi liền với sự khám phá mới và sâu sắc về đời sống, chưa dựa trên nền tảng tư tưởng triết học có chiều sâu – đây vẫn là hạn chế bộc lộ ở nhiều cuốn tiểu thuyết theo xu hướng này.
N.V.L – L.T.T.H
——
1 Lộc Phương Thủy (2005), Tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX – truyền thống và cách tân, NXB Văn học, Hà Nội.
2 M. Bakhtin (2003), Lí luận về thi pháp tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
3 Phạm Thị Hoài (1990), Một trò chơi vô tăm tích, Báo Văn nghệ, số 7.
4 M.Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch), NXB Văn hóa-thông tin, Trung tâm nghiên cứu quốc học.
5 M.Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch), NXB Văn hóa – thông tin, Trung tâm nghiên cứu quốc học.
Nguồn: Vannghequandoi
Exit mobile version