THAM LUẬN HỘI THẢO CỦA NHÀ VĂN VÕ THỊ XUÂN HÀ

Ngày 28/5/2015, tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia, với Chủ đề: SÁNG TÁC VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI: THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG, do Viện Văn học tổ chức.

Hội thảo đã thu hút được đông đảo nhà văn, nhà thơ, lý luận phê bình, dịch thuật tham gia, với 68 bản tham luận khá sâu sát.

Tonvinhvanhoadoc.vn xin giới thiệu bản tham luận được trình bày tại Hội thảo của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, đại diện cho các nhà văn cùng thế hệ, và các nhà văn trẻ.

Bản tham luận đi sâu vào một trong những vấn đề quan trọng của Văn học Việt Nam, đó là tiểu thuyết đương đại Việt Nam thời kỳ đổi mới

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

DẪN LUẬN

Thành tựu nổi bật của văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới được ghi dấu đặc biệt bởi thể loại truyện ngắn. Nhiều nhà văn ghi danh mình trong tiến trình đổi mới, đặc biệt các nhà văn thế hệ sinh ra lớn lên sau chiến tranh, được biết đến cũng ở thể loại truyện ngắn.

Tiểu thuyết dường như bị xếp sau.

Tiểu thuyết bị lạm dụng, biến tướng, hay được kết tinh bởi các ý tưởng đổi mới, từ hình thức đến nội dung? Ngay sau những thành công nhất định của truyện ngắn, người ta lập tức nhìn nhận lại vai trò của tiểu thuyết đương đại.

Để hiểu hơn về thực tiễn sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực văn xuôi, tôi có một số suy nghĩ trình bày trong bản tham luận này.

Tôi xin phép chỉ đi sâu vào đề tài mà hiện nay được coi là một trong những vấn đề quan trọng đối với dòng chảy văn học. Đó là vấn đề TIỂU THUYẾT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI.

THỰC TIỄN ĐỜI SỐNG SÁNG TÁC CHUNG

Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện, tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy. Các giá trị văn hóa, văn nghệ bền vững của dân tộc tiếp tục được kế thừa, phát huy. Sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng và chất lượng.

Riêng Hội Nhà văn Việt Nam, số lượng hội viên trong 15 năm tăng đáng kể. Lực lượng sáng tác văn xuôi khá hùng hậu. Không chỉ các nhà văn viết tiểu thuyết, mà nhiều nhà thơ cũng thử sức ở lĩnh vực này.

1. Về điều kiện sống của các nhà văn:

Hiện nay đời sống của các nhà văn (chuyên sâu viết tiểu thuyết) đã có cải thiện đáng kể. Họ có thể tự tổ chức những chuyến đi thực tế cho cá nhân. Có thể liên lạc với thế giới qua mạng và các hệ thống thông tin truyền thông.

2. Điều kiện xuất bản:

Nhiều Nhà xuất bản cởi mở hơn. Việc cấp giấy phép xuất bản một tác phẩm không còn quá khó khăn so với trước thời kỳ đổi mới. Có nhiều mô hình liên kết để có thể cho ra đời một cuốn sách.

3. Về đề tài sáng tác:

Rất rộng. Được thể nghiệm ở nhiều khu vực sáng tạo, nhiều đề tài khác biệt nảy sinh từ xã hội hiện đại.

Đề tài lịch sử của đất nước; những trang sử vẻ vang của dân tộc, cả trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng như xây dựng và bảo vệ tổ quốc tiếp tục thu hút các thế hệ nhà văn khai thác, thể hiện thành công.

Văn học, đặc biệt là tiểu thuyết phát huy được thế mạnh, tích cực phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu, những tiêu cực, tham nhũng và tệ nạn xã hội.

Tiểu thuyết có biên độ rộng, trong một xã hội công nghệ phát triển, con người với những suy nghĩ không theo mạch thẳng rộng như trước, mà khúc xạ và hỗn mang…

4. Tự do sáng tác:

Không có vùng cấm. Dĩ nhiên trừ những vùng cấm của đạo đức và văn hóa dân tộc mà mỗi nhà văn phải xác lập tự thân. Đây là vấn đề cần khẳng định với một nhà văn lớn.

Với một nhà văn đích thực, việc phá bỏ rào cản, vùng cấm trong tư duy, trong cách đặt vấn đề, xử lý vấn đề, trải rộng biên độ tự do, chính là tài năng và kỹ năng trong quá trình sáng tạo tiểu thuyết.

5. Thực tế nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác:

Hàng năm, Hội Nhà văn VN được chi một khoản kinh phí dành cho đầu tư. Những tác giả viết văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết thường được quan tâm đầu tư số tiền cao hơn các nhà thơ (khoảng chừng 7 triệu đến 15 triệu). Tất nhiên không phải ai cũng được và cũng không phải tiền đầu tư được chia đều. Cũng không pahir năm nào cũng có tiền đầu tư được chia đến tay tất cả các nhà viết tiểu thuyết trong Hội, chưa nói lực lượng ngoài Hội hầu như không được quan tâm.

TIỂU THUYẾT ĐƯƠNG ĐẠI TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Bài viết này không thống kê các tác phẩm tiểu thuyết đương đại thời kỳ đổi mới.

Nhưng tạm chia thể loại tiểu thuyết ra những khu vực thể loại sau:

1. Tiểu thuyết truyền thống

Thể loại này thường chứa đựng những đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, những mối quan hệ trong các bộ phận công trường, nông lâm trường, nhà máy, nông thôn…

Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi nhân dân.

Các nhà văn viết theo thể loại truyền thống thường nằm ở khu vực độ tuổi trung và cao niên. Những nhà văn này đa phần xuất thân từ nông thôn, rất nhiêud người đã từng và đang mặc áo lính. Lối viết của họ mộc mạc, kể chuyện từ A đến Z. Độc giả dễ theo dõi.

2. Tiểu thuyết hiện đại

Điển hình cho dòng tiểu thuyết này, bắt đầu từ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Lão Khổ của Tạ Duy Anh, Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương… cho tới Tường thành, Trong nước giá lạnh của Võ Thị Xuân Hà, Thức giấc, Nhân gian của Thùy Dương, Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam, Nháp, Phiên bản của Nguyễn Đình Tú, Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy, Bloger của Phong Điệp…

Đa phần các nhà văn dùng hình thức chuyển tải văn bản tiểu thuyết theo lối hiện đại, không kể chuyện từ A đến Z, mà lục tung vấn đề, xâu chuỗi dích dắc, để xây dựng dàn nhân vật với những tính cách điển hình dị biệt; về các góc khuất trong xã hội, những mảng sáng xen trong những góc khuất…

3. Tiểu thuyết hậu hiện đại

Dạng tiểu thuyết hậu hiện đại hiện nay ở Việt Nam có rất ít. Có thể kể đến các dạng tiểu thuyết của các cây bút mới xuất hiện như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đặng Thân, một số các cây bút trẻ như Hồng Sakura, Keng, Gào…

Tuy nhiên, để thuyết phục được bạn đọc, lại là vấn đề tài năng.

4. Tiểu thuyết hiện thực huyền ảo

Lối hiện thực huyền ảo được sử dụng xen giữa lối kể truyền thống và các thể loại khác. Càng ngày các nhà tiểu thuyết càng có xu hướng ảnh hưởng nét hoang dại của văn học Mỹ La tinh, theo lối Trăm năm cô đơn của Macket. Dạn dĩ huyền ảo, và huyền ảo dạn dĩ; di chuyển câu chữ theo nhiều cung bậc. Đích cuối cùng là để bạn đọc không bị sa vào trận đồ trữ tình lãng mạn.

5. Tiểu thuyết tân hình thức

Lối viết không xuống dòng của Y Ban trong Xuân Từ Chiều, hoặc như Trò chơi hủy diệt cảm xúc… tạo cho tác phẩm chạm tới thể loại tân hình thức, mặc dù nhà văn vẫn dùng giọng kể trữ tình truyền thống.

Hay Tường thành của Võ Thị Xuân Hà cũng phối kết tân hình thức theo lối xoáy trôn ốc và diễn trình hiện đại để trình bày ý tưởng.

Tuy nhiên, tiểu thuyết theo thể loại nào đi chăng nữa, thì nó vẫn cần tạo dựng nhân vật.

Và có thể khẳng định, nhân vật của tiểu thuyết đương đại Việt Nam thời kỳ đổi mới còn thiếu, mờ và chưa có sức sống lâu bền như kiểu nhân vật chị Dậu, Xuân Tóc Đỏ trước đây.

CHỦ THỂ SÁNG TẠO

Chúng ta đều hiểu rằng, tầm vóc của văn học thời nào cũng vô cùng quan trọng đối với vận hội đất nước. Nếu quan sát kỹ chúng ta cần ghi nhận sức sáng tạo của các nhà văn trong những năm qua thật dồi dào. Năm nào lượng tác phẩm mới ra mắt bạn đọc cũng nhiều. Trong những tác phẩm đó, không thiếu tác phẩm hay, đi sát với đời sống xã hội, thể hiện những tìm tòi và phá cách về hình thức lẫn nội dung. Nhưng phải thừa nhận rằng chưa có tác phẩm nào đột phá để gây “sốc” cho xã hội.

Phải kể đến thành công rực rỡ của lớp những người viết thành danh và nổi trội của những năm hậu chiến tranh và tiếp đó, là những chặng đầu của thời kỳ đổi mới. Đó là những tác giả như Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Hảo, Sương Nguyệt Minh… Hiện nay họ vẫn là lớp nhà văn sung sức của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Thời kỳ đổi mới đến, lối sống mới, trong đó có những ảnh hưởng rõ rệt của nền văn minh phương Tây đến những thế hệ ở Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ bấy giờ, có thể làm cho một lúc nào đó, văn học bị “xếp xó”, bị coi là thứ yếu. Nhưng các nhà văn trẻ của thời đại đổi mới đã khá bình tĩnh và vững tâm. Họ đã bước những bước đi thật khó khăn trong cuộc sống cá nhân của mình, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão từng ngày, để nhấn mạnh rằng: họ vẫn viết, vẫn hòa mình trong dòng chảy mới của cuộc sống, và tác phẩm của họ vẫn là những dòng chảy mạnh mẽ mãnh liệt nối mạch nguồn văn chương của cha anh tiếp nguồn đến những thế hệ 7x, 8x, 9x hôm nay.

Đáng lưu ý là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, đã và đang xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” cùng những biểu hiện “bắt chước, lai căng”… trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật, ảnh hưởng đến giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người đọc, người xem; không động viên, khuyến khích được những văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị văn học nghệ thuật chân chính.

LỰC LƯỢNG VIẾT TRẺ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN DÒNG TIỂU THUYẾT ĐƯƠNG ĐẠI

Những năm qua, không ít gương mặt văn xuôi trẻ nổi lên, được bạn đọc yêu mến, đón nhận. Thành công bước đầu của họ đã đóng góp ít nhiều cho nền văn học nước nhà.

Lối suy nghĩ, cách cảm và lối trình bày truyền thống vẫn là phong cách chiếm nhiều nhất trong thời gian đầu khi những người viết trẻ đến với văn chương. Chung quanh họ là những tác phẩm đã được định hình trong lòng độc giả. Và người viết trẻ khó có thể tìm ra được lối viết nào có tính đột phá nếu không thử đặt bước chân của mình trong không gian truyền thống.

Kinh tế thị trường đưa tới cho các cây bút trẻ những lăng kính mà họ có thể chọn lựa cho vị thế của mình. Trong tình huống ấy, một số người viết trẻ ngay lập tức tiếp nhận hàng loạt giọng điệu mới mà thế giới văn chương bốn phương ập tới. Họ chỉnh sửa giọng điệu của mình. Họ cố gắng tìm ra lối cần đi của riêng mình, để không bị trùng lặp và bị “lấp bóng”. Nhưng đồng thời đây cũng là thời kỳ tự do trong việc quảng bá tác phẩm và tên tuổi của người viết.

Các tác giả trẻ mỗi người mỗi vẻ, đã tạo nên một không gian đa chiều cho văn học thời đại mới

Công nghệ thông tin phát triển đưa tới sự ra đời và lan rộng của “văn học mạng”, và “văn học mạng” trở thành nơi đăng tải tác phẩm của một số cây bút chưa định hình. Hàng loạt website văn học ra đời, được nhiều người truy cập và một số cây bút trở thành thành viên tích cực. Họ được cộng đồng mạng công nhận và đón đọc. Dần dà, một số tác phẩm của họ được nhà xuất bản chọn lựa để in thành sách như trường hợp của Hà Kin, và mới đây là sự xuất hiện tác phẩm của Hồng Sakura, Đức Hoàng…

Có trường hợp dù tác phẩm không phải được thành danh nhờ đưa lên mạng, nhưng lại trưởng thành và tìm được giọng viết cho mình nhờ tham gia cộng đồng mạng. Như trường hợp Nguyễn Thế Hoàng Linh với Chuyện của thiên tài.

Hãy kỳ vọng vào lớp viết trẻ. Chính họ đã làm chất xúc tác, gây nên sự chạy đua của dòng tiểu thuyết đương đại thời kỳ đổi mới.

GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

Giải pháp:

1. Với văn học nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.

2. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng “lai căng,” thương mại hóa, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.

3. Viện Văn học là nơi có đủ điều kiện để tạo ra những làn sóng mới cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam thời kỳ đổi mới. Bằng nhiều cách, ví dụ: Phối hợp với Hội Nhà văn VN tổ chức cuộc thi tiểu thuyết, mở các diễn đàn, tọa đàm; phối hợp mở các bàn tròn lý luận phê bình…

Kiến nghị cụ thể:

1. Đề tài tiểu thuyết đương đại thời kỳ đổi mới phải được coi là mảng quan trọng bậc nhất trong nền văn học.

2. Để thúc đẩy và có được những tiểu thuyết giá trị ra đời, cần có lực lượng nghiên cứu phê bình đi song hành. Các nhà lý luận phê bình hãy chọn cho mình dàn tác giả, và theo họ, bên cạnh họ suốt cuộc đời sáng tác.

3. Kiến nghị với lãnh đạo cấp cao quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ sáng tác cho mảng tiểu thuyết đương địa Việt Nam thời kỳ đổi mới.

4. Hội Nhà văn VN phối hợp Viện Văn học mở các Lớp bồi dưỡng chuyên sâu mảng đề tài này, đồng thời mở các Trại sáng tác tiểu thuyết.

5. Quan tâm hơn nữa đến lớp tác giả trưởng thành sau chiến tranh và bắt đầu thời kỳ đổi mới. Đóng góp của thế hệ nhà văn này hiện nay vẫn vô cùng quan trọng cho tiểu thuyết đương đại nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung.

6. Công tác phát hiện bồi dưỡng giúp đỡ các nhà văn trẻ phải được đặt vào hàng ưu tiên. Bời đây là lực lượng nòng cốt để tiếp sức cho những cây bút đã quá quen thuộc với mảng đề tài chiến tranh cách mạng, anh hùng ca. Quan trọng hơn cả là giờ đây, cần nhìn nhận lại về sức mạnh của lớp viết trẻ.

THAY CHO LỜI KẾT

Đội ngũ các cây bút viết tiểu thuyết đương đại Việt Nam hiện nay còn ở rải rác nhiều khu vực, ai đó còn viết theo cảm tính… cần nắm bắt được xu thế mới để sáng tạo, sáng tạo hết mình.

Và hãy tự mở ra trường tự do sáng tạo, mở đường cho chính tác phẩm của mình.

 


Hà Nội, tháng 5/2015

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà



Exit mobile version