nguyen khac phe

Từ nhiều năm trước, trong một bài viết về cuộc đời sáng tác của tôi, một nhà phê bình đã gắn sự nghiệp văn học của tôi với những con đường ra mặt trận. Quả thực, bài kí đầu tiên của tôi được đăng trên báo Văn học (tiền thân của báo Văn nghệ ngày nay) năm 1959 viết về những bạn cùng lớp trường Kĩ thuật giao thông phải bỏ dở khóa học, vào Vĩnh Linh góp sức với các chiến sĩ công binh khai mở tuyến đường 559. Và từ năm đó cho đến năm 1974, tôi là cán bộ ngành giao thông, lăn lộn trên đường Trường Sơn và vùng đất lửa Quảng Bình. Hơn nữa, cả chùm 5 cuốn sách đầu tiên của tôi đều là chuyện trên những con đường: Vì sự sống con đường (tập kí sự – 1968), Đường qua làng Hạ (tiểu thuyết – 1976), Đường giáp mặt trận(tiểu thuyết – 1976), Chỗ đứng người kĩ sư (tiểu thuyết – 1980) và Miền xa kêu gọi (tiểu thuyết – 1985). Lại còn chuyện như là giai thoại: cuốn kí sự Vì sự sống con đường, tác phẩm đầu tay của tôi viết về những chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân, cán bộ kĩ thuật trên con đường 12A, khi xe chở sách vào đến phía nam đèo Ngang thì bị đổ ở ngầm Tú Loan, thế là sách đành lót đường cho xe qua, đúng là “vì sự sống con đường”.

Bản thân tôi cũng đã có lần phát biểu đại ý rằng, “nhờ được sống và chiến đấu trên con đường chiến lược 12A nổi tiếng, trên đất lửa Quảng Bình mà một người không có mấy năng khiếu văn chương như tôi đã trở thành nhà văn…”. Bây giờ ngẫm lại, điều ấy chỉ đúng một phần. Vì nếu “đúng toàn phần” thì làm sao trả lời được câu hỏi: Thế thì tại sao biết bao người đã chiến đấu lâu dài trên những trọng điểm còn ác liệt hơn đường 12A lại không trở thành nhà văn? Vậy nên, nếu nhìn vấn đề đúng mực hơn thì phải nói: Tôi có vốn sống “X” phong phú, nên có ưu thế, có thuận lợi hơn người khác khi viết về đề tài “X”. Chỉ vậy thôi. Mà đề tài, dù quan trọng mấy, cũng chưa phải là văn chương. Nhắc lại điều có lẽ nhiều người đã biết vì trong hoạt động văn học những năm vừa qua vẫn có khuynh hướng quá nhấn mạnh đề tài “lớn”, như thế rất dễ bỏ sót tác phẩm hay về những đề tài “nhỏ”…

Với một lĩnh vực rất khó (hoặc lắm cách) khoanh vùng biên giới như văn chương, việc xác định nguyên cớ khiến anh A hay chị B trở thành nhà văn chỉ là tương đối thôi và có khi rất mơ hồ. Riêng tôi, hình như từ năm 14 -15 tuổi đã bắt đầu ôm mộng văn chương, chính trên những đường phố Hà Nội. Đó là thời kì sau cuộc cải cách dữ dội ở nông thôn năm 1954, tôi cùng cô em gái Dư Khánh phải chạy dạt ra Hà Nội kiếm sống. Ngày ngày, với chiếc xắc vải bạt đựng đầy sách, tôi đi bán dạo khắp phố phường Hà Nội. Hối hả nhảy bám theo tiếng chuông leng keng trên các đoàn tàu điện từ hồ Hoàn Kiếm tỏa đi các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Bông… với túi sách nặng trĩu đôi vai gầy, cậu trai nhà quê mặt đầy mụn trứng cá, không e ngại tiếp cận những cửa hiệu buôn bán giàu có, nhẫn nại và tha thiết xòe những cuốn sách còn thơm mùi mực mời chào các cô chủ, bà chủ mặt hoa da phấn xinh đẹp… Những cuốn sách viết về chiến thắng Điện Biên Phủ như Người người lớp lớp của Trần Dần, sách của Nhà xuất bản Xây dựng, Giông tố của Vũ Trọng Phụng… ngày đó được nhiều bạn đọc tìm mua. Ngày bán sách, tối đọc sách và sức hấp dẫn từ những câu chuyện, những số phận éo le của các nhân vật trong sách đã khiến tôi cứ day dứt, vẩn vơ liên tưởng, rồi loay hoay cầm bút.

Ở trên, tôi đã nhắc đến bài kí đầu tiên được đăng báo Văn học năm 1959, nhưng nếu không lấy tiêu chí là bài được in, thì “trang viết đầu tay” của tôi lại là một truyện ngắn mà tôi viết sau những tháng đi bán sách dạo ít lâu. Khi đó, tôi đã tìm được chỗ dạy kèm (gọi là prê-xép-tơ) ở một gia đình phố Lý Thái Tổ, gần với Viện Văn học ngày nay, nên có thời gian ghi tên học lớp “đệ tam” trường Điện Biên và may mắn được học môn văn với nhà thơ Trần Lê Văn. Truyện ngắn đó đã mất bản thảo, tôi không còn nhớ nhan đề, chưa gửi đăng và hẳn là không báo nào đăng vì sự non nớt của nó, nhưng nhân vật, cốt truyện thì đến nay vẫn rõ như… in, tuy sáu mươi năm đã qua. Chẳng phải lúc đó tôi đã có… tài khắc họa nhân vật, mà chỉ vì hai “nguyên mẫu”, một là thầy giáo rất đẹp trai, mái tóc luôn chải chuốt bóng lộn, người nữa là cô bạn gái học cùng lớp với tôi ở quê. Thầy yêu trò, nhưng rồi thầy được sang Trung Quốc học và đã chạy theo cô gái khác. Tôi viết truyện đó trong tâm thế thương xót người bạn gái bị phụ tình và căm ghét anh chàng bảnh trai bội bạc… Một chuyện tầm thường, lại đã “mất tích” từ lâu, tôi nhắc lại chẳng qua vì ngẫm ra mình có chút may mắn là nhờ những cuốn sách của các nhà văn thế hệ trước “gây men” và “mách nước”, ngay khi mới thử bút đã biết hướng sự quan tâm đến những số phận bất hạnh, những câu chuyện liên quan đến lẽ sống và đạo lí ở đời. Thiết nghĩ, đây mới chính là loại “đề tài” có thể viết thành “văn” (việc viết thành công hay không lại là chuyện khác…); còn với sự việc tôi nêu gương trong bài kí đầu tiên được đăng báo Văn học thì chỉ có thể là chất liệu để viết nên một bài báo mà thôi.

Từ hai “chuyện cũ” vừa nêu và kinh nghiệm bản thân qua những tác phẩm có chút ít thành tựu, tôi nghĩ rằng, trái tim người viết luôn phải “nóng” trước vận mệnh của đất nước, trước những số phận thua thiệt, nhưng chất liệu làm nên tác phẩm văn học lại không thể là thứ “tươi sống” thu được sau một chuyến đi hay một sự kiện dù đang nổi đình đám, mà phải là những thu lượm đã được ấp ủ, sàng lọc, chiêm nghiệm qua nhiều năm tháng của nhà văn. Sự việc trong tiểu thuyếtĐường giáp mặt trận diễn ra từ năm 1964, nhưng đến năm 1970 tôi mới đặt bút viết. Câu chuyện trong tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường thì tôi đã thu lượm các tình tiết, nuôi ý tưởng từ năm 1963, nhưng mãi đến năm 2009 mới hoàn thành… Nhìn rộng ra “đội bạn” cũng vậy. Như tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh gần đây, sau hơn ba chục năm xảy ra sự kiện gây chấn động cả thế giới, nhà văn mới tìm được cách diễn đạt thành công trên trang viết…

Người ôm mộng văn chương trong thế gian chắc là nhiều, nhưng để trở thành nhà văn thì hẳn chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn mà thôi. Với các ngành nghề khác cũng vậy, từ mộng ước đến sự thực là một chặng đường xa. Chẳng phải tôi quá nhấn mạnh tính đặc thù hay thần thánh hóa nghề văn, nhưng quả là cái nghề cầm bút, chỉ công phu thôi không đủ. Không ít người nhấn mạnh yếu tố năng khiếu trời cho; đây là điều khó bác bỏ, nhưng lại cũng rất mơ hồ như định “biên giới” văn chương vậy. Hơn nữa, người có chút năng khiếu bẩm sinh đó, nhưng cũng như một mầm cây có gen trội, phải gặp môi trường thuận lợi, được chăm bón đúng mực, mới lớn thành cây cao bóng cả. Vậy mà tôi, kẻ hình như không có mấy năng khiếu văn chương, lại gặp may, vừa vào đời, đã được “sống giữa nguồn vô tận cho văn thơ” (đây là tên tham luận của tôi tại Hội nghị sáng tác văn học công nhân lần thứ nhất tổ chức tại Hạ Long đầu năm 1970). Như trên đã viết, đây mới chỉ là cái “may”, tôi có thuận lợi hơn người khác về mặt đề tài. Điều quan trọng hơn có lẽ là sự quan tâm của thế hệ nhà văn đi trước đối với một cây bút trẻ. Ngay sự việc tôi được mời đọc tham luận tại một hội nghị văn học lớn, có mặt gần như tất cả các nhà văn tên tuổi ở miền Bắc lúc ấy đã chứng tỏ điều vừa nói. Bây giờ hội thảo và tọa đàm khắp nơi với đủ loại đề tài, ai cũng dễ có cơ hội nhảy lên diễn đàn, chứ 45 năm trước, đối với một cây bút nghiệp dư, chỉ mới trình làng tập kí sự đầu tay như tôi, được tham luận ở một hội nghị lớn là một “cú hích” rất có ý nghĩa. Cũng trong thời gian đó, tôi được gọi ra dự khóa 3 trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ trong 9 tháng…

Bây giờ, hình như có không ít người cho rằng viết văn chẳng ai dạy được ai; thì như cô D., cậu T. có học viết văn với ai đâu mà tác phẩm vẫn nổi như cồn… Nhân đây, xin được nói quan niệm của tôi về dạy và học viết văn. Trừ một vài “thần đồng”, tôi cho rằng chẳng có ai không học mà trở thành nhà văn. Có điều, cách học viết văn hiệu quả nhất là đọc sách; một cách học nhiều khi không “tự giác”, qua những trang sách của thế hệ đi trước cả trong và ngoài nước, những kinh nghiệm, những “ngón nghề” (hay nói như nhà nghiên cứu Phan Ngọc là “mẹo viết văn”) tự nhiên thấm vào ta, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Với tôi, có thể nói chắc rằng, nhờ đam mê đọc sách mà thành nhà văn. Đọc và học qua những trang sách, suốt đời. Quãng thời gian đi bán sách (1954) và từ ngày về công tác tại Hội Văn nghệ (1974), có điều kiện sống gần sách báo, ngày ngày tôi đọc sách đã đành, những năm tháng phải sống ở những công trường xa xôi hay trên tuyến lửa Quảng Bình, tôi vẫn luôn tìm đến các hiệu sách khi có dịp. Không phải ngoa ngôn, chính trong giai đoạn sống trên những cung đường gian khổ và đầy hiểm nguy ấy, tôi đã đọc hầu hết tác phẩm văn xuôi có giá trị xuất bản thời đó. Xin kể một chi tiết: ngay trong ngày đầu vào đời, tháng 8/1959, đặt chân lên Lạng Sơn, chàng kĩ thuật viên tròn 20 tuổi đã tìm đến trước hết là hiệu sách và mua được cuốn Sông Đông êm đềm tập một mà hôm rời Hà Nội không kịp ra mua ở hiệu sách phố Tràng Tiền. Thật khó kể đủ những tên sách tôi đã đọc hồi ấy. Lại còn những bộ phim, những vở kịch như Lu-ba, Con nai đen… chiếu, diễn ở Nhà hát Lớn và Nhà hát Nhân dân san sát những hàng ghế gỗ giữa “quảng trường” không mái che và phim chiếu ở các rạp chiếu bóng Kinh Đô, Long Biên, Đại Đồng, Hòa Bình…, mỗi khi có dịp về Thủ đô là tôi tranh thủ tìm xem, có ngày xem tới 2 – 3 suất, vì đam mê mà cũng để học. Với một người muốn viết văn, có rất nhiều điều có thể học được từ các bộ môn nghệ thuật khác, nhất là sân khấu và điện ảnh.

Vậy thì “anh” đã học được gì qua hàng ngàn cuốn sách, vở diễn, bộ phim? Nhiều điều mơ hồ và cũng có thứ kể ra được. Xin “bật mí” hai điều tôi đã học và áp dụng vào sáng tác của mình. Đó là sau khi đọc hai bộ trường thiên tiểu thuyết của M.A.Sholokhov (Sông Đông êm đềmĐất vỡ hoang), tôi nghiệm ra tiểu thuyết rất cần loại nhân vật hài hước, ngộ nghĩnh (tương tự như anh hề trong chèo) kiểu lão Suka của Sholokhov. Nhờ đó, trong bộ đôi tiểu thuyết Đường giáp mặt trận và Chỗ đứng người kĩ sư, tôi đã dựng được nhân vật bác Mộc lái xe với lối nói ngọng và dễ “mất lập trường”, không chỉ là nơi để độc giả “giải lao” khi đọc một cuốn sách dày và những trang đấu đá gay cấn, mà còn là chỗ gửi gắm giọng điệu “phản biện” có tính dân gian. Điều học được thứ hai là khi đọc bộ ba tiểu thuyết Con đường đau khổ của A.N.Tolstoy, tôi bỗng nghĩ đất nước mình cũng có đầy chất liệu để dựng một tiểu thuyết tương tự và sau nhiều năm ôm ấp ý tưởng đó, tôi cũng xây dựng đề cương một tiểu thuyết bộ ba, nhưng về sau đã được rút gọn thành tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường

Trở lại chuyện đi học viết văn. Tôi gọi đây là một may mắn trong bước đường đầu tiên đến với làng văn, không chỉ vì có dịp được học tập kinh nghiệm của các nhà văn đàn anh, được bồi bổ các kiến thức cần thiết đối với người cầm bút, mà quan trọng hơn, có khi là được sống trong một môi trường có đủ yếu tố kích thích con người làm văn chương, có sức lôi cuốn ta hãy mạnh dạn bước tiếp trên con đường văn, dù nhiều bất trắc.

Cũng là rất may mắn, ngay trong lúc tôi chập chững vào làng văn, mặc dù đang sống trong ngành giao thông, nơi tưởng chỉ biết đến sắt, đá, bê tông và bụi bặm công trường, tôi đã gặp được hai thủ trưởng yêu thích văn chương và tôn trọng người có đam mê viết văn. Đó là ông Lại Văn Ly và ông Lê Đức Mận, hai Trưởng ti Giao thông Quảng Bình thời chống Mĩ. Năm 1967, khi bản thảo tập kí sự đầu tay Vì sự sống con đường của tôi còn dở dang, trong một dịp ra Hà Nội công tác, ông Lại Văn Ly đã cho tôi ở lại hơn một tháng để hoàn thành tập sách và cuối năm 1968, tôi lại được đi học trường viết văn 9 tháng mà ngành giao thông vẫn trả lương. Khoảng năm 1970, ông Lê Đức Mận lại cho đi dự Trại sáng tác văn học đề tài công nhân trong 6 tháng do Tổng Công đoàn Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nơi tôi khởi thảo tiểu thuyết Đường giáp mặt trận. Đó là những sự hỗ trợ về thời gian và kinh tế rất lớn và có thể nói là hiếm có với một người viết nghiệp dư, nhưng đặc biệt hơn, quý hơn nữa là sự ủng hộ về tinh thần, tình cảm. Khi tôi mang bản thảo Đường giáp mặt trận (lúc đó, nó còn mang tên Màu đỏ) từ Trại sáng tác về cơ quan tranh thủ giờ nghỉ sửa chữa, thỉnh thoảng ông Lê Đức Mận lại ghé thăm, vui vẻ và như giục giã: “Xong chương mấy rồi? Đưa tôi đọc tiếp…”. Và tại Đại hội Đảng bộ ngành giao thông Quảng Bình, ông đã “quảng cáo” cho cuốn tiểu thuyết, dù nó chưa xuất bản, dù nhiều chương đụng chạm vấn đề có thể gọi là “nhạy cảm”, như phê phán kiểu lãnh đạo “duy ý chí”, qua việc xây dựng nhân vật bí thư đảng ủy kém chuyên môn mà thừa nhiệt huyết cách mạng, nên đã gây ra tai nạn lao động, đồng thời đề cao vai trò của trí thức trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Chuyện này, nay nhắc qua, không chỉ để nói sự may mắn của riêng tôi, mà để nhấn mạnh, môi trường, “khí hậu” xung quanh người viết cũng hết sức quan trọng.

– Theo Nguyễn Khắc Phê – Tạp chí Văn nghệ quân đội –

Exit mobile version