Hồi kí là thể loại chú trọng đến những biến cố, sự kiện trong quá khứ mà người kể đóng vai trò nhân chứng, là người tham dự trực tiếp hoặc chứng kiến sự việc đã xảy ra. Trong đời sống văn học Việt Nam qua các thời kì, hồi kí đã từng được biết đến khá nhiều, tuy nhiên, đến giai đoạn sau 1975, đặc biệt từ sau 1986, bối cảnh lịch sử xã hội có tính chất bước ngoặt mới tạo môi trường thuận lợi cho hồi kí phát triển mạnh mẽ. Cùng với muôn vàn khó khăn của đời sống hậu chiến, bầu không khí cởi mở và dân chủ đã làm nảy sinh nhu cầu chiêm nghiệm quá khứ, thôi thúc con người đối diện với sự thật, đánh giá lại lịch sử và không ngại ngần bộc bạch suy tư về thời cuộc. Bởi vậy có thể coi sự nở rộ của hồi kí chính là kết quả của quá trình vận động thể loại trong thời kì đổi mới, với xuất phát điểm là tư duy mới mẻ của người viết và sự tự ý thức sâu sắc về bản thân trong xã hội có nhiều biến động.

Hồi kí thực sự có giá trị khi đảm bảo được tính chân thực, không chỉ đối với những hồi kí do các nhà cách mạng, nhà văn hóa kể lại mà đối với bất kì một cá nhân nào đóng vai trò là nhân chứng của một thời. Trong giai đoạn 1945 – 1975 và sau khi chiến tranh kết thúc đã xuất hiện khá nhiều hồi kí cách mạng của các vị tướng, những nhà hoạt động chính trị, những người tham dự trực tiếp hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đây là những cuốn hồi kí cung cấp tư liệu chân xác và sống động về những sự kiện, nhân vật, trận đánh, địa danh lịch sử, như: Hai lần vượt ngục (Trần Đăng Ninh), Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên (Võ Nguyên Giáp), Bên sông dồn súng (Trần Độ), Không còn con đường nào khác (Nguyễn Thị Bình). Bước sang thời kì đổi mới, dòng sách này vẫn tiếp tục được khẳng định với tên tuổi các vị tướng, các nhà quân sự, nhà cách mạng nổi tiếng: Hoàng Văn Thái (Những năm tháng quyết định), Phùng Thế Tài (Bác Hồ, những kỉ niệm không quên), Đặng Vũ Hiệp (Kí ức Tây Nguyên), Trần Văn Giàu (Hồi kí Trần Văn Giàu), Nguyễn Thị Bình (Gia đình bạn bè, đất nước),… Hồi kí tiếp tục phát huy khả năng tái hiện lịch sử của thể loại, ghi lại chân thực hồi ức, kinh nghiệm của những người tham dự trực tiếp vào những biến cố trọng đại, trở thành những tư liệu quý giá, mang giá trị lịch sử sâu sắc bởi người kể là những nhân chứng sống của thời đại. Các tập hồi kí vừa tái hiện toàn cảnh bức tranh thời đại vừa đi sâu phân tích sự kiện, chiến thuật, những diễn biến cụ thể, đồng thời công bố không ít những thông tin quan trọng, từng là bí mật. Cái tôi nhân chứng được thể hiện khá rõ nhưng lùi về bình diện thứ hai, tác giả không đi sâu vào phân tích thế giới nội quan của cá nhân, bản thân người kể mà chủ yếu nhằm thể hiện bức tranh toàn cảnh lịch sử xã hội trong đó nổi bật sức mạnh tập thể, hình ảnh nhân dân, sự đồng lòng nhất trí, và khắc họa hình ảnh những nhà lãnh đạo của kháng chiến, dân tộc…

Trong phạm vi bài viết này, xin được đi sâu vào những hồi kí giàu tính văn học, đa phần là hồi kí của các nhà văn, nghệ sĩ, nhà văn hóa. Khác với hồi kí cách mạng thường kể lại các sự kiện, trận đánh, chiến công, nhân vật lịch sử, hồi kí văn học khám phá những số phận, cuộc đời, nhân cách qua hồi ức của những cá nhân cụ thể. Những biến động và thăng trầm của lịch sử đất nước suốt thế kỷ XX đã tạo ra một thế hệ văn nghệ sĩ giàu trải nghiệm, họ tìm đến hồi kí như là cách lưu giữ lại kí ức và chiêm nghiệm quá khứ. Từ sau 1975 xuất hiện khá nhiều hồi kí của các cây bút là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn hóa, như Lưu Trọng Lư (Nửa đêm sực tỉnh), Vũ Ngọc Phan (Những năm tháng ấy), Tô Hoài (Cát bụi chân ai, Chiều chiều), Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Huy Cận (Hồi kí song đôi), Anh Thơ (Từ bến sông Thương 1984, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt), Bùi Hiển (Bạn bè một thuở), Phan Tứ (Trong mưa núi), Đào Xuân Quý (Nhớ lại), Tố Hữu (Nhớ lại một thời), Hồi kí Đặng Thai Mai, Hồi kí Nguyễn Hiến Lê… Từ sau năm 2000, các tác giả thành danh từ nửa đầu thế kỷ XX trở nên thưa vắng, tuy vậy, dòng chảy hồi kí vẫn được tiếp nối bởi các cây bút thế hệ tiếp theo như: Sáng tối mặt người (Sao Mai), Rừng xưa xanh lá và Viết về bè bạn (Bùi Ngọc Tấn), Cô bé nhìn mưa (Đặng Thị Hạnh), Nhớ và quên (Đặng Anh Đào – Phạm Hồng Sơn), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng), Hồi kí điện ảnh (Đặng Nhật Minh), Hồi kí Trần Văn Khê, Hồi kí Phạm Duy…(1)

Hồi kí từ sau Đổi mới là một mảng đặc biệt trong đời sống văn học và có sức hấp dẫn đối với công chúng bởi qua kí ức của các tác giả – những cá nhân đã đóng góp vào các sự kiện văn hóa, xã hội – người đọc không chỉ có thêm hiểu biết về từng thời kì lịch sử được tái hiện phong phú sinh động, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp văn chương và ngôn từ qua nghệ thuật kể chuyện và tái hiện quá khứ. Hồi kí của Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Tô Hoài, Anh Thơ, Huy Cận, Nguyễn Hiến Lê… mang nhiều suy ngẫm của người từng gắn bó cuộc đời với văn chương bút mực, và “cuối đời nhìn lại” với tư cách một nhân chứng của thời đại và chính cuộc đời mình. Họ là những tác giả đã xuất hiện và tham dự trực tiếp vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam trong giai đoạn 1930 – 1945, đồng thời cũng là những người đầu tiên hăng hái tham gia cách mạng và trải qua hai cuộc kháng chiến, được chứng kiến những biến cố lớn lao của lịch sử xã hội và đời sống văn nghệ. Với vốn văn hóa và kiến thức sâu rộng, Vũ Ngọc Phan phục dựng lại bức tranh xã hội đầu thế kỉ qua không gian Hà Nội xưa, những phong tục tập quán gắn với cuộc bể dâu, thăng trầm của thời đại. Là một nhà văn giàu tâm huyết với văn hóa dân tộc, Vũ Ngọc Phan ghi lại trong hồi kí những câu chuyện về chính dòng tộc, truyền thống gia đình ông, từ đó bàn rộng sang về tập tục, cách ăn mặc, ngày lễ tết của người Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX. Hồi ức những ngày đi học, thi cử, kỉ niệm về cuộc hôn nhân và bước đường đến với nghề viết… làm nổi bật quá trình hình thành nhân cách của một tài năng nghiên cứu văn chương. Trong hồi kí Đặng Thai Mai, tuy mới chỉ hoàn thành xong phần đầu Thời kì thanh thiếu niên, những trang viết vẫn còn dang dở nhiều dự định nhưng với ý thức về tư cách cá nhân hiện diện trong đời sống xã hội, tác giả luôn lồng ghép những kí ức về sự hình thành nhân cách, cá tính với không khí thời đại, hồi ức về những hoạt động yêu nước của cha ông, những nhà cách mạng tiền bối, kỉ niệm về những người thân và những giá trị văn hóa truyền thống. Khởi đầu từ “một sinh mệnh bé tí ngơ ngác, giữa một đường đời mênh mông rối ren”, Đặng Thai Mai làm sống lại kí ức thời thơ ấu, về bà nội và quê hương Lương Điền, con đường đến với tri thức và học vấn của bản thân bằng những cảm xúc chân thành và sự tự ý thức sâu sắc. Từ đây người đọc có được hình dung về không gian xã hội rộng lớn, toàn cảnh bức tranh của nền giáo dục và những sắc màu văn hóa trước biến động của lịch sử dân tộc. Hầu như các tác giả hồi kí là những người có đóng góp nhất định vào quá trình hiện đại hóa văn học (chẳng hạn Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai) nên từ lăng kính cá nhân, mỗi tác phẩm hồi kí đều phản chiếu ánh hồi quang của thời đại đã qua, nhờ vậy hồi kí của họ không chỉ mang ý nghĩa nhận thức bản thân mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa.

Mỗi người viết hồi kí với tư cách là nhân chứng của một thời đều có cách khác nhau để ghi lại hồi ức; đa phần các tác phẩm hướng đến bao quát lịch sử cuộc đời, nhưng cũng có cuốn sách chỉ nhấn mạnh một giai đoạn, quãng đời in dấu ấn sâu đậm, có ý nghĩa đối với cá nhân và xã hội. Cuốn hồi kí của Nguyễn Hiến Lê sau khi được xuất bản lần đầu, vẫn tiếp tục được tác giả bổ sung, chỉnh sửa, và với văn bản hoàn thiện năm 1983, cuốn sách đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành nhân cách của một con người – học giả Nguyễn Hiến Lê, một trong những gương mặt đáng chú ý của giới nghiên cứu miền Nam với kỉ lục viết đáng kinh ngạc. Người đọc có thể hình dung một cách khá đầy đủ về thời đại mà tác giả sống, khởi nguồn từ kí ức về nguồn gốc xuất thân, quá trình tích lũy học vấn để đến với con đường học thuật, nghiên cứu, đồng thời thấp thoáng sau những gương mặt bè bạn văn chương, tác giả gửi gắm rất nhiều tâm sự, suy ngẫm về cuộc đời và những thăng trầm lịch sử. Ở một hướng khác, hồi kí Trong mưa núi của Phan Tứ giản dị với khát vọng lưu giữ lại kí ức về những tháng ngày chiến đấu gian khổ ở một vùng rừng núi. Tác phẩm là những kỉ niệm chân thực về một mùa mưa sống trên rừng núi trong cuộc chiến tranh chống Mĩ của nhà văn với những người dân tộc Thượng anh em qua đó nhắc nhớ những trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến. Mặc dù dung lượng và chất lượng văn học của mỗi tác phẩm khác nhau nhưng tính xác thực của sự kiện, khả năng kết nối với những vấn đề đời sống xã hội và sự chân thành của người kể đã thu hút nhiều người đọc tìm đến hồi kí của các nhà văn, nghệ sĩ,… để được hiểu về con người và cuộc đời từ những trải nghiệm văn hóa.

Khác với tự truyện thường tập trung vào tâm điểm là cái tôi của tác giả, hồi kí cung cấp những tư liệu phong phú về quá khứ và hướng tới sự khám phá bức tranh thời đại, cái phông nền xã hội bao trùm, rộng lớn. Cát bụi chân ai và Chiều chiều của Tô Hoài là hai cuốn hồi kí gây “sóng” trong dư luận bởi sức hấp dẫn từ những chân dung sinh động của nhà văn qua cái nhìn gần của Tô Hoài nhưng cũng bởi cách nhà văn đối diện với những vụ án văn chương và sự thật khuất kín đằng sau đó, những nhân vật của lịch sử văn học trong quá khứ. Nếu như hồi kí Tô Hoài mở ra thế giới của những nhân vật nổi danh làng văn và chuyện “bếp núc” của thời Nhân văn – Giai phẩm (Cát bụi chân ai) hay thời kì cải cách ruộng đất (Chiều chiều) thì Nhớ lại của Đào Xuân Quý cũng hé lộ sự thật trong sinh hoạt văn nghệ như Đại hội Nhà văn và đời sống văn nghệ sĩ trong một giai đoạn lịch sử. Nét đặc biệt trong các hồi kí thời kì đổi mới là bên cạnh việc tái hiện chân dung thời đại, người viết luôn có ý thức khắc họa chân dung văn nghệ sĩ. Hình ảnh bạn bè văn chương xuất hiện khá nhiều trong các hồi kí: Bạn bè một thuở (Bùi Hiển), Những gương mặt đáng yêu (Nguyễn Xuân Sanh), Nhớ lại một thời (Tố Hữu), Viết về bè bạn, Một thời để mất (Bùi Ngọc Tấn)… Vừa là sự tổng kết chiêm nghiệm của một cuộc đời gắn bó với văn chương, hồi kí của Bùi Ngọc Tấn vừa đi sâu vào những số phận văn chương “một lứa bên trời lận đận”. Một số cuốn sách (được ghi là hồi ức) của Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Ma Văn Kháng như Tầm xuân, Cô bé nhìn mưa, Nhớ và quên, Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương là sự kết nối của thế hệ hiện tại với quá khứ qua những kí ức cá nhân mà không hề mất đi chất thơ, cảm xúc mơ mộng của hành trình tìm lại thời gian đã mất. Với sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm đáng chú ý, hồi kí thời đổi mới mở ra một thế giới phong phú của những con người, những cá nhân gắn bó với thời đại họ sống.

Viết hồi kí cũng là quá trình nhà văn tự nhận thức về lịch sử và thái độ “sòng phẳng” với quá khứ. Tác giả hồi kí càng nhiều trải nghiệm, vốn sống, hồi kí càng giàu sức nặng. Nhiều hồi kí giai đoạn này đi sâu lí giải những hiện tượng, sự kiện trong đời sống văn hóa văn nghệ. Là những người trực tiếp can dự vào đời sống văn học, với độ lùi thời gian nhất định, mỗi người viết có những kiến giải và đánh giá chủ quan nhưng đều có tinh thần nói ra sự thật, tôn trọng sự thật. Cát bụi chân ai của Tô Hoài sở dĩ là một hiện tượng nổi bật khi mới xuất hiện bởi sau một thời gian dài gắn với cảm hứng sử thi và lãng mạn, hồi kí cho phép người đọc được nhìn gần, nhìn thẳng, nhìn sâu vào một thế hệ nhà văn trong từng khúc quanh của lịch sử, với những tên tuổi đã in dấu đậm nét trong làng văn như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân và ngay cả Tô Hoài. Tác giả cũng không ngại ngần tiết lộ nhiều ẩn khuất trong quá khứ qua chuyện đời tư Nguyễn Bính, chuyện tình Xuân Diệu, cá tính Nguyễn Tuân… Cát bụi chân ai của Tô Hoài là một cuốn hồi kí đặc biệt ở chỗ không những tái hiện một cách sinh động đời sống văn nghệ mà có cái nhìn sắc sảo, tinh tế về những “ông lớn” trong nền văn chương hiện đại, vén mở những bí ẩn sâu kín trong thế giới tinh thần của người cầm bút. Các tập hồi ức Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá của Bùi Ngọc Tấn là những đồng cảm và chia sẻ với tâm tư tình cảm và sự vật lộn trong cuộc mưu sinh của một lớp nhà văn như Lê Bầu, Đình Kính, Lê Mạc Lân. Kỉ niệm về nhà văn Nguyên Hồng, về Hải Phòng qua những trang viết xúc động, khám phá chiều sâu tâm hồn người nghệ sĩ trước giông gió của cuộc đời thực sự là những trang hồi kí giàu chất văn chương.

Quả vậy, hồi kí thời kì đổi mới là hành trình khám phá những số phận, nhân cách và thế giới tâm hồn con người. Tác giả hồi kí không chỉ trình bày nguyên trạng bức tranh quá khứ mà còn không ngừng suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, số phận của đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong đó có hình ảnh của chính người viết. Nếu như hồi kí của Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan khiến người đọc cảm nhận không gian văn hóa và môi trường tạo nên tính cách của nhà nghiên cứu, phê bình mực thước, nghiêm ngắn thì trong Nửa đêm sực tỉnh, bằng hoài niệm về những mối tình trong dĩ vãng, người đọc lại dễ đồng cảm với người thơ lãng mạn đa tình Lưu Trọng Lư. Vũ Ngọc Phan trong Những năm tháng ấy cũng ghi lại bức chân dung có giá trị của nhiều tác giả đương thời như Hoàng Tích Chu, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Trần Thanh Mại, Tô Hoài. Đây là những kỉ niệm sống động, hoàn thiện những chân dung văn học đã từng được nhà nghiên cứu đề cập đến trong bộ Nhà văn hiện đại đồ sộ.

Như đã nói, nhiều cuốn hồi kí thời kì đổi mới là tác phẩm văn chương thực thụ chứ không dơn thuần chỉ là hồi tưởng, ghi chép, tường thuật sự kiện. Trong Hồi kí Đặng Thai Mai, ngay từ những dòng Vào đề tác giả đã trình bày những suy tưởng bằng giọng văn triết lí mà không ít chất thơ, giàu hình tượng:       “Một bóng dáng đã lu mờ trên cuộn băng xám xịt của những năm tháng đã trôi vào vào quá khứ để không bao giờ về lại nữa…

Một con người bé tí giữa cõi đời mênh mông trên cả hai mặt phẳng không gian và thời gian.

Những vết chân đã phai nhạt từ ngày nào trên những chặng đường dài dằng dặc không hề có lấy một cột mốc…”

Các hồi kí của Tô Hoài cuốn hút và hấp dẫn ở không gian thơ mộng như thực như hư của miền kí ức với giọng kể “con cà con kê” mà hóm hỉnh, đầy ma lực như lời kể của những “già làng”. Trong dòng hồi ức khi mờ khi tỏ, hình ảnh những bạn văn hiện lên sắc nét dần qua những chi tiết bộc lộ chính xác cái thần thái của từng người: một Nguyên Hồng chất phác, yếu đuối mà nhiệt thành; một Nguyễn Tuân tài hoa, sang trọng mà ngang tàng, kiêu bạc; một Xuân Diệu cẩn trọng, chi li trong đời sống thường ngày nhưng luôn say đắm, khát khao trong cô đơn, nhớ thương và chờ đợi. Qua những trang văn viết về bè bạn, người đọc cũng cảm nhận được rất rõ hình ảnh một Tô Hoài “tinh quái” mà hết sức tinh tế trong văn chương. Theo Nguyễn Đăng Điệp, “cái nhìn không nghiêm trọng hóa là thế mạnh của Tô Hoài, nó khiến cho nhà văn, dù viết thể loại nào đi chăng nữa, vẫn thổi được vào đó cái chất tiểu thuyết mà M. Bakhtin từng nói đến”(2).

Với cơ chế trần thuật hồi cố, các cuốn hồi kí đều ngược dòng thời gian lí giải quá trình hình thành nhân cách văn chương. Mỗi tác giả có một cách kể với dụng ý nghệ thuật rõ rệt: Vũ Ngọc Phan mở rộng không gian văn hóa; Đặng Thai Mai nhìn sâu vào truyền thống gia đình, quê hương; Huy Cận triển khai hai tuyến song song, hai nhà thơ tâm hồn đồng điệu, được sinh ra từ một cái nôi văn hóa xứ Nghệ nhưng cuộc đời, số phận, hồn thơ, phong cách là hai nửa song hành. Người viết hồi kí với một khoảng cách không gian và thời gian nhất định, bao giờ cũng tạo nên thế giới hồi kí là quá khứ trong tâm tưởng, và những kí ức nhuốm màu kỉ niệm. Nhiều hồi kí ngay từ tên gọi đã mang một nỗi hoài niệm: Từ bến sông Thương, Nửa đêm sực tỉnh, Nhớ nghĩ chiều hôm… Với tên tác phẩm mang dấu ấn của kí ức như Chiều chiều (nhắc nhớ những câu ca dao bắt đầu bằng từ “chiều chiều”), hay Cát bụi chân ai (gợi đến hình ảnh dấu chân chồng lên dấu chân và rồi “cát bụi trở về cát bụi”), các cuốn hồi kí của Tô Hoài chứa đựng cái mênh mang của cảm xúc, sâu thẳm của suy tư.

Sự phát triển mạnh mẽ của hồi kí từ sau Đổi mới trước hết xuất phát từ nhu cầu nội tại của nhà văn, muốn lưu giữ lại những câu chuyện đã xảy ra, những kí ức xa xưa, những sự thật chưa được khám phá. Tô Hoài thừa nhận “viết hồi kí là một cuộc đấu tranh tư tưởng để thấy ra sự thực”. Những thông tin, tư liệu trong hồi kí luôn là vấn đề nhạy cảm bởi vì chạm đến sự thật là chạm đến cá nhân và thậm chí là tư tưởng chính trị. Không ít nhà văn đã lựa chọn cách im lặng, không viết hồi kí vì nhiều lí do: thứ nhất, nếu không có một độ gián cách nhất định, hồi kí chỉ là phương tiện để nhà văn tô vẽ cho hình ảnh bản thân, người viết lâm vào cảnh “tự mê” mà không biết; thứ hai, đối diện với sự thật, nhiều khi là những “sự thật mất lòng”, tác giả hồi kí sẽ đương đầu với phản ứng của những nhân vật liên quan, và mặc dù hiện thực trong hồi kí là hiện thực của quá khứ nhưng mức độ nhạy cảm về tư tưởng chính trị, đạo đức,.. vẫn là rào cản không nhỏ; thứ ba, có những sự kiện, hiện tượng đôi khi chỉ cho thấy bề nổi, một nửa sự thật hoặc có thể đánh giá khác nhau từ nhiều góc độ khác nhau, đó là chưa kể đến sự nhầm lẫn và quên lãng của trí nhớ theo dòng thời gian, bởi vậy người viết hồi kí cần vượt qua những thách thức đó để đưa người đọc tiếp cận được cái thật. Những năm sau 2000, hồi kí không được xuất bản ồ ạt như giai đoạn trước, tuy vậy, với hiệu ứng từ việc một số hồi kí phát tán trên mạng, những tranh luận về thể loại hồi kí liên tiếp được xới lên trong đời sống văn chương. Vấn đề sự thật và chủ đề cấm kị trong hồi kí vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Sự hấp dẫn của hồi kí nằm ở sức nặng của sự thật mà nó chuyên chở nhưng sự thật bao giờ cũng gồm cả sự thật khách quan và chủ quan(3). Hơn thế nữa, một sự kiện, hiện tượng đã xảy ra cho phép người ta tiếp nhận từ nhiều góc độ, mở ra nhiều cách nhìn, cách đánh giá khác nhau. Các ý kiến của Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Văn Dân… đều nhấn mạnh sự đòi hỏi khắt khe về sự thật của hồi kí. Một số ý kiến cũng đặt ra yêu cầu: người kể phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng khi chạm đến những húy kị, những tượng đài thiêng liêng của dân tộc. Quả thật, hồi kí thời kì đổi mới không tránh khỏi hạn chế, đúng như Vũ Ngọc Phan thừa nhận: “Mình không thể viết về mình như người khác viết về mình. Mình viết về mình nếu không tốt đẹp thì cũng đầy thơ mộng. Điều quan trọng là nó có biểu hiện tính chân thật hay không”. Một số cuốn hồi kí chưa vượt ra khỏi cái tôi của người viết để nhìn nhận lại quá khứ. Xu hướng đánh bóng tên tuổi trong các hồi kí, tự truyện hoặc đi vào khai thác những chuyện thóc mách đời tư gần đây khiến cho độc giả lo ngại. Tuy nhiên, mặc cho những thách thức của thể loại, nhà văn vẫn tiếp tục viết, giống như L. Tolstoy khi về già, sau những ghi chép hàng đêm lại ghi vào trang giấy với khát vọng sống để viết và viết để sống: “Ngày mai, nếu tôi vẫn sống…”. Và đòi hỏi về sự thật cũng không chỉ hạn hẹp trong những sự kiện đã biết, trong kinh nghiệm của cộng đồng mà còn được nới rộng đến những vùng hiện thực khuất lấp, sự thật từ nhiều phía và sự thật trong tâm hồn con người(4).

Bên cạnh đó, sự phát triển của hồi kí thời kì đổi mới khiến người ta phải thay đổi tư duy về một thể loại vốn được khuôn định rõ ràng trong cái khung sự thật, bảo đảm về tính xác thực của sự kiện. Trong văn học Việt Nam đương đại, khi sự giao thoa tương tác giữa các thể loại văn học diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì hồi kí, nhật kí, tự truyện và tiểu thuyết tự thuật càng không dễ phân biệt một cách tách bạch riêng rẽ. Cùng là những thể loại tác giả tự kể về đời mình (écriture de soi) nhưng mục đích của nhật kí là viết cho riêng mình, tức là tính riêng tư và hướng nội đậm hơn, còn hồi kí và tự truyện có tính chất hướng ngoại hơn nhằm mục đích giãi bày, bộc bạch, thú nhận với người khác; nhật kí tập trung vào cái đang diễn ra, cái hiện thực dang dở còn hồi kí viết về cái đã xảy ra, mang tính tổng kết. Hồi kí cũng có khi được coi là “một dạng tự truyện của tác giả”, bởi vậy khó có thể phân định một ranh giới rõ ràng giữa hồi kí và tự truyện, chẳng hạn như trường hợp các cuốn sách của Tô Hoài (Cát bụi chân ai, Chiều chiều) hay Cô bé nhìn mưa (Đặng Thị Hạnh). Nếu như ở tự truyện, tâm điểm là cái tôi cá nhân của người viết và về bản chất, nó mang đặc trưng của truyện (giàu tính miêu tả, chú ý đến nghệ thuật kể) thì tâm điểm của hồi kí là thế giới bên ngoài, là bức tranh thời đại, mang đặc trưng của kí (nặng về tính sự kiện, tính xác thực). Đặc biệt có những tác phẩm rất khó để gọi là hồi kí, tiểu thuyết hay tự truyện: chẳng hạn như Thượng đế thì cười được coi là hồi kí dán nhãn tiểu thuyết (theo Đặng Anh Đào) hay Chuyện kể năm 2000 được gọi là tự sự hồi kí, giống như Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng (theo Nguyễn Vy Khanh). Cuốn Sáng tối mặt người của Sao Mai trong lần in thứ nhất được gọi là tiểu thuyết nhưng khi tái bản được xác định lại là hồi kí. Tương tự như Cát bụi chân ai và Chiều chiều, có thể nói, Sáng tối mặt người là cuốn hồi kí mang màu sắc tiểu thuyết (romanesque) với sự chân thực của sự kiện được nhìn từ trải nghiệm cá nhân, các nhân vật có thể được kiểm chứng, văn phong dí dỏm, lối viết linh hoạt, không loại trừ những yếu tố hư cấu và tạo nên những khoảng gián cách nhất định đối với “người thật, việc thật”. Ngược lại, cũng có thể coi Thượng đế thì cười, Chuyện kể năm 2000 là những tiểu thuyết mang màu sắc hồi kí hay còn gọi là tiểu thuyết tự thuật – một thể loại khá phát triển trong bối cảnh tư duy tiểu thuyết chiếm lĩnh đời sống văn học hiện nay, khi mà “tiểu thuyết là thể loại luôn hút vào trong nó những thể loại khác”(5).

Sự phát triển mạnh mẽ của hồi kí từ sau Đổi mới xuất phát từ nhu cầu tự thân của nền văn học và đáp ứng những đòi hỏi của con người trong xã hội hiện đại luôn mong muốn được tiếp cận sự thật, nhận thức quá khứ, chiêm nghiệm cuộc sống. Những phương thức tự sự khác nhau của người viết hồi kí không chỉ làm phong phú cho thể loại mà còn vươn tới những kết tinh giàu giá trị nghệ thuật của hồi kí giai đoạn này.

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version