Có thể nói, cột mốc 1975 không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển văn học Việt Nam thế kỉ XX.  Sau 1975, diện mạo văn học đã có sự thay đổi rõ rệt. Mặc dù nền văn học sử thi đã hiện diện trong thời kì chiến tranh vẫn trượt theo quán tính của nó song nhu cầu đổi mới văn học đã khởi phát. Trên tất cả các thể loại văn học đã có sự chuyển động.
Ở mảng kí về đề tài chiến tranh (chủ yếu là thể kí sự), nhiều tác phẩm đã gây được sự chú ý của bạn đọc như: Tháng ba ở Tây Nguyên (Nguyễn Khải), Bắc Hải Vân mùa xuân 1975 (Xuân Thiều), Kí sự miền đất lửa (Nguyễn Sinh – Vũ Kì Lân), Vào Sài Gòn (nhiều tác giả), Nhật kí chiến dịch (Nguyễn Thành Vân), Mặt trận Đông Bắc Sài Gòn (Nam Hà), Thành phố chống phong tỏa (Hoàng Tuấn Nhã), Hàm Rồng những ngày ấy (Từ Nguyên Tĩnh – Lê Xuân Giang)… Ở các tác phẩm này, hiện thực được phản ánh hướng đến hai mảng chính: hiện thực gian khổ khốc liệt ở chiến trường với những chiến dịch, những trận đánh, những gian nan thiếu thốn của cuộc sống vật chất; và chân dung của nhân dân, của những người lính tham gia vào cuộc chiến. Ở mảng hiện thực thứ nhất, phần lớn các tác phẩm đã tái hiện tương đối trọn vẹn một cách sinh động những gian nan, khốc liệt của chiến trường. Trong Kí sự miền đất lửa, các tác giả đã cho chúng ta chứng kiến hiện thực của chiến trường miền Trung – vùng đất Vĩnh Linh gió Lào cát trắng, nơi sự sống và cái chết luôn đối mặt: “Xác lính Mĩ và lính ngụy đã chất đống trên trận địa nhưng địch vẫn không chịu bỏ cuộc. Chúng lao vào tới tấp. Cuộc hỗn chiến kéo dài cho đến lúc mặt trời lặn… Lửa cháy tàu vẫn còn bốc ngùn ngụt trên mặt sông. Tiểu đoàn 47 bị thương vong gấp đôi ngày hôm trước, số quân có thể chiến đấu còn một phần ba…”. Không chỉ là sự khốc liệt của bom đạn mà cả những thiếu thốn không thể hình dung nổi của bộ đội trên các chiến trường: “Hành quân đến Ngã ba 90, nhìn đồng chí cảnh vệ đứng gác ở lối rẽ vào bộ tư lệnh mà kinh ngạc. Người gầy và xanh quá, mũ không có, đi đôi giày vải chỉ còn cái đế với cái cổ”. Cùng với sự rách rưới là cái đói hành hạ. Không ai có thể tưởng tượng được bộ đội ta đói đến mức “Chỉ có cái chết mới lấn được cái đói. Không sợ chết nữa là cái đói hoành hành, đói đến cồn cào, đau đớn… bữa sáng một vắt cơm bằng quả cau điếc, chiều đến một lưng lõng bõng vừa gạo vừa rau. Không đói hoàn toàn nhưng chưa bao giờ được lửng dạ, cứ như bị câu nhử, ăn vào tí chút cái đói càng vật vã, càng cồn cào” (Tháng ba ở Tây Nguyên). Trong Bắc Hải Vân mùa xuân 1975, khi nhớ về những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời người lính, nhà văn Xuân Thiều cũng đã viết: “Kỉ niệm về thời kì đó của chúng tôi là những kỉ niệm vượt muôn vàn khó khăn gian khổ. Bây giờ có thể xót xa nói lại với nhau về cảnh đói cơm lạt muối lả người, những cảnh sốt rét ác tính chết nhanh trong chốc lát, về những trận lũ tai quái, về những trận bom B52 tàn khốc”. Trong sự thật nghiệt ngã đó của chiến trường, hình ảnh người lính – anh bộ đội Cụ Hồ và nhân dân là tâm điểm ngời sáng với lòng dũng cảm và sự hi sinh quên mình cho ngày thắng lợi đang đến gần của dân tộc. Tinh thần chịu đựng gian khổ là một truyền thống quý báu của quân đội ta, trải qua chín năm trường kì chống Pháp và vẫn vẹn nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược: “Đánh nhau suốt mấy tháng trong mưa, chân ngâm trong nước, trong bùn đến thối ruỗng, đến lòi cả xương, phải buộc giẻ chống gậy mà đi, khiêng cõng nhau mà đi” (Tháng ba ở Tây Nguyên). Họ – những người lính xanh xao vì đói cơm thiếu ngủ, vì sốt rét bệnh tật đã “đánh cho bọn kỵ binh bay, bọn lính dù và thủy quân lục chiến những đòn chí mạng ở Ca-cô-va, Tam Tanh, A Bia, A Giơi, 935” (Bắc Hải Vân mùa xuân 1975).
Cái mới trong những trang kí ở đây là chiến tranh không chỉ được nhìn ở cự ly gần của người trong cuộc, mà quan trọng hơn, là có những sự thật về chiến tranh trước kia bị né tránh thì đến giai đoạn này đã được tái hiện như nó vốn có. Cuộc chiến đấu 30 năm trường kì của dân tộc ta đi đến thắng lợi, không chỉ có hoa thơm và nụ cười, huân chương và cờ đỏ mà còn có rất nhiều máu và nước mắt: “… thực tế chúng ta đã có 30 năm để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày hôm nay… 30 năm chuẩn bị bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu…” (Bắc Hải Vân mùa xuân 1975). Không ai có thể phủ nhận “Những năm đánh Mĩ là những năm cực nhọc, gian nan khôn xiết, tự hào hơn cả bao giờ, mà chịu đựng cũng vô cùng. Vẫn có tiếng cười, vẫn có tiếng hát, nhưng ngắm kĩ từng khuôn mặt không ai không có nếp nhăn của ưu tư… Trong mỗi gia đình cũng kẻ ở người đi, sum họp chia phôi mấy bận, tháng này nhận được tin vui, tháng sau đã phải nhận tin buồn…” (Tháng ba ở Tây Nguyên). Sự thật này trong văn học giai đoạn trước – một giai đoạn mang đậm chất sử thi, nhà văn chưa nói được hay đúng hơn là chưa dám nói.
Có thể khẳng định, đọc những trang kí nào về chiến tranh, bạn đọc cũng đều thật sự xúc động trước những câu chuyện về người lính – “nhân vật thân yêu của ba chục năm kháng chiến”. Có những người lính đã phải “sống những năm cô độc trong rừng, râu tóc dài như người vượn, ăn rau củ rừng, vài ba tháng lại xuôi vùng Đá bạc quét lớp muối đọng trong các hốc đá, làm quen với chim, quên mất tiếng nói và tập được lối đi như con heo con cọp để xóa dấu tích quanh hang hốc mình ở. Để một ngày kia bắt liên lạc với Đảng, với nhân dân mình mà chiến đấu” (Bắc Hải Vân mùa xuân 1975). Có những người lính xa nhà lâu đến nỗi khi trở về, cha mẹ anh em không tin đó là người thân của mình nên tình cảm không còn mặn mà, chỉ đến khi biết đó là sự thật thì người con mới nhận được những giọt nước mắt hiếm hoi của người cha. Có những người lính khi trở về, người thân đã chết hết, đành khoác ba lô trở lại chiến trường, tiếp tục chiến đấu. Chân dung của người lính ở đây luôn được đặc tả và khắc họa ở những vẻ đẹp bất ngờ. Yêu đời và lạc quan là những phẩm chất luôn thường trực trong tâm hồn mỗi người lính dù trong bất kì hoàn cảnh nào: “Chúng tôi lọc ra niềm vui trong cái buồn của thời tiết… Ở đấy, dưới mái lá lợp lá đoác, lá gồi, chiến sĩ ngồi trong hong tay nghe củi nổ lép bép trong tiếng gió giũ nước mưa đọng lên lá xuống suối, trong tiếng thác đổ xa xa… để tâm hồn nhẹ nhõm và chợt nhớ về những miền quê xa xôi, về những kỉ niệm tuổi thơ, những kỉ niệm buồn vui cuộc đời chiến sĩ…” (Bắc Hải Vân mùa xuân 1975). Với Tháng ba ở Tây Nguyên, người đọc lại một lần nữa xúc động đến ngỡ ngàng trước tình yêu mãnh liệt, vượt lên mọi hiểm nguy của người lính trong chiến tranh: “Anh đến thăm chị, chị đến thăm anh mất vài ngày đường rừng và trèo qua một dãy núi cao nhất của Công Tum, dãy Ngọc Linh. Núi cao, rừng già, sông sâu, thác xiết đều hóa ra những địa điểm nên thơ cả. Những nơi mà họ đã đưa đón nhau, đã chờ đợi nhau thì lính mình chỉ khấn thầm đừng có bao giờ phải lộn lại”. Ở Kí sự miền đất lửa, người đọc cũng được chứng kiến những hình ảnh lãng mạn đầy chất thơ của người lính trong những đợt hành quân: “Lá ngụy trang lào xào lẫn tiếng cười nói khe khẽ rì rà rì rầm, tiếng vũ khí va chạm nhau lách cách…”. Nếu trong thời kì chống Pháp và chống Mĩ (1945 – 1975) hình ảnh người lính trong các tác phẩm kí là những người anh hùng có tên tuổi được cả nước biết đến như La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Viết Xuân, Thái Văn A… thì ở kí giai đoạn này, chân dung người lính là những người bình thường, thậm chí là vô danh. Họ là điển hình của sự thống nhất sức mạnh trong chiến đấu và vẻ đẹp trong tâm hồn. Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họ là “người chiến sĩ anh dũng vô song, cũng là người lao động bình thường… Con người ấy tự rèn luyện để ngày càng trở nên con người mới”.
Ở bất kì một cuộc chiến tranh nhân dân nào, nhân dân là một lực lượng không thể thiếu. Bởi vậy bên cạnh hình ảnh anh bộ đội, hình ảnh nhân dân cũng là tâm điểm có sức lôi cuốn lớn trong những trang kí. Trong Bắc Hải Vân mùa xuân 1975, Xuân Thiều đã “chớp” được một hình ảnh rất cảm động về một bà mẹ khi đem quà tặng cho bộ đội đã “quỳ xuống để đưa quà lên đầu”. Tình yêu thương của nhân dân đối với cách mạng, với quân đội vừa như ruột thịt, vừa có cái gì như ngưỡng mộ. Đó là lời lí giải vì sao kẻ địch luôn tìm mọi thủ đoạn đánh phá vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng: “Trước khi giải phóng, Huế cũng đã có tám chi bộ Đảng, ba mươi chi đoàn thanh niên, phần lớn trong giáo chức, sinh viên, học sinh. Ngoài ra còn một trăm bảy mươi cơ sở cách mạng và sáu sĩ quan nội tuyến” (Bắc Hải Vân mùa xuân 1975). Đó cũng là lời lí giải vì sao quân đội ta đánh nhanh, thắng lớn trên các chiến trường, bởi “các anh đâu chỉ có súng mà còn có lòng người”. Có thể nói nhân dân luôn là hậu phương vật chất vững chắc và là bệ phóng tinh thần cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Mỗi người con ra trận, trong hành trang của họ không chỉ có hình ảnh của người mẹ già ngồi tựa cửa và người vợ trẻ ngày đêm nhớ mong dõi theo tin thắng trận mà còn có hình ảnh của những người mẹ, người vợ nỗ lực lao động hết mình để chi viện cho tiền tuyến. Trong Kí sự miền đất lửa, các tác giả đã miêu tả khá tỉ mỉ hình ảnh hậu phương kháng chiến của vùng đất tuyến lửa Vĩnh Linh vừa như một mặt trận vừa như một tiềm lực hậu cứ vững mạnh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những người dân Vĩnh Linh chiến đấu quả cảm và bám trụ vững vàng ngay trước mũi súng của kẻ thù. Họ chịu biết bao tổn thất hi sinh để kéo tên lửa vượt hàng trăm cây số vào trận địa, quyết tâm hạ gục máy bay B52 của Mĩ trên bầu trời Vĩnh Linh. Họ đào hàng ngàn cây số địa đạo để sống một cuộc sống bình thường giữa thời chiến. Người đọc thật xúc động khi chứng kiến cảnh gặt lúa của người dân Vĩnh Linh: “Giờ gặt lúa đã định vào lúc đứng bóng, quãng ấy các loạt bom thường thưa hơn buổi sáng và chiều… Họ ào xuống ruộng dựng các tấm liếp rạ lên thành một bức tường để cản trở mảnh bom và đất đá từ mặt đồi văng xuống, gặt hối hả… Hai giờ chiều đã thấy mỗi người gặt đủ một gánh lúa nặng” (Kí sự miền đất lửa). Tình cảm thắm thiết giữa tiền tuyến và hậu phương, tình quân dân cá nước đầy cảm động có lẽ được thể hiện rõ rệt nhất qua những trang hồi kí đặc biệt viết về Những kỉ niệm sâu sắc chống Mĩ cứu nước (Chúng tôi lính binh đoàn, Tiếng gọi của Người đồng chí âm thanh – Nxb Quân đội nhân dân, 1975, 1976 và 1978). Trong những tập hồi kí này, nhiều câu chuyện cảm động về sự hi sinh vô bờ bến của người dân để bảo vệ chiến sĩ, bảo vệ cách mạng làm cho người đọc nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Có những người mẹ già đã nhịn ăn để nhường phần cơm của mình cho bộ đội. Có những người mẹ trẻ đã đổi cả tính mạng đứa con gái nhỏ của mình để bảo vệ bộ đội khi trận càn của địch ập đến. Có những thiếu nữ đã hi sinh tuổi xuân của mình để bảo toàn sinh mạng cho chiến sĩ. Nhân dân đã cùng cách mạng đồng cam cộng khổ suốt ba mươi năm trường kì để đi đến thắng lợi ngày hôm nay. Khuôn mặt rạng rỡ của nhân dân trong ngày vui đại thắng (được miêu tả khá sinh động trong nhiều tác phẩm kí) đã nói lên tất cả về sự biết ơn sâu sắc của nhân dân với cách mạng.
Nếu cho rằng kí là một thể loại văn học mang đậm tính thời sự, nhạy bén, kịp thời và phát huy được sức mạnh của thể loại vào những khúc quanh của lịch sử, bước ngoặt của thời đại thì kí sau 1975 đã làm tròn nhiệm vụ của nó. Về nội dung, bên cạnh các thể loại khác, kí đã phản ánh khá đầy đủ gương mặt của một giai đoạn lịch sử khi đất nước ta kết thúc 30 năm chiến tranh và bước vào hòa bình. Vậy còn chất lượng nghệ thuật của kí giai đoạn này như thế nào? Xuất phát từ đặc trưng của thể loại, yêu cầu đặt ra đối với nhà viết kí là luôn phải tôn trọng và bảo đảm tính xác thực của đời sống, của đối tượng được phản ánh. Sự việc, con người được phản ánh trong kí thường có thật, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Kí thường dựng lại sự thật đời sống (điển hình hoặc cá biệt) một cách sinh động, mang tính khái quát. Một tác phẩm kí được coi là có chất lượng nếu nó hội tụ đủ hai yếu tố: sự thật đời sống và giá trị nghệ thuật. Nhà văn miêu tả sự thật đời sống đồng thời bộc lộ quan điểm thẩm mĩ của mình qua sự phản ánh. Như vậy miêu tả sự thật đời sống là yêu cầu hàng đầu của kí. Song cái làm nên sức hút của tác phẩm kí lại phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật viết kí của nhà văn. Phản ánh sự thật không có nghĩa là sao chép sự thật một cách máy móc, giản đơn. Quá trình chuyển hóa từ đối tượng khách quan thành hình tượng nghệ thuật là quá trình nhiều công đoạn phức tạp từ việc quan sát đối tượng đến cảm thụ, chọn lọc, bình giá, khái quát. Quá trình này đòi hỏi khả năng tư duy của nghệ sĩ, đó cũng chính là lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm kí vừa phải đảm bảo tính trung thực vừa phải là sự nhảy vọt về chất so với nguyên mẫu, nghĩa là nó đẹp đẽ hơn, lấp lánh hơn và mới mẻ hơn. Từ hiện thực ngổn ngang của đời sống, nhà văn phải chọn lọc, sắp xếp và khái quát thành hiện thực trong tác phẩm. Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những nhà bút kí tài ba đã từng bộc bạch: “Thao tác trí tuệ ở đây bao hàm một quá trình loại bỏ từ vô số những sự kiện của thực tại, phải loại trừ cái kia để giữ lại cái này, lại loại trừ để giữ lại cái ít hơn, cái sau cùng mới là lượng thông tin có nghĩa mà nhà văn mang đến cho người đọc” (Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nxb Văn học, 2000). Nhà phê bình Nam Mộc cũng cho rằng: “Nghệ thuật của nghệ sĩ viết kí là ở chỗ  biết nhìn ra và chọn được trong cuộc sống thật những hiện tượng có tính chất bản chất, tính chất chung, tính chất điển hình” (Suy nghĩ về chức năng của thể kí – Tạp chí Văn học số 7, 1966). Xét chất lượng nghệ thuật kí trên tinh thần như vậy, ta có thể thấy kí viết về đề tài chiến tranh cách mạng sau 1975 đã hội tụ cả hai yếu tố “tôn trọng sự thật khách quan” và “sáng tạo nghệ thuật”. Tất nhiên không phải toàn bộ các tác phẩm kí viết về chiến tranh cách mạng đều đạt được chất lượng nghệ thuật như vậy song rất nhiều trong số đó đã bộc lộ phẩm chất này. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm Kí sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh và Vũ Kì Lân được tặng giải thưởng về văn xuôi năm 1978 – 1979 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Kí sự miền đất lửa viết về mảnh đất Vĩnh Linh anh dũng kiên cường trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Sự thật ấy về Vĩnh Linh, đài phát thanh và báo chí đã từng nói đến nhiều. Vấn đề đặt ra cho các tác giả là phải viết thế nào để không rơi vào mòn sáo, chung chung. Viết như thế nào để bạn đọc thấy được cái mới trong những chuyện đã cũ. Cái mới ở đây mà các tác giả đã thuyết phục bạn đọc, là họ viết những điều mắt mình đã chứng kiến, tai mình đã nghe trên hai cương vị: cán bộ chính ủy (Vũ Kì Lân), nhà báo (Nguyễn Sinh). Cả hai đã cùng sống với nhân dân Vĩnh Linh lâu như gia đình. Cuốn sách đã đề cập tới 106 nhân vật với nhiều ngành nghề khác nhau (pháo thủ, lính thông tin, người chèo đò, người làm ruộng…), nhưng câu chuyện về người nào cũng súc tích, ngắn gọn, lôi cuốn bởi đằng sau những con số, sự kiện tưởng là khô khan luôn phập phồng trái tim ấm nóng của người viết. Kí sự miền đất lửa không chỉ là những trang tư liệu lịch sử mà còn là một tác phẩm văn học đích thực. Tác phẩm không rơi vào sự tường thuật chung chung về Vĩnh Linh trong chiến  đấu, không sa vào các chi tiết vụn vặt, cũng không gây ra sự đơn điệu nhàm chán bởi người viết đã vận dụng linh hoạt các loại hình: ghi chép, nhật kí, hồi kí, sổ tay phóng viên, lời kể xen lẫn lời thoại, kết hợp với cả những tin tức trên báo, đài một cách khéo léo đúng chỗ làm nổi bật bản chất của sự kiện, vấn đề. Dù đã có nhiều bài báo, vở kịch, cuốn truyện viết về Vĩnh Linh, song có lẽ chỉ sau khi đọc Kí sự miền đất lửa chúng ta mới có thể hình dung được một cách cụ thể và sâu sắc về mảnh đất tuyến đầu dữ dội ấy, từ cái ác liệt của mỗi cuộc chiến đấu đến cái phi thường của mỗi chiến công, nỗi đau thương bi tráng và cả niềm kiêu hãnh tuyệt vời của con người.
Trong lí luận về thể kí hay nói đến vấn đề về mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định hư cấu vẫn là điều cần thiết ở thể kí song vận dụng linh hoạt, uyển chuyển giữa hư cấu và sự thật ở mức độ nào đó sẽ quyết định tính chân thực và sự sáng tạo nghệ thuật của tác phẩm. Xuân Thiều từng cho rằng cần phải tôn trọng tính khách quan của sự kiện lịch sử trong những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng nhưng đồng thời cũng luôn phải có những cách nhìn nhận, đánh giá sáng tạo, mới mẻ về các sự kiện lịch sử: “Sự kiện lịch sử luôn tồn tại ngoài ý muốn chủ quan của con người. Điều đòi hỏi nhà văn là phải tìm hiểu, đánh giá và phát hiện những nhận xét mới, ý nghĩa mới để đạt tới sự trung thành nhất đối với các sự kiện lịch sử” (Con người, sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng – Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 12-1978). Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cũng cho rằng: “Đề tài chiến tranh cách mạng trong văn học mang một ý nghĩa riêng độc đáo. Trong phạm vi này không thể vận dụng nhiều tưởng tượng và hư cấu chủ quan theo vốn hiểu biết chung về cuộc sống… Cuốn tiểu thuyết không hẳn là cuốn sách giáo khoa về chiến lược, chiến thuật quân sự, nhưng cũng không thể tùy tiện “bày binh bố trận” theo đầu óc riêng của người viết mà phải tuân thủ nghiêm ngặt quy luật thực tiễn của đấu tranh cách mạng và cả những nguyên tắc về khoa học quân sự” (Kí viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội – Nxb Quân đội nhân dân, 1980). Xét trên đại thể, có thể nói các tác phẩm kí về đề tài chiến tranh cách mạng giai đoạn sau 1975 đã đạt được những phẩm chất cơ bản trên. Nếu cho rằng giai đoạn này văn học đang có những bước chuyển động, nhất là trong vấn đề phản ánh hiện thực thì phải khẳng định rằng sự chuyển động này diễn ra trước hết ở thể loại kí, đặc biệt là kí viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Chúng ta biết, kí viết về chiến trường đòi hỏi người viết phải có sự am hiểu trực tiếp về đời sống chiến đấu, phải là người trong cuộc, lặn lội nơi chiến trường. Nhà văn là chiến sĩ. Mọi sự tưởng tượng chủ quan đều sẽ không có sức thuyết phục. Nguyễn Minh Châu luôn tâm niệm: “Cuộc sống kháng chiến và những người anh hùng đã làm nên những trang sử huy hoàng nhất của dân tộc, cái thực tế khách quan ấy với tất cả chiều sâu và bề dày, với tính chất nhiều vẻ, nhiều mặt của nó, người viết chỉ có một cách làm việc nghiêm túc và có hiệu quả nhất là đi sâu tìm hiểu kĩ lưỡng bởi vì mọi trí tưởng tượng dù tuyệt đối đến đâu cũng không hình dung nổi tháng ngày chúng ta vừa trải qua, cũng không hình dung hết ý chí, nghị lực và tầm vóc của những con người hiện nay” (Trang giấy trước đèn – Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 5-1976). Ở các tác phẩm kí về chiến tranh cách mạng giai đoạn sau 1975, đặc biệt là các tác phẩm viết về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có khi tác giả là người lính trong cuộc, có khi tham gia với tư cách là một phóng viên mặt trận. Ở trường hợp này, người viết kí đã có một cách thể hiện linh hoạt và sinh động để tạo ra sức thuyết phục. Đó là kết hợp giữa lời kể, lời bình luận của tác giả, lời kể của các nhân chứng lịch sử với các con số cứ liệu thống kê cụ thể. Trong Tháng ba ở Tây Nguyên, hiện thực được hiện lên qua lời kể của các chiến sĩ tham gia chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, từ các cán bộ chỉ huy cao cấp như Vũ Lăng, Khoát, đến các chiến sĩ tiểu đội trưởng như Kason Chư, những chiến sĩ người Êđê…, qua cả những văn bản tài liệu chính thức của bọn tướng tá ngụy mà Nguyễn Khải sao chép được. Hiện thực lịch sử ở đây đã được các tác giả đặc tả vừa khái quát vừa cụ thể. Khái quát ở khả năng xâu chuỗi các sự kiện lịch sử và lựa chọn những sự kiện trọng yếu để mô tả. Cụ thể ở việc lựa chọn và đặc tả kĩ những chi tiết mang nhiều ý nghĩa. Những câu chuyện, sự kiện được đề cập trong tác phẩm có thể đã được tác giả chứng kiến hoặc nghe kể lại, hoặc là tư liệu sưu tầm được nhưng người đọc vẫn thấy nó sống động, chân thực ở khả năng quan sát sắc sảo, ở khả năng xâu chuỗi để làm nổi bật vấn đề. Tác phẩm là sự lắp ghép của nhiều câu chuyện nhỏ theo cùng một chủ đề nên người đọc rất tiện theo dõi dù bộn bề sự kiện. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và bút pháp trữ tình, giữa kể chuyện và ghi chép, mô tả sự kiện kết hợp với thể hiện cảm xúc, tâm trạng làm cho các trang kí có sự mượt mà của chất thơ. Nhờ đó, một số tác phẩm như Tháng ba ở Tây Nguyên (Nguyễn Khải), Giờ số thành (Chế Lan Viên), Bắc Hải Vân mùa xuân 1975 (Xuân Thiều), Đại thắng mùa xuân 1975 (Văn Tiến Dũng)… vừa giàu tính chính luận vừa mang tính thời sự với nhiều sự kiện mang tính thông tấn nhưng không khô khan mà đầy sức hấp dẫn. Tháng ba ở Tây Nguyên trong khi miêu tả sự kiện trọng đại về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn hướng đến việc lí giải nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa, đó là tầm chiến lược đúng đắn về đường lối quân sự, là sức mạnh của lòng dân. Sự lí giải này được chứng minh qua những sự kiện cụ thể, những nhân vật cụ thể mà tác giả đã từng gặp gỡ, tiếp xúc: gương mặt nhân dân, những chiến sĩ vô danh, những con người vốn an toàn trong vùng địch trước đây như ông lái buôn, cụ giáo học, nhà sư, cả những người cầu an im lặng hợp tác với kẻ thù, những trí thức tiểu tư sản trong vùng địch tạm chiếm vừa chửi Mĩ vừa bằng lòng với những tiện nghi sống do Mĩ đem lại… Đó là những minh chứng cụ thể, sinh động và đầy sức thuyết phục tạo nên sự thành công của tác phẩm.
Nhìn lại kí viết về đề tài chiến tranh cách mạng sau 1975, thấy chất sử thi vẫn còn dấu ấn đậm nét, nhưng người viết đã có cách xử lí mềm mại, uyển chuyển hơn giai đoạn trước. Việc thể hiện hiện thực đã có những nhận thức và lựa chọn mới. Hiện thực được phản ánh không phải như nó vốn có mà đã được nhận thức lại qua tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết. Bên cạnh cảm hứng ngợi ca đã có thêm cảm hứng phân tích, nghiền ngẫm và đánh giá. Viết về chiến tranh, một số tác phẩm đã hướng đến việc mô tả những thời điểm khốc liệt, gay cấn của cuộc chiến nhưng không phải chú trọng mô tả hiện thực chiến tranh mà lấy đó làm bối cảnh để khám phá tâm lí và tính cách của con người. Việc chọn những cách thức thể hiện như vậy đã giúp các nhà viết kí nghiền ngẫm sâu hơn về hiện thực cũng như giúp họ phần nào khắc phục được cái nhìn đơn giản, một chiều khi phản ánh hiện thực

L.D.T

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version