Nguyên Hồng là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam, một trong số không nhiều lắm các nhà văn được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh văn học nghệ thuật đợt một.


Ông là người viết nhiều, viết đều. Tính từ tác phẩm đầu tiên, tiểu thuyết Bỉ Vỏ, xuất bản năm 1938 lúc ông 20 tuổi, đến lúc ông qua đời, năm 1982, hưởng thọ 64 tuổi, ông đã để lại gần 40 tác phẩm văn học, trung bình mỗi năm ông sáng tác một cuốn sách. Sức làm việc như vậy thật đáng nể trọng. Càng đáng nể trọng hơn khi ngoài viết văn, ông còn tham gia rất nhiều công việc khác của  Hội văn nghệ Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam. Ông từng là uỷ viên BCH hội nhà văn, từng là biên tập viên tạp chí Văn Nghệ, và từng là chủ bút tờ báo văn của hội. Khi làm tờ báo này, ông đã dồn hết tâm huyết cho công việc, do vậy báo văn thời Nguyên Hồng đã cho in những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thể hiện một quan niệm văn học nghiêm túc, không chính trị hoá, không hời hợt, một chiều. Vào thời điểm những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, khi mà quan điểm văn học còn cứng nhắc, xơ khô, máy móc, một chiều, khi mà chỉ được vẽ một mầu hồng đơn điệu lên bức tranh xã hội, thì với cái tâm và quan niệm văn học lành mạnh của mình, Nguyên Hồng đã bộc lộ rõ bản lĩnh chính trực của người làm báo. Thời ấy, làm được như vậy rất cần một phẩm chất, một bản lĩnh, một sự dũng cảm… Ngoài 18 năm liền làm Chủ tịch Hội văn nghệ Hải Phòng, Nguyên Hồng còn tham gia phụ trách trường bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ của Hội Nhà văn. Rất nhiều nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là học trò ông đốc Hồng. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Dạy nửa chữ đã là thầy. Nguyên Hồng không chỉ cho chữ, mà cao hơn, trang bị cho họ một quan niệm, một cách viết, một lối thể hiện.

Với hơn 40 năm bền bỉ lao động nghệ thuật, lao động sáng tạo, say sưa và đầy ý thức trách nhiệm, tác phẩm của Nguyên Hồng chiếm một vị trí quan trọng, có bản sắc riêng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông là nhà văn của những người cùng khổ, nhà văn của tầng lớp dưới, nhà văn của những người đói nghèo, rách hèn. Ông viết về họ. Ông viết vì họ. Và ông viết cho họ. Suốt cuộc đời cầm bút , ông coi điều ấy là mục đích sáng tác của mình. “ Trong bước đường viết văn của tôi ”, nhà xuất bản văn học, xuất bản năm 1970, ông viết: “Trước hết, tôi không được viết những truyện tình yêu phù phiếm bợm bãi, những truyện mơn trớn khêu gợi những tình cảm thấp kém, những truyện để mua vui, để chiều ý, để cầu lấy chút khen  ngợi hay sự nhắc nhở của bọn vô công rồi nghề phè phỡn, khô khan, trơ trẽn, cái bọn giàu có sang trọng tự gọi là thượng lưu xã hội”. Đó là tuyên ngôn nghề nghiệp của ông. Và tuyên ngôn ấy vẫn nguyên giá trị thời sự, có tính cảnh báo với những người cầm bút hiện thời chúng ta.

Trước Cách Mạng Tháng Tám, trong sự thăng hoa của văn học uỷ mị chàng và nàng, trong cái xu thế viết tình yêu sướt mướt trắc trở của những cô chiêu cậu ấm, với nhiều tình huống éo le mùi mẫn, phản ánh đời sống của tầng lớp tiểu tư sản thị thành; một dòng văn học lướt thướt, nặng chất cải lương thì bỗng xuất hiện một Nguyên Hồng với những nhân vật lớp dưới sống ngoài xã hội gồ ghề xù xì, góc cạnh kiểu Bảy Hựu, Tám Bính, Năm Sài Gòn. Nguyên Hồng cùng với các tác phẩm của ông như một đối cực lạ kiểu với dòng văn học đang được vuốt ve. Nó mới, nó phê phán, nó hiện thực, nó khiến văn học “chàng và nàng” giật mình . Nguyên Hồng không kêu ca oán thán, không khóc thầm nhớ trộm. Với cảm quan nhân đạo, với tấm lòng yêu thương và khát vọng trong trắng buổi đầu bước vào con đường nghệ thuật, ông phản ánh cuộc sống đa đoan nhiều tầng, đào sâu tận đáy cái tốt, moi tận gốc tật xấu như những gì nó vốn có. Nhân vật của ông, đề tài của ông và cách nhìn nhận xã hội của ông khác với Tự Lực Văn Đoàn, bởi vậy tác phẩm của ông có chỗ đứng, có một vị thế rạch ròi trong trào lưu văn học một thời. Và rồi lớp người cần lao trong xã hội trước cách mạng tháng 8, bị áp bức bóc lột, sống nghèo đói nhưng khí khái tình nghĩa đó cứ bám níu, lẵng đẵng theo ông, ám ảnh ông suốt những năm tháng sau này. Ấn tượng về những con người đất Cảng nơi có cuộc sống lam lũ xô bồ, nhiều dạng kiểu được Nguyên Hồng ấp ủ, nuôi dưỡng và dần dà hoá thân thành mẹ La, mẹ Nghĩa, ông Dâng, cụ Xim, bà Quất…. Nhưng không chỉ thế, với kinh nghiệm sống, với những chiêm nghiệm qua nhiều tháng năm tham gia kháng chiến, đi làm cách mạng, cũng là lớp người cùng khổ, nhưng Nguyên Hồng có thêm những Gái đen, Thanh, Cam, Xim… lớp thanh niên không cam chịu , đang tìm đường sống, đang tìm cách sống cho mình.

Quan niệm văn học của Nguyên Hồng có chút gì đó như thế sự cực đoan, nhưng không sao, cái cá tính thẳng thắn đó cho ta một Nguyên Hồng nhà văn không lẫn trộn với bất cứ ai. Ông nói: “….Tôi không viết được những gì gọi là a tòng, những cái gì tô điểm cho bộ mặt xã hội của chúng( tức bọn giàu có tự coi mình là giới thượng lưu- Đ-K), những bọn người mà tôi đã biết khinh bỉ, đã biết thù ghét, những bọn người phải thấy rằng sự chân chính cao quý có nhân phẩm có đạo đức, không thể thuộc về họ, mà chính là và thật là của những người nghèo khổ, cùng cực đang bị họ rẻ rúng….”.

Nguyên Hồng thù ghét sự bất công. Điều ấy dễ hiểu. Tuổi thơ và giai đoạn trưởng thành của ông khốn đốn là hệ quả của sự bất công ấy. Và ông, bằng phương cách của mình gắng vạch trần sự bất công đó. Những năm trước Cách mạng, Nguyên Hồng sáng tác trong hoàn cảnh khó khăn nhiều bề. Trong lời đề tựa cuốn “Bỉ vỏ” tái bản lần thứ tư, Nguyên Hồng viết: Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kề khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của bãi đất lấp dở dang và chuồng lợn ngập ngụa phân tro; Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc; Bỉ vỏ đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo, âm thầm mà mọi vật như là rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dạt dào trong những bụi mưa thấm thía.”.

Nguyên Hồng không a tòng, đã đành, Nguyên Hồng muốn có bản sắc riêng. Ông thích có một Nguyên Hồng chỉ là Nguyên Hồng. Điều ấy thật đáng quý, thật đáng trân trọng. Nhà văn chỉ có thể đóng góp một cái gì đó cho văn học khi họ có cái gì đó là của riêng mình, không pha tạp, không trộn lẫn. Rượu có giá trị của rượu, nước lã có giá trị của nước lã. Sự đa dạng mới tạo một nền văn học phong phú, phì nhiêu. Bó hẹp trong một quan niệm, khuôn lại trong một lối viết, đóng băng trong một thói quen chỉ làm teo tóp văn chương. Cánh rừng xum xuê bởi nhiều chủng loại cây cối. Văn học cũng vậy. Nhiều giọng điệu sẽ tạo ra âm thanh dào dạt, không đơn điệu. Ông nói: “Vậy thì trên cái võ đài văn chương nghệ thuật kia, tôi không chỉ không nên bắt chước những ngòi bút có tiếng tăm của thứ văn chương thời thượng, mà ngay cả những ngòi bút cùng khuynh hướng với tôi, đã đi trước tôi, mở đường cho tôi, kích động tôi, tôi không phải là nô lệ, không là cái bóng của sự phỏng cóp. Nghĩa là nếu như đã có thanh long đao của Quan Công, bát xà mâu của Trương Phi, thì bên cạnh phải có thêm đường thương của Triệu Tử Long, cây cung của Hoàng Trung. Cũng như bên cạnh thiên trượng của Lỗ Trí Thâm, đôi búa của Lý Quỳ, thì phải có đôi tay to của Võ Tòng ở Cảnh Dương Cương nữa”.

Nguyên Hồng rất có ý thức để mình có được tiếng nói riêng. Nhân cách và sự đóng góp là ở chỗ ấy. Ông là một bài học về sự rèn luyện. Khi viết, ông cân nhắc từng câu, đắn đo từng con chữ, cóp nhặt mài dũa từng từ. Tài năng thật vô cùng, nhưng một nhà văn có trách nhiệm là gắng viết đến tận cùng cái mà trời đã phú cho mình. Lao động nghiêm túc, lao động hết mình, lao động không hời hợt, không buông xuôi là phẩm cách. Viết văn là nghiệp, bởi vậy phải dấn thân, phải hy sinh. Nếu văn chương là đêm hội hoa đăng thì mỗi tác giả phải tự đốt cháy mình lên. Nguyên Hồng cho ta bài học ấy. Ông nói: “Phải tự rèn, tự luyện cho mình. Sắt thép lấy từ quặng mỏ của sự sống, của cuộc đời. Muốn mầu nhiệm và linh thiêng phải có máu thịt, máu thịt của con người, của chính mình. Muốn sử dụng thật hiệu nghiệm, thật có kết quả, thật là tuyệt sự mầu nhiệm và linh thiêng nay thì phải vừa học, vừa xung trận. Thầy học là tổ tiên, là ông cha, là nhân loại”.

Nguyên Hồng quan niệm rằng mọi sự tiến thân, mọi sự mưu cầu lợi ích cá nhân, tiền tài địa vị bằng con đường văn chương đều hạ đẳng, thấp kém. Ông nói: “Đời sống và xã hội đã có không biết bao nhiêu việc làm và bao nhiêu bộ mặt hèn hạ kinh tởm của những hạng bừa bãi chỉ cần có tiền, nhưng sao lại còn cộng thêm những sự hèn hạ kinh tởm, buôn bán kiểu này nữa trong sách, trong báo, trong văn chương ? Tôi đã nhận thấy như thế, nhận ra như thế, thì tôi phải sao không là như thế, không làm như thế… Hơn nữa, tôi không những không như thế, không làm như thế, mà còn phải chống lại. Và để chống lại, tôi phải có những gì là chân chính của tôi, đặc biệt của tôi, kết đọng và sắc mạnh nhất của tôi…”

Ý tưởng ấy theo ông suốt cuộc đời sáng tác. Ông đã có những tác phẩm sắc mạnh của ông. Và ông nói là ông làm. Năm 1970, ở tuổi 52, Nguyên Hồng xin nghỉ hưu. Ông trả lại tất cả: nhà cửa, chức tước, hộ khẩu, tem phiếu, trở lại Nhã Nam Yên Thế để làm một công việc duy nhất: Viết văn. Giữ một vai trò duy nhất: Nhà văn. Đây là hành động khiến không ít người ngạc nhiên, sửng sốt.

Nói như nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong một thời để mất:Nguyên Hồng, bằng hành động của mình, một cách không tự giác, là nhà văn chống bao cấp đầu tiên ơ nước ta“. Đã mấy ai trong số nhà văn chúng ta có cái khí khái, cái bản lính, và sự dũng cảm  nhường ấy?

Trở lại ấp Cầu Đen với hai bàn tay trắng, Nguyên Hồng và vợ con sống rất chật vật, nhưng ông vui, vui vì được viết, vui vì được rảnh rang thực hiện nhứng ý định sáng tác của mình. Một loạt tác phẩm: Bước đường viết văn của tôi, hồi ký 1971; Cháu gái người mãi võ họ Hoa, truyện thiếu nhi, 1972; Thời kỳ đen tối, tiểu thuyết, 1973; Một tuổi thơ văn, hồi ký 1973; Sông núi quê hương, tiểu thuyết 1976; Khi đứa con ra đời, tiểu thuyết 1976; Những nhân vật ấy đã sống với tôi, hồi ký 1978; Thù nhà nợ nước, tiểu thuyết 1981, lần lượt được xuất bản. Khi tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế vừa xong tập II thì Nguyên Hồng đột ngột ra đi.

Nguyên Hồng là một nhà văn lớn, đã đành, ông còn là một nhân cách lớn. Với chúng ta, những phẩm chất nhà văn của ông chưa bao giờ mất tính thời sự… Nguyên Hồng không viết trong sự hằn học coi rẻ hoặc ý thức miệt thị con người. Không hả hê khi phát hiện những ẩn sâu tinh vi trong tật xấu con người. Ông coi viết văn thiêng liêng như một tôn giáo. Ông viết bằng tấm lòng nhân hậu, bằng tình yêu thực sự, tình yêu bao la  đối với đồng loại. Viết trong ý thức khuyết thiện. Chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng chủ đạo trong hầu hết tác phẩm của ông, thậm chí khi viết về cái ác, phê phán cái ác, ngòi bút của ông cũng chan chứa tình thương và canh cánh một nỗi đau.

Để kết thúc bài viết sơ lược và không đủ đầy này, tôi xin mạo muội nói rằng Nguyên Hồng là nhà văn của nhân dân lao động và ông thuộc về những người lao động. Chính Hải Phòng, thành phố lam lũ với những xưởng máy nhộn nhịp, bến cảng tấp nập, Hải Phòng của khói và bụi, Hải Phòng của người tứ chiếng xô chen đến kiếm miếng ăn, thành phố của công việc, thành phố của nhiều bon chen, nhưng cũng là thành phố của nhiều khát vọng, của những tấm lòng hào hiệp, khí khái đã góp phần phát triển tâm hồn, trí tuệ và tài năng nghệ thuật của Nguyên Hồng. Và ông, bằng tài năng và tình yêu Hải Phòng của mình là người viết về thành phố cảng này nhiều nhất, phong phú nhất, đậm sắc nhất, mà chưa một nhà văn nào làm được. Hải Phòng tự hào bởi điều ấy, tự hào có Nguyên Hồng là nhà văn của mình

Ông là cây đại thụ trong làng văn Hải Phòng, cũng là một trong số không nhiều lắm những cây đại thụ của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Đ.K

Nguồn: Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version