Nhà văn Y Ban chia sẻ: “Có một nhà văn đã nói, làm gì có nhà văn nào thừa ăn thừa mặc thừa hạnh phúc mà lại viết được tác phẩm hay. Vì vậy thông thường các nhà văn đều phải nếm trải những đau khổ, bị cuộc sống quăng quật. Nhờ vậy họ mới có “chất liệu” để kể lại với đời. Và tôi cũng không ngoại lệ”.

Sau 5 năm ấp ủ, mới đây, nhà văn Y Ban đã ra mắt tập truyện ngắn Có thể có có thể không (Nhà xuất bản trẻ), gồm 9 truyện ngắn, trong đó bà kể về số phận éo le của những người dân bình thường trong xã hội ngày nay, đặc biệt phần nhiều nội dung nói về những người phụ nữ Việt Nam. Đọc những câu chuyện ấy, người ta thấy nữ nhà văn đau với chính nỗi đau của nhân vật. Bởi vậy, từng câu từng chữ như chạm được vào trái tim của độc giả, khiến họ cười khóc cùng nhân vật của bà.

Trong cuộc trò chuyện mới đây, nữ nhà văn Y Ban đã có những chia sẻ về cảm xúc của mình khi viết tập truyện ngắn Có thể có có thể không. Qua đó cho thấy một cây bút có tâm và có tầm.

1. Tôi dám dấn thân để viết hết mình

– Chào nhà văn Y Ban, bà có thể chia sẻ đôi chút về tên của tập truyện ngắn “Có thể có có thể không”?

Tôi không bao giờ dễ dãi trong cách đặt tên các tác phẩm của mình. Và tập truyện Có thể có có thể không cũng vậy. Tác phẩm này gồm 9 truyện ngắn về đề tài gia đình. Mà gia đình thì thường không rành rẽ, không rõ ràng. Khi đọc Có thể có có thể không, người ta thấy những mối quan hệ đầy sự mập mờ, ẩn dụ, có thể hiện hữu, có thể cầm nắm được nhưng cũng có thể tan biến ngay trước mắt chúng ta. Trong đó, tôi đặt mình vào nhân vật, chứ không chỉ là người đứng ngoài kể chuyện.

Trước đây, tôi thường để nhân vật tự nói để người đọc nhận ra được triết lý, nhân sinh quan. Nhưng trong tác phẩm này, tôi đã đưa ra quan điểm đúc kết của tác giả.

– Được biết, bà cho ra đời tập truyện ngắn này sau 5 năm ấp ủ. Bà có nghĩ đó là khoảng thời gian khá dài?

Trong 5 năm ấy, có những truyện viết rất nhanh, nhưng có những cái rất lâu. Có những năm tôi viết được nhiều truyện, nhưng ngược lại cũng có năm tôi không viết được câu chuyện nào. Khi thật “chín” thì tôi mới viết ra. Ví dụ như truyện Con biết sống sao đây về 2 chị em Thu Thảo. Khi được nghe câu chuyện, tôi bị ám ảnh quá, gia đình là cái nôi giúp con người phát triển hoặc tụt lùi. Tôi đã lập tức viết câu chuyện ấy. Chỉ 2000 từ thôi nhưng khi đọc lại, tôi cũng thấy ám ảnh và đau với số phận của nhân vật.

Văn chương chính là một sản phẩm, có thể sản phẩm đó chưa thật hoàn hảo. Tuy nhiên nhà văn cũng đã vô cùng vất vả để có được những tác phẩm đó. Vì vậy. tôi mong độc giả có thể bao dung hơn với các nhà văn.

– Trong Có thể có có thể không, đâu là câu chuyện có thật?

Tất cả đều là câu chuyện có thật. Văn của tôi không bao giờ nhạt, mà đậm tính thời sự. Tôi luôn đặt mình vào nhân vật như thể bản thân đang trải qua câu chuyện đó cho dù đó là câu chuyện của người khác. Tôi đau cùng nhân vật, sống cùng nhân vật của mình.

– Trong tập truyện ngắn này, đúng là văn của bà không hề “nhạt”, nhưng có đôi chỗ, bà đã để cho nhân vật “chửi thề”. Với những từ ngữ không đẹp đó, bà có sợ phải nhận những phản ứng trái chiều từ độc giả của mình?

Trong sự nghiệp viết văn, tôi đã trải qua cả vinh quang và cay đắng, có những lúc bước trên thảm đỏ vinh quang, nhưng cũng có những lúc phải nhận làn sóng chì chiết. Tuy nhiên khi viết, tôi dám dấn thân để viết hết mình. Một điều rất may mắn với tôi, bên cạnh những lời chì chiết, vẫn có những sự bảo vệ, bao dung, che chở rất đáng trân trọng từ các bạn độc giả.

– Phần nhiều nội dung trong tập truyện ngắn này được bà ưu tiên viết về số phận của những người phụ nữ Việt, đó là người chị cả phải dang tay gồng gánh cả gia đình, hay người con dâu có mâu thuẫn căng thẳng với mẹ chồng… Bà có nghĩ là hiện nay người phụ nữ đang chịu quá nhiều áp lực từ xã hội?

Hôm trước tôi có thấy hình ảnh một thân chuối bị phạt ngang. Những tưởng nó sẽ bị thối rữa, nhưng thật không ngờ nó lại cho ra 1 cái buồng chuối sai trĩu. Tôi nghĩ rằng đó là biểu trưng cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Cho dù có bị thương tích thì họ vẫn cứ mang lại những điều tốt đẹp cho những đứa con của mình.

Người phụ nữ Việt vĩ đại hơn người đàn ông rất nhiều. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng mất chồng mất con. Khi chồng trở về thì sinh ra những đứa con bị dị tật do chất độc màu da cam, nhưng bà vẫn tần tảo chăm chồng chăm con.

Còn ở xã hội bây giờ, người phụ nữ Việt phải làm lụng vất vả, cực nhọc. Khi những đứa con nghiện, người mẹ vẫn không hề buông bỏ, luôn sẵn lòng tha thứ và chờ đợi những đứa con trở về.

“Mẹ tha thứ cho con tất cả

Thời tao loạn, mẹ không có quyền lựa chọn

Phải chấp nhận cả thiên thần và ác quỷ

Mượn thân xác mẹ để làm người

Để yêu cả phần người, phần thiên thần và ác quỷ

Mẹ tha thứ cho con là cách mẹ đã tha thứ cho chính mình

Khi người đời nguyền rủa mẹ đã sinh ra con”.

– Vốn được coi là “ngòi bút của phụ nữ Việt”. Bà được chứng kiến những mảnh đời phụ nữ bất hạnh, sau đó kể lại câu chuyện của họ như một lời tri ân sâu sắc. Sau tất cả, bà có lời chia sẻ gì với họ trong lúc này?

2. Tôi không cho phép mình chán nản qua một đêm

Mình sống thì chỉ có 1 cuộc đời, nhưng khi sinh ra những đứa con thì có nghĩa là đã sinh ra những cuộc đời. Quan trọng nhất là phúc đức tại mẫu. Vì vậy mỗi lần định làm điều ác gì thì hãy kìm nén vì nó sẽ ảnh hưởng đến những cuộc đời khác.

– Đọc từng câu chữ của nhà văn Y Ban trong Có thể có có thể không, hay những tác phẩm trước kia như Đàn bà xấu thì không có quà, Người đàn bà và những giấc mơ… Người ta thấy được một Y Ban rất từng trải. Phải chăng bà cũng đã và đang phải trải qua những nỗi đau đó?

Có một nhà văn đã nói, làm gì có nhà văn nào thừa ăn thừa mặc thừa hạnh phúc mà lại viết được tác phẩm hay. Vì vậy thông thường các nhà văn đều phải nếm trải những đau khổ, bị cuộc sống quăng quật. Nhờ vậy họ mới có “chất liệu” để kể lại với đời. Và tôi cũng không ngoại lệ.

Nhà văn là những người nhạy cảm nên nếu đứng trước 1 sự việc, chúng tôi đau gấp nhiều lần người bình thường. Khi hạnh phúc, cũng sẽ hạnh phúc gấp nhiều lần người bình thường, đó chính là sự thăng hoa.

Chúng tôi phải sống trong kiếp nhà văn. Khi người phụ nữ bình thường trải qua những nỗi đau về gia đình thì nữ nhà văn sẽ đau đớn hơn thế, nhờ vậy mà kể câu chuyện một cách sâu sắc hơn.

Ngoài sự nhạy cảm, nhà văn thường có sự linh cảm nữa. Ngày trước tôi có viết về số phận người phụ nữ bất hạnh. Chồng tôi đã xé đi vì sợ sẽ bị “ám” vào gia đình mình. Tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng không thể ngừng viết vì đó là nghiệp của tôi, là chất văn của tôi.

Ngoài ra nhà văn còn phải chịu sự trả giá. Khi người đàn bà viết văn luôn phải sẻ thân mình làm đôi, một là người phụ nữ của gia đình, một người phụ nữ làm văn chương. Có lần tôi đã viết về nỗi lo của một người mẹ về tương lại của con. Không lâu sau khi tôi đang ngồi viết bài thì con tôi 2 tuổi lẫm chẫm biết đi và bị ngã chảy máu. Đối với tôi, đó là sự trả giá.

– Điều đó có nghĩa là cuộc sống của bà có rất nhiều thăng trầm?

Ngày trước tôi làm giảng viên trường Y, một công việc cao quý. Khi tôi bỏ trường Y thì mới chỉ có 1 tác phẩm được in.

Lúc ra trường công việc chưa có. Tôi ra vỉa hè bán gà tần thuốc bắc, cắt tiết 25 con gà và 25 con chim/ngày, trở thành công chức vỉa hè, đối mặt với những cuộc tranh cãi ngoài chợ. Cuộc sống bắt mình phải như thế. Tôi trải qua từ cung bậc này sang cung bậc kia, từ nghèo khó, khổ ải đến một cuộc sống khá ổn như bây giờ với 1 ngôi nhà rộng vừa ở vừa làm xưởng cho chồng, con cái thành đạt. Đó là kết quả của sự phấn đấu từ bàn tay lao động.

Kèm theo đó là những ốm đau bệnh tật dồn dập vào năm ngoái. Đó là một năm khủng khiếp, tháng 3 tôi bị thoái hóa đầu gối, sau đó ít lâu em trai út mất, rồi tháng 6, chồng tôi bị gãy chân khi đang công tác ở nước ngoài. Tháng 10, bố chồng tôi mất. Sau đó tôi bị tiền đình, không thể dậy được… Nhưng sau tất cả, mọi thứ cũng dần ổn định hơn.

– Cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả như vậy. Có khi nào bà cảm thấy chán nản với số mệnh của mình?

Tôi không cho phép mình chán nản quá một đêm. Lắm lúc nghĩ: “Giá như ngày mai mình không tỉnh lại nữa thì tốt biết mấy”. Nhưng đôi khi ánh bình mình hé dạng, thì tôi không cho phép mình nằm nữa. Tôi bật tung các cánh cửa ra, bắt mình phải bận rộn để loại bỏ những ý nghĩ đen tối ra khỏi đầu.

Quan trọng là thái độ sống của mình tích cực. Nghèo thì còn có người nghèo hơn mình. Khó thì cũng có người khó hơn mình. Mình cứ tích cưc lạc quan, cứ cười đi.

Có nhiều người phải sống vì chồng vì con nhưng tôi không lấy họ ra làm cứu cánh. Gia đình tôi sống rất hiện đại, mình làm tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con để sau này mình không phải ân hận. Còn con cái có nhận thấy đó là điều tốt đẹp nhất hay không thì đó là quyền của chúng.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Nhà văn Y Ban (tên thật là Phạm Thị Xuân Ban) sinh năm 1961 tại Nam Định. Bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Sinh học năm 1982 và Viết văn Nguyễn Du năm 1992. Nhà văn Y Ban từng là giảng viên trường CĐ Y tế Nam Định và Đại học Y Thái Bình. Trước khi nghỉ hưu, bà giữ chức vụ phó trưởng ban biên tập Báo Giáo dục và Thời đại.

Trong hàng chục năm cầm bút, nhà văn Y Ban đã cho ra đời 4 tiểu thuyết, 3 truyện vừa, 16 tập truyện ngắn và 1 tập thơ. Khi nói đến nhà văn Y Ban, độc giả nhớ đến các tác phẩm như truyện ngắn Người đàn bà có ma lực, I am đàn bà, tiểu thuyết Đàn bà xấu thì không có quà… Mới đây nhất, bà cho ra đời tập truyện ngắn Có thể có có thể không.

>Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho nền văn học nước nhà, bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Điển hình trong đó là đến giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí văn nghệ quân đội năm 1989-1990 với chùm truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và Người đàn bà có ma lực, Giải nhì cuộc thi viết về Hà Nội của Nhà xuất bản Hà Nội năm 1993, Giải nhì cuộc thi truyện ngắn năm 2006 trên báo Văn nghệ…

Hiện nay, nhà văn Y Ban có một gia đình hạnh phúc ở Hà Nội với người chồng là nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ cùng 2 người con hiếu thảo và thành đạt (1 trai, 1 gái).

https://luxury-inside.vn