Tác phẩm lớn chỉ cần là tác phẩm đi cùng với năm tháng. Mọi thế hệ người đọc đều yêu thích nó, dù con người thay đổi theo diện mạo thời cuộc, dù gu thẩm mĩ và tầm nhìn của con người thời đại đó thay đổi, nhưng tác phẩm đó vẫn sống, vẫn khiến người ta không thể bỏ qua.

LTS: Nhà văn Tô Hoài, tác giả của nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến vừa ra đi. Có một câu hỏi bỗng được xới lên: Vì sao văn học Việt Nam không có tác phẩm lớn, mang tầm thời đại, đáp ứng yêu cầu thị hiếu của bạn đọc.

Đem câu hỏi này đến gặp các nhà văn, nhà phê bình, nhà quản lý văn hóa… và các độc giả, chúng tôi đã nhận được những kiến giải khác nhau. Trước tiên, xin giới thiệu quan điểm của nữ nhà văn Y Ban qua cuộc trò chuyện dưới đây.

Cần gì nỗ lực để nuôi con tôm, con cá?

Thưa nhà văn Y Ban, chị là một cây bút đương đại có những tác phẩm được độc giả yêu mến. Tên tuổi chị ít nhiều cũng có chỗ đứng trong lòng độc giả. Chị nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn?

Nhà văn Y Ban: Nhiều người vẫn nói tác phẩm lớn là những tác phẩm phải thay đổi thời đại, thay đổi quan điểm xã hội. Nhưng trong 100 tác phẩmkinh điển mà thế hệ nào cũng đọc như Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, hay kể cả Chiến tranh và Hoà bình nó có… thay đổi thời đại đâu? Nhưng nó vẫn là những tác phẩm lớn.

 

Tác phẩm lớn theo tôi chỉ cần là tác phẩm đi cùng với năm tháng. Mọi thế hệ người đọc đều yêu thích nó, dù con người thay đổi theo diện mạo thời cuộc, dù gu thẩm mĩ và tầm nhìn của con người thời đại đó thay đổi, nhưng tác phẩm đó vẫn sống, vẫn khiến người ta không thể bỏ qua. Chúng ta có Xuân tóc đỏ, có Chí Phèo chẳng hạn, đấy không phải là những tác phẩm lớn, có sức sống lâu bền với thời gian hay sao?

Nếu chúng ta phủ nhận các tác phẩm hay thì tại sao hàng năm các giải thưởng này, nọ lại nhiều thế? Nếu thế, thì những người lên nhận giải thưởng đó là gì?

– Nhưng tôi nhớ một lãnh đạo HNV đã từng nói: “Vì hồ không có cá to nên chúng ta đành phải vợt tép”…

– Thế thì chúng ta đừng chấp nhận vợt tép nữa. Phải bỏ con tép để đợi bắt con tôm, con cá chứ. Chứ bây giờ người ta thấy ơ, ông này ông ấy viết “tép’ thế mà vẫn được công nhận, cũng được giải thưởng nọ, kia, thì người ta cũng sẽ chỉ tạo ra những con tép đấy thôi, cần gì phải nỗ lực để nuôi con tôm, con cá.

– Nghĩa là chị vẫn thừa nhận rằng văn học VN hiện nay nhiều tép hơn tôm, nhiều cá bé hơn cá lớn?

– Thẳng thắn với nhau thì hiện nay, các tác phẩm văn học VN hầu như không…kịp sống đến tuổi trưởng thành.

Hôm vừa rồi tôi có nói chuyện với những người bạn sách. Họ ca thán với tôi: “Chị ơi, những tác phẩm văn học VN chết yểu nhanh quá. Một tác phẩm đang nổi rầm rầm theo trào lưu, chỉ qua vài tháng, hết thời PR lập tức không bán nổi đến một cuốn”. Những nhà văn mà tên tuổi của họ, tác phẩm của họ sống được trong lòng độc giả hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là nỗi buồn của những nhà văn đương đại.

Hội Nhà văn VN đang có khoảng 1000 hội viên, nhưng có bao nhiêu phần trăm trong số đó là nhà văn thực sự? Tôi lấy ví dụ chúng ta là cường quốc thơ, người viết của chúng ta rất nhiều. Nhưng cái na ná thơ thì rất nhiều, còn tài năng đích thực ít ỏi vô cùng. Cái việc đánh đồng tất cả, khiến văn học VN càng ngày càng mất giá.

Nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng đừng quá nóng vội. Đôi khi để chờ đợi một tác phẩm vĩ đại không chỉ tính bằng năm mà phải bằng chục năm, bằng thế kỷ. Vì thế chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào nền văn học nước nhà.

Tác phẩm lớn cần bốn yếu tố

-Theo chị, nguyên do vì đâu mà càng ngày văn đàn VN càng vắng bóng những tác phẩm được dư luận chú ý, cũng thưa thớt dần những nhà văn được độc giả say mê như thế hệ nhà văn trước đây?

– Chúng ta biết một dân tộc muốn có một nền văn học rực rỡ thì phải có bề dày văn hoá, bề dày lịch sử. Những vùng đất mới sẽ rất khó đạt được thành tựu đó. Chúng ta có truyền thống, chúng ta có lịch sử, nhưng chữ quốc ngữ của ta mới phổ biến độ 200 năm nay, chúng ta còn phải đối mặt với thiên tai, với chiến tranh.

Nhưng vấn đề chính là trong thời đại chúng ta đang sống, muốn có tác phẩm lớn, sống được trong lòng độc giả thì cần 04 yếu tố: Tài năng nhà văn, nhà phê bình, độc giả, những người quản lý, thì tất cả những cái đó đều đang khập khiễng, khiên cưỡng.

Về phê bình, chúng ta đang có một nền phê bình văn học mà có không ít những nhà phê bình hay “loè thiên hạ” bằng những khái niệm cao siêu. Còn thì nếu ngẫm nghĩ kĩ, phê bình văn học đương đại của chúng ta đang đứng ở đâu? Hãy hỏi các nhà phê bình văn học ấy. Có bao nhiêu nhà phê bình hiện nay xứng đáng được gọi là nhà phê bình văn học?

Tôi từng nghe một người gạo cội trong giới lý luận phê bình nói về trường hợp nhà văn Đỗ Hoàng Diệu thế này: “Tôi không đọc cô này, tôi thấy thiên hạ lao vào đọc cô này thì tôi không đọc nữa”. Nhưng ông ta không đọc mà vẫn sưng sưng chê bai sách của Đỗ Hoàng Diệu. Tại sao thế? Bạn đọc có quyền lựa chọn nhà văn, có quyền đọc lãng mạn, sock, sex, sến.

Những nhà phê bình hãy phán xét hiện tượng đó dưới nhãn quan một nhà phê bình, gắn với đặc điểm xã hội, đặc điểm thời cuộc. Không nên quyền chê bai tác phẩm nếu họ chưa đọc qua nó. Trách nhiệm của nhà phê bình lý luận là phải đọc, phải nghiên cứu hiện tượng xã hội, hiện tượng văn chương và khái quát nó thành khoa học.

Nhưng nền văn học nước nhà, hiện chưa có những nhà phê bình như thế. Dường như các nhà phê bình chưa làm được gì ngoài mấy cái tổng kết cuối năm. Đọc các nhà phê bình văn học tôi nhìn rõ ra một thực tế: Họ không chịu đọc, mà đôi khi, họ “trám” những lỗ hổng kiến thức phê bình văn chương bằng một mớ lí luận lằng nhằng..

Dở nhất, bây giờ nhiều người tự nhận là nhà phê bình chê văn chương nước Việt không có tác phẩm lớn. Nhưng thử hỏi họ, trước một trào lưu văn học xuất hiện, họ đã đóng góp phê bình gì, ngoài việc trà dư tửu hậu, vỗ tay rung đùi và bình phẩm cho sướng miệng? Những nhà văn sau đổi mới đến nay đã có 30 năm rồi, có không ít tên tuổi nhưng hỏi đã có nhà phê bình nào có công trình về các nhà văn đó?

Chị nói chúng ta chưa có những nhà lý luận phê bình và họ chưa có đóng góp liệu có chủ quan quá không? Tôi vẫn đọc những bài viết của những cây bút phê bình lý luận ở khắp nơi đấy thôi?

– Chúng ta phải phân biệt đâu là lý luận phê bình thực thụ, đâu là những bài báo để in sách, khen chê theo quan hệ, theo… hậu duệ. Lý luận phê bình phải công phu hơn chứ? Tôi nghĩ, ngoài những dòng chảy ngầm trong nhà trường, với những luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đang nghiên cứu về những tác giả này, tác phẩm kia, thì những nhà phê bình lý luận thực sự, ai có thể đưa lên được một công trình thực sự, hay không có gì ngoài những bài báo ngắn ngủn, đánh bóng tên tuổi của mình?

Ngay cả những tác phẩm phê bình của Nguyễn Huy Thiệp được coi là đáng chú ý nhất cũng toàn dưới dạng các bài báo mà thôi. Chưa kể không ít nhà phê bình hiện nay viết phê bình theo dạng “PR” để nhận thù lao của các nhà sách. Cuối cùng, người chịu hậu quả là độc giả.

– Người ta vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu một tác phẩm mang hơi thở của một thời nhưng cũng là trăn trở của mọi thời, nếu một tác phẩm nảy sinh từ cuộc sống của một dân tộc nhưng là câu chuyện chung của mọi dân tộc; nếu tác phẩm đó viết từ câu chuyện của một người nhưng mang tâm tư của muôn người, thì tôi nghĩ chẳng cần cácnhà phê bình, nó cũng sẽ được công chúng đón nhận chứ thưa chị. Sao có thể đổ tại hết cho các nhà phê bình?

– Những nhà văn dù tài năng đến mấy cũng phải có những chỉ dẫn, những phê bình, đóng góp cho họ. Nhà văn, trong cuộc sáng tạo của mình luôn cần sự học hỏi, chia sẻ. Những nhà phê bình sinh ra là để giúp nhà văn khám phá và tìm ra những con đường sáng tạo mới. Khi không được chỉ đường dẫn lỗi, thì nhà văn chỉ sáng tác theo bản năng, cả độc giả cũng đọc rất bản năng. Thế nên mới có nhiều tác phẩm khi nhà văn còn sống thì nó rất tầm thường, nhưng đến lúc nhà văn chết đi, tác phẩm đó lập tức trở thành vĩ đại.

Cái dở của lý luận phê bình chúng ta là đánh đồng tất cả mọi sáng tạo của các nhà văn thực thụ và những nhà văn kiểu… “Lệ rơi”. Những nhà phê bình là những người định hướng dư luận, họ cũng là người hướng dẫn các nhà văn. Như Hoài Thanh – Hoài Chân, chẳng phải những nhà văn được đưa vào tác phẩm của hai ông đã được nâng lên một tầm cao mới hay sao? Chẳng phải công chúng, dư luận đã hiểu hơn cái hay, cái đẹp trong tác phẩm của họ hay sao?

Nhà văn Y Ban. Ảnh nhân vật cung cấp

– Nhưng nhà văn vẫn có thể kiếm tìm sự ủng hộ từ độc giả…

– Hãy ra hỏi những người bán sách thì sẽ biết độc giả hiện nay đọc cái gì: Họ đọc tiểu thuyết ngôn tình, đọc những tác phẩm dễ dãi, không phải suy nghĩ nhiều. Một xã hội với những người đọc chỉ thích những tác phẩm ở đẳng cấp “Lệ rơi”, họ cần gì những tác phẩm lớn…

“Cánh đồng bất tận” nổi tiếng vì… PR

– Đành rằng bây giờ có một trào lưu như thế. Chúng ta có thể đổ cho sự thay đổi của xã hội, của lối sống. Nhưng rõ ràng không thể phủ nhận có những tác phẩm đã vượt lên được quy luật đó, để khẳng định sức sống của mình, mà không đâu xa tôi có thể lấy dẫn chứng như là một Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận” chẳng hạn. Chị có nghĩ rằng, cuối cùng, không phải do độc giả, do những nhà quản lý, năng lực nhà văn vẫn là quan trọng hơn cả? Chẳng phải nếu là tài năng đích thực, nếu là tác phẩm có giá trị đích thực, những “đứa con” của nhà văn sẽ vượt qua được những thách thức đó của thời cuộc hay sao?

– Cánh đồng bất tận là một tác phẩm hay nhưng nó cũng là sản phẩm của PR. Khi nó in trên báo Văn Nghệ trước đó có dư âm gì đâu.

Là tác giả tôi gửi lời tri ân đến các độc giả trung thành của các nhà văn. Những người luôn đón chờ một cách trân trọng các tác phẩm của các nhà văn mà họ đã chọn. Đó là lý do mà những nhà văn như tôi có thể tồn tại được.

Chúng tôi chỉ biết làm tốt nhất phần việc của mình. Còn nó có thành tác phẩm lớn hay không, không phụ thuộc vào nhà văn mà phụ thuộc vào độc giả, vào sự đón nhận của họ với tác phẩm.

Thời chiến tranh, dù khó khăn, bom đạn, cuộc sống thiếu thốn, nhưng sáng tạo của nhà văn được trân trọng. Mỗi tác phẩm được in và phát hành rộng rãi ra công chúng đều trải qua sự tuyển chọn khắt khe, nhưng khi đã phát hành đều có sức ảnh hưởng rộng rãi, có sự lan toả và được công chúng đón nhận.

Danh tiếng của nhà văn vì thế cũng dễ dàng được tạo dựng cùng với tác phẩm. Nhưng bây giờ, chỉ cần bỏ tiền ra, ai cũng có thể in được sách, ai cũng có thể trở thành nhà thơ, nhà văn. Những gì thường thường bậc trung, vô thưởng vô phạt lại dễ được cấp phép. Cộng thêm với việc các nhà văn bây giờ cũng chưa thể thoát ra khỏi cơm áo gạo tiền, nên mọi tinh hoa trong những sáng tác của họ đều là sự chắt chiu trong giai đoạn quá khó khăn này.

Tôi vẫn bảo vệ quan điểm chúng ta vẫn có tác phẩm lớn, chỉ là chúng ta chưa công nhận nó mà thôi. Vì sao tôi nói thế? Chúng ta đang dịch rất nhiều tác phẩm của các nước trong khu vực và trên thế giới vào Việt Nam trong những năm qua. Chúng ta đọc và so sánh mặt bằng thì thấy chúng ta đâu có kém. Nhưng chúng ta vẫn có quá nhiều định kiến. Chúng ta không chịu công nhận các nhà văn.

Đặc biệt là không công nhận những nhà văn đương đại, những nhà văn đã làm nên diện mạo của cuộc đổi mới, mà chỉ nhắc đến những nhà văn thời chống Mỹ.

– Nãy giờ chị chỉ nói đến những yếu tố khách quan, thế còn tài năng và sự dấn thân của nhà văn Việt thì sao? Chị có nghĩ các nhà văn Việt bây giờ quá thiếu sự dấn thân? Tấm gương ngót chục năm treo ngược mình lên vòm trần nhà thờ Sixtine để hoàn thành bức bích họa muôn đời của Mikenlageno đã trở thành xa lạ. Các nhà văn “sinh ư nghệ” thì nhiều, “tử ư nghệ” thì quá thiếu. Thói quen làm hàng chợ vốn lên ngôi trong thời buổi thị trường không phải là lý do chính khiến những sáng tạo tầm cỡ càng ngày càng hiếm hoi hay sao?

– Tất nhiên tài năng cuối cùng sẽ quyết định tất cả. Như tôi có 30 năm cầm bút. Tôi tập cho mình thói quen không quan tâm đến các nhà phê bình, không quan tâm đến độc giả. Tôi viết vì sự sáng tạo của tôi, viết vì những gì tôi đau đáu. Còn thì nó được đón nhận thế nào, tôi chỉ biết chờ đợi. Còn nếu nói nhà văn Việt hiện giờ không dấn thân thì đó chỉ là ý kiến một chiều thôi.

Ông Mikenlagelo treo mình trên nóc trần nhà thờ, nếu ông ta không thành danh hoạ nổi tiếng, nếu bức hoạ của ông ta không trở thành kinh điển, thì người ta sẽ không ca ngợi ông ta đâu. Người ta sẽ gọi ông ta là một thằng hề, một thằng điên. Nhưng khi ông thành công, người ta lại gọi nó là sự dấn thân. Người làm nghệ thuật khổ thế đấy

Nhiều người nổi tiếng cũng chỉ được ghi nhận khi đã chết. Đó là sự trớ trêu của tất cả tài năng. Người ta nói không có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng tôi nói có. Và tôi sẵn sàng tranh luận.

– Tranh luận bằng…

– Tôi không ngại ngần dùng chính những tác phẩm của tôi – Y Ban để chứng minh điều đó. Tác phẩm của tôi ra thường xuyên, không lặp lại mình. 04 cuốn tiểu thuyết của tôi gần đây là 04 cách thể hiện khác nhau.

Tác phẩm của tôi đây, nó không hay ở chỗ nào? Nó không đi cùng thời cuộc ở chỗ nào? Nó không được độc giả đón nhận ở chỗ nào? Và còn rất nhiều nhà văn nữa, không chỉ riêng mình Y Ban.

– Vậy các nhà văn sẽ cần sự ủng hộ thế nào từ xã hội, từ các nhà quản lý, các nhà phê bình?

– Nhà văn là những người lao động độc lập nhất. Họ chỉ làm việc với ngòi bút của mình. Nhưng khi tác phẩm đã ra đời, thì họ cần sự ủng hộ của xã hội, mà đầu tiên là những nhà lý luận phê bình. Tôi rất mong muốn những nhà lý luận phê bình đánh giá về những tác phẩm của các nhà văn bằng những luận cứ học thuật.

Những người quản lý cũng đừng nên để tình trạng in ấn xô bồ, tình trang bị ăn cắp bản quyền diễn ra như hiện nay. Nhưng kể cả không được sự hỗ trợ của những nhà quản lý, không được sự ủng hộ của những nhà phê bình, thì những nhà văn vẫn phải viết, vẫn phải nỗ lực hết mình, nếu thực sự đau đáu với văn chương. Nhà văn chúng tôi chỉ khao khát là khi viết ra, những tác phẩm của chúng tôi được sự tôn trọng của xã hội bằng sự đánh giá công tâm nhất về tác phẩm của họ, về sự lao động nghệ thuật của họ.

– Xin cảm ơn chị!


Tô Lan Hương (thực hiện)

Nguồn: vietnamet.vn

Exit mobile version