Đại sứ Hungari Vizi László trao Huân chương Chữ thập Vàng của Nhà nước Hungary cho giáo sư Trương Đăng Dung

Nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung:

Lặng lẽ với công việc nghiên cứu lý luận phê bình, dịch thuật và làm thơ suốt mấy chục năm, chỉ đến khi nghỉ quản lý tại Viện Văn học ông mới in tập thơ đầu tay “Những kỷ niệm tưởng tượng” ở tuổi gần sáu mươi. Ngay sau đó tập thơ đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011. Cũng ít người biết rằng, từ 30 năm trước, khi chưa đầy ba mươi tuổi, ông đã dịch “Truyện Kiều” của Việt Nam sang tiếng Hungary. Ông là PGS.TS, nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung.

Không nghĩ mình đi trước thời đại

Gần đây nhiều người mới biết ông đã dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Hung từ năm 1983, điều gì khiến ông đi đến quyết định dịch “Truyện Kiều”?

NTDGTĐD: Những năm học ở nước ngoài, tôi nhận ra rằng thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người ta không biết nhiều về nền văn hoá Việt Nam, hoặc chỉ có những thông tin không đầy đủ, thiếu hệ thống. Bạn đọc Hungary hầu như biết rất ít về văn học Việt Nam. Nhìn những tác phẩm văn học cổ điển lớn viết bằng thứ tiếng phổ cập của các nước được dịch sang tiếng Hungary, từ thời sinh viên tôi đã nghĩ đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và mơ ước sẽ có ngày dịch tác phẩm này. Tôi dịch “Truyện Kiều” với mong muốn bạn đọc Hungary biết đến nền văn học của chúng ta, hiểu hơn nỗi đau và những khắc khoải của thi nhân Việt Nam trước thân phận của con người.

Trong khi ở thời điểm hiện tại văn học Việt Nam mới loay hoay tìm đường xuất ngoại, mà người ta vẫn gọi nôm na là “dịch ngược”, thì ông đã làm việc này từ ba chục năm trước, ông có nghĩ mình là người “đi trước thời đại”?

NTDGTĐD: Tôi không nghĩ mình là “người đi trước thời đại”, đơn giản là vì đã có nhiều người làm việc đó trước tôi, ví dụ như bác sỹ Nguyễn Khắc Viện và giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Trong quá trình dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hung ông có gặp khó khăn gì không?

NTDGTĐD: Nếu ngôn ngữ là “Ngôi nhà của Hữu thể” như Martin Heidegger nói thì con người sống trong ngôi nhà đó cũng có những giới hạn, bởi vì sự giao lưu tinh thần của nó đã bị “Ngôi nhà của Hữu thể” quy định. May thay, mọi thông điệp đều vừa hướng tới người tiếp nhận lại vừa đặt điều kiện cho người đó phải có nỗ lực để hiểu. Thực hiện được điều này là nhờ cái ý tưởng chung giữa người phát thông điệp và người nhận thông điệp. Như vậy, sự khác biệt về văn hoá, tôn giáo giữa các dân tộc cũng là trở ngại lớn không kém sự khác biệt về ngôn ngữ, do đó khó khăn lớn nhất đối với người dịch “Truyện Kiều” là làm thế nào để mở ra và truyển tải được cái tinh thần văn hoá đặc trưng có trong ngôn ngữ nguyên bản. Người ta có thể dịch xong một bài thơ nhưng tinh thần của bài thơ trong nguyên bản vẫn khép lại. Mọi bản dịch, dù cố gắng trung thành với nguyên bản bao nhiêu thì cũng đều phá vỡ cấu trúc ngôn ngữ của nguyên bản. Tôi may mắn được làm việc với nhà thơ, dịch giả nổi tiếng Tandori Dezso, ông đã giúp tôi chuyển thành thơ bản dịch “Truyện Kiều”.

Ông có kỷ niệm nào liên quan đến việc dịch “Truyện Kiều”?

NTDGTĐD: Trong thời gian dịch Truyện Kiều, mỗi khi được mời đi thuyết trình, tôi đều tranh thủ “quảng cáo” cho bản “Truyện Kiều” bằng tiếng Hung sắp được xuất bản. Có một lần ở trường đại học Debrecen, tôi vừa nói “Các bạn chuẩn bị đón đọc một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, một chuyện tình…” thì có một người ngồi ở hàng ghế đầu liền hỏi: “Có phải là chuyện tình của một đôi nam nữ du kích yêu nhau, nhưng phải xa nhau mỗi người chiến đấu một phương trời theo yêu cầu của chi bộ?”. Người ta chỉ biết đến văn học Việt Nam qua một vài truyện ngắn viết về chiến tranh, vì thế cũng dễ hiểu là vì sao có người đã hỏi như vậy.

Đã ba mươi năm trôi qua, bây giờ đọc lại bản dịch ông có thấy chỗ nào đó mình dịch chưa ổn?

NTDGTĐD: Không phải đợi ba mươi năm sau mà ngay sau khi bản dịch Truyện Kiều được xuất bản, tôi cũng đã nhận thấy một vài chỗ lẽ ra có thể dịch tốt hơn. Đây cũng là tình trạng chung của mọi bản dịch.

Ông có tìm cơ hội để tái bản bản dịch tiếng Hung “Truyện Kiều” không, bởi bản in lần đầu cũng quá lâu rồi?

NTDGTĐD: Trước đây, khi ông giám đốc nhà xuất bản Europa còn sống, ông ấy nói với tôi là sẽ cho tái bản bản dịch “Truyện Kiều”. Nhưng ông ấy đã qua đời, sau đó là những thay đổi ở Hungary, nhất là tình hình kinh tế nên việc tái bản “Truyện Kiều” gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ cơ hội để có thể tái bản bản dịch “Truyện Kiều”.

Tại sao sau đó ông không tiếp tục dịch những tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam sang tiếng Hung nữa?

NTDGTĐD: Tại sao ư? Tại vì tôi không có điều kiện vật chất, thời gian và sức khoẻ để tiếp tục làm công việc đó khi mà vợ chồng tôi sau lễ cưới phải ngủ trên bàn làm việc của cơ quan, khi mà chúng tôi không có tiền mua sữa cho con…

Việc của mình là sáng tác cho hay

Vừa được Nhà nước Hungary tặng Huân chương Chữ thập vàng cho những đóng góp thúc đẩy giao lưu văn hóa, văn học Việt – Hung, cảm giác của ông thế nào?

NTDGTĐD: Năm nay tôi có vinh dự được hai lần nhận giải thưởng, đầu tiên là Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội cho tập thơ đầu tay của tôi là “Những kỷ niệm tưởng tượng”, sau đó là Huân chương Chữ thập vàng của nhà nước Hungary cho những cống hiến của tôi trên lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu truyền bá văn học Hungary hơn ba mươi năm qua. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì những công việc sáng tạo mà tôi lặng lẽ thực hiện nhiều năm qua nay được xã hội ghi nhận.

Đã có ba lần đến học tập và tu nghiệp tại Hungary, ông có thể chia sẻ một vài cảm nhận về đất nước này? Về nền văn học Hungary, cá nhân ông nhận xét thế nào?

NTDGTĐD: Hungary là một nước nhỏ nằm giữa vùng lòng chảo trung tâm Châu Âu, với một lịch sử không ít những thăng trầm. Lịch sử của dân tộc này là lịch sử của những nỗ lực vượt lên mọi thử thách và đau khổ để khẳng định mình trước thế giới. Ai cũng phải khâm phục khi biết một đất nước chỉ có hơn mười triệu người mà đã có mười lăm người được nhận giải Nobel ở các lĩnh vực, trong đó có văn học. Người ta thường nói đến nền văn học lớn và nền văn học nhỏ mà quên rằng có những nền văn học được biết đến nhiều và những nền văn học ít được biết đến do sự không phổ cập của các ngôn ngữ đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng. Hơn nữa, đã có thời người ta có cái nhìn thiên vị đối với một số nền văn học do cách phân chia chính trị về các hệ thống thế giới. Đất nước Hungary như một thung lũng dưới trời Âu, nằm giữa bốn bề núi dựng, chỉ còn con đường duy nhất là bay lên cao bằng hồn của dân tộc gửi gắm ở các nhà văn, nhà thơ. Thơ Hungary rất phong phú và thời nào cũng có những nhà thơ lớn. Có thể nói đây là đất nước của thơ. Các nhà thơ Hungary luôn nhạy cảm trước vị thế của dân tộc mình trong tương quan với thế giới.

Theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lý luận phê bình nhưng đến giờ ông lại “phát” về đường thi ca, có khi nào ông nghĩ ngợi về điều này?

NTDGTĐD: Tôi đã phát biểu trong lễ nhận giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội cho tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” rằng thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Tôi cần thơ như một diễn ngôn khác có khả năng thể hiện được một cách phong phú, sâu sắc hơn cái tôi chủ thể trong những cảm nhận tinh tế về kiếp người. Làm việc gì tôi cũng đều làm hết mình, dù đó là nghiên cứu lý luận văn học, dịch sách hay làm thơ, giảng dạy… Sự yêu quý mà bạn đọc dành cho tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” càng khẳng định niềm tin của tôi rằng thời nào cũng có những người đọc biết yêu thơ.

Khi ông in “Những kỷ niệm tưởng tượng” thì nhiều người mới biết Trương Đăng Dung có làm thơ, và khi tập thơ được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội thì nhiều người mới tìm đọc thơ Trương Đăng Dung. Với thơ, có vẻ như ông khá kín tiếng?

NTDGTĐD: Thực ra, trước khi tâp thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” được xuất bản thì thơ tôi đã in ở Tạp chí Thơ, Tạp chí Sông Hương và báo Văn nghệ. Đã có những bài phê bình về thơ tôi từ khi tôi chưa cho in thành tập. Tôi nghĩ, việc của mình là phải sáng tác cho hay, mọi việc còn lại là do bạn đọc thực hiện. Với công việc nghiên cứu lý luận hay dịch thuật văn học, tôi cũng âm thầm lặng lẽ như vậy thôi.

Trong những tác phẩm văn học Hungary mà ông đã dịch sang tiếng Việt, ông tâm đắc với tác phẩm nào nhất?

NTDGTĐD: Trong số các tác phẩm của văn học Hungary được tôi dịch sang tiếng Việt, tôi tâm đắc với tiểu thuyết “Đứa trẻ mồ côi” của Moricz Zsigmond, vì ngoài nội dung của tác phẩm thì bối cảnh tôi dịch cuốn tiểu thuyết này cũng rất đặc biệt. Đó là vào năm 1985, trước khi đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời, tôi bị ốm nặng, ra viện tôi tưởng mình sắp chết nên đã cố gắng dịch “Đứa trẻ mồ côi” làm kỷ niệm với ý nghĩ con mình cũng sẽ mồ côi cha. Một tác phẩm khác, cuốn tiểu thuyết “Lâu đài” của Franz Kafka, dù không phải của văn học Hungary nhưng được tôi dịch từ bản tiếng Hung, là tác phẩm dịch mà tôi đã dành nhiều tâm sức và sự say mê. Tác phẩm này ông giám đốc nhà xuất bản Europa tặng tôi năm 1984, ông nói: “Anh đã dịch Truyện Kiều, một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam sang tiếng Hung, thì anh cũng nên dịch tiểu thuyết Lâu đài ra tiếng Việt, đây là một tác phẩm lớn của thời đại chúng ta.”

Việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và khu vực theo ông phải bắt đầu từ đâu? Và điều gì là quan trọng nhất?

NTDGTĐD: Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới là một việc lớn, đòi hỏi nhiều tiền của, công sức và trí tuệ, phải nằm trong chiến lược giới thiệu quảng bá văn hoá của nhà nước ta. Trước hết phải giải quyết được các vấn đề: Dịch và giới thiệu những tác phẩm văn học cụ thể nào? Đội ngũ người dịch là những ai? Và cuối cùng là phương thức thực hiện như thế nào? Như vậy, từ khâu chọn tác phẩm dịch và người dịch đến xuất bản phải được quản lý và thúc đẩy một cách cụ thể và khoa học. Mọi sự ầm ỹ chung chung đều chỉ dẫn đến tình trạng đánh trống bỏ dùi, không đi đến kết quả gì cả.

Cám ơn ông đã chia sẻ!

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn: Văn nghệ

Exit mobile version