“Trước hết, tôi viết là để thỏa mãn nhu cầu nội tại của chính tôi đã. Sau nữa là sự chờ đợi của bạn đọc, những người sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách của tôi…” – Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ trong cuộc trò chuyện với phóng viên Hải Phòng cuối tuần.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú
– Xin chào nhà văn Nguyễn Đình Tú! Dư luận đang nói nhiều về tiểu thuyết mới “Hoang tâm” của anh. Họ quan tâm đến “Hoang tâm” cũng như các lần xuất hiện của những cuốn tiểu thuyết trước của anh. Anh có nhận thấy mình là người có duyên khi nhận được sự chú ý của công chúng?
Để trở thành một nhà văn được “quan tâm” của dư luận mà nói là “có duyên” thì e có gì đó hơi gần giống với “may mắn”. Có nhiều nhà văn may mắn nhưng tôi thì không. Tôi đã viết bền bỉ, liên tục trong vòng 20 năm qua, hầu như năm nào cũng ra sách mà chỉ được chút “quan tâm” của dư luận thôi thì cũng là chuyện không có gì phải bàn. Ngay như báo Hải Phòng, nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là lần đầu tiên báo dành cho tôi bài phỏng vấn sau khi tôi đã ra tới mười năm, mười bảy đầu sách. Thế thì phải nói là tôi luôn bị đặt trong sự “nghi ngờ” của dư luận chứ nhỉ? (Cười)
– Ở lần ra mắt này, bạn đọc nhận thấy một lối viết khác của Nguyễn Đình Tú. Một đề tài khác so với “thương hiệu” tiểu thuyết gia về tội phạm học của anh trong 5 cuốn tiểu thuyết từng xuất bản. Đây có phải là một bước trong lộ trình làm mới mình?
Đúng. Câu hỏi đã phần nào là câu trả lời. Nhưng đây không phải là một bước mà là “những bước làm mới” đã được tôi kiên trì theo đuổi ngay từ khi có ý định viết cuốn tiểu thuyết thứ 2. Nếu không phải là làm mới thì làm sao cứ mỗi cuốn tiểu thuyết ra đời lại có thể “chạm” được vào dư luận như thế?
– Nguyễn Đình Tú viết về chiến tranh – nhiều người đã thốt lên như vậy khi đọc “Hoang tâm”. Nhiều câu hỏi được đặt ra. Anh có từng đặt câu hỏi cho chính mình khi thay đổi mô-típ tiểu thuyết tội phạm thông thường đã quen thuộc với bạn đọc? Anh có đặt tình huống về phản hồi của công chúng với cuốn tiểu thuyết này?
Các cuốn tiểu thuyết trước có đề cập đến tội phạm nhưng không theo một mô típ nào cả. Mỗi cuốn sách là một “kiểu viết” và “cái viết” khác nhau. Tuy nhiên nhiều người đã tổng kết tiểu thuyết của tôi bằng công thức “bạo lực + sex”. Nếu chỉ có thế thì may ra có vài bạn đọc bình dân tìm đến sách của tôi. Phải có cái gì đó thì các bạn học viên cao học mới làm luận văn về tác phẩm của tôi nhiều đến thế chứ? Vậy thì, rõ ràng, qua các kiểu nhân vật tội phạm, tôi đã chỉ ra một xã hội với rất nhiều những “vấn đề” của nó, và nó được bạn đọc đồng cảm, chia sẻ.
Còn chiến tranh ư? Khi viết về chiến tranh tôi quan tâm đến hai đối tượng bạn đọc, một là những người đã trực tiếp trải qua cuộc chiến đó và hai là những người chưa hề biết đến chiến tranh. Rất may là tôi nhận được phản hồi tốt từ cả hai đối tượng bạn đọc này. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là không có những người chê tác phẩm của tôi. Nhưng tôi viết văn không phải vì chê hay khen. Tôi viết là để thỏa mãn nhu cầu nội tại của chính tôi đã. Sau nữa là sự chờ đợi của bạn đọc, những người sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách của tôi. Cũng giống như ca sĩ thôi, còn có người nghe hát thì ca sĩ đó còn cất tiếng…
– Người ta thường nói, nhiều nhà văn khi viết thường hướng đến một nhóm đối tượng bạn đọc. Anh có hướng đến những nhóm đối tượng bạn đọc xác định khi đặt bút viết các cuốn sách của mình? Ví dụ?
Tôi có nhiều nhóm đối tượng bạn đọc khác nhau. Nhóm cao tuổi có, nhóm người trẻ có, nhóm học sinh – sinh viên có, nhóm quân nhân có, nhóm giang hồ, xã hội đen có mà giới gay cũng có, chưa kể ngay cả những người cùng giới viết và những người thuộc giới làm phim cũng quan tâm. Như vậy có nghĩa là biên độ đề tài mà tôi khai thác trong tác phẩm rất rộng, nó đề cập đến nhiều kiểu người, dạng người, vì thế nó được nhiều kiểu bạn đọc quan tâm.
Thế nên, nói rằng tôi có hướng đến một đối tượng bạn đọc nào không thì quả là khó trả lời. Nếu nói không thì không đúng, còn nếu nói có thì biết làm thế nào “chiều” được từng ấy kiểu bạn đọc khác nhau? Vẫn có những học viên cao học chuyên ngành văn chờ đọc những tác phẩm mới của tôi để hoàn thiện luận văn thạc sĩ, nhưng cũng lại có những phạm nhân vừa thoát án tử hình, còn đang thi hành án phạt tù chờ sách của tôi ra để người nhà gửi vào cho mà đọc. Có nhiều đạo diễn, diễn viên chờ sách mới của tôi ra để xem có thể chuyển thành tác phẩm điện ảnh không, cũng lại có những người làm phê bình chờ sách của tôi ra để “phê phán”. Vậy thì viết kiểu gì đây để cùng lúc thỏa mãn được “thị hiếu” của nhiều loại bạn đọc như thế? Câu trả lời là viết cho chính tôi đã. Hãy viết cái mà tôi thích. Cái mà tôi thích chính là cuộc đời này, hãy cứ đào bới cuộc đời này lên đi, nhất định sẽ có người đến bên và chia sẻ thôi.
– Sau “Hoang tâm”, anh có quay trở lại mảng đề tài quen thuộc của mình hay sẽ tiếp tục làm mới tên tuổi Nguyễn Đình Tú trong những mảng đề tài khác?
Nhà văn chỉ có ý nghĩa khi luôn đưa ra được tác phẩm mới về mọi nghĩa. Còn đề tài ư? Bây giờ đánh giá tiểu thuyết hiện đại mà nhìn vào đề tài là tắc tị đấy. Có những cuốn sách tôi cam đoan với chị rằng, khi được hỏi nó viết về đề tài gì, sẽ không ai trả lời được. Tích hợp đa đề tài trong một tác phẩm vốn là xu hướng của tiểu thuyết hôm nay. Vậy thì chúng ta quan tâm đến đề tài làm gì? Hãy chờ cuốn sách cụ thể ra đời, và khi ấy, chúng ta hãy bàn về nó.
Cảm ơn anh và chúc anh thành công!
(Nguồn: Báo Hải Phòng cuối tuần)