Trong các nhà thơ trưởng thành từ phong trào Thơ Mới (1932-1945), sau sự ra đi của nhà thơ Xuân Tâm (sinh năm 1916) cách đây ít lâu, đã có một số nhà báo viết rằng, đại biểu cao niên nhất của thời ấy còn sót lại đến xuân này là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (sinh năm 1920). Kỳ thực không phải. Người cao niên nhất là nhà thơ Nguyễn Viết Lãm.
Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm tạ thế ngày 14/2/2013
Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm sinh năm 1919 tại Thừa Thiên – Huế, trước Cách mạng là bạn cùng nhóm thơ Quy Nhơn, Bình Định với các thi hữu: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Yến Lan, Chế Lan Viên. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm từng có thời kỳ làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1962 ông chuyển về làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hải Phòng và định cư tại đây từ bấy tới nay. Ở tuổi ngoài 90, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm được các đồng nghiệp ghi nhận là sức khỏe vẫn dẻo dai, trí tuệ vẫn minh mẫn. Rất tiếc, vào ngày mùng 5 tết Quý Tỵ (tức ngày 14/2/2013) vừa qua, lão nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã ra đi, hưởng thọ 94 tuổi, nhường ngôi vị người cao niên nhất trong các thi nhân tiền chiến cho lão thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh.
Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm không được bề thế và rực chói như một số thi hữu trong nhóm thơ Bình Định ngày nào, song ông được ghi nhận là một tiếng thơ dẻo dai, bền bỉ, giữ được phong độ. Đặc biệt, ngoài thơ sáng tác, ông còn có mảng thơ dịch, trong đó có những thi phẩm gây ấn tượng với bạn đọc.
Trong tập “Thơ Aragông” do NXB Văn học ấn hành năm 1960, bên cạnh bản dịch của các nhà thơ tên tuổi: Tố Hữu, Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận, Phạm Hổ, bạn đọc còn bắt gặp một số bản dịch của Nguyễn Viết Lãm. Mặc dù số bài dịch của Nguyễn Viết Lãm không nhiều nhưng theo tôi, bản dịch bài thơ “Pari” của Nguyễn Viết Lãm nằm trong số những bản dịch thành công nhất của tập thơ. Nhân sự kiện nhà thơ Nguyễn Viết Lãm từ trần, người viết bài này xin giới thiệu bản dịch nói trên của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm để bạn đọc thưởng lãm và cùng tưởng nhớ tới một nhà thơ, dịch giả đáng kính:
Nơi đâu êm đềm cả trong lòng giông tố
Nơi nào sáng trưng ngay cả giữa đêm đen
Khí trời là rượu say, tai ương là anh dũng
Khung kính vỡ còn chói ngời hy vọng
Bay bổng lời ca từ vách đổ điêu tàn.
Lò lửa không ngừng nấu nung Tổ quốc
Từ than đỏ dấy lên để nghìn năm không tắt
Từ xóm Bình Minh đến nghĩa địa La-se-dơ
Cây hồng dịu êm tháng Tám lại đơm hoa
Quần chúng bốn phương là dòng máu của Pari.
Gì rực rỡ bằng Pari trong thuốc nổ
Gì sáng trong bằng vầng trán quất cường
Gì mạnh hơn cả sét trời và ngọn lửa
Pari của tôi ngạo nghễ trong tai ương.
Pari của tôi còn gì đẹp hơn thế nữa.
Chưa có gì làm tim tôi hồi hộp
Chưa có gì làm tôi khóc tôi cười
Bằng tiếng reo của nhân dân tôi chiến thắng
Không gì vĩ đại bằng tấm áo liệm xé toang
Pari Pari đã tự giải phóng rồi.
Nguồn: cand.com.vn