Nhà văn Nguyễn Đình Tú phát biểu trong lễ ra mắt đoàn làm phim Hương Ga

Nguyễn Đình Tú là một trong số những nhà văn ăn khách nhất hiện nay với nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim và các bản thảo luôn là đối tượng săn đón của các nhà xuất bản cũng như các công ty sách. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đối với anh, việc sáng tác trước tiên là để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Phóng viên Phụ nữ Việt Nam có mặt tại phòng của Trưởng ban văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào một ngày đầu năm mới 2014, và lược ghi lại cuộc trao đổi dưới đây với trung tá Nguyễn Đình Tú, nhà văn mặc áo lính nhưng dễ làm người ta lầm tưởng là một kỹ sư IT…

Văn chưa hẳn đã là người

+ Tiếp xúc với anh thấy anh khá vui tính, cởi mở nhưng tại sao tác phẩm của anh lại đầy bi kịch vậy?

Tôi nghĩ tính cách con người và tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Khi đặt bút, nhà văn sống với nhân vật của họ, với những vui buồn của câu chuyện mà họ viết ra, còn khi trở về cuộc sống thường nhật họ sẽ bình thường như bao nhiêu con người khác, và như bạn thấy đấy, tôi là một người “khá vui tính và cởi mở”.

+ Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm hay những chia sẻ của anh trên báo chí, tôi nghĩ, có lẽ anh cũng từng rơi vào những khoảnh khắc bế tắc không thể tự giải thoát?

Nghĩ thế nào là quyền của bạn đọc, nhưng đừng lấy tác phẩm ra để suy đoán về tác giả. Nhà phê bình văn học Vissarion Belinsky (Liên Xô cũ) từng nói: “Không phải cứ nhảy vào chảo mỡ thì mới tả được miếng mỡ sôi như thế nào”. Điều đó có nghĩa là không phải cứ trải qua thì mới viết được. Bản chất của văn chương là hư cấu. Và yêu cầu số một đối với một nhà văn là trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo nên thế giới nghệ thuật của riêng mình.

+ Nhưng nếu chưa từng trải qua thì khó lòng lột tả nội tâm nhân vật, khó thuyết phục được người đọc “chấp nhận” hiện thực phản ánh trong tác phẩm?

Thì xưa nay viết văn vốn là công việc khó khăn kia mà. Nhà văn luôn là số ít và những tài năng lớn luôn là của hiếm. Tuy nhiên nếu cho rằng “trải qua thì mới viết được” chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ được đọc những câu chuyện kiểu như “Tây du ký” hoặc “Từ Thức gặp tiên”. Tất nhiên trải nghiệm là điều cần thiết đối với mỗi nhà văn nhưng trải nghiệm không có nghĩa là trải qua. Có một thực tế là hầu như nhà văn nào cũng viết về cái chết trong khi họ đang sống sờ sờ ra đó thôi! (Cười)

Nhà văn nào cũng mong có phong cách riêng nhưng…

+ Có người nhận xét rằng, anh giống như nghệ sỹ xiếc đi trên dây. Mỗi cuốn tiểu thuyết của anh tung ra lại là một thách thức mới về biên độ đề tài hoặc kiểu nhân vật khác lạ. Chưa kể cách viết cũng luôn thay đổi khiến độc giả hồi hộp đến nghẹt thở. Hồi hộp vì câu chuyện đã đành, còn hồi hộp về sự thể nghiệm trong lối viết của anh nữa? Khi chắp bút anh có cảm giác chông chênh như vậy không?

Cái bạn đặt ra ở đây là sự “chông chênh” trong tâm thế tiếp nhận tác phẩm của người đọc. Còn đối với tác giả khi viết thì phải nhất quán một ý đồ nghệ thuật và cố gắng triển khai cho trọn vẹn ý đồ đó. Sự hồi hộp của người đọc cho thấy họ luôn dõi theo bước đường sáng tạo của tôi, luôn dõi theo những tìm tòi thay đổi phong cách và sự mở rộng biên độ đề tài của một nhà văn mà họ yêu quý. Còn đối với người viết, sự chông chênh trong sáng tạo, có chứ, nhưng tôi nghĩ nó lại mang một hàm nghĩa khác.

+ Điều này có vẻ mâu thuẫn với lời khẳng định: “Tôi chỉ có một phong cách” cách đây không lâu?

Nhà văn mà không có phong cách thì chưa thành nhà văn. Nhà văn hạnh phúc là người có phong cách riêng. Đó là niềm kiêu hãnh nhưng cũng lại là một thách thức. Bởi người làm nghệ thuật luôn phải đổi mới nhưng dù có đổi mới thế nào thì cũng chỉ là sự cố gắng vận động trong cái “hành lang phong cách” đã định hình đó mà thôi. Tôi cũng không ngoại lệ, mọi sự giãy giụa, bứt phá, thể nghiệm cũng chỉ để mở rộng chiều kích của cái gọi là “hành lang phong cách” của bản thân.

+ Anh từng nói: “Viết là nhu cầu tự thân”. Từ khi bắt đầu dấn thân đến giờ, nhu cầu ấy có phai nhạt đi không?

Tôi còn ra sách hàng năm, còn sáng tác chứng tỏ còn khát khao thỏa mãn nhu cầu ấy. Còn những nhu cầu khác thì sao? Nó đến cùng lúc hoặc đến sau nhưng trước hết viết là để thỏa mãn niềm yêu thích, đam mê của chính mình.

+ Còn những mối lo thực tại như cơm áo, gạo tiền, danh vọng và… giải thưởng?

Tôi hiểu ý bạn hỏi, rằng viết còn vì những nhu cầu khác nữa, chứ nếu chỉ thỏa mãn niềm đam mê thì sống bằng gì trong khi “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Tất nhiên, tôi sống bằng đồng lương quân đội và có thể làm những công việc viết lách khác gần với văn học để giải tỏa nhu cầu tài chính, như viết sách truyền thống, viết kịch bản, hồi ký chân dung, giữ chuyên mục cho các báo… Còn khi đặt bút viết một tác phẩm văn học, tôi không nghĩ đến việc sẽ thu được bao nhiêu lợi nhuận, đạt giải gì vì đó là điều ngớ ngẩn. Không có ai mở đầu cho một cuốn tiểu thuyết vì nghĩ rằng giải Nobel đang ở trước mặt cả.

Khao khát trở thành nhà văn lớn ư? Chuyên đó đương nhiên!

+ Trước khi chuyển sang viết văn chuyên nghiệp, anh có nghĩ sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng?

Đã xác định gắn liền với nghiệp viết tất nhiên ai cũng khao khát được trở thành nhà văn có tên tuổi.

+ Nhưng rõ ràng chỉ cần mẫn không thôi thì chưa đủ?

Đúng vậy. Nhưng tài năng là thứ rất vô hình, muốn biết có tài hay không thì trước hết hãy ngồi vào bàn và cần mẫn viết ra những con chữ đã.

+ Anh có bao giờ nghĩ về bạn đọc của anh không? Họ là những ai trong số 90 triệu dân kia?

Tôi luôn cố gắng giữ nhịp tương tác với công chúng của mình. Sau gần hai chục năm cầm bút, tôi nghĩ rằng, mình cũng có được một lượng bạn đọc nhất định. Họ là những người nghiên cứu, là những bạn đọc yêu thích văn chương, là thầy cô giáo, là quân nhân, là học sinh sinh viên, những người làm phim, cả những phạm nhân đã và đang thụ án nữa…Những lá thư gửi tới tác giả cho tôi biết điều đó. Và tôi luôn nghĩ, mỗi tác phẩm mới ra đời, liệu bạn đọc của tôi có còn thích thú hay không, vì vậy mở rộng biên độ đề tài, đổi mới cách viết, nâng cao tính hấp dẫn của tác phẩm là điều tôi luôn đặt ra cho mình .

+ Người ta đánh giá năm 2013 là năm bội thu của nhà văn Nguyễn Đình Tú nhưng anh lại cho rằng những đánh giá đó để dành cho năm sau. Điều đó chứng tỏ anh đang ấp ủ rất nhiều dự định?

Người ta nói như vậy là bởi năm vừa rồi có vài tác phẩm của tôi được dựng thành phim. Nhưng tôi không nghĩ đó là bội thu mà chỉ coi như những niềm vui nho nhỏ. Năm tới, tôi dự kiến công bố một vài đầu sách nữa với những mảng đề tài khác nhau. Đối với một nhà văn, đó mới là bội thu.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hoài Anh (thực hiện)

Nguồn: báo Phụ nữ Việt Nam

 

Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974 tại Hải Phòng. Anh tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, hiện là Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh có nhiều tác phẩm gây “sốt” như: tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Nháp, Kín, Phiên bản, Hoang tâm, truyện ngắn Cánh rừng không yên ả, Bên ấy là cuộc đời, Nỗi đau biểu tượng… Nguyễn Đình Tú cũng từng giành được nhiều giải thưởng văn học cho các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết.

Exit mobile version