Nhà văn Hạ Nguyên, tên đầy đủ Phùng Thị Hạ Nguyên, sinh năm 1990, quê Hội An, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Hạ Nguyên vừa có buổi ra mắt giới thiệu tập truyện ngắn đầu tay Bèo không trôi ra biển (NXB Văn học, 2016).

Truyện ngắn là thể loại đầy thách thức của văn chương, vì nó vừa khó viết vừa khó hay. Truyện của Hạ Nguyên được nhà thơ Ý Nhi nhìn nhận “khiến ta khó dứt khỏi tâm trí”.

“Tôi bắt đầu viết truyện ngắn năm 17 tuổi, như một cách thoát khỏi cuộc sống nhàm chán của một đứa trẻ ở một thị xã nhỏ bé. Ban đầu, tôi viết chỉ để thỏa mãn những mơ mộng của tuổi mới lớn, dần dần, khi tôi có thêm nhiều trải nghiệm, những truyện ngắn tôi viết bắt đầu mang sức nặng của hiện thực mà tôi sống.

Đây là tập hợp những truyện ngắn mà tôi viết từ năm 17 tuổi đến hiện tại, khi tôi 26 tuổi. Cuốn sách phản ánh sự thay đổi, từ khi còn là một cô gái nhỏ lý tưởng hóa thế giới, đến lúc chạm vào cuộc đời thực và tất nhiên, tổn thương, vỡ mộng”, Hạ Nguyên chia sẻ.

Nhà văn Hạ Nguyên

* Việc tập truyện xuất hiện trước bạn đọc như hôm nay có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chị?

– Đây là một trong những kinh nghiệm đẹp đẽ nhất mà tôi từng trải qua. Nó giống như sự tri ân của tôi dành cho người thân, thầy cô, bạn bè, những người đã dõi theo con đường văn chương của tôi từ những ngày đầu và luôn luôn động viên, thúc giục tôi viết.

Đồng thời, đối với tôi, đó cũng là một áp lực lớn. Tôi phải đối mặt một cách nghiêm túc với những nhận xét, khen chê của độc giả. Và giống như việc “đã đâm lao thì phải theo lao”, tôi phải tiếp tục hành trình văn chương của mình một cách nghiêm túc hơn để đáp lại sự kỳ vọng, tin tưởng của mọi người.

* Phần đông độc giả đều cho rằng truyện ngắn dễ viết hơn tiểu thuyết nhưng trên thực tế thì để hình dung ra một tâm hồn sáng tạo nghệ thuật từ một tập truyện ngắn có vẻ khó hơn rất nhiều. Chị có đồng ý như vậy không và tại sao chị lại lựa chọn thể loại này để xuất hiện trước độc giả?

– Tâm hồn sáng tạo của nghệ sĩ là một khái niệm phức tạp. Việc hình dung ra tâm hồn sáng tạo của một người viết tiểu thuyết ở nhiều tác phẩm khác nhau cũng khó khăn tương đương với việc hình dung ra tâm hồn người viết truyện ngắn trong một tập hợp truyện ngắn. Nhất là với văn học đương đại, các khái niệm truyền thống đều bị lung lay khi ranh giới thể loại đều đã mờ nhòe.

Tôi không chọn truyện ngắn để xuất hiện trước độc giả. Từ lúc bắt đầu cầm bút, tôi đã viết truyện ngắn như một bản năng. Tôi chưa có nhiều vốn sống, chưa có đủ sự duyên dáng để giữ chân người đọc lại trong một câu chuyện dài. Tôi chỉ giỏi việc “chụp ảnh” những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời một nhân vật, và những “bức ảnh” đó mang hình hài của những truyện ngắn.


Tập truyện ngắn “Bèo không trôi ra biển”

* Trong buổi ra mắt sách và giao lưu với độc giả, có nhiều người đặt cho chị những câu hỏi về sự liên hệ giữa nhân vật, chi tiết trong tác phẩm với nguyên mẫu ngoài đời thực. Chị có cho rằng như vậy là thực sự cần thiết khi đọc một tác phẩm văn chương không?

– Đây là hệ quả của cách tìm hiểu văn chương truyền thống mà chúng ta được giáo dục trong nhà trường. Tất nhiên, tác phẩm là của nhà văn nên sẽ phản ánh ít nhiều tính cách, suy nghĩ của họ.

Nhưng đối với văn chương, nếu chỉ dừng lại ở việc đối chiếu cuộc đời của tác giả và tác phẩm, bạn sẽ bỏ qua quá trình sáng tạo độc đáo và phức tạp của người nghệ sĩ – đó mới là điểm căn bản của sáng tác.

* Có khá đông các bạn đọc hôm đó nhận xét rằng truyện của chị sao mà buồn quá. Chị cảm thấy như thế nào?

– Như tôi đã nói, Bèo không trôi ra biển phản ánh sự thay đổi của tôi trong một khoảng thời gian khá dài. Trưởng thành thường đi đôi với tổn thương và mất mát. Đó là những nỗi buồn của một đứa trẻ khi nó bước ra khỏi trường học, và đứng ngơ ngác giữa đời thực. Nhưng sau khi đóng gói những nỗi buồn ấy vào ba-lô, đứa trẻ sẽ đi tiếp, đi xa hơn.

* Sách đã phát hành, trong tư thế của một độc giả, nếu phải lựa chọn 5 truyện ưng ý, chị sẽ chọn những truyện nào?

– Thật khó để lựa chọn một trong số những gì mình đã viết. Nhưng nếu như được đóng vai trò người đọc, tôi sẽ chọn những truyện ngắn mà mình thích nhất: Bèo không trôi ra biển, Chuyện kể từ ban công, Đồng hồ báo thức, Những giày vò ngày mai, Đưa tang chuồn chuồn.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Theo Lê Nguyên Bằng – Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version