Nhà văn Nguyễn Trí bộc bạch rằng, ông cảm ơn cuộc đời đã cho… cái khổ cái nghèo, bởi nhờ đó mà ông trưởng thành và biết trân trọng, yêu thương, tha thứ, chia sẻ với những số phận bất hạnh. Với ông, văn học cũng là thế giới kỳ diệu giúp ông tìm lại được chính mình.
Văn học Việt Nam luôn tiềm ẩn những bất ngờ thú vị, thỉnh thoảng trình làng những gương mặt độc đáo. Một cô gái quê mùa Nguyễn Ngọc Tư tận đất Mũi Cà Mau. Một lão nông Ngô Phan Lưu ẩn dật ở Phú Yên. Một nghệ sĩ xiếc lang thang Mạc Can của Sài Gòn… Và mới đây là một “giang hồ” Nguyễn Trí từ Bình Định phiêu bạt vào Đồng Nai. Những trang văn ngồn ngộn chất sống, thấm đẫm tính nhân bản của họ đã mang lại sự mới lạ khác biệt cho văn đàn.
Trong số những nhà văn “từ trên trời rơi xuống” ấy, Nguyễn Trí có một số phận đặc biệt khác thường. Vốn sinh ra trong gia đình khá giả, có học thức, nhưng do “thất cơ lỡ vận” mà ông rơi tận cùng xã hội, trải qua rất nhiều nghề mưu sinh: hái củi đốt than, nấu rượu lậu, nấu đường lậu, đãi vàng, đi trầm, tìm đá quý, làm… đồ tể (mổ lợn)… và dạy tiếng Anh bồi. Cặm cụi đầu tắt mặt tối mà ông vẫn không đủ sống, gia đình lại gặp thảm kịch: con gái chết oan, con trai tử nạn, một người con trai khác sa vào nghiện ngập phải đi tù, để lại hai cháu nội thơ bé cho ông nuôi. May mắn, ông có được người bạn đời hiền lành, giỏi chịu đựng, tảo tần, biết chia sẻ với chồng.
Từ bóng tối khổ đau ấy, Nguyễn Trí đã tìm đến trang viết để tự giải toả, không ngờ đó là cứu tinh giúp ông bước ra ánh sáng. Qua sự giới thiệu của nhà văn Hồ Anh Thái, tập truyện ngắn đầu tay “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của ông đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Nhờ nỗ lực của nhà văn Trần Đức Tiến, gần như đến phút 89 tập truyện ấy đã “đăng quang” xứng đáng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.
Bây giờ thì cái tên Nguyễn Trí đã dần quen thuộc với bạn đọc. Truyện của ông thường xuyên được báo chí đăng tải. Ông vừa được Nhà xuất bản Trẻ in tập truyện thứ hai mang tên “Đồ tể”. Một số tác phẩm khác của ông cũng được lên kế hoạch ấn hành. Nhân dịp nhà văn Nguyễn Trí phóng xe máy chu du Sài Gòn, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông…
Nhà văn Nguyễn Trí cùng người bạn đời bao năm chia ngọt sẻ bùi.
– Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 cho tập truyện “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” có ý nghĩa ra sao đối với ông, thưa nhà văn?
– Bãi vàng cả đá quý lẫn trầm hương, trong thực tế đã lấy của tôi rất nhiều thứ. Nhưng giờ đây, tác phẩm đầu tay ấy và giải thưởng đã cho tôi cũng rất nhiều thứ. Tôi được tí tí vật chất đi kèm để cho bà xã có nụ cười, có tí danh không hão. Quan trọng nhất là có rất nhiều bạn văn.
– Từ khi nhận giải thưởng đến nay, ông cảm thấy cuộc sống và sáng tác của mình có gì thay đổi?
– Xưa nay tôi luôn sống trong mặc cảm tự ti, tự cho mình là thứ bỏ đi của đời sống. Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và sự ưu ái của bạn đọc đã cho tôi thấy cuộc đời thật đáng quý. Những điều ấy giúp công việc sáng tác của tôi thuận lợi hơn và tôi viết có trách nhiệm hơn rất nhiều.
– Bằng kinh nghiệm của mình, theo ông, văn chương có vai trò ra sao đối với đời sống? Giữa thời đại tràn ngập thông tin giải trí hiện nay, để thu hút người đọc, liệu văn chương có cần đề cao chức năng giải trí?
– Ngày nay văn hóa đọc có vẻ như bị lùi lại so với văn hóa nghe nhìn. Sách là một hình thức giải trí và học hỏi. Một cuốn sách hấp dẫn luôn lôi kéo người đọc đi đến trang cuối, nhưng nó phải gửi vào đó một thông điệp nào đó. Không có thông điệp thì cuốn sách ấy sẽ chết yểu. Tôi nghĩ tính giải trí cần phải có trong một tác phẩm, khô khan thì sẽ héo…
– Cho tới nay, trong số những truyện ngắn của mình, nếu chọn khoảng 3 truyện mà ông tâm đắc nhất, ông chọn những truyện nào?
– Tôi tâm đắc nhất ba truyện “Đồ tể”, “Tiền rừng” và “Bất lực”.
– Vì sao, thưa nhà văn?
– Đó là tiếng kêu thống thiết trước sự tàn ác của cái nghèo. Vâng, nghèo túng làm chúng ta vô cảm trước sự tàn sát. Tôi muốn nói tới cái nghèo từ vật chất đến đến nghèo cả lương tri. Đó là sự thật!
– Vâng, một sự thật đớn đau mà chính ông đã từng trải và trả giá, một sự thật mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu. Đã có bao giờ ông rơi nước mắt trước số phận của nhân vật mình ngay trên trang viết?
– Đời tôi cực khổ lắm! Có thể vì đi qua quá nhiều những khổ hạnh nên tôi đâu còn có nước mắt mà rơi, nó chảy ngược vô bụng rồi tuôn ra chữ đấy thôi…
– Dù sao khi nước mắt tuôn thành chữ như ông cũng còn may mắn hơn nhiều số phận bất hạnh khác. Ông thường sáng tác vào khoảng thời gian nào trong ngày?
– Nhà tôi gần nông trường cao su. Mỗi buổi sáng tôi vừa đi trong lô cao su vừa viết trong đầu. Tám giờ tối tôi ngủ, ba giờ thức dậy và gõ vào máy tính những cái đã định hình.
– Sau khi nhận giải thưởng, ông có được nhiều bạn văn chương. Ông cảm nhận ra sao tình đồng nghiệp? Có bao giờ ông thất vọng về một bạn văn nào đó vì thái độ ứng xử của họ đối với mình?
– Bạn văn ai cũng quý tôi, không phải tôi là tác giả đoạt giải, mà vì tinh thần biết dốt của tôi. Tôi sống theo kiểu “tứ hải giai huynh đệ”, tất cả đều là anh em, ai cũng là thầy mình. Tôi không khiêm tốn giả hiệu đâu. Thật lòng đấy. Có thể vì kiểu sống này nên chưa người bạn nào phiền hà tôi.
– Vậy còn gia đình, đặc biệt là hiền nội có hỗ trợ gì cho những trang văn của ông?
– Bà xã là chỗ dựa tin cậy của tôi. Bà cũng không… sai vặt, mà luôn luôn để yên khi tôi ngồi vô máy. Lúc ấy, nếu có bạn bè tới bà cũng bảo ổng đi dạo trong lô cao su rồi.
– Cuộc sống của ông và gia đình hiện nay ra sao?
– Gia đình tôi sống rất đơn giản nên vật chất không làm khó được chúng tôi. Nhà sát bên trường học, bà xã và cái quán xi rô đá bào cũng sống được. Nhuận bút của tôi cũng hỗ trợ thêm cho gia đình. Nhờ vậy, tôi yên tâm sáng tác
Phan Hoàng
Nguồn: CAND