Những cây bút trẻ luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người đọc và người trong giới sáng tác. Họ mang theo những điều mới mẻ, bất ngờ đến với văn học, họ khoác lên cơ thể văn học Việt Nam những tấm áo mới nhiều màu sắc. Nhân dịp năm mới, các cây bút trẻ Lê Mạnh Thường (cảnh sát biển – Hải Phòng); Chu Thị Minh Huệ (Hội Văn nghệ Hà Giang); Nguyễn Phú (giảng viên đại học Biên phòng – Hà Nội); Lê Vi Thủy (giáo viên – Gia Lai) đã chia sẻ những tâm sự chân thành với độc giả Báo Điện tử Tổ Quốc.
* Sau một năm Rồng với bao vất vả và bay bổng, anh chị có thể tóm tắt những thành quả văn chương đã thu hoạch được trong năm vừa qua?
Lê Mạnh Thường: Nói thành quả và thu hoạch có vẻ to tát quá. Quả thực, tôi cũng không đặt ra áp lực hay kỳ vọng gì nhiều khi sáng tác văn học. Năm vừa qua à? Tôi vẫn viết “lai rai” và có vài truyện ngắn được in trên báo Văn nghệ Trẻ và một vài tờ báo, tạp chí khác. Thế là vui lắm rồi!
Lê Vi Thủy: Thành quả lớn nhất của tôi trong năm vừa qua là tôi đã xuất bản được tập thơ đầu tay “Mắt vỡ không còn bóng” và một truyện ngắn được tuyển chọn và in trong tuyển tập những truyện ngắn hay nhất của báo Văn nghệ Trẻ. Đó là những điều tôi đã làm được trong năm qua, tuy nhiên đó cũng là một thách thức lớn với tôi, bởi bản thân tôi chỉ mới bắt đầu chập chững đi vào con đường văn chương chính vì vậy tôi cần phải cố gắng hơn nữa và cần định hướng cho mình trong một hành trình dài.
Chu Thị Minh Huệ: Nói thành quả với tôi có thể là hơi to tát, nhưng cũng có tí gọi là kết quả, ấy là được đăng 6 truyện ngắn trên Văn nghệ và Văn nghệ Trẻ. Có thể với người khác thì chuyện này là bình thường, nhưng với tôi, vừa mới lại xa xôi thì thế đã là một nỗ lực không nhỏ. Với lại có lần đọc đâu đó thông tin rằng: tính riêng đất để đăng tác phẩm của hội viên Hội Nhà văn thì mỗi năm mỗi hội viên chỉ được đăng 1,5 bài thì cũng tự thấy mình chiếm 6 truyện ngắn cũng là lơn lớn đấy! Hì… Ngoài ra thì viết được một vài truyện tự mình thích nữa, mà chưa đăng ở đâu. Có thể từ trước tới giờ tôi lười quá nên chả có gì đáng để khoe.
Nguyễn Phú: Nói thật năm qua với văn chương tôi chưa làm được những gì mình mong muốn. Dăm bảy truyện ngắn và một số tản văn, những con số rất khiêm tốn với một người viết trẻ. Một số cái viết ra tôi cũng chưa thực sự tâm đắc. Tôi không bằng lòng với chính mình. Hình như năm Rồng này không hợp với tôi.
* Vào đầu năm mới, anh chị có thói quen khai bút đầu xuân và khi đó cảm xúc đầu tiên thường thế nào?
Lê Mạnh Thường: Mấy năm nay tôi thường có thói quen khai bút đầu xuân bằng… điện thoại ngay trong chăn ấm. Nghĩa là, tôi sẽ viết nháp một vài dòng ý tưởng hay một vài câu thơ nào đó bằng tin nhắn rồi lưu vào máy trong trạng thái “biêng biêng, mơ mơ”. Cảm xúc cũng vui vui, trong đầu vang lên câu ậm ừ “Cứ save vào đây, ngủ đã, mai tính sau!”
Lê Vi Thủy: Tôi thích không khí của mùa xuân, vạn vật đều tươi mới và rực rỡ. Điều này cho tôi rất nhiều cảm xúc để viết. Tôi thích để cảm xúc của mình căng tròn và vỡ, tôi sẽ nhặt từng mảnh vỡ cảm xúc đó ghép lại, có những mảnh ghép thẳng, có những mảnh ghép nghiêng, có mảnh chéo nhưng đó là chính tôi và tôi nuôi cảm xúc của mình như vậy.
Chu Thị Minh Huệ: Phàm những người làm văn chương – nghệ thuật ai cũng muốn có một cái khai bút ấn tượng, nhưng hình như tôi chưa được cái khai bút nào ấn tượng. Tôi còn mải chơi, chưa kỹ càng trong việc linh thiêng này. Cảm xúc có lẽ giông giống với các cụ đồ nho ngày xưa và có khi cũng có vài hành động giống các cụ, như ra ngoài ngắm trời đất, ngắm người đi hái lộc hoặc thắp hương đón năm mới… Nhưng thành quả thì chưa được như các cụ. Vài năm trước tôi có khai bút bằng một bài thơ, lúc đó rất ưng ý, nhưng giờ đọc lại thấy tệ quá. Năm nay tôi dự định sẽ khai bút bằng một truyện ngắn. Nhưng truyện của tôi truyện nào cũng buồn và khổ ải. Tôi đã viết một truyện cho số Xuân của Tạp chí mình – là Văn Nghệ Hà Giang, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn đau khổ, rồi cả chết nữa, mặc dù có một cái kết có hậu, nhưng vẫn không tải được trong số Xuân, vì… vẫn có chi tiết không vui. Năm nay tôi nghĩ mình sẽ khai bút bằng một truyện ngắn vui và hay.
Nguyễn Phú: Tôi nghĩ mọi việc cứ thuận theo tự nhiên thì hay hơn. Tôi không có thói quen khai bút vào đầu năm mới, chỉ khi có cảm xúc thì tôi mới viết. Tôi sợ bắt đầu một năm khai bút mà không có hứng thì cả năm sẽ xui xẻo.
* Trong năm mới Quý Tỵ, năm con rắn đầy khôn ngoan và linh hoạt. Anh chị có kế hoạch gì cho những sáng tác mới của mình?
Lê Mạnh Thường: Tôi đang hoàn thiện những trang cuối cùng cho bản thảo tập truyện ngắn thứ hai của mình. Dự kiến sẽ in vào quý II năm Quý Tỵ.
Lê Vi Thủy: Viết cũng giống như chạy thể dục mỗi ngày, nếu dừng một ngày sẽ trở nên lười biếng, và viết cũng như vậy nếu không rèn viết thường xuyên thì các con chữ sẽ rủ nhau đi chơi chỗ khác hết, lúc muốn viết lại thì càng trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy tôi sẽ tiếp tục viết, tiếp tục rèn luyện mình. Dù không dám nói trước điều gì bởi ông bà ta thường nói “ Nói trước bước không qua” nhưng trong năm mới tôi muốn trải nghiệm mình bên mảng viết văn. Đối với tôi viết văn rất khó giống như chinh phục một đỉnh núi vậy, tôi hy vọng năm mới tôi sẽ làm được những mục tiêu mình đặt ra.
Chu Thị Minh Huệ: Năm Quý Tỵ, năm con rắn thì văn chương cũng nên linh hoạt và xử lý truyện khôn ngoan như rắn mới được. Năm mới tôi dự định xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên trong đời. Tập thơ “Dốc Chín Khoanh” đã thành cũ rồi, song đến giờ tôi vẫn rất ưng ý với nó, cho nên tôi muốn ra mắt một tập truyện ngắn đầu tay hoàn thiện nhất về mặt hình thức và hay nhất về mặt nội dung, mà để sau này không phải chép miệng rằng: giá như… hay biết thế… Tính tôi cố gắng để cầu toàn mà. Hiện giờ bản thảo đã nằm ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, hy vọng nó sẽ làm hài lòng độc giả.
Nguyễn Phú: Tôi sẽ tiếp tục viết về các nhân vật trong “Truyện Kiều” sau màn kết và có ý định ra một tập truyện ngắn.
* Văn chương ngày càng khó khăn nhưng vẫn đầy đam mê, anh chị bi quan hay lạc quan về không khí văn chương năm tới?
Lê Mạnh Thường: Ngược lại với nỗi lo lắng, bất an thường trực của xã hội bởi cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, rồi thì nợ xấu, giá cả hè nhau dọa dân… đang chờ mọi người ở phía trước, tôi thấy văn chương năm qua vẫn được hâm nóng bằng một bầu không khí sôi động bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong đời sống văn học nước nhà. Bỏ qua những khó khăn thường trực, bản thân tôi vẫn luôn lạc quan và tin tưởng về không khí văn chương sôi nổi của năm Nhâm Thìn sẽ được tiếp tục thắp lên bằng những ngọn lửa của niềm đam mê trong năm Quý Tỵ.
Lê Vi Thủy: Thật sự văn chương khi đứng bên ngoài nhìn vào tưởng rằng nó rất dễ dàng, ai cũng có thể tham gia cũng có thể viết được, đó là suy nghĩ của tôi khi tôi đứng bên ngoài nhìn vào con đường văn chương. Khi tôi đã thật sự bước đi trên con đường văn chương thì tôi thấy nó thật sự rất khó, đã bao lần tôi đã chùng bước. Chú Văn Công Hùng, chị Thu Loan, chị Hoàng Thanh Hương, chị Ngô Thanh Vân… đã động viên tôi rất nhiều để tôi tự tin đi tiếp. Tôi biết văn chương chỉ dành cho những ai có đam mê thật sự thì mới tồn tại lâu dài. Và tôi luôn lạc quan về không khí văn chương của nước ta, nhìn trên bề mặt văn chương nước nhà có vẻ im ắng nhưng trong lòng đang có những đợt sóng ngầm và có thể dậy sóng bất cứ lúc nào. Bạn tin tôi đi.
Chu Thị Minh Huệ: Chưa bao giờ văn chương là dễ, ngày càng khó thì rất đúng, càng khó càng đam mê. Vì chả ai đam mê cái vừa làm đã được cả. Vì đam mê nên rất lạc quan. Từ cụ Nguyễn Du đã rất đam mê. Cụ mơ “Ba trăm năm lẻ nữa…” Vậy thì có thể bây giờ văn của tôi chưa lọt mắt đó ai thì tôi vẫn có quyền đam mê đến ba trăm năm nữa chứ. Niềm đam mê sẽ nuôi dưỡng, thôi thúc để tôi vượt qua thử thách, khó khăn để cày trên cánh đồng chữ của mình, để gặt được những hạt thóc vàng.
Nguyễn Phú: Tôi không bi quan cũng không lạc quan. Có lẽ không khí văn chương năm con rắn này không có gì thay đổi so với năm trước. Nhưng tôi vẫn sẽ viết, viết đến lúc nào thấy chán mình thì thôi.
Nguồn: vanhocquenha.vn