Về thơ tình, ngay từ khi mới gặp ông, tôi đã hỏi quan niệm của ông về mảng thơ này và vì sao ông ít làm thơ tình như vậy? Ông bảo: “Thơ tình của mình khô như ngói ấy mà!”. Tố Hữu đánh giá cao thơ tình của Xuân Diệu, Xuân Quỳnh…

Nếu tính từ buổi đầu quen biết, rồi dần dần có quan hệ gần gũi, cởi mở với nhà thơ Tố Hữu, tôi đã được tiếp xúc trực tiếp cùng ông ngót 30 năm (1973-2002). Thú thật, sau khi viết xong và cho in cuốn sách danh nhân về đại thi hào Goethe, tôi đã có ý định khai thác và viết một cuốn sách về cuộc đời nhà thơ Tố Hữu. Nhưng, với công việc của một nhà báo ở Thông tấn xã Việt Nam khá bận rộn, tôi khó lòng thường xuyên đến gặp ông để hỏi chuyện, ngược lại cũng sẽ làm phiền ông lúc này tuổi đã cao. Vì thế, một lần đến thăm ông, tôi nói: “Bác Lành ơi, cháu nghĩ bác nên viết một cuốn hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác thơ ca của bác”. Ông nhìn tôi, hỏi:

– Có nên không?

– Dạ, rất nên. Với một nhà thơ lớn như bác, người đọc rất muốn biết thêm về cuộc đời bác, kể cả những thời điểm sáng tác các bài thơ tiêu biểu của bác. Nó cũng giúp ích rất nhiều cho những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ngoài ra, nó giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm cuộc đời của cha ông lớp trước trên tiến trình cách mạng của dân tộc để noi gương.

Còn về thơ tình, ngay từ khi mới gặp ông, tôi đã hỏi quan niệm của ông về mảng thơ này và vì sao ông ít làm thơ tình như vậy? Ông bảo: “Thơ tình của mình khô như ngói ấy mà!”. Tố Hữu đánh giá cao thơ tình của Xuân Diệu, Xuân Quỳnh. Sau này, gần gũi ông nhiều hơn, tôi mạnh dạn nêu ý kiến: “Một nhà thơ lớn sẽ không chỉ làm những bài thơ hay về lý tưởng mà cả thơ tình yêu. Xưa kia, Goethe, Puskin, Heine, sau này Aragon, Neruda, Petofi, Brecht, Becher… đều có những tập thơ tình yêu xuất sắc, được các thế hệ độc giả hâm mộ”. Và tôi thưa với ông: “Rất nhiều độc giả mong đợi ở Tố Hữu những bài thơ tình cỡ “Đợi anh về”. Ông nói: “Tất nhiên mình có làm thơ tình, song giữa lúc toàn quân, toàn dân đang đánh giặc, lẽ nào mình lại đem chuyện riêng của mình ra phơi bày? Tuy nhiên, dịch “Đợi anh về” là mình đã gửi gắm những tâm sự trong sáng, đầm ấm của bao lứa đôi rồi đó!”.

Cứ dần dà, ngày này qua ngày khác, dịp này đến dịp khác, tôi không ngừng nói với ông về tầm quan trọng của cuốn hồi ký và mảng thơ tình yêu. Và rồi, tôi thấy ông bắt tay vào viết hồi ký. Ông viết vào một cuốn sổ ghi chép cỡ vừa, chữ dày đặc, rất đều và dễ đọc. Rồi ông cho tôi xem và đề nghị cho biết cảm tưởng. Tôi đã đọc một mạch cuốn sổ ấy, trong một cảm giác rất vui vì hiểu thêm nhiều điều mới lạ và được ông tin cậy. Chừng 5 hôm sau, tôi gửi lại ông bản thảo và một bản “nhận xét” với độ 20 ý kiến đề nghị sửa chữa về chi tiết, tên người, tên việc mà do tuổi già ông hơi nhầm lẫn, cái nhìn chung là bày tỏ niềm vui sướng trước cuốn hồi ký quý giá sẽ ra mắt bạn đọc.


Nhà thơ Tố Hữu (thứ 3 từ phải qua) trong một lần thăm TP Leipzig (CHDC Đức). Ngoài cùng bên phải là tác giả bài viết.

Ngày 29/12/1990, đến thăm ông, tôi rất tình cờ được ông trao 7 bài thơ tình do ông chép tay và ký tên dưới mỗi bài. Đó là các bài “Trái dừa non” (viết năm 1937), “Ân hận” (1939), “Nếu có buổi mai nào” (1939), “Nếu có lúc…” (1939), “Sợ” (1947), “Mưa rơi” (1948) và bài “Tri âm” viết sau này. Riêng bài “Trái dừa non” ông chép hai bản, tôi đọc thì thấy khác nhau ở hai câu cuối. Một bản viết:

Dù mai sau không được uống cùng nhau
Anh vẫn nhớ trái dừa non em hái!!!

Bản khác viết:

Tin cuộc đời thơm ngọt những mai sau
Quên sao được trái dừa non em hái!.

Trong chùm thơ ông trao, thật ra, với tôi, chỉ có 4 bài mới (viết năm 1937 và 1939). Hai bài “Sợ” và “Mưa rơi” đã từng được ông đọc cho nghe từ trước. Bài “Sợ” tôi đã giới thiệu trên Báo Nhân dân chủ nhật số 21 (20/5/1990). Bài “Mưa rơi” từng được một số cán bộ kháng chiến chép tay, chuyền nhau đọc, nhưng không chính xác lắm. Tôi rất mừng được nhà thơ cho đọc bản gốc, lại được nghe ông ngâm bằng giọng Huế trầm trầm, rất diễn cảm. Bài thơ này tôi đã giới thiệu trên Báo Nhân dân số Xuân Tân Mùi – 1991. Nhạc sĩ Trần Hoàn gọi điện cho tôi, tỏ ý rất vui khi bài thơ đăng báo và cho biết sẽ phổ nhạc. Bài hát được ca sĩ Lê Dung và Thái Bảo thể hiện, trở thành một trong những bản tình ca được công chúng yêu thích.

Sơ bộ, có thể thấy rằng Tố Hữu có làm thơ tình. Tôi vẫn tin như vậy từ trước vì có lần bà Vũ Thị Thanh (vợ ông) nói với tôi: “Trong các cuốn sổ tay của anh Lành có những bài thơ tình đấy!”.

Đương nhiên là ông có thơ tình yêu, bởi vì ông là một nghệ sĩ tài hoa, có tài hùng biện, làm sao không có những cô gái rung động trước ông?

Nhưng, như ông quan niệm, chuyện tình yêu là chuyện riêng tư, là một cán bộ cách mạng không nên “phơi bày” ra giữa lúc toàn dân đang hy sinh gian khổ. Dẫu sao, vẫn có thể thông cảm ở ông: với những trọng trách trong Đảng và bộ máy nhà nước mà ông đảm nhận từ ngày còn trẻ tuổi và phải tập trung sáng tác những bài thơ chính trị để cổ vũ đồng bào, đồng chí, ông dường như không còn thời gian nhiều để viết thơ tình. Chứ không thể nói là thơ tình của ông “khô như ngói” được. Đọc thơ ông, trong nhiều bài thơ trữ tình, có hàng loạt câu thật mượt mà, xao xuyến như:

Anh về cối lại vang rừng
Chim reo trên mái gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca.

Bài thơ “Việt Bắc” hoặc “Lá thư Bến Tre” cũng dạt dào những tình cảm thầm kín mà lay động mãi lòng người.

Thoạt đầu còn phân vân, lưỡng lự, ông chưa muốn “công bố” thơ tình, nhưng rồi nhận thấy công chúng hâm mộ, đón chào, thơ được phổ nhạc, ông không còn e ngại nữa. Một ngày đầu xuân năm 1991, ông đã đến hội trường của trung tâm triển lãm Giảng Võ dự và đọc thơ do Nhà văn hóa thanh niên Hà Nội tổ chức dưới tiêu đề “Thơ tình tự đọc, tiếng lòng xuân”. Nhiều bạn trẻ rất vui vì lần đầu được nghe thơ tình Tố Hữu, mà lại do chính nhà thơ thể hiện. Lâu nay họ chỉ được đọc, được học và được nghe giảng những bài thơ cách mạng của ông. Từ Giảng Võ về, ông mang cả không khí nồng nhiệt của tuổi trẻ thuộc thế hệ mới mà ông vừa tiếp xúc. Ông kể: “Có em hỏi mình: Thế ra bác cũng có thơ tình à? Mình bảo: Có chớ! Và mình lại ngâm bài “trái dừa non” và “Nếu có buổi mai nào”. Họ vỗ tay nhiều, nhất khi nghe bài “Sợ”.

Viết về sự kiện này, một nhà báo bình luận trên tờ Hà Nội mới (số ra ngày 2/2/1991) “Trong buổi thơ, Tố Hữu đã chứng minh mình là người làm cách mạng nhưng vẫn tràn đầy nhựa thơ!”.

Trong những câu chuyện về thơ tình, một lần nhà thơ hỏi tôi: “Đương có biết rằng hai câu Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng Đèo Khế gió sang chính là hai câu thơ tình không? Đây là mượn cảnh để mà nói tình, ý ẩn mà giãi bày được nỗi lòng mình. Có người nói mình dốt về địa lý. Rét phải từ Yên Thế về chứ? Gió thổi từ Đông sang Tây mới là gió lạnh chứ? Có thể như thế, nhưng tôi làm thơ, mà lại là thơ tình cơ mà. Tôi viết câu đó cho vợ tôi thật. Lúc đó vợ tôi ở Phú Thọ, sau chuyển về Thái Nguyên.

Rồi đến câu: Em là con gái Bắc Giang thì vợ tôi thắc mắc: Hay là tôi có tình ý với cô nào? Tôi bảo không. Mình mượn chuyện người ta để nói chuyện mình, vậy nói mình vừa vừa thôi, sau phải kể chuyện người ta chứ!”.

Khi nói về bài thơ “Mưa rơi”, ông và tôi ngồi bên nhau, hai mái tóc sát kề, cùng hòa trong giọng đọc, trong nhịp thơ nhịp nhàng, ông bảo: “Đáng lẽ viết là Muốn hôn lên làn môi, nhưng sợ bạo dạn quá, đành viết: Muốn hôn quá, mà thôi”. Riêng câu Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh, ông đọc rõ những vần láy, nghe như điệu nhạc vậy.

Không chỉ về các bài thơ tình, ông đã nói tôi nghe những ẩn ý, những bối cảnh của hàng chục bài thơ khác. Sau này, có dịp tôi sẽ kể lại những điều ông nói.

Qua chùm thơ ông chép tay tặng tôi, có thể thấy, ông viết cho ba người: một người thời tuổi trẻ (viết những năm 1937 – 1939), một người là vợ ông (cuối năm 1947) và một người nữa là một thi sĩ nữ nước ngoài mà trong bài “Tri âm” lúc đầu ông viết: “Hỡi em…”, sau chữa lại là “Hỡi ai…” cho kín đáo.

Trong một bài viết đăng trên phụ bản “Thơ” Báo Văn nghệ, số ra ngày 26/12/2005, bà Vũ Thị Thanh có nói rõ: “Anh (Tố Hữu) cũng có một mối tình chớm nở lúc trẻ nhưng anh không vấn vương mà đã gác sang bên để đi theo cách mạng”.

Mối tình chớm nở ấy, lúc đầu được nhà thơ kể rất hay trong “Hồi ký” của mình, sau vì một lý do nào đó, ông bỏ đi.

Tôi được biết khá rõ tên tuổi, đường đời của người phụ nữ nói trên. Hai người đã vĩnh viễn xa nhau sau một buổi chia tay vì nhà thơ bị tù đày và liên tiếp giữ những trách nhiệm nặng nề mà cách mạng giao cho, không có điều kiện gặp lại. “Cô gái Ninh Hòa” đã đi lấy chồng và có hạnh phúc riêng. Tuy nhiên, mối tình đầu nên thơ giữa đôi thanh niên mới lớn vẫn ghi đậm nét trong tâm hồn mỗi người. Sau này, viết bài thơ “Từ đêm nay” nhân kỷ niệm lần thứ 28 Ngày thành lập Đảng (đăng Báo Nhân dân, số ra ngày 3/3/1958), nhà thơ lớn của chúng ta có những câu thơ hào sảng vừa đậm tính chiến đấu vừa da diết yêu thương, thể hiện tình cảm của người Cộng sản trẻ tuổi khi còn trong tù ngục: “Hỡi em tuổi trăng rằm tươi đẹp/ Hãy sáng bên nhau/ Dù rừng sâu rào thép/ Ban-mê, Lao Bảo, Kon-tum/ Không cưới được nhau/ Thì nhớ thương nhau trong sắt lạnh gông cùm…”.

Đọc hồi ký của Tố Hữu, được biết tháng 11 năm 1946, nhà thơ được điều về Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy. Ít lâu sau đó, ông được giới thiệu và bắt đầu tìm hiểu rồi đi đến kết hôn với một nữ cán bộ người Thanh Hóa, nguyên là một nữ sinh Đồng Khánh, đã đỗ thành chung, mà ông tả là có “nước da trắng hồng, mái tóc màu nâu, đôi mắt hạt dẻ, hai bàn tay mềm mại, ngón dài”. Đó chính là người vợ, người bạn chiến đấu, đã gắn bó với ông ngót 55 năm (từ 1947 đến khi ông qua đời).

Tôi không dám so sánh và bình luận một điều gì về hai cuộc gặp gỡ cách nhau trên 10 năm của nhà thơ. Chỉ muốn nhắc lại đây ý kiến của người bạn Pháp đã viết về Tố Hữu khi giới thiệu tập thơ “Máu và Hoa” in ở Paris: “Cuộc đời ấy, là cuộc đời chiến đấu, nhưng thơ ông cũng đồng thời là những khúc ca về tình yêu”.

Hà Nội, tháng 3/2012
Trần Đương

Nguồn: cand.com.vn.

Exit mobile version