Hôm qua, tại Hội thảo khoa học “Tố Hữu với văn hóa dân tộc”, các đại biểu đều đánh giá nhà thơ rất cao, không có sự nói ngược nào.
Tố Hữu là nhà văn hóa lớn, nhà thơ kỳ tài, nhân cách cộng sản mẫu mực cao quí dù ai nói ngả nói nghiêng. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo Tố Hữu nhân 95 năm sinh của ông.
Tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí
Sau khi Tố Hữu mất, có lần GS Hà Minh Đức nói với bà Thanh, phu nhân nhà thơ: “Trước đây người ta đánh giá thơ anh 10 giờ còn 7, có người đánh giá 5”. Bà Thanh hỏi: “Ai, người nào thế?”. Ông Đức nói chị không cần biết, người ta có quyền, đúng sai thời gian sẽ điều chỉnh. Ngay ông Đức viết nhiều về Tố Hữu, bị cho là bảo thủ. Bà Thanh buồn bã: “Dây vào Tố Hữu giờ ngang dây vào địa chủ”.
TS Nguyễn Minh San đã kể câu chuyện trên (dẫn từ sách của Hà Minh Đức) tại hội thảo khoa học Tố Hữu với văn hóa dân tộc sáng 16/10 ở Bộ VH-TT&DL. Để nói với hương hồn bà Thanh rằng “Bằng chứng đây, hội thảo này, quí vị có mặt tại đây vẫn dây vào Tố Hữu, khẳng định Tố Hữu là danh nhân văn hóa, nhiều cống hiến cho văn hóa dân tộc”.
Theo khảo cứu của TS San, trong sự nghiệp của mình Tố Hữu đã dâng hiến cho đời 73 tập thơ. Ông đánh giá Tố Hữu là di sản văn hóa đặc sắc, và trích lời Xuân Diệu gọi Tố Hữu là “nhà thơ toàn thân”. Không như các nhà nghiên cứu khác ưa tìm hiểu thời đỉnh cao của Tố Hữu, trong tham luận của mình ông San lại đi sâu vào di sản giai đoạn 1979 cho đến khi Tố Hữu qua đời với tuyển Thơ Tố Hữu gồm hai tựa đề: Một tiếng đờn (1979 – 1992) và Ta với ta (1993 – 2002). Sau khi phân tích những nét chính của hai tập thơ, TS San khẳng định Tố Hữu là nhà văn hóa lớn của đất nước thế kỷ 20 và như thế, Tố Hữu đã “ăn một quả trả cục vàng”, đã “trả” phần nào những gì ông đã “vay”, hưởng, tiếp nhận cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc.
Tham luận của NSND Phạm Thị Thành tên hơi dài “Hồn thơ mang tính dân tộc rất đặc sắc của Tố Hữu đã hỗ trợ tôi thực hiện thành công nhiều lễ hội lớn cấp quốc gia”. Đồng hương xứ Huế của nhân vật chính, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói vo: “Thế hệ chúng tôi khi làm thơ đều bắt đầu từ việc đọc thơ Tố Hữu. Sự yêu mến Tố Hữu – người thợ cả của nghề thơ – rất tự nhiên trong mỗi chúng tôi”. Theo ông Nguyễn Khoa Điềm, việc người đứng đầu nền văn học cách mạng bị đánh giá lại trong những năm qua là đương nhiên trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội nhiều xung động hiện nay “nhưng tôi rất tin cùng với thời gian, xã hội ngày càng sáng tỏ con đường của mình thì Tố Hữu cũng sẽ được sáng tỏ. Bởi con đường của Tố Hữu là con đường của một tài năng văn học”.
5 năm trước, chẵn 90 năm sinh Tố Hữu, cả trước đó và sau đó, nhiều nhà phê bình có tiếng đã lên tiếng nhận định Tố Hữu theo cách mà họ cho rằng công bằng, khách quan hơn so với quá khứ và so với dòng chủ lưu vốn một chiều. Một nhà phê bình nổi tiếng nhận định “Thơ Tố Hữu có thể có tình giai cấp, tình dân tộc nhưng không có tình nhân loại”. Giáo sư đại học kiêm nhà phê bình văn học nổi tiếng thì thông tin: Ngày nay sinh viên không làm luận văn về Tố Hữu trong khi ông vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chương trình phổ thông và đại học. Sinh viên quanh đi quẩn lại khai thác Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Khải… mà bỏ qua Tố Hữu.
Nhiều giai thoại, tình tiết liên quan cuộc đời và sự nghiệp chính trị, thơ ca của Tố Hữu được mang ra kể, chưa biết thực hư đến đâu song không phải không bất lợi cho nhà thơ nổi tiếng nhất Việt Nam. Ngay trong sự đánh giá Tố Hữu như “một thứ tổng công trình sư đảm nhiệm vai trò thiết kế, một thứ tổng đạo diễn, suốt đời gắn bó với mọi hoạt động của nền văn nghệ”, thì âm hưởng cũng không hẳn ngợi ca.
Hôm nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh – người xem Tố Hữu như người anh, người cha tinh thần, khẳng định: “Tố Hữu trước hết là một nhân cách cộng sản kiên định mẫu mực cao quý. Không chỉ là nhà thơ lớn của nhân dân của cách mạng của dân tộc, ông còn là nhà văn hóa lớn”.
Qua tham luận Thơ Tố Hữu – vũ khí đấu tranh trong nhà tù đế quốc của nhà báo, nhà cách mạng lão thành Đặng Minh Phương, cử tọa còn được nghe một bài thơ của một cựu tù đế quốc (không phải ông Phương), đầy cảm thán, làm trong tù khi được tin Tố Hữu tuyệt thực chết trong nhà lao (!). Ông Phương nói rằng, thơ Tố Hữu đối với chiến sĩ lao tù hồi kháng Pháp như một sức mạnh vật chất cực quí giá, nâng cao chí khí của ông và đồng ngũ. Thời đó ai mà chẳng làu làu những bài thơ và câu thơ như Đừng tiếc nữa can chi mà tiếc mãi/Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Hoặc Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày; Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ…
Chưa trọn?
Trong lời đề dẫn, người của ban tổ chức hay gọi “đồng chí Tố Hữu” mà ít gọi “nhà thơ”. Mở đầu, một cô gái xinh xắn lên ngâm Từ ấy, Bác ơi trong tiếng sáo dìu dặt. Thơ hay, nhạc đẹp mỗi tội thơ tấu lên bị sai bốn lần (cô cầm giấy đọc thơ). Người đẹp ngâm thơ, một diễn viên chèo, về sau có thanh minh rằng cô chỉ ngâm sai một chỗ – câu đầu bài Bác ơi còn thì thể hiện đúng bản thảo ban tổ chức đưa cho. Nghĩa là lỗi sai ba lần không thuộc về cô.
Một tham luận khác đọc lên, phần dẫn thơ Tố Hữu cũng sai hai lần, chưa kể cách viết kiểu học trò (ban tổ chức phi lộ tác giả chuẩn bị làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài). Nói chung, hơi hiếm tham luận mang tính khoa học trong buổi sáng 16/10, hoặc do thời gian ngắn quá chưa kịp cảm nhận đầy đủ. 6 tham luận đã không được vang lên cũng bởi yếu tố thời gian.
Sau khi Hữu Thỉnh kể câu chuyện Tố Hữu từng cư xử ân tình thế nào với gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân và những người dân quê bình thường khác, GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam – đơn vị phối hợp với Hội thơ Đường luật Việt Nam tổ chức cuộc này, chốt hạ: “Nếu đúng Tố Hữu như vậy (lời Hữu Thỉnh kể) thì còn kẻ nào dám xuyên tạc, còn kẻ nào dám phủ định nữa. Con người sống vì dân được dân yêu như thế…”. Ông Chương cũng tỏ hài lòng vì các đại biểu đã chúng khẩu đồng từ đánh giá rất cao về Tố Hữu, không có sự nói ngược nào. Tuy nhiên, chính điều này làm cho không khí của một cuộc được gọi là hội thảo khoa học kém sôi nổi.
GS Vũ Khiêu, hơn Tố Hữu tới 4 tuổi nên sự hoài niệm, hồi ức không tránh khỏi lan man. Một đại diện gia đình, con trai Tố Hữu, xuề xòa thế nào mà nhầm lẫn danh hiệu, học vị của các vị chủ tọa khiến mọi người cười ồ, chưa kể những nhận xét có phần khó hiểu về sự nghiệp của cha mình.
Khán phòng khoảng gần trăm người, hầu hết đứng tuổi. Không khí phẳng lặng thỉnh thoảng lại xôn xao lên một tẹo khi thơ Tố Hữu bị trích dẫn sai (chứng tỏ người thuộc thơ Tố Hữu luôn không hiếm); hoặc chủ tọa Hoàng Chương kêu gọi “chịu khó tập trung, đừng nói chuyện, đừng bỏ ra về, bỏ về là có tội với tiền nhân. Tôi sức khỏe như thế này không bao giờ đau ốm vì tôi thờ các vị tiền nhân hết mình, các vị tiền nhân luôn phù hộ tôi”.
Tố Hữu từng nói thơ ông là tiếng nói đồng tình, đồng ý, đồng chí. Tinh thần hội thảo hôm nay cũng vậy, đều xưng tụng sự nghiệp và nhân cách Tố Hữu ở tầm cao. Mười mấy năm trước, Tố Hữu từng in một tập hồi ký, tiếc rằng trong này không có mấy những tư liệu, nhận định mới so với những gì bạn đọc biết về ông.
Theo Dương Phương Vinh – Tiền phong online